Tự truyện là gì?
Tự truyện là tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác giả tự viết về cuộc đời mình.
Cần phân biệt tự truyện với bản tự thuật về tiểu sử, lí lịch của nhà văn. Tự thuật yêu cầu trình bày một cách súc tích những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời nhà văn, tự truyện lại yêu cầu nhà văn tái hiện đoạn đời đã qua của mình trong tính toàn vẹn, cụ thể – cảm tính, phù hợp với một lí tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định.
Tự thuật là sự thông báo về quá khứ, tự truyện lại là tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ tái sinh. Nhà văn viết tự truyện như được sống lại một lần nữa đoạn đời đã qua của mình. Tự thuật đòi hỏi người viết phải hết sức tôn trọng tính xác thực của các sự kiện, trong tự truyện các sự kiện tiểu sử của nhà văn chỉ đóng vai trò cơ sở của sáng tạo nghệ thuật.
Trong tác phẩm tự truyện, đời tư của nhà văn chỉ là chất liệu hiện thực được tác giả sử dụng với nhiều mục đích nghệ thuật khác nhau.
Các nhà văn lãng mạn ở thế kỷ XVIII sử dụng đời tư của bản thân như chất liệu để nhận thức, khám phá toàn bộ sự đa dạng và phức tạp trong hoạt động tâm lý và đời sống tình cảm của mỗi cá nhân con người. Nhà văn hiện thực thế kỷ XIX lại viết về bản thân để phơi bày các mối quan hệ giữa người và người, quan hệ giữa con người và hoàn cảnh xã hội. Ở thế kỷ XX, nhiều nhà văn thuật lại cuộc đời của chính mình để qua đó phản ánh số phận của dân tộc, cộng đồng và thời đại.
Như vậy, tự truyện có thể bao quát hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự và sử thi.
Về cơ bản, tự truyện rất gần gũi với tiểu thuyết (nhất là tiểu thuyết thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX) có nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít.