»» Nội dung bài viết:
Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao và Thạch Lam qua hai truyện ngắn “Đời thừa” và “Hai đứa trẻ”.
- Mở bài:
– Cảm hứng nhân đạo cùng với cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nền văn học Việt Nam. Về cơ bản có những biểu hiện chung song ở mỗi thời kì, giai đoạn, do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do ý thức hệ t¬ư tưởng của các nhà văn khác nhau nên có những biểu hiện riêng. Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Đời thừa của Nam Cao là những tác phẩm điển hình thể hiện cảm hứng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
- Thân bài:
1. Giải thích:
– Nhân đạo là đạo lí hướng tới con người, vì con người, là tình yêu thương giữa người với người.
– Nhà văn chân chính là những nhà nhân đạo chủ nghĩa, phất cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng con người và bênh vực quyền sống cho con người.
– Trong tác phẩm văn học, tư tưởng nhân đạo là tình cảm, thái độ của chủ thể nhà văn đối với cuộc sống con người được miêu tả trong tác phẩm thể hiện cụ thể ở lòng xót thương những con người bất hạnh; phê phán những thế lực hung ác áp bức, chà đạp con người; trân trọng những phẩm chất và khát vọng tốt đẹp của con người, đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người… Đồng thời, tư tưởng nhân đạo được thể hiện qua các hình tượng nghệ thuật, qua cảm hứng, cảm xúc, giọng điệu…
2. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Thạch Lam và Nam Cao qua “Hai đứa trẻ” và “Đời thừa”.
a. Sự gặp gỡ:
– Thạch Lam và Nam Cao đều thể hiện thái độ đồng cảm, xót thương với những số phận bất hạnh trong xã hội cũ trước năm 1945.
+ Hai đứa trẻ: Qua khung cảnh phố huyện nghèo đói, lụi tàn, Thạch Lam muốn bày tỏ niềm xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé vô danh, không bao giờ biết đến ánh sáng hạnh phúc. Họ phải sống cuộc đời tẻ nhạt, vô nghĩa, đời sống cạn kiệt, mỏi mòn về cả vật chất và tinh thần.
+ Đời thừa: Qua số phận nhân vật văn sĩ Hộ, một con người có khát vọng, có ước mơ hoài bão cao đẹp. Con người coi tình thương là lẽ sống, nhưng vì gánh nặng cơm áo mà phải chịu tấn bi kịch đời thừa, vi phạm lẽ sống tình thương. Nam cao bày tỏ niềm xót thương với người trí thức tiểu tư sản.
– Hai tác phẩm gián tiếp tố cáo, lên án xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy con người vào cuộc sống khốn cùng.
+ Hai đứa trẻ: Gián tiếp tố cáo, lên án xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy con người vào cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa nơi phố huyện , miền đất bị lãng quên trong đói nghèo tăm tối.
+ Đời thừa: Gián tiếp tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đày đoạ con người trong sự nghèo đói, vùi dập những ước mơ làm chết mòn đời sống tinh thần, lẽ sống, nhân cách cao đẹp của con người.
– Cả hai nhà văn đều trân trọng tình người, đồng cảm với những ¬ước mơ, nguyện vọng chính đáng, ý thức cuộc sống hạnh phúc cá nhân của con người.
+ Hai đứa trẻ: Thạch Lam muốn đánh thức, lay tỉnh những tâm hồn đang uể oải, lụi tàn ngọn lửa của lòng khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khao khát được thoát ra khỏi cuộc sống tăm tối, tù đọng, mòn mỏi đang muốn chôn vùi họ.
+ Đời thừa: Nam Cao thức tỉnh sâu sắc ý thức cá nhân về sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trên đời. Viết Đời thừa, Nam Cao đã đồng tình với khát vọng được cống hiến được sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính. Qua tấn bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ, Nam Cao thể hiện khát vọng của con người vươn tới một cuộc sống có ích, có ý nghĩa, được phát huy cao độ khả năng tiềm tàng chứa đựng trong mỗi con người.
– Cùng yêu thương con người, trân trọng con người nhưng cả Thạch Lam và Nam Cao đều chưa chỉ ra con đường để nhân vật của mình đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui của cuộc đời mới. Họ nhìn đời, nhìn người bằng con mắt tình thương nhưng chưa gắn với tinh thần đấu tranh cách mạng.
+ Hai đứa trẻ: Kết thúc với chi tiết phố huyện lại chìm trong sự tĩnh mịch và đầy bóng tối.
+ Đời thừa: Kết thúc bằng lời ru ai oán của Từ.
* Nguyên nhân của sự gặp gỡ:
– Do hoàn cảnh lịch sử xã hội: Nam cao và Thạch Lam sống và sáng tác trong môi trường xã hội thực dân nửa phong kiến thiếu sinh khí, ngột ngạt và tăm tối về tinh thần.
– Do ảnh hưởng của ý thức hệ tư tưởng phương Tây, đề cao cái tôi cá nhân của con người.
– Thạch Lam và Nam Cao đều là các nhà văn chân chính, đều là những “nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Sê-khốp).
b. Những khám phá riêng:
– Hai nhà văn thể hiện thái độ đồng cảm, xót thương với những số phận bất hạnh trong những hoàn cảnh khác nhau.
+ Hai đứa trẻ: Thạch Lam sống gắn bó và nặng lòng với tầng lớp thị dân nghèo, những kiếp người nhỏ bé sống quẩn quanh. Nên ông viết về họ với một niềm chân tâm, chân cảm, thấu hiểu tột cùng với muôn nỗi khốn khó trong cuộc sống của họ.
+ Đời thừa: Nam Cao viết về người tri thức tiểu tư sản trong trạng thái căng nọc mình trên trang giấy, nên mỗi trang văn của ông đã khơi dậy những bi kịch tinh thần thầm kín, day dứt của người trí thức tiểu tư sản hay cũng chính là những day dứt của nhà văn.
– Hai nhà văn đã khám phá những sắc thái, cung bậc khác nhau trong nỗi đau tinh thần của con người:
+ Hai đứa trẻ: Trước đây văn học chú ý đến cái đói vật chất (như nỗi đau dân nô, thời thế…) giờ văn học của ý thức cá nhân mới chạm đến được cái buồn chán cá nhân, tới nỗi đau riêng của mỗi người. Cái nghèo là cái đói vật chất, cái buồn chán là cái đói tinh thần, âm ỉ hơn, tê tái hơn. Nỗi đau tinh thần của con người nơi phố huyện được Thạch Lam miêu tả trong một sắc thái nhẹ nhàng nhưng gieo vào lòng người đọc rất nhiều bận bịu.
+ Đời thừa: Nam Cao cũng miêu tả cái nghèo đói về vật chất và tinh thần nhưng cả cuộc đời Hộ đau nỗi đau triền miên dai dẳng, âm ỉ và dày vò. Nó tàn phá cuộc sống của Hộ khiến cuộc sống của anh mòn mục, rỉ ra trong kiếp đời thừa.
– Thái độ thấu hiểu, tin yêu vào con người khác nhau.
+ Hai đứa trẻ: Ngòi bút của Thạch Lam tin yêu vào con người nên trong tác phẩm của ông, dù nhân vật phải sống cuộc sống mòn mỏi, tù túng thì nhà văn vẫn dẫn dắt nhân vật hướng về phía ánh sáng của sự sống. Vì thế, Hai đứa trẻ mang âm hưởng lãng mạn bay bổng.
+ Đời thừa: Trong khi miêu tả con người bị đẩy vào tình trạng có những hành động tàn nhẫn, nằm bên bờ vực của sự tha hoá, Nam Cao vẫn dứt khoát không chấp nhận cái ác, vẫn kiên định giữ vững nguyên tắc tình thương của mình, quyết không bỏ lòng thương. Nam Cao đặt niềm tin sâu sắc vào con người. Những giọt nước mắt đầy xót thương chảy dài cuối tác phẩm đã cho ta thấy điều đó.
– Nghệ thuật thể hiện khác nhau.
+ Hai đứa trẻ: Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện, mỗi truyện như một bài thơ. Trong “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam chú trọng đi sâu vào nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ mong manh. Thạch Lam đã sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản. Thạch Lam có một phong cách, một giọng điệu rất riêng. Đó là lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình thấm đượm chất thơ. Người đọc thấy ẩn hiện, kín đáo, lặng lẽ sau những hình ảnh, những dòng chữ, một tâm hồn Thạch Lam đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của tạo vật và lòng người.
+ Đời thừa: Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao được truyền tải tới người đọc qua thể loại truyên ngắn mang tính luận đề. Nam Cao đã khéo léo tạo tình huống đầy kịch tính để đẩy xung đột nội tâm nhân vật đến đỉnh điểm. Cách xây dựng truyện rất tự nhiên, dung dị nhưng vẫn gây được ấn tượng sâu đậm và tạo được hiệu quả nghệ thuật cao. Cách dẫn chuyện linh hoạt, phóng túng mà vẫn nhất quán chặt chẽ. Nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lý đạt đến bậc thầy. Giọng văn lạnh lùng đôi khi tàn nhẫn nhưng ẩn chứa trong đó tinh thần nhân đạo thống thiết.
* Nguyên nhân của nét khác biệt:
– Bản chất của văn chương là sáng tạo.
– Mỗi nhà văn cá tính riêng, phong cách riêng. Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc còn Thạch Lam là cây bút tiêu biểu cho Tự lực văn đoàn.
3. Đánh giá:
– Vừa kế thừa tư tưởng nhân đạo truyền thống, mặt khác lại có thêm những nét sâu sắc, mới mẻ, Thạch Lam và Nam Cao xứng đáng là những nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Họ đã làm phong phú thêm chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam.
– Bài học cho sáng tạo nghệ thuật: Có được một giọng điệu riêng, phong cách độc đáo là hết sức khó, nhưng đó là điều kiện và yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật. Muốn có được điều đó cần tạo ra được cách cảm và đặc biệt cách thể hiện khác nhau. Tuy nhiên cái gốc của nhà văn vẫn là tấm lòng “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” vì thế trên hết nhà văn phải viết vì cuộc đời, vì con người, tức là phải là nhà văn nhân đạo chủ nghĩa