Văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc
Trong cơ cấu đời sống xã hội, văn chương có vị trí như thế nào? Cái gì đã quyết định chiều hướng phát sinh và phát triển của nó? Từ lâu, người ta đã có những kiến giải khác nhau về vấn đề này. Có người tìm nguyên nhân ở thượng đế, có người tìm trong “kết cấu chủ quan của trí tuệ” người sáng tác, có người tìm ngay trong bản thân văn chương.
Chủ nghĩa Mác không giải thích văn chương bằng thượng đế, đã đành, mà cũng không giải thích nó bằng chính nó. Xem văn chương là một hiện tượng xã hội, chủ nghĩa Mác xuất phát từ những mối liên hệ thực tế giữa nó với toàn bộ các hiện tượng xã hội để giải thích văn chương: văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, nảy sinh từ cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định, đồng thời, có tác dụng năng động với cơ sở hạ tầng.
Xem văn chương là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc và lí giải nó trong mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, lần đầu tiên trong lịch sử mĩ học nhân loại, mĩ học Mác – Lênin đã đem đến cho nhân loại một kiến giải duy nhất đúng đắn về bản chất của văn chương nghệ thuật. Và cũng chính nhờ quan niệm đúng đắn và khoa học đó, mĩ học Mác – Lênin đã có khả năng thâm nhập sâu vảo bản chất, quy luật, đặc trưng của văn chương nghệ thuật.
1. Văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng.
Chủ nghĩa Mác – Lênin chia cơ cấu đời sống xã hội thành 2 bộ phận. Toàn bộ kết cấu kinh tế của xã hội là cơ sở hạ tầng. Tất cả những hiện tượng xã hội hình thành và phát triển trên cơ sở kinh tế bao gồm những tư tưởng xã hội và những thiết chế tương ứng với những tư tưởng ấy là kiến trúc thượng tầng.
Mác viết: “Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cơ sở thực tại, trên đó dựng lên một kiến thức thượng tầng pháp lí và chính trị, và tương ứng với những cơ sở thực tại đó thì có những hình thái ý thức xã hội nhất định.
Những tư tưởng xã hội và những thiết chế tương ứng thuộc thượng tầng kiến trúc bao gồm: những tư tưởng chính trị, pháp luật, đạo đức, khoa học, triết học, tôn giáo, nghệ thuật (trong đó có văn chương)… và các thiết chế tương ứng: Nhà nước, chính đảng, giáo hội, các tổ chức văn hóa…
Như thế văn chương nghệ thuật là một hình thức ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc.
2. Tương quan giữa cơ sở hạ tầng với văn nghệ.
– Cơ sở kinh tế quyết định văn nghệ:
Tương quan giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng là tương quan giữa ý thức và tồn tại. Marx và Engels viết: “Không phải ý thức con người quyết định tồn tại của con người; ngược lại, chính tồn tại xã hội của con người quyết định ý thức của con người”.
Kiến trúc thượng tầng của xã hội do quan hệ kinh tế tức là cơ sở hạ tầng hạ tầng sinh ra và bị cơ sở hạ tầng quyết định. Cơ sở kinh tế nào sẽ có kiến trúc thượng tầng ấy. Khi cơ sở hạ tầng có sự biến đổi căn bản thì kéo theo sự biến đổi cơ bản trong kiến trúc thượng tầng.
Mác chỉ rõ: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì tất cả cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ ấy cũng đảo lộn ít nhiều nhanh chóng.
Là một hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc, như bất kỳ một hình thái ý thức xã hội nào khác, văn chương do cơ sở kinh tế sinh ra, bị cơ sở hạ tầng quyết định. Do đó, đi tìm hiểu văn chương không phải tìm ở thượng đế, cũng không phải tìm ngay trong bản thân nó, mà trước hết là tìm ngay ở cái đã sinh ra nó, đã quyết định nó. “Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, cho nên cần phải tìm nguyên nhân đầu tiên – tạo nên tất cả sự biến đổi của nghệ thuật – trong tồn tại của con người, trong cơ sở kinh tế của xã hội” (Mác).
Trên bình diện tổng quát, ta thấy, cơ sở kinh tế quyết định sự nảy sinh và phát triển của văn chương. Cơ sở kinh tế là nền tảng của xã hội, nó quyết định nội dung và tính chất của xã hội, vì thế, nó quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng do nó tạo nên, trong đó có văn chương. Như thế, cơ sở kinh tế quyết định nội dung và tính chất của nền văn chương xã hội. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã quyết định nội dung và tính chất của nền văn chương xã hội chủ nghĩa. Ðó là nền văn chương có nội dung xã hội chủ nghĩa tức là cuộc sống mới, con người mới; có tính dân tộc đậm đà tính Ðảng và tính nhân dân sâu sắc.
Nhân tố kinh tế là nhân tố khách quan quyết định tiền đề lịch sử về vật chất cũng như về tinh thần của đời sống xã hội trong đó có văn chương. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với đại sản xuất công nghiệp đã tạo ra một “giai cấp công nhân”, là người làm chủ lịch sử trong thời đại mới, thời đại xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Vậy là, chính nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã vô tình tạo ra yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa của văn chương xã hội chủ nghĩa nảy sinh từ trong giai cấp công nhân.
Cơ sở kinh tế quyết định bản chất của các cuộc đấu tranh giai cấp trong đó có văn chương tham gia. Nền kinh tế Việt Nam thời Nguyễn Du vẫn là nền kinh tế phong kiến tự túc, tự cấp, mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ sản xuất là mâu thuẫn giữa nông dân và các tập đoàn phong kiến.
Trong thời kỳ này, yếu tố kinh tế hàng hóa đã xuất hiện, vai trò đồng biến đã có tác dụng mạnh. Ðồng tiền, với sự tác oai, tái quái của nó đã bắt đầu bị lên án: “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Nhưng hiện tượng trong Truyện Kiều vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của cuộc sống xã hội phong kiến, với chế độ người bóc lột người theo kiểu phong kiến. Vì vậy, tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp trong Truyện Kiều là tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là các tập đoàn phong kiến và một bên là những người bất hạnh, quyền sống bị chà đạp.
Cơ sở kinh tế quyết định trình độ tư duy, quyết định tính chất của thế giới quan, quyết định mọi phong tục, tập quán… Cơ sở kinh tế cũng tạo điều kiện khách quan cho sự nảy nở các tài năng, tạo điều kiện cho sự tiếp thu các tư tưởng, kinh tế còn quyết định tính chất lịch sử và xã hội và do đó quyết định tính chất lịch sử và xã hội của văn chương.
– Kinh tế là nguyên nhân quyết định suy tới cùng.
Qua trên, ta thấy kinh tế quyết định mọi phương diện của văn chương nghệ thuật. Vì vậy, khi tìm hiểu nội dung và tính chất của bất kỳ một nền văn chương nào cũng phải chú ý đến cơ sở kinh tế đã sản
sinh ra nó. Nhưng lại sẽ phạm sai lầm nếu quá say mê về thống kê kinh tế để cố tìm một sợi dây liên hệ trực tiếp giữa các hiện tượng kinh tế và hiện tượng nghệ thuật. Ở Liên Xô, trước đây, đã có thời kỳ sách giáo khoa văn chương xác định một mối quan hệ nhân quả giữa những con số xuất cảng và nhập cảng lúa mì ở Nga đầu thế kỷ XIX với thơ ca Puskin. Ðây là biểu hiện một cách hiểu dung tục quan điểm chủ nghĩa Mác – nghĩ là nghệ thuật lệ thuộc một cách trực tiếp, máy móc vào các hiện tượng kinh tế. Vì sao vậy? Ðiều này có gì mâu thuẫn với những luận điểm đã nêu trên không? Thực ra, cơ sở kinh tế chỉ quyết định một cách gián tiếp đối với văn chương nghệ thuật, bản thân nó không trực tiếp đẻ ra một giá trị văn chương nào.
Về vấn đề này, chủ nghĩa Mác – Lênin đã vạch ra một cách rõ ràng về các mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp của các loại hình thái ý thức xã hội với cơ sở kinh tế. Trong các hình thái ý thức xã hội, có loại liên hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng như tư tưởng chính trị, Nhà nước, pháp quyền … loại này cơ sở kinh tế trực tiếp sản sinh ra nó và khi cơ sở kinh tế thay đổi thì lập tức chúng thay đổi theo. Lại có loại hình thái ý thức liên hệ gián tiếp với cơ sở kinh tế, cách xa cơ sở kinh tế, bị cơ sở kinh tế quyết định gián tiếp như: triết học, khoa học, tôn giáo, văn chương nghệ thuật. Ăngghen đã vạch rõ “văn chương một hình thái ý thức xã hội cách xa cơ sở kinh tế” là “lĩnh vực ý thức bay cao hơn hết trong không trung” và Người giải thích: “Ở đây cơ sở kinh tế không sáng tạo ra một cái gì mới cả, nó chỉ quy định phương hướng cải biền phát triển thêm của các tài liệu thực tế hiện có, nhưng cả đến điều này cũng chỉ là tác động một cách gián tiếp.
Như thế, kinh tế không trực tiếp sáng tạo ra một cái gì mới cho nghệ thuật cả, nó chỉ là cơ sở để mở đường cho cái mới hình thành và phát triển. Giữa cơ sở kinh tế và văn chương là toàn bộ đời sống xã hội (vật chất và tinh thần) với tất cả những quan hệ nhân sinh vô cùng phức tạp và thiên hình vạn trạng, với tất cả những lĩnh vực khác nhau, tác động lẫn nhau. Văn chương chính là sản phẩm của toàn bộ đời sống xã hội. Bác Hồ đã khẳng định Xã hội nào, văn nghệ ấy. Ðiều đó thật là chí lí. Văn nghệ ra đời và phát triển trong những điều kiện vật chất và tinh thần nhất định. Nó là con đẻ của một hình thái xã hội, một hình thái kinh tế xã hội tức lá chế độ kinh tế và toàn bộ kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó.
Cho nên, cơ sở kinh tế không phải là nhân tố duy nhất quyết định đối với văn chương. Chúng ta không được vì xem trọng nhân tố kinh tế mà bỏ qua các nhân tố khác rất quan trọng như đấu tranh giai cấp, truyền thống văn hóa … ảnh hưởng trực tiếp tới văn chương. Nhân tố kinh tế chỉ là nhân tố quyết định xét đến cùng. Ăngghen đã nhấn mạnh: “Theo quan niệm duy vật lịch sử, thì trong lịch sử, nhân tố quyết định cuối cùng là sức sản xuất và tái sản xuất đời sống kinh tế. Cả Mác và tôi, chúng tôi không khẳng định điều gì hơn cả. Nhưng nếu người nào muốn xuyên tác lời nói đó đến nỗi bảo rằng câu ấy có ý nói nhân tố kinh tế duy nhất quyết định , thì người đó biến câu ấy thành một câu trống rỗng, trừu tượng, phi lí.”
Chính và vậy mà “Sự phồn vinh của nghệ thuật” thì không nhất thiết lúc nào cũng tương ứng với sự phồn vinh của cơ sở kinh tế.
- Quy luật về sự phát triển không đều giữa văn nghệ với kinh tế
Tuy là không trực tiếp, nhưng kinh tế là nguyên nhân quyết định tới văn chương. Vậy, có thể lập được chăng một biểu đồ về sự tương ứng song song giữa sự phát triển kinh tế và phát triển văn chương? Phải chăng một xã hội có cơ sở kinh tế phát triển cao thì đương nhiên sản sinh ngay ra một nền văn chương có chất lượng cao, và ngược lại? Thực sự thì, giữa cơ sở kinh tế và văn chương nghệ thuật, phải lúc nào cùng có sự phát triển tương ứng. Trái lại, trong lịch sử, thường có sự không ăn khớp giữa sự phát triển của văn chương nghệ thuật của thời đại với sự phát triển của cơ sở hạ tầng – tức chế độ kinh tế. Khi nghiên cứu nghệ thuật của quá khứ, Mác đã chỉ ra: “Ðối với nghệ thuật thì có những thời kỳ phồn vinh lại tuyệt nhiên không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, và do đó, cũng tuyệt nhiên không tương ứng với cơ sở vật chất tức là xương cốt của tổ chức xã hội, nếu có thể nói được như thế. Vì, người Hy Lạp so với người thời nay hay như Shakespeare chẳng hạn.”
Về phương diện kinh tế thì thời Hy Lạp cổ đại thấp kém thời kỳ tư bản chủ nghĩa và thời kỳ kinh tế tư bản chủ nghĩa thế kỷ XVI cũng thấp kém hơn thời kỳ phát triển cao của chủ nghĩa tư bản về sau này. Nhưng tình hình này không nhất thiết dẫn tới chỗ văn chương nghệ thuật thời Home và Shakespeare phải thấp kém hơn thời chủ nghĩa tư bản phát triển. Sự thực thì ngược lại, chẳng hạn, những tác phẩm của Home ra đời trong điều kiện kinh tế thấp kém nhưng vẫn là những tác phẩm “mẫu mực” của nghệ thuật của lịch sử văn hóa nhân loại. Chính Mác đã khẳng định điều này: ” … nghệ thuật Hy Lạp, thể anh hùng ca, vẫn cho ta một sự thỏa mãn về thẩm mĩ, và về một phương diện nào đó, chúng vẫn còn được dùng làm tiêu chuẩn, làm cái mẫu mực mà chúng ta chưa đạt tới.”
Sự phát triển không tương ứng của nghệ thuật đối với kinh tế đã được xem như là một trong những quy luật cơ bản của sự phát triển văn nghệ. Chúng ta giải thích thế nào về quy luật này.
Trước hết, đứng về phía kinh tế mà xét thì, văn chương là một hình thái ý thức xã hội cách xa cơ sở kinh tế, do đó cơ sở kinh tế quyết định một cách gián tiếp. Cơ sở kinh tế không trực tiếp sản sinh ra một giá trị văn chương nào. Về phía văn chương, là một hình thái ý thức xã hội, nó có tính chủ thể, tính độc lập tương đối có quy luật phát sinh và phát triển riêng. Ý thức xã hội có thể lạc hậu so với tồn tại xã hội, và trong những điều kiện nào đó có thể vượt lên trước tồn tại xã hội. (đặc biệt là trong khoa học – sự phát hiện những quy luật khách quan của sự phát triển của sự vật). Văn chương nghệ thuật có thể đi sau hoặc đi trước ít nhiều so với cơ sở kinh tế. Văn chương có thể dự báo một thời đại mới sắp ra đời. Ví dụ hiện tượng Gorky (Bài ca con chim ưng, Bài ca con chim báo bão) chẳng hạn.
Mặt khác, ý thức xã hội có quy luật kế thừa và phát triển. Ý thức xã hội tuy là phản ánh tồn tại xã hội nhưng nó vẫn có giá trị tư thân… Nó kế thừa mạnh mẽ những giá trị tinh thần của thời đại trước, tiếp thu tinh hoa tinh thần của mọi dân tộc.
Lại nữa, giữa các hình thái ý thức xã hội bao giờ cũng có sự tác động lẫn nhau, trong khi kinh tế là yếu tố quyết định gián tiếp tới văn chương thì văn chương lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của hàng loạt yếu tố khác như chính trị, triết học, đạo đức, khoa học, nghệ thuật …
Văn chương nghệ thuật chịu ảnh hưởng trực tiếp và dữ dội nhất của chính trị và đấu tranh giai cấp. Có thể khẳng định rằng đấu tranh giai cấp là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định to lớn và quan trọng đối với văn chương nghệ thuật. Trong xã hội có giai cấp và nảy sinh đấu tranh giai cấp, nội dung chủ yếu của tời đại được biểu hiện trong đấu tranh giai cấp. Văn chương, sản phẩm của thời đại, dĩ nhiên mang trong mình nó nội dung giai cấp đó của thời đại. Ðây cũng là một lí do quan trọng để giải thích vì sao để nghiên cứ văn chương đạt kết quả tốt người ta cần thiết phải phân tích mối tương quan giai cấp trong xã hội ở thời kỳ văn chương đó ra đời. Nền văn chương Việt Nam đạt được thành tựu xuất sắc lại rơi vào thế kỷ XVIII đầu XIX lúc kinh tế suy bại. Lôgic của vấn đề là ở chỗ xã hội có thối nát, kinh tế suy vong dẫn đến đấu tranh giai cấp bùng lên. Thế kỷ XVIII – Nửa đầu XIX là thời kỳ bão táp của dân tộc. Cuộc đấu tranh giai cấp biến động dữ dội – một bên là sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi – và một bên là sự vùng dậy mạnh mẽ không thể gì dập tắt của phong trào quần chúng mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn. Chính bão táp đó của cuộc sống đã dội vào nghệ thuật, tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới tư tưởng , tình cảm của người sáng tác để rồi có những kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn phái…
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là bản chất tự do sáng tạo của nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ là hành động nhận thức, phản ánh đơn thuần mà là một hoạt động có tính chất thực tiễn vật chất, hoạt động sáng tạo. Mà, sự phát triển tài năng sáng tạo của con người không phải bất kỳ thời nào cũng giống nhau. Có chế độ xã hội trong đó tài năng của con người được phát triển tự do, có chế độ xã hội thì ngược lại, tài năng bị kìm hãm, bị mai một. Chế độ tư bản chủ nghĩa mặc dù sức sản xuất phát triển cao nhưng nhân cách con người bị què quặt, tự do và sáng tạo của nghệ sĩ bị đèn nén, con người trở thành hàng
hóa nên không thể có nghệ thuật tốt đẹp. Chính Marx đã khẳng định: “… Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thù địch với một số ngành nhất định trong sản xuất tinh thần, như nghệ thuật và thi ca chẳng hạn.” [1] Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là nền sản xuất hàng hóa đã biến con người thành hàng hóa.
“Nền sản xuất sản sinh ra con người không những với tính cách là hàng hóa, không những với tính cách là con người hàng hóa, con người với sự quy định của hàng hóa; nó sản xuất ra con người theo sự quy định ấy, như một thực thể mất tính chất người cả về mặt tinh thần lẫn thể xác (…) sản phẩm của nền sản xuất đó là hàng hóa có một ý thức và có một hoạt động độc lập, … là con người hàng hóa.”
Chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa sẽ đưa cơ sở kinh tế phát triển đến mức thỏa mãn mọi nhu cầu của các thành viên trong xã hội, con người sẽ được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc và “Người nào mang trong mình một Rapphael thì đều có điều kiện tự do phát triển.”
Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là mối quan hệ biện chứng. Nếu như hạ tầng cơ sở quyết định kiến trúc thượng tầng, thì đến lượt mình, kiến trúc thượng tầng lại tác động tích cực đến hạ tầng cơ sở. Nó có nhiệm vụ bảo vệ, duy trì, củng cố và phát triển hạ tầng cơ sở.
- Sự tác động trở lại kinh tế của văn nghệ.
Do hạ tầng cơ sở sinh ra nhưng văn chương không phụ thuộc một cách máy móc thụ động, đơn giản một chiều. Nó có tính độc lập tương đối, tính chủ thể, nó cũng tác động trở lại hạ tầng cơ sở. Nó có thể góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp củng cố hoặc cản trở sự phát triển đời sống xã hội. Mác – Ăngghen đã chỉ rõ tính năng động của ý thức xã hội, trong đó có văn chương:
“Sự phát triển về chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn chương và nghệ thuật … đều dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả các lĩnh vực đó ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế.”
Vậy tác động trở lại của văn chương nghệ thuật đối với cơ sở kinh tế là như thế nào? Nói văn chương nghệ thuật tác động trở lại kinh tế thì không có nghĩa là xem văn chương như một thứ lịch sử có thể trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, hay một yếu tố có khả năng tạo tiền đề cho đời sống xã hội loài người. Văn chương là một hình thái ý thức, có nghĩa là nó là một hoạt động của ý thức, tinh thần (chứ không phải hoạt động thực tiễn vật chất). Cho nên, tác động của nó là tác động về mặt ý thức tư tưởng , thông qua ý thức, tư tưởng. Nếu hạ tầng cơ sở quyết định sự ra đời của văn chương và sự phát triển của nó thông qua chính trị, thông qua đấu tranh giai cấp đấu tranh xã hội, thì đến lượt mình, văn chương có thể ảnh hưởng trở lại cơ sở cũng thông qua đấu tranh giai cấp và đấu tranh xã hội với tư cách là một thứ vũ khí đấu tranh giai cấp, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh xã hội. Văn chương phản động phục vụ cho chính trị của giai cấp thống trị thì có tác dụng củng cố quan hệ bóc lột và trật tự xã hội của giai cấp địa chủ phong kiến, tư sản phản động. Ngược lại, văn chương cách mạng, phục vụ cho cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng cách mạng, phục vụ cho lợi ích nhân dân, cho trật tự xã hội mới.
Quần chúng là người làm nên lịch sử, là lực lượng trực tiếp, làm ra của cải vật chất cho xã hội. Văn chương tác động đến cơ sở kinh tế qua con đường đấu tranh tư tưởng, cải tạo tư tưởng của họ bằng phương tiện nghệ thuật.
Bản thân ý thức, tư tưởng không trực tiếp cải tạo được thế giới vật chất, nhưng khi nó được con người nhận thức và biến thành hoạt động thực tiễn thì lại có sức mạnh cải tạo to lớn như một sức mạnh vật chất. Mác khẳng định:
“Cố nhiên vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí, lực lượng vật chất phải do lực lượng vật chất đánh đổ, nhưng ngay cả lí luận nữa cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập sâu vào quần chúng.”
Văn chương cũng nằm trong quy luật ấy. Nó có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế như một lực lượng vật chất khi nó xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động sâu sắc, dội mạnh vào tư tưởng, tình cảm, đạo đức, trí tuệ và nhận thức của quần chúng, mà nói như Hugo là “làm cho tư tưởng biến thành những cơn lốc”.
Ý thức xã hội có tác động hai chiều, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vai trò của ý thức tư tưởng được xác định cụ thể ở chỗ chúng thuộc giai cấp nào, đáp ứng nhu cầu của ai. Văn chương cách mạng thì có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến lên, văn chương phản động thì kìm hãm sự phát triển của xã hội. Nó tác oai, tác quái, đầu độc tư tưởng con người. Nó trói tay, bịt mắt, bưng tai con người. Thứ văn chương dâm ô, đồi trụy, kiếm hiệp … cùng với đường lối văn hóa giáo dục phản động, tồi bại sẽ tạo ra một lớp người lấy hưởng lạc làm mục đích, lấy bóc lột, tiền tài, lợi nhuận, giành giật cướp đoạt làm đối tượng.
Cần thiết phải thấy tác dụng ngược lại, kìm hãm của văn chương để ngăn ngừa loại nghệ thuật đồi bại, đến nay, vẫn còn được lén lút lưu truyền.