“Tư vô tà” nghĩa là gì?
TƯ VÔ TÀ (思无邪) là một thuật ngữ lý luận thơ ca, có nghĩa là không suy nghĩ đến những điều xằng bậy, sai trái. Trong thơ văn, tình cảm chí hướng mà thơ văn biểu đạt ra phù hợp với quy phạm đạo đức lễ nghĩa truyền thống.
Thuật ngữ này xuất phát từ sách “Luận ngữ”, thiên “Vi chính”: “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi: Tư vô tà” (Ba trăm bài thơ, một lời có thể bao quát tất cả, đó là “suy nghĩ không xằng bậy”). Câu này vốn chuyên trỏ “Kinh Thi” nội dung không nghiêng lệch sai trái. Về sau, các nhà Nho đời Hán, các nhà lý học đời Tống, vì để duy trì quy phạm lễ nghĩa đạo đức chính thống phong kiến nên đã nhấn mạnh nhiều vào hai chữ “vô tà” với ý nghĩa chính trị, và còn nêu lên yêu cầu như “phát hồ tình, chỉ hồ lễ nghĩa” (Thi đại tự) (xuất phát từ tình cảm nhưng phải dừng lại đúng với lễ nghĩa). Họ đã khoác cho sáng tác văn học một cái gông lễ giáo phong kiến, khiến giá trị lý luận của nó bị hạn chế đi nhiều.