Từ ý nghĩa bài ca dao: “Làm trai cho đáng nên trai” và bài thơ “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ, hãy trình bày quan niệm của em về “chí làm trai” trong thời đại hiện nay
- Mở bài
Trong thời kì phong kiến, thanh niên đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội, đất nước. Ca dao có câu: “Làm trai cho đáng thân trai…” nêu cao trách nhiệm bảo vệ sự yên bình của đời sống. Nguyễn Công trứ cũng có “Chí làm trai” lẫy lừng. Ngày nay, đất nước đã yên bình, xã hội không ngừng phát triển, vai trò và vị thế của người thanh niên cũng được nâng cao. Thanh niên không những giữ gìn và bảo vệ tổ quốc mà còn là động lực chủ chốt thực hiện nhiệm vụ phát triển xã hội.
- Thân bài:
Sự sống đang không ngừng vỗ nhịp vào từng cuộc đời. Đôi khi nó lăn tăn, âu yếm; đôi khi nó cuồn cuộn muốn nghiền nát tất cả. Chính những lúc ấy khi mà cuộc sống trở nên không chịu được nữa; khi mà phong ba bão táp điên cuồng kiêu hãnh với tất cả, cũng chính là khi người ta cần một sức mạnh tột đỉnh, một ý thức chịu đựng cao. Đối với chúng ta quãng đời mà ta đã tô lên nó màu xanh ước mơ và màu đỏ khát vọng, quãng đời ta vùng lên mãnh liệt nhất để chống chọi với bão táp đó chính là những chuỗi ngày của tuổi thanh xuân. Và nhất là đối với nam nhi, lớp người có thể làm nên “mùa xuân của dân tộc” thì sự hy sinh của họ mới là một ý chí anh hùng tuyệt vời:
Làm trai, cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên
Bắt nguồn từ câu ca dao của dân tộc, sau này Nguyễn Công Trứ cũng đã từng quan niệm một cách khá phóng khoáng trong bài Chí anh hùng của người nam nhi?
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
………………………..
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi ruợu bầu.
(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ)
Giờ đây không phải lúc chúng ta ngồi bên nhau để biết dăm ba câu về nội dung và quan niệm đối với ý chí của thanh niên. Nhưng rõ ràng không ai phủ nhận rằng làm nên “mùa xuân” trên đất nước này, muốn vực dậy cả một thê hệ thanh niên đã im lìm sau mười mấy năm giải phóng thì việc đầu tiên là phải xác định lại vị trí của người thanh niên, làm sáng tỏ giá trị của quãng đời tuổi trẻ mà ai cũng từng trải qua.
Trước hết, chí anh hùng của tuổi trẻ trong hai câu ca dao đã được khẳng định rõ ràng. Làm trai cho đáng thân trai, nghĩa là phải biết và phải hiểu đúng đắn sức mạnh của giới tính. Tuổi trẻ ở đâu thì ở đó phải được yên ổn. Đây là một quan niệm đúng đắn và sâu sắc. Không nói đến ý thức hệ của giai đoạn phát sinh câu ca dao, ta thấy cái nhìn của người xưa mang tính xã hội cao.
Rõ ràng người thanh niên bao giờ cũng là một trụ cột từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Một cụ già, một chị phụ nữ yếu ớt không thể đứng mãi chịu sào như một người thanh niên. Như vậy từ thực tiễn đi đến nhận xét, tổng kết ngắn gọn ông bà ta đã khẳng định phần nào tầm vóc giá trị của người con trai, đồng thời nêu lên được một quan niệm rõ rệt về chí anh hùng của người quân tử.
Nhưng phải đến Nguyễn Công Trứ quan niệm ấy mới được và mang ít nhiều sắc thái quan niệm nho học: “Nợ ang hùng vay trả trả vay”. Nguyễn Công Trứ đã biến cái nhìn bao quát của người xưa thành một ý thức về chí anh hùng của người quân tử. Đối với ông người con trai phải tung hoành ngang dọc, nghĩa là mở rộng lên cả vũ trụ, bao trùm lên hết cuộc sống.
Người con trai phải biết xoay đất chuyển trời, vẫy vùng nam bắc đông tây đem hết sức lực đế cải tạo và xây dựng cuộc sống. Cởi bỏ những quan niệm khắt khe của nho học, ngoại trừ khá năng riêng của giới tính, thì ý thức về nhiệm vụ của người thanh niên trong mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ thật tuyệt vời. Chưa bao giờ hình ảnh người thanh niên được nhân lên tầm cao đối với thời đại đẹp đẽ đến thế! Anh thanh niên lúc này không thế “Chết già ở xó cửa” được. Thanh niên chỉ có một con đường đó là dùng sức lực và trí tuệ cải tạo cuộc sống.
Từ thực tế ta có thể thấy lời của nhà thơ là đúng đắn. Ngoài cuộc đời Nguyễn Công Trứ cũng là nhân tố tích cực trong những năm tuổi trẻ. Ông làm quan vào năm đã trên bốn mươi tuổi, nhưng cả cuộc đời ông đã hiến dâng trọn vẹn sức lực và trái tim của mình cho công cuộc xây dựng đất nước.
Nhưng không phải chỉ có cuộc sống bên ngoài chấp nhận quan niệm ấy mà cả tấm gương văn học cũng công nhận. Cái gì đã làm ta yêu mến Pa- ven? Bởi tầm vóc tư tưởng lớn lao ư? Hay chính bởi một ngọn lửa tuổi trẻ luôn luôn cháy bỏng: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi ân hận những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hố thẹn vì dĩ vãng ti tiện đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Quan niệm về cuộc sống và ý thức vươn lên đấu tranh với những giông tố của cuộc đời, theo nhà văn Ôx-tơ-rốp-xki có gì khác với cái thú vẫy vùng ngang dọc của Nguyễn Công Trứ? Ở một khía cạnh nào đó hai tư tưởng này vẫn gặp nhau. Sự gặp nhau trong tư tưởng của họ là điều chúng ta cần suy nghĩ.
Trở lại với câu ca dao từ ngàn xưa đế đi đến cái nhìn của Nguyễn Công Trứ, ta có thể khẳng định yếu tố đúng đắn trong những câu thơ ấy, hay đúng hơn là những quan niệm ấy. Tất nhiên, ta phải loại trừ khả năng hơi lệch về con trai trong quan điểm nho học vì ta đang nói đến chí anh hùng của tuổi trẻ biểu hiện trong ý thơ.
Quăng mình vào biển mênh mông của thực tại, mỗi chúng ta có thể bất giác giật mình. Đã lâu lắm rồi, ta chẳng còn thấy sự bùng lên mạnh mẽ trong bầu nhiệt huyết của thanh niên nữa. Hình ảnh những cô gái chàng trai bên đèo mây, trèn tầng núi đá không còn là sự thường xuyên nữa. Mà cuộc sống bao giờ cũng là sự đi lên phía trước, ở thời đại hôm nay, chí anh hùng của người thanh niên thật ra không mang trọn vẹn những quan niệm mà chúng ta vừa nói đến.
Nhưng chí anh hùng của tuổi trẻ hôm nay vẫn xuất phát từ tinh thần ấy. Tất nhiên giặc ngoại xâm không còn để ta có thể dẹp yên hay phỉ sức anh hùng bốn bể, nhưng sự trì trệ lạc hậu còn nguy hiểm hơn nhiều. Người thanh niên hôm nay anh hùng, đó không phải là cầm cây súng để bảo vệ Tổ quốc mà còn là sự dũng cảm chiến đâu với tiêu cực trong cuộc sống của chính mình. Vì có sẵn sàng chiến đấu với những sai trái mới xác định được vị trí của mình trong cuộc sống mới biết mình là ai?
Nhất là những khoảng khắc thời gian nóng bỏng lúc này, khi con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội còn nhọc nhằn chông gai thì chí anh hùng của người con trai mới thật sự quan trọng. Người thanh niên mới giờ đây phải xông pha để điều chỉnh cán cân công lý và bảo vệ công bằng của xã hội. Cũng như Phan Bội Châu từng khuyên: “Ghé vai vào gánh vác cựu giang sơn”. Cái “ghé vai” của người thanh niên phải thế hiện đầy đủ ý thức phục vụ và trách nhiệm của mình. Đó không phải là cái ghé vai thường tình mà mang sức nặng của cuộc sống, phải làm cho người thanh niên ấy đổ mồ hôi sôi trái tim và bần bật một tình yêu quê hương mãnh liệt. Có như thế người thanh niên mới thực sự là một “đấng anh hùng”. Và có như thế lớp trẻ ngày nay mới đuổi kịp đàn anh đi trước – lớp người một thời vẻ vang trong khói lửa chiến đâu.
- Kết bài
Đi từ quan niệm của người xưa về người con trai “làm trai cho đáng thân trai”, đến quan niệm của Nguyễn Công Trứ về chí anh hùng của người quân tử, ta có thể có một khái niệm về ý chí và sức mạnh của người con trai nói riêng, của tuổi trẻ nói chung. Với khái niệm ấy ta có thể hình thành một quan niệm đúng đắn về chí anh hùng của tuổi trẻ hôm nay. Một ngày chúng ta còn cất tiếng hát: “Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” thì chúng ta còn phải chiến đâu, bằng tất cả sức lực tuổi thanh xuân bằng trí tuệ của những con người đến độ tung hoành để xứng đáng với tấm áo choàng rực rỡ Hồ Chí Minh mà thanh niên đang mang; để đừng bao giờ hổ thẹn rằng: ta đã để tuổi trẻ đi qua một cách vô ích.
Xem thêm: