“Từ đạt nhi dĩ” nghĩa là gì?

“Từ đạt nhi dĩ” nghĩa là gì?

TỪ ĐẠT NHI DĨ (辞达而已) là một thuật ngữ lý luận văn học, ý nói văn từ có thể biểu đạt được đúng cái ý là được. Xuất xứ từ sách Luận ngữ thiên Vệ Linh Công: “Tử viết: Từ, đạt nhi dĩ hĩ” (Khổng Tử nói: Văn từ mà đạt là được rồi). Có nghĩa là tránh sự nói quá lên hoặc nói bất cập. Song cần chú ý chữ “đạt” ở đây tuyệt nhiên không có nghĩa là không trau chuốt câu văn, không dùng từ đẹp. Về sau, Tô Thức mở rộng ý ra, nói rằng: “Khổng Tử nói: Ngôn chi bất văn, hành chi bất viễn” (Lời nói mà không văn vẻ thì không truyền đi xa được). Lại nói: “Từ đạt nhi dĩ hĩ” (Văn từ mà đạt là được rồi). Phàm lời nói chỉ cần đạt ý, như vậy không phải là không chú ý đến văn. Muốn có được cái đẹp cái khéo của vật thì như buộc gió bắt bóng, muốn nó thật rõ trong lòng mình thì có lẽ ngàn vạn người chẳng có lấy một ai đạt được, huống hồ lại muốn nó tới nơi miệng, nơi tay. Đó gọi là “từ đạt”. Từ mà đạt thì văn không thể có gì hơn được nữa (“Thư trả lời Tạ Dân Sư”). Như vậy là chỉ ra rằng: đạt không có nghĩa là không có văn, mà đây là một loại biểu đạt rất cao, văn mà không thấy văn nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang