Cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ giàu nhạc cảm và chất men say trong bài thơ Đàn ghi ta của lorca (Thanh Thảo).
- Mở bài:
“Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh” (Jakobson). Đó là thứ ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ và tinh tế của ngôn ngữ”. Hình ảnh và ngôn ngữ là hai yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên vẻ đặc sắc trong thơ. Thanh Thảo là nhà thơ đã biết lựa chọn lớp ngôn ngữ giàu nhạc cảm và chất men say trong bài thơ Đàn ghi ta của lorca để tạo ra những khoảng lặng của ngôn từ để gợi mở được những rung động sâu xa trong lòng người đọc.
- Thân bài:
Thanh Thảo từng nói: “Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm”. “Thi trung hữu nhạc” là một định đề quen thuộc của thi ca muôn thủa. Trong bài thơ này, tác giả đã kết hợp tài tình cách diễn tả đặc hữu của văn học là ngôn ngữ với cách diễn tả mạng tính chất ám gợi huyền hồ của âm nhạc. Thanh Thảo biến cấu trúc của một bài thơ bình thường thành cấu trúc của một bản nhạc ngắn với cách sử dụng ngôn ngữ thơ gián cách, giản lược tối đa các quan hệ từ khiến câu chữ chứa đựng nhiều khoảng trống tạo sự đa nghĩa, tầng sâu suy tư từ người đọc.
Nhạc tính trong thơ Thanh Thảo không chỉ bắt nguồn từ thể thơ tự do, cách ngắt nhịp khoáng đạt với những trường đoạn và câu thơ ngắn dài linh hoạt mà còn bởi cách sắp xếp các hình ảnh nhạc tính là một trong những yếu tố làm nên chất thơ của thi phẩm. Trong dòng chảy giao hòa giữa thơ ca và âm nhạc, Thanh Thảo đã góp vào thơ Việt những bản nhạc ngôn từ.
“Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
Chàng đi như người mộng du”
Được cấu tạo bởi các đơn vị âm thanh và chứa đựng những đặc tính thanh học như cao độ, cường độ, trường độ… thế nên, ngôn ngữ tự thân đã âm vang giai điệu. Là loại hình nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm chất liệu, văn học khai thác các yếu tố ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp tùy thuộc vào đặc trưng của từng thể loại. Nếu như trong văn xuôi, các tác giả ít khi chú ý đến nhạc tính của ngôn ngữ thì với người làm thơ, các yếu tố đó đã được tổ chức có dụng ý để hình thành nhạc điệu cho từng thi phẩm, tạo nên sự cộng hưởng nhiều chiều giữa ngữ âm và ngữ nghĩa.
Ở thi phẩm “Đàn ghi ta của Lorca”, Thanh Thảo làm xao động lòng người bởi lối phối hợp hài hòa các đơn vị âm thanh và cách phát huy ý nghĩa ấn tượng của những từ láy “lang thang”, “đơn độc”, “chếnh choáng”, “mỏi mòn” “long lanh”, kết hợp với cách sử dụng hình thức trùng điệp cấu trúc tạo nên khúc biến tấu trầm bổng:
“Tiếng ghi ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi ta tròn giọt nước vỡ tan
Tiếng ghi ta dòng dòng máu chảy”
Trên hành trình sáng tạo thơ ca, bên cạnh ý thức chắt lọc những tinh túy của ngôn ngữ con người để mang lại hiệu quả thẩm mĩ cho thơ, Thanh Thảo luôn chống lại sự dư thừa, mòn sáo trong ngôn ngữ thơ mình. Nhiều từ ngữ, hình ảnh trong sáng tác của nhà thơ đã trở thành những biểu tượng ngôn từ có sức ám gợi sâu xa. Những biểu tượng nổi bật như cỏ hoang, dòng sông, ngọn lửa, giấc mơ… giúp người đọc thấu hiểu hơn về sự song hành ngữ nghĩa cũng như mối quan hệ không ngang bằng giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong thơ. Dấu ấn của sự trùng điệp, sự song hành về ngữ âm và ngữ pháp cũng hằn in rõ nét trong những bài thơ giàu nhạc tính của Thanh Thảo.
Ngôn ngữ thơ Thanh Thảo không chỉ đa dạng biểu tượng, mang âm hưởng của ca khúc mà còn cô đọng và mới mẻ. Sự lắp ghép, thắt buộc ngôn từ theo quan hệ liên tưởng tự do đã tạo ấn tượng về tính phân mảnh của ngôn ngữ trong thơ. Đó không phải là sự lắp ghép giản đơn, tùy tiện mà là sự sắp đặt, xáo trộn có ý nghĩa tạo sinh. Nhiều từ ngữ quen thuộc đã được lạ hóa mang lại ấn tượng, suy nghĩ và cảm xúc tươi mới cho độc mang tính biểu tượng liền kề nhau tạo sức liên tưởng mạnh mẽ như “những tiếng đàn bọt nước”, “giọt nước mắt vầng trăng, long lanh trong đáy giếng”
Đặc biệt, tính nhạc trong thơ không chỉ là hình thức mà còn là nhịp điệu ngầm qua từng câu chữ.Nhịp điệu trong thơ Thanh Thảo thiên về nhạc điệu của tâm hồn. Chính sự kết hợp đậm đà giữa thơ và nhạc khiến thơ ông mang giọng điệu riêng vừa nhẹ nhàng, bay bổng, lại vừa lắng sâu trong suy tưởng và trải nghiệm.
Ở bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” sự xuất hiện của chuỗi hợp âm “lila lila” ở đầu và cuối bài thơ không đơn thuần là trò chơi ngôn ngữ trái lại nó tạo nhạc tính cho bài thơ và mang ý nghĩa sâu sắc. Đó là “sự giao duyên kì thú giữa thơ và nhạc”. Thanh Thảo trong bài phỏng vấn gần đây nhất trên báo Văn học và Tuổi trẻ đã khẳng định: bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” có âm hưởng của đoạn “tremolo” tức kĩ thuật đánh reo dây điêu luyện trong chơi đàn ghi ta cổ điển. Bản nhạc ghi ta được đánh theo kĩ thuật “tremolo” sẽ trở nên réo rắt, mang âm hưởng buồn xa vắng. Chuỗi âm “lila lila” như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn lướt qua hàng dây để tạo chuỗi âm thanh dư âm, ám ảnh.
Toàn thi phẩm không có một dấu chấm, dấu phẩy, chỉ có dấu ba chấm kết thúc chuỗi âm “lila lila” ở cuối bài tạo dư âm ám ảnh. Tuy nhiên “lilal lila” không phải chỉ là chuỗi âm thanh vô hồn. Về nghĩa “lila” chính là hoa tử đinh hương – loài hoa có màu tím ngắt rất được người phương Tây ưa chuộng. Như vậy, chuỗi âm thanh đàn kế tiếp gợi hình ảnh những tràng hoa chuỗi hoa tím liên tiếp giăng hàng. Đó là chuỗi hoa người đời, người thơ thầm kính viếng hương hồn Lorca hay là ngàn muôn đóa hoa của sự sống nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ? Đó thực sự là âm hưởng tri ân, ngưỡng mộ thành kính của nhà thơ Thanh Thảo dành cho nhà thơ Lorca.
- Kết bài:
Bài thơ với hình thức nghệ thuật độc đáo: kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc về kết cấu; mang phong cách tượng trưng pha màu sắc siêu thực rất gần gũi với phong cách thơ Lorca; hình ảnh thơ phong phú, ngôn từ mới mẻ góp phần làm nên diện mạo phong phú của thơ ca Việt Nam sau 1975.
Tham khảo:
Cảm nhận những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của thanh Thảo trong bài thơ “Đàn ghi ta của lorca”.
- Mở bài:
Thanh Thảo là nhà thơ đi tiên phong trong nỗ lực đổi mới thơ Việt. Ông luôn có ý thức tìm tòi cách tân cho nền thơ Việt đương đại với quan niệm “Với những bài thơ hay thi sĩ sáng tạo bằng cả thể xác và tâm linh mình…phần tích điện, phần thu góp là cả một quá trình nhưng sáng tạo là khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy càng xảy ra đột ngột bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” là sản phẩm tuyệt vời của quá trình tích điện, thu góp và sáng tạo ấy. Nó là kết quả của sự cộng hưởng diệu kì của những khát vọng sáng tạo với một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca và những suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho Cái Đẹp. Đây là bài thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy của Thanh Thảo. Bài thơ đã tái hiện được vẻ đẹp hình tượng Garcia Lorca, nhà thơ vĩ đại nhất Tây Ban Nha thế kỉ XX qua đó cũng thể hiện niềm suy tư của Thanh Thảo về cuộc đời và nghệ thuật.
- Thân bài:
Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nghĩa khí và nhân cách sáng ngời, mặc dù số phận có thể ngang trái như: Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Ê- xê- nhin… Trong mạch thi cảm ấy, nhà văn đã viết “Đàn ghi-ta của Lorca” nổi lên với hình tượng Lorca – khơi được nguồn mạch mới khi viết về đề tài người nghệ sĩ (một đề tài quen thuộc trong thơ ông). Nhà thơ Thanh Thảo từng tâm sự: “Khi làm thơ thì chỉ từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu.Dĩ nhiên, Lorca là một nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết của ông đều gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ ” Đàn ghi-ta của Lorca” mà tôi coi như một khúc tưởng niệm Ông”. Và điều đáng trân trọng là trong “Đàn ghi-ta của Lorca”, Thanh Thảo đã có những cách xử lý nghệ thuật rất riêng, mới mẻ và độc đáo. Nhà thơ đi sâu vào biểu hiện cái tôi nội cảm với những đổi mới về hình thức nghệ thuật, thể hiện nỗ lực cách tân thơ Việt những năm 80 của thế kỉ XX.
Bài thơ thể hiện khả năng nhập cảm của nhà thơ Thanh Thảo vào thế giới nghệ thuật thơ Lorca để lựa chọn những thi liệu đầy sức ám ảnh và xử lý những thi liệu ấy một cách sáng tạo, giàu nhạc tính. Không những thế, đó còn là niềm suy tư và đồng cảm sâu sắc của Thanh Thảo với Lorca. Đó là sự ngưỡng mộ, niềm xót thương, niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của Lorca, của nghệ thuật, của Cái Đẹp. Tất cả những điều đó là sự cộng hưởng diệu kì để tạo nên một thi phẩm có sức lay động lòng người xứng đáng là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.
Trong nửa đầu bài thơ, nhà thơ Thanh Thảo đã gợi lên trong chúng ta một không gian đặc thù, đậm chất Tây Ban Nha. Đó là không gian một miền quê An-đa-lu-xi-a yêu dấu của Lorca, một đất nước của những làn điệu ghita du dương – Tây Ban cầm, cả tấm áo choàng matador khoác trên mình các đấu sĩ. Trên cái nền không gian ấy nổi bật lên hình tượng người nghệ sĩ Lorca – người con yêu dấu của xứ sở Tây Ban Nha trên “yên ngựa mỏi mòn”:
“Những tiếng đàn bọt nước….
chàng đi như người mộng du…”
Thanh Thảo đã nhập cảm vào thế giới nghệ thuật thơ của Lorca rồi lựa chọn ra những thi liệu đầy ám ảnh, gợi cảm từ thế giới nghệ thuật ấy rồi đưa vào bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của mình. Thanh Thảo chọn viết về Lorca toàn là những thi liệu, thi ảnh rất siêu thực trong thế giới nghệ thuật của chính Lorca, mà sau những lãng quên chúng vẫn không thôi đeo bám Thanh Thảo: đàn ghi-ta, bài ca mộng du, con ngựa đen, vầng trăng đỏ, chàng kị sĩ đơn độc, áo choàng đấu sĩ, sắc máu đấu trường, cô gái Di gan, lá bùa hộ mệnh, hoa tử đinh hương (hoa lila )… Và, tất nhiên, làm sao có thể thiếu được dòng sông cùng với cỏ mọc hoang vốn là những hình ảnh – biểu tượng từ lâu vẫn miên man với ngòi thơ Thanh Thảo. Nhờ đó, hình tượng Lorca và suy cảm Thanh Thảo đã nói chung một thứ tiếng là dòng thi liệu đã trộn vào nhau đó. Trong bài thơ, Thanh Thảo có dùng những lối kết hợp khá phổ biến ở thơ tượng trưng. Ta gặp những tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi-ta lá xanh, tiếng ghi-ta tròn, tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy, về miền đơn độc, vầng trăng chếnh choáng, chôn cất tiếng đàn, đường chỉ tay, dòng sông rộng… Dường như Thanh Thảo đã kiến tạo nên một thế giới nghệ thuật của Lorca với biết bao hình ảnh giàu biểu tượng và có tính biểu cảm cao.
Thanh Thảo đã xử lý tất cả những thi liệu trên một cách hết sức sáng tạo. Những thi liệu đó được lấy từ nhiều văn bản khác nhau của thơ Lorca. Cả bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo bật lên nhờ một lời đề từ trong bài thơ “Ghi nhớ” của Lorca : “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Thanh Thảo đã khẳng định cảm hứng sáng tác, hình ảnh trong bài thơ được khơi nguồn từ chính cuộc đời và thơ Lorca. Biểu tượng đàn ghi ta là một biểu tượng đặc biệt xuất hiện nhiều trong thơ Garxia Lorca, trực tiếp nhất là qua 3 thi phẩm: “Ghi nhớ”, “Đàn ghi ta” và “Sáu dây”. Lorca là nhà thơ nổi bật với xu hướng trở về khai thác dân ca, được mệnh danh là “chàng hát rong thời trung cổ”… “Thế hệ thơ anh đã tìm thấy ở anh người mang sứ mệnh đẹp đẽ: tìm lại tâm hồn Espana đang có nguy cơ bị quên lãng, nối kết cái truyền thống với cái thời đại”.
“Cây đàn ghi-ta/cất tiếng thở than/những cốc rượu ban mai/ sóng sánh đổ tràn/Cây đàn ghi-ta/bắt đầu lời ai oán/Dỗ nó nín đi/phỏng có ích gì/Chẳng thể nào/làm cây đàn im tiếng/… Ơi ghi-ta!/Trái tim ngươi tử thương/dưới năm đầu kiếm sắc” (“Cây đàn ghi ta ” – Hoàng Ngọc Tuấn dịch). Tất cả chúng vốn rời rạc nhưng khi đi vào thơ Thanh Thảo, chúng được làm mới trở nên hòa hợp ăn ý và trở thành một thể thống nhất. Tất cả cộng hưởng ngữ nghĩa với nhau làm sống dậy thế giới nghệ thuật đặc sắc của Lorca, tái hiện số phận bi thảm của Lorca, ngợi ca vẻ đẹp của người nghệ sĩ vĩ đại sống trong một thời đại biến động và sức sống mãnh liệt, bất diệt của nghệ thuật thơ ca. Như vậy, Thanh Thảo đã tái tạo và tái sinh thi liệu được sử dụng từ thế giới nghệ thuật thơ của Thanh Thảo bằng tài năng và tấm lòng đồng cảm, ngưỡng mộ Lorca.
Thanh Thảo đã từng chia sẻ: “Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài “Đàn ghi – ta của Lorca” được viết liền một mạch, trong một khoảng thời gian rất ngắn” và “Bài thơ được viết rất nhanh, hầu như không sửa chữa gì thêm (…) tôi viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn”. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” được Thanh Thảo sử dụng thể thơ với lối diễn đạt câu thơ không viết hoa đầu dòng nhịp điệu phóng khoáng, liên tưởng bất ngờ, ngôn từ mới mẻ: cảm xúc thơ liền mạch, nối kết các biểu tượng, hình ảnh thơ trong một chỉnh thể nghệ thuật hài hòa, gợi mở.
Nguyễn Đình Thi từng nhận định: “Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, toả ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy” (Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 52). Có thể nói chính nhà thơ đã kiến tạo nên một thế giới giàu sức gợi từ những ngôn ngữ thơ. Tài năng của nhà thơ thể hiện ở chỗ là phải làm cho “mỗi tiếng, mỗi chữ” trong đời thường “bỗng tự phá tung mở rộng” làm tỏa ra “một vùng ánh sáng động đậy“. Thơ càng hay, càng giàu khả năng tạo ra “vùng ánh sáng động đậy”, đồng nghĩa với tiềm tàng “sức gợi”. Và nhà thơ Thanh Thảo đã thể hiện được tài năng thực sự của mình qua thi phẩm “Đàn ghi- ta của Lorca”.
Nhà thơ Thanh Thảo đã gợi lên cho người đọc những liên tưởng, cùng với khả năng sáng tạo qua những hình ảnh thơ giàu biểu tượng. Những hình ảnh hết sức tượng trưng, siêu thực đầy ám ảnh như “áo choàng đỏ gắt” (màu đỏ của xứ bò tót), “vầng trăng chếnh choáng” (bởi nhìn qua mắt người say), “yên ngựa mỏi mòn” (trên dặm đường thiên lý), “áo choàng bê bết đỏ” (bởi loạt đạn của những kẻ tàn ác)… Song bên cạnh những hình ảnh siêu thực đó, Thanh Thảo còn kiến tạo nên một loạt hình ảnh mà thoạt nghe, ta đã biết khó lòng kiến giải thấu đáo. Nào là “tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi-ta xanh, tiếng ghi-ta tròn, tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”, nào là “không ai chôn cất tiếng đàn, tiếng đàn như cỏ mọc hoang, giọt nước mắt vầng trăng, đường chỉ tay đã đứt, dòng sông rộng “…
Với bản chất là các thủ pháp tiêu biểu của thơ siêu thực như ẩn dụ, biểu trưng, chuyển đổi cảm giác; có sự kết hợp với lối cấu trúc đặc thù, thơ Thanh Thảo nói chung, bài “Đàn ghi-ta của Lorca” nói riêng, ít nhiều đã tạo được ấn tượng trong mắt người đọc, nhất là về hình ảnh. Như ý kiến của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Hình ảnh của thơ là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. Hình ảnh còn tươi nguyên, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng”. Và những sáng tạo, mới lạ là khi xây dựng các hình ảnh trong bài thơ, Thanh Thảo đã cố tình mở ra trường nghĩa “liên văn bản” khi tái sử dụng một số thi ảnh và thi liệu của chính Lorca. Ví như câu thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” là ảnh chiếu của câu thơ bất hủ trong bài “Ghi nhớ”: “khi nào tôi chết/ hãy vùi vùi xác tôi cùng cây đàn/ dưới lớp cát“; hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” là phiên bản của hình ảnh trong thơ Lorca: “con ngựa đen/ vầng trăng đỏ”; câu thơ trùng điệp cú pháp: “ném là bùa/ ném trái tim” được tái tạo từ câu thơ: “Hãy ném trái chanh nho nhỏ ấy/ vào gió”. Thanh Thảo đã sử dụng rất sáng tạo và rất đắt các hình ảnh trong thơ của nghệ sĩ Lorca.
Cấu trúc bài thơ đầy ngẫu hứng. Đó là sự hòa trộn giữa thơ và ca khúc (thi phẩm và nhạc phẩm). Nhà thơ Thanh Thảo đã nhập cấu trúc ca khúc vào bài thơ: mạch kể chuyện (cốt tự sự) hiện ra qua cấu trúc của một ca khúc. Thanh Thảo đã vận dụng phương thức của nhạc để làm thơ rất thành công. Vì thế, có thể thấy bài thơ “Đàn ghi – ta của Lorca” mang tính nhạc hết sức đặc sắc. Đó vừa là nhạc tính hữu dạng, được nhìn nhận như là nội tố tất yếu của thơ, cũng vừa là một nét riêng của thơ Thanh Thảo. Cùng với thể thơ tự do, Thanh Thảo đã chọn một lối đi gập ghềnh cho các dòng thơ, cũng là cho tiết tấu, nhịp điệu thơ. Và tất nhiên, hiểu được, cảm được nhạc của thơ, nhạc của “Đàn ghi-ta của Lorca” cũng đồng nghĩa với việc phải nỗ lực thật sự mới mong chạm được thứ nhịp điệu bên trong của tình ý, tâm ý vốn đa dạng, biến hình – đặc biệt là với thơ siêu thực. Nhà thơ Thanh Thảo đã mô phỏng lối tiết tấu của nhạc (chuỗi âm thanh li la… đặt ở cuối mỗi câu thơ), tác giả đã “khảm” tiếng nhạc vào ngôn từ, hình ảnh thơ để âm nhạc đến cùng với thi ảnh,với ngôn từ và tạo nên sức gợi vô cùng lớn: “Tiếng ghi ta nâu /bầu trời cô gái ấy /tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/tiếng ghi ta dòng dòng máu chảy”.Ngoài tất cả những yếu tố thường kì của nhạc tính được tận dụng như vần, nhịp, các thủ pháp điệp, láy, bài thơ còn có sự cố tình của Thanh Thảo khi dùng lại một vài đề tài nhạc trong thơ của Lorca. Bản thân thơ Lorca đã thấm đẫm chất nhạc dân gian An-đa-lu-xi-a của Tây Ban Nha. Và chất nhạc ấy đã được trung chuyển đến Đàn ghi-ta của Lorca bởi sự ám ảnh đậm đặc rồi thăng hoa trong Thanh Thảo.
Trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” nổi lên hai hình tượng cùng tồn tại và soi chiếu vào nhau, đó là hình tượng tiếng đàn và hình tượng người nghệ sĩ Lorca. Xuyên suốt bài thơ, song hành với hình tượng Lorca chính là tiếng đàn. Tiếng đàn cất lên tiếng lòng của Lorca trước cuộc sống, trước thời đại. Nó là linh hồn, là tinh thần của Lorca, và hơn hết là số phận của nhà thơ vĩ đại này. Bằng hình ảnh cây đàn ghi-ta, nhạc cụ truyền thống tiêu biểu nhất của đất nước và âm nhạc Tây Ban Nha dùng làm hình ảnh biểu tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ, tác giả nói đến sự gắn bó máu thịt, suốt đời giữa Lorca và âm nhạc. Qua cây đàn truyền thống của âm nhạc và đất nước mình, một nét độc đáo trong bản sắc văn hoá của con người và đất nước Tây Ban Nha, nhà thơ Lorca đã thể hiện tình yêu sâu sắc ,tha thiết đối với quê hương, tổ quốc. Tình yêu nghệ thuật và quê hương đó sẽ mãi mãi sánh bước cùng Lorca đi đến bất cứ nơi đâu, kể cả khi sang bên kia thế giới.
Tiếng đàn xuất hiện với tần số cao, day dứt, ám ảnh (nhan đề, đề từ, cấu trúc tác phẩm,…). Mỗi lần tiếng đàn xuất hiện lại mang một tầng nghĩa mới: tiếng đàn bọt nước, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy, tiếng đàn như cỏ mọc hoang,…
Đàn ghi ta mang rất nhiều tầng nghĩa nhưng trước hết đàn ghi ta tượng trưng cho cuộc đời đoản mệnh, bi tráng của nghệ sĩ Lorca. Thanh Thảo bằng tấm lòng đồng cảm, tri ân sâu sắc đã tái hiện cuộc đời bi tráng của Lorca bằng chính hình ảnh, biểu tượng vốn có trong thơ Lorca, nổi bật nhất là biểu tượng đàn ghi ta và biến thể tiếng đàn ghi ta.
Biểu tượng tiếng đàn ghi ta xuất hiện với biến thể “những tiếng đàn bọt nước”. Bản thể tiếng đàn vốn được cảm nhận bằng thính giác, nó vốn là âm thanh vô hình thì ở đây tiếng đàn lại gắn liền hình ảnh “bọt nước” khiến cho âm thanh trở nên có hình khối. Nhà thơ đã kiến tạo biểu tượng bằng sự ánh chiếu của nhiều kênh cảm giác: tiếng đàn cảm nhận bằng thính giác, “bọt nước” cảm nhận bằng thị giác gợi nên hình ảnh những bong bóng trời mưa, lúc nào cũng như phập phồng, thổn thức. Sự ánh chiếu của nhiều cảm giác khiến cho tiếng đàn hiện lên có linh hồn. Đồng thời “bọt nước” như dựng hình tiếng đàn, tiếng đàn mang số mệnh ngắn ngủi, mỏng manh, dễ vỡ, tan biến. Đó là những dự cảm, là phông nền để nhà thơ tái hiện lại cái chết bi tráng của Lorca:
“Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”.
Cái tên Lorca xuất hiện đầu câu thơ, với vai trò chủ thể nói lên một sự thật phũ phàng, nhấn mạnh nỗi buồn đau của quá khứ bạo tàn. Hòa nhập với nỗi đau đó, tiếng ghi ta xuất hiện liên tiếp như một khúc tấu âm bi ai, nó lung linh, hư ảo: “ Tiếng ghi ta nâu…máu chảy”.Tiếng đàn xuất hiện liên tiếp bốn lần nhưng trong bản thể từng tiếng đàn đã có sự thay đổi gam màu, hình khối. Cái vô hình thì nay đã nhuốm màu siêu thực trở nên có màu sắc. “Tiếng ghi ta nâu”, tại sao lại là âm thanh màu nâu? Phải chăng, màu nâu gợi nên màu của chất liệu làm nên cây đàn, màu của đất, màu da nâu gợi tình tràn trề sức sống của cô gái Di gan và đó cũng là màu của những nỗi buồn,…
“Tiếng ghi ta nâu” tạo âm hưởng tiếng ghi ta vừa gần gũi, vừa buồn thương, da diết. Không chỉ được tái hiện thông qua một màu sắc, tiếng ghi ta còn gắn liền với màu xanh “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, màu xanh là màu của sự sống tràn trề, nhưng kết hợp từ ngữ “ biết mấy” gợi nên sự nuối tiếc, ngậm ngùi cho một vẻ đẹp đang bị phá hủy. Màu sắc bản thân chúng không phải vô hồn mà chất chứa bao ý nghĩa. Sự cộng hưởng màu sắc (thị giác) với âm thanh tiếng đàn (thính giác) tạo hiệu quả nghệ thuật độc đáo, nó tạo nên tiếng đàn màu sắc buồn bã, xót xa, bao nuối tiếc. Phải chăng đó chính là sự nuối tiếc, xót thương của nhà thơ dành cho Garxia Lorca?
Bút pháp tượng trưng, siêu thực đã ngấm vào ngòi bút Thanh Thảo khi ông xây dựng biểu tượng tiếng đàn, tiếng ghi ta không chỉ nhuốm màu sắc mà còn vỡ ra thành hình khối (tròn), thành sinh thể đớn đau (ròng ròng máu chảy). Bản thân biểu tượng tiếng đàn luôn có sự vận động, từ hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước” mở đầu bài thơ đến hình ảnh “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” đã có sự biến thiên của hình tượng : những cảm nhận về số phận mong manh của tiếng đàn và số phận người nghệ sĩ Lor-ca đã hiện thực hoá qua cái chết “vỡ tan”. Sự nối kết hình ảnh tiếng đàn với nét bút phác họa qua các từ ngữ giàu biểu cảm: “ròng ròng”, Thanh Thảo đã khiến cho tiếng đàn ghi ta mang ý nghĩa lớn hơn nhiều so với ý nghĩa dễ nhận thấy gắn liền với việc diễn tả âm thanh tuôn trào, sôi động của tiếng đàn. “Tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”, tiếng đàn như tiếng kêu cứu của con người, của cái Đẹp trong thời khắc bị đẩy đến chỗ tuyệt vọng, âm nhạc đã hóa thành thân phận. Tiếng đàn chính là số mệnh, là hiện thực hóa cuộc đời, cái chết bi thương của người nghệ sĩ Lorca. Nó là tiếng van vỉ, khóc thương của “ trái tim tử thương” trong thơ Lorca, nó cũng là định mệnh nghiệt ngã của người nghệ sĩ yêu tự do, cái Đẹp, người chiến sĩ kiên cường đã chết dưới tay phát xít.
Tái hiện lại cuộc đời, số mệnh đau thương, ngắn ngủi của nhà thơ Lorca, Thanh Thảo đã sử dụng biểu tượng tiếng đàn như thay cho lời than khóc. Tiếng đàn mà Garxia Lorca đã từng yêu tha thiết nay trở thành dòng ca tưởng niệm chính Lorca.. Màu sắc siêu thực đã tạo nên biểu tượng giàu ý nghĩa vừa hiện thực mà vừa kì ảo. Ẩn chứa trong tiếng đàn là nỗi buồn xót thương của nhà thơ Thanh Thảo dành cho Garxia Lorca – một con người tài năng nhưng đoản mệnh.
Bên cạnh đó, đàn ghi ta cũng tượng trưng cho sức sống bất diệt của thế giới nghệ thuật thơ và tâm hồn nhà thơ vĩ đại Lorca. Không chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho số mệnh, cuộc đời bi tráng của Lorca, biểu tượng đàn ghi ta còn tượng trưng cho chính đời thơ, cho sức sống bất diệt của nghệ thuật đích thực, của người nghệ sĩ chân chính. Hay nói cách khác, biểu tượng cây ghi ta ở đây chính là những vần thơ, những thành tựu nghệ thuật mà nhà thơ Lorca đã miệt mài phấn đấu trong suốt hành trình sáng tác của mình, là nơi gửi gắm khát khao sáng tạo cho hậu thế của Lorca. Biểu tượng tiếng đàn xuất hiện khẳng định sự sống bất diệt của đời thơ cũng như tâm hồn “chàng hát rong thời trung cổ”: không ai chôn cất tiếng đàn/ tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Sự kết hợp hành động “chôn cất” với tiếng đàn, Thanh Thảo một lần nữa khiến cho tiếng đàn trở thành một linh hồn hơn thế thành một sinh thể, một thân phận. Câu thơ gợi ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Du: “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Bọn phát xít có thể giết chết Lorca nhưng không thể nào giết những vần thơ, những tiếng đàn người nghệ sĩ ấy để lại trong lòng dân chúng. Khát vọng sống, tình yêu bất diệt của Lorca đã được phổ vào tiếng đàn và giờ đây nó vẫn lên tiếng, vẫn mãnh liệt bằng sức sống tự nhiên không gì ngăn nổi: “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”. Sự cộng hưởng ý nghĩa của hai biểu tượng đã tạo nên nét nghĩa đầy ám gợi. “Cỏ” là biểu tượng thường xuất hiện trong thơ Thanh Thảo tượng trưng cho những gì âm thầm, lặng lẽ: “cỏ âm thầm mọc dưới trời sao”, cỏ là chứng nhân lịch sử ghi chép lại những dấu chân trên đường ra chiến trường: “dấu chân qua trảng cỏ”… Trong “Đàn ghi ta của Lorca” thể hiện sức sống âm thầm, dồi dào mãnh liệt của hồn thơ Lorca, của nghệ thuật chân chính.
Bên cạnh đó sự bất tử của Lorca còn được thể hiện qua hình ảnh biểu tượng đậm chất siêu thực: “Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc”. Nếu ở phần mở đầu, nhà thơ để tiếng đàn vỡ ra thành màu sắc thì ở đây hình ảnh “chiếc ghi ta màu bạc” bên ngoài mang tính hiện thực chỉ màu sắc của vật thể nhưng ẩn chứa trong nó là ý nghĩa nhuốm màu sắc siêu thực. Màu bạc là màu mang tính âm: trắng và lấp lánh biểu tượng của sự trong sạch, thanh cao. “Chiếc ghi ta màu bạc” thể hiện sự trong sạch trong tâm hồn Lorca đồng thời tạo nên một không khí nhuốm sắc màu siêu thoát, hư ảo nhưng trường tồn. Người nghệ sĩ Garxia Lorca đã bơi sang ngang với chiếc ghi ta của mình và linh hồn, tiếng đàn của ông thì vẫn trường cửu, không ngừng vươn lên, lan tỏa trong lòng các thế hệ mai sau. Đó cũng chính là sự vượt thoát vĩ đại vào cõi bất tử. Song hành cùng với hình tượng tiếng đàn ghi ta là hình tượng Lorca – người nghệ sĩ vĩ đại của đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Hình tượng Lorca được khắc họa qua những ẩn dụ: áo choàng đỏ, Tây Ban Nha ( hát ngêu ngao), tiếng đàn ghi ta; có khi xuất hiện trực tiếp: Lorca bị điệu về bãi bắn, bơi sang ngang; hoặc qua ngôi xưng chàng ném lá bùa, trái tim,…
Trong không gian văn hóa Tây Ban Nha ấy, chúng ta thấy như hiện lên những cuộc đấu khác: Cũng tấm áo choàng ấy, cũng tinh thần ấy, người hiệp sĩ Lorca bước ra đấu trường với một quyết tâm cao dù là trong cuộc chiến không cân sức với bọn phát xít Phrang-cô; còn trên đấu trường nghệ thuật thì đó là cuộc chiến giữa nhà cách tân vĩ đại Lorca với nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu, già nua. Cả hai cuộc chiến đều rất cao cả, rất vĩ đại, khiến ta không khỏi cảm phục và thương mến.
Nếu như câu thơ đầu nói lên sinh mệnh ngắn ngủi của Lorca thì câu thơ này là sự lí giải cho sinh mệnh ấy bằng sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ – chiến sĩ Lorca. Cũng có lẽ vì sứ mệnh cao cả ấy mà nhân cách Lorca càng ngời sáng và tiếng đàn Lorca càng ám ảnh hơn: “li-la li-la li-la”. Sự trải ra của âm thanh tiếng đàn trong câu thơ này còn tạo nền để trải tiếp khoảng không gian mênh mông tiếp sau, mà trên đó, một con người cô đơn vẫn không ngừng bước “đi lang thang trong miền đơn độc”. Câu thơ miên man với những thanh bằng khiến không gian như càng được trải rộng hơn, bao la hơn. Trên không gian ấy, người nghệ sĩ Lorca vẫn không ngần ngại dấn bước, nhưng hình như không chủ định nên mới… “đi lang thang”. Có phải vì nơi Lorca đến, “miền đơn độc”, không phải là một nơi chốn cụ thể nào mà chỉ là sự đơn độc của con người trong không gian? Và sự đơn độc là vì nơi đây vẫn còn hoang sơ, chưa dấu chân người?
Lorca, trên hành trình của mình, đang khai phá những miền đất mới, những chân trời nghệ thuật mới. Mà hành trang người nghệ sĩ ấy mang theo là “vầng trăng chếnh choáng”. Câu thơ gây ấn tượng về một vầng trăng dập dềnh, xô lệch, nhập nhòa. Và “chếnh choáng” hình như là một từ chỉ trạng thái hơn là một từ láy tượng hình. Một vầng trăng có tâm trạng, bởi vì người nhìn nó có tâm trạng. Người nghệ sĩ Lorca như đang chìm trong thế giới vô thức, nơi ngự trị của “cái tôi đa ngã”, “cái tôi chưa biết”, “cái tôi rất yêu tự do”. “Chếnh choáng”, hay chính là trạng thái say mê, xuất thần trong sáng tạo thi ca.Nhưng sao trạng thái ấy lại diễn ra trên một yên ngựa “mỏi mòn”? Người nghệ sĩ Lorca vẫn đeo đuổi những khát vọng của mình, nếu có mỏi mòn thì đó là vì năm tháng dài dằng dặc trong người nghệ sĩ cô đơn: “đi lang thang …mỏi mòn” ,đều có sự song hành của sự đơn độc và sự vận động. Bức tranh hiện lên là bức tranh của những hoang mạc dãi đầy ánh trăng mà trên đó có bóng người nghệ sĩ với cây đàn ghi-ta đi lang thang một người một ngựa…
Thanh Thảo đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng gián đoạn nhưng rõ nét về Ph.G. Lorca, một chiến sĩ, một nghệ sĩ dũng cảm, yêu tự do, có sự nghiệp vĩ đại nhưng sinh mệnh ngắn ngủi và cô đơn. Những hình ảnh ẩn dụ “chàng ném lá bùa”, “chàng ném trái tim mình” đã tái hiện cái chết đầy bi tráng của người nghệ sĩ Lorca. Lorca đã ném “lá bùa cô gái Digan vào xoáy nước” một cách dứt khoát. Chàng còn cần lá bùa hộ mệnh làm gì khi nó ko thể giúp chàng níu kéo sự sống? Lá bùa định mệnh dần dần trôi vào xoáy nước, khép lại cuộc đời Lorca, một người chiến sĩ phát xít kiên cường, vĩ đại. Trái tim đã dừng nhịp đập, cũng như khát vọng tự do và cách tân nghệ thuật đã phải ngừng lại mãi mãi. Chàng nghệ sĩ du ca Lorca đã câm lặng, tự nguyện chôn vùi, hi sinh vì nghệ thuật mà suốt đời chàng theo đuổi.
Sự xuất hiện của chuỗi hợp âm “lila lila” ở đầu và cuối bài thơ là sự kết hợp, hòa quyện giữa chất thơ và chất nhạc đã tạo ra nhạc cảm kì diệu cho bài thơ. Chuỗi âm “lila lila” như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn lướt qua hàng dây để tạo chuỗi âm thanh dư âm, ám ảnh. Toàn thi phẩm không có một dấu chấm, dấu phẩy, chỉ có dấu ba chấm kết thúc chuỗi âm “lila lila” ở cuối bài tạo dư âm ám ảnh. Tuy nhiên “lilal lila” không phải chỉ là chuỗi âm thanh vô hồn. Về nghĩa “lila” chính là hoa tử đinh hương – loài hoa có màu tím ngắt rất được người phương Tây ưa chuộng. Đó là chuỗi hoa người đời và những người yêu nghệ thuật thầm kính viếng hương hồn Lorca hay là ngàn muôn đóa hoa của sự sống nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ? Đó thực sự là âm hưởng tri ân, ngưỡng mộ thành kính của nhà thơ Thanh Thảo dành cho nhà thơ Lorca.
Suốt chiều dài tác phẩm, hai hình tượng tiếng đàn ghi ta và hình tượng Lorca lúc song hành, lúc hòa quyện vào nhau. Trong tiếng đàn ghi ta có Lorca và ngược lại qua Lorca tiếng đàn trở thành bất tử. Từ đó nhà thơ làm rõ số phận bi thảm của một con người vì công lý, vì Cái Đẹp đích thực của nghệ thuật.
Lorca không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng, ông còn có tài năng về âm nhạc và hội hoạ. Là con chim hoạ mi xứ Espagna, ông sáng tác rất nhiều khúc ngẫu hứng cho ghi-ta. Như một nghệ sĩ du ca lãng tử, Lorca đi lang thang cất lên tiếng hát ca ngợi tự do và cái đẹp cùng cây đàn duyên dáng này. Lorca không chỉ vĩ đại với đất nước Tây Ban Nha, ông còn là nhà thơ vĩ đại đối với toàn thế giới. Người Tây Ban Nha gọi ông là con chim hoạ mi Tây Ban Nha, còn người Mỹ thì coi Lorca như nhà thơ vĩ đại của chính nước Mỹ. Chính những câu thơ mạnh mẽ ,hùng hồn thấm đậm tư tưởng lớn lao , phi thường của Lorca đã khiến cho bọn thể chế độc tài Franco lo sợ. Ngày 19/8/1936, chúng điệu Lorca ra bãi bắn để phi tang một con người với những tư tưởng tiến bộ. Là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát xít, thi thể Lorca được tìm thấy trong đống xác 1500 người trên một miệng sâu gần Granada, nơi khởi đầu và cũng là nơi kết thúc sự sống của một con người kiệt xuất, một nhà thơ vĩ đại. Chính vì vậy mà với “ Đàn ghi ta của Lorca” nhà thơ Thanh Thảo đã thể hiện niềm ngưỡng mộ, sự tiếc thương sâu sắc đối với cái chết của người anh hùng, đồng thời cũng thể hiện niềm tin về sự bất tử của người chiến sĩ đã hi sinh cho tự do của con người.
Bài thơ đã thể hiện những suy nghiệm của Thanh Thảo về lẽ sống chết: sự đón nhận cái chết đầy khí phách của người anh hùng. Thanh Thảo cảm thông đến tận cùng với Lor-ca. Nhà thơ tài hoa của đất nước Tây Ban Nha ấy đành chấp nhận số mệnh phũ phàng. Đường chỉ tay báo trước phận người ngắn ngủi. Dòng sông rộng mênh mang tượng trưng cho thế giới vô cùng. Con người ấy “ném là bùa vào xoáy nước” “ném trái tim” vào thế giới của sự im lặng (cõi chết) để “bơi sang ngang/trên chiếc ghi ta màu bạc”. Đấy có thể coi như một sự giải thoát. Sự giã từ cuộc đời cũng là cách giải thoát. Song tiếng đàn của Lor-ca, nghệ thuật của Lor-ca, tình yêu con người và khát vọng tự do ông hằng ôm ấp là cái đẹp mà sự tàn ác không thể huỷ diệt được. Những âm thanh, nốt nhạc xao xuyến của tiếng đàn sẽ mãi ngân nga, vang vọng trong lòng độc giả nói chung và người yêu thơ Lorca nói riêng. Những đoá hoa tử đinh hương tím ngát âm thầm tiễn biệt linh hồn Lorca. Có thể nói sự vùi dập đã nhường chỗ cho sự thăng hoa, sự đau đớn đã nhường chỗ cho sự tôn vinh.
Thi phẩm có mạch cảm xúc rất đa dạng. Từ sự đồng cảm sâu sắc của tác giả đối với người nghệ sĩ tự do, cô đơn đến nỗi xót thương, đau đớn trước cái chết oan khuất của một con người có tài năng xuất chúng. Cuối cùng, khép lại bài thơ là tấm lòng ngưỡng mộ, niềm tin vào sự bất tử của Lorca. Qua đó nhà thơ Thanh Thảo đã khắc hoạ một hình tượng Garcia Lorca huyền thoại…
Thanh Thảo là một nhà thơ luôn luôn đam mê và sáng tạo nghệ thuật với những nỗ lực đổi mới và cách tân. Là một thi sĩ có ý thức sâu sắc về thế hệ mình, về nghệ thuật của mình, Thanh Thảo không ngừng suy ngẫm để đúc kết thành những châm ngôn, tuyên ngôn, trước hết cho ngòi bút của mình. Cả những suy ngẫm khôn nguôi về nỗi đời, lẽ đời, cả những chiêm nghiệm khôn cùng về cái đẹp, nghệ thuật. Và như mối duyên trời định, nhà thơ Thanh Thảo đã có sự gặp gỡ và đồng cảm với cuộc đời và nghệ thuật của Lorca. Ngay lời đề từ bài thơ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”, Thanh Thảo đã thể hiện được sự ngưỡng mộ đối với người nghệ sĩ vĩ đại suốt cuộc đời tranh đấu cho những lí tưởng cao đẹp. Lời đề từ chính là lời thơ mà Lorca luôn tâm niệm khi sống, trong bài “Ghi nhớ”, Lorca viết “Bao giờ tôi chết/hãy chôn tôi cùng cây ghi ta/trong cát”.Lời thơ không chỉ đơn thuần là lời bộc lộ tình yêu say đắm của Lorca với nghệ thuật, với xứ sở Tây Ban Cầm mà nó mang ý nghĩa sâu xa hơn. Nhà thơ cách tân là Lorca biết thi ca của mình một ngày nào đó sẽ án ngữ, ngăn cản người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông đi để sáng tạo những nghệ thuật mới hơn, cao hơn.
Thơ ca cũng như văn chương luôn cần hơi thở mới. Bởi lẽ : “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra những cái gì chưa có” (theo lời của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao). Hay đại thi hào M.Gorki cũng từng thốt lên: “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Đó là tâm niệm của những người nghệ sĩ chân chính luôn khát khao sáng tạo. Có thể nói, sự bất tử của nghệ thuật – tiếng đàn, nghệ thuật của Lorca, tình yêu con người và khát vọng tự do ông hằng ôm ấp là cái đẹp mà sự tàn ác không thể nào hủy diệt được; khát vọng sáng tạo vượt lên trên sự cũ mòn. Hay nói cách khác, tác phẩm nghệ thuật ra đời trước là điểm tựa cho sự ra đời của tác phẩm sau chứ không phải là vật cản án ngữ ngăn cản người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật. Thanh Thảo đã tìm thấy ở Lorca sự tri âm tri kỉ bởi chính Thanh Thảo cũng khát khao sáng tạo thay đổi nền nghệ thuật Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ XX.
- Kết bài:
Sự sáng tạo của Thanh Thảo là kết quả của mối đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với người nghệ sĩ – chiến sĩ Lorca. Đây chính là sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Thanh Thảo đã bắc nhịp cầu đến Lorca và khẳng định được ý nghĩa đặc biệt của tiếng nói tri âm trong văn chương. Và nhờ Thanh Thảo mà người đọc chúng ta hiểu hơn về người nghệ sĩ vĩ đại Lorca. Chính tài năng, khát vọng cách tân cùng sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật đầy hạnh phúc và khổ đau của người nghệ sĩ – chiến sĩ mà Thanh Thảo đã viết nên những vần thơ bất tử. Sự cộng hưởng tuyệt vời đó đã khiến thi phẩm: “Đàn ghi-ta của Lorca” trở thành một thi phẩm mà “lần đầu đọc ai cũng cảm thấy choáng ngợp và lúng túng như đứng trước một mĩ nhân có một vẻ đẹp hiện đại mà không biết cách nào tiếp cận và khám phá”.
Tham khảo:
Chất men say kì lạ trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”.
- Mở bài:
“Đàn ghi ta của Lorca” là thi phẩm xuất sắc của nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ đã thể hiện nỗi đau xót sâu sắc trước cái chết bi thảm của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, nhà thơ thiên tài của Tây Ban Nha, của Thanh Thảo. Đồng thời, bài thơ cũng đã thể hiện thái độ ngưỡng mộ người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX bị giết hại một cách phũ phàng. Bài thơ đã xây dựng được hình tượng Lor-ca với những khía cạnh khác nhau: một nghệ sĩ tự do và cô đơn, một cái chết oan khốc, bi phẫn bởi những thế lực tàn ác, một tâm hồn nghệ sĩ bất diệt. Tác phẩm là sự kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc về kết cấu tạo nên một hình thức độc đáo cho các hình tương nghệ thuật đã tạo ra chất men say dạt dào.
- Thân bài:
Những phát hiện của Freud về cõi vô thức quả là có ý nghĩa với việc nghiên cứu quy luật sáng tạo, giải mã những biểu tượng văn hóa trong tác phẩm. Sáng tạo nghệ thuật không hoàn toàn giống như trạng thái “lên đồng” nhưng nhiều khi, nhà nghệ sĩ cũng bị dẫn dắt bởi một linh lực bí ẩn nào đó, thăng hoa trong những xúc cảm mãnh liệt để (có khi) chỉ trong một thời khắc ngắn ngủi mà có thể tạo ra những kiệt tác “ngàn thu”. Sau những phút thăng hoa ấy, thường chính tác giả cũng không hiểu tại sao mình viết được như vậy. Chuyện Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống chẳng hạn. Chả thế mà Nguyễn Bính cứ than thở làm thơ là do “giời đày”, còn Chế Lan Viên thì nói là “ma làm”,… Tất nhiên, nói thế cũng là để cực đoan hóa một chút vai trò của vô thức chứ với người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học thì vẫn phải dùng tư duy phân tích, suy biện để tìm ra dòng mạch (dù là “vô thức”) của tác phẩm. Chỉ từ đó may ra mới tìm ra giá trị thẩm mĩ, nét đặc sắc về phong cách, ý nghĩa, tư tưởng,… của tác phẩm.
Để khám phá ra chất men say trong bài thơ, trước hết cần bắt đầu từ lí do khiến Thanh Thảo dành niềm tri âm sâu sắc với Lor-ca. Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936) là một trong những thiên tài của thi ca Tây Ban Nha. Ông được ngợi ca trên hai phương diện: trước một nền chính trị độc tài Phrăng-cô, Lor-ca là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh vì tự do; trước một nền nghệ thuật Tây Ban Nha già cỗi hồi đầu thế kỷ XX, ông là thi sĩ nồng nhiệt khát vọng cách tân. Thanh Thảo dễ xúc cảm trước thi hào Tây Ban Nha này trước hết vì Lor-ca là một kiểu người nghĩa khí – thuộc mẫu người mà thơ Thanh Thảo thường dành những ưu ái đặc biệt; sau nữa, còn vì chính Thanh Thảo cũng là một trong những nghệ sĩ luôn chan chứa một khát vọng cách tân thơ Việt sau 1975. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca nằm trong tập Khối vuông ru-bích – Tập thơ hoàn thành năm 1985, là thời kì mà văn học, nghệ thuật Việt Nam đã qua thời chiến, làm tròn trách nhiệm của một nền văn nghệ kháng chiến nhưng vẫn chưa kịp đổi mới để thích ứng với chặng đường mới của đất nước.
Căn cứ thứ hai chính là nhan đề và lời đề từ của bài thơ. Hình tượng đàn ghi ta và những biến ảnh của nó như tiếng đàn, tiếng ghi ta, chiếc ghi ta trong bài thơ là một biểu tượng, là tượng trưng cho thơ Lor-ca, tượng trưng cho tư tưởng của Lor-ca. Tính biểu tượng thể hiện rõ hơn trong lời đề từ mà Thanh Thảo mượn một câu thơ nổi tiếng. Đó là câu thơ có ý nghĩa như một di nguyện của thi hào Tây Ban Nha này – Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn. Đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã đọc ra ý nghĩa của câu thơ không chỉ đơn giản nói lên tình yêu nghệ thuật của Lor-ca. Nghĩ đến tương lai của nền nghệ thuật Tây Ban Nha, ông lo lắng vì sự thành công của mình có thể trở thành vật cản án ngữ con đường sáng tạo của thế hệ sau. Lor-ca muốn chôn theo cây đàn khi ông chết tức là muốn hậu thế thoát khỏi cái bóng của mình để tự do bước tới tương lai.
Cũng cần nói đến nguồn thi liệu trong bài thơ. Thanh Thảo đã huy động rất nhiều hình ảnh, thi liệu từ thơ Lor-ca rồi nhào nặn lại bằng phép tương giao của thơ Tượng trưng và tính bất trật tự cú pháp kiểu Siêu thực. Điều này khiến bài thơ chứa đựng một “bầu khí quyền” đặc trưng của văn hoá Tây Ban Nha và rất giàu nhạc tính. Có nhà phê bình đã rất tinh tế khi nhận ra Đàn ghi ta của Lor-ca vừa mang màu sắc thơ ai điếu phương Đông lại vừa chứa đựng âm hưởng của nhạc giao hưởng phương Tây. Có thể nhận ra những nét đặc sắc ấy ngay trong khổ thơ đầu. Hình tượng Lor-ca được tái hiện trên phông nền rộng lớn của văn hoá Tây Ban Nha cùng những thi ảnh quen thuộc trong thơ của thi hào: tiếng đàn ghi ta, áo choàng đấu sĩ, hoa li- la, con ngựa đen, vầng trăng đỏ,…
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”.
Trong những câu thơ này, hai câu đầu tạo ra một sự tương phản gay gắt như nước với lửa : “tiếng đàn bọt nước” và “áo choàng đỏ gắt”. Đành rằng cả thơ Tượng trưng và Siêu thực, nhất là thơ Siêu thực đều khước từ lối cú pháp thông thường để tạo ra những làn nghĩa cộng hưởng giao thoa nhưng trong trường hợp này, có thể tạm khôi phục lại ngữ pháp câu thơ để hiểu lớp nghĩa sơ giản nhất (?). Như thế ngữ pháp hoàn chỉnh của câu thơ đầu sẽ là: những tiếng đàn thơ Lor-ca như bọt nước? như những khối cầu bong bóng nước; tròn trịa, là biểu tượng của cái đẹp toàn bích nhưng rất đỗi mong manh và càng trở nên mong manh khi đặt cạnh màu chói gắt như lửa của sắc áo choàng. Áo choàng đỏ là trang phục của các đấu sĩ trong những trận đấu bò tót ở các đấu trường – một truyền thống thượng võ đặc trưng của Tây Ban Nha. Nhưng “áo choàng đỏ gắt” thì lại rất bất thường, chữ “gắt” ở cuối câu thơ thứ hai không chỉ tả được màu sắc mà còn gợi lên một “độ nóng” đến ngạt thở. Hình ảnh bất thường và nhạc điệu cũng bất thường. Điều đó gợi không khí chính trị nóng bỏng của đất nước Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài. Như vậy, trong mối quan hệ với đời sống chính trị đương thời, tiếng đàn – thơ Lor-ca đứng trước đầy những nguy cơ bất trắc và đây là những hình ảnh dự báo trước những bi kịch oan khuất của một đấng tài hoa. Bốn câu thơ sau lại diễn tả hình ảnh thi sĩ Lor-ca cùng cây đàn hành trình về “miền đơn độc”.
Câu thơ thứ ba mô phỏng những nốt tỉa ghi ta có dạng một khúc thức trong âm nhạc – Li-la li-la li-la – được tấu lên, kết hợp với những hình ảnh vầng trăng, yên ngựa gợi bóng dáng chàng nghệ sĩ lãng tử cùng tiếng đàn cứ mải miết trong một cuộc lãng du. Câu thơ “với vầng trăng chếnh choáng / trên yên ngựa mỏi mòn’’ có thể được hiểu là con người cùng với vầng trăng chếnh choáng, cùng trong trạng thái say sưa dâng hiến. Đó là hình ảnh một thi sĩ Lor-ca đầy nhiệt huyết say sưa trong sáng tạo. Nhưng càng nồng nhiệt thì càng dấn sâu vào “miền đơn độc”. Nghĩa là những tư tưởng tự do, khát vọng cách tân nghệ thuật của thi sĩ (do quá mới mẻ) chưa được sự đồng hành của đất nước Tây Ban Nha. Nếu hai câu đầu đặt tiếng đàn thơ Lor-ca trong quan hệ với đời sống chính trị thì bốn câu sau của khổ thơ lại đặt tiếng đàn thơ ấy trong mối quan hệ với nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Trong mối quan hệ này, thi sĩ là kẻ độc hành cô đơn. Đó là một bi kịch của người nghệ sĩ – sự thiếu vắng tri âm.
Và bi kịch Lor-ca được đẩy cao hơn với những câu gợi lại thời khắc định mệnh khi Lor-ca bị chính quyền độc tài hành hình:
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Có nên diễn xuôi khổ thơ này là: “Tây Ban Nha đang hát nghêu ngao thì bỗng kinh hoàng vì áo choàng bê bết đỏ”? Nghĩa cú pháp của khổ thơ có thể là thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì chẳng cần phải mượn đến tài thơ Thanh Thảo mới viết được. Mỗi câu thơ được viết ra một cách tự nhiên như văn xuôi, và chúng đang kể với ta về một đất nước Tây Ban Nha (đang) “hát nghêu ngao”. Hát “nghêu ngao” là giọng hát vô hồn, lạc điệu, là những âm thanh nhàm tẻ, rời rạc. Phải chăng, đó là chi tiết ám chỉ một đất nước Tây Ban Nha đang tồn tại một nền nghệ thuật già nua, bằng lặng. Và sẽ cứ bằng lặng, già nua như thế nếu không có cú sốc “bỗng kinh hoàng”, đột ngột khi Lor-ca bị “điệu về bãi bắn”. Có lúc, tôi đã tin vào sự cắt nghĩa này là đúng nhưng càng ngày càng thấy hoài nghi. Trong những câu thơ này, có lẽ không phải đất nước Tây Ban Nha mà chính là Lor-ca hát “nghêu ngao”. Nếu hiểu như thế thì từ “ngêu ngao” đã xóa đi tính trang trọng của âm nhạc thính phòng, gợi nhớ âm điệu Flamenco hoang dã, tự do, khỏe khoắn. Và hình như phải hiểu như thế mới hợp với hình tượng người nghệ sĩ hát dong lãng tử, đang say sưa dâng hiến, say sưa đem tiếng đàn – thơ của mình đến với công chúng.
Trong đoạn thơ này, đáng chú ý là câu “bỗng kinh hoàng”. Đó là cú đảo phách rất đột ngột nhằm diễn tả sự giật mình choáng váng. Tác giả đã phục hiện lại thời khắc định mệnh của thi hào Tây Ban Nha bằng những thủ pháp đặc trưng của trường phái ấn tượng. Từ “áo choàng đỏ gắt” có độ căng giãn hết mức rồi vỡ ra thành “áo choàng bê bết đỏ” đã chứa đựng một sự tăng “cường độ” những bi thương. Thanh Thảo hóa thân vào hình tượng Lor-ca để thể hiện tâm trạng của chàng nghệ sĩ “đi như người mộng du” ra pháp trường. Trong sáng tác thơ ca, Lor-ca hay nhắc đến thần chết và cái chết. Nhà nghệ sĩ luôn dự cảm được những bất trắc sẽ đến với mình bởi một lẽ đơn giản; trong một thể chế độc tài, bất kỳ người nghệ sĩ nào ca ngợi tự do cũng đều có đều có thể chuốc lấy những nguy cơ bất trắc. Chỉ có điều, dường như Lor-ca không ngờ bi kịch lại đến với mình sớm như vậy khi mà khát vọng cách tân còn dang dở. Không ngờ nên mới “bỗng kinh hoàng” choáng váng. Nói tóm lại, khổ thơ này là một tầng khác của bi kịch – Đó là bi kịch của người chiến sĩ bị hành quyết, bị thủ tiêu sinh mệnh.
Sát hại Lor-ca, kẻ thù của nền dân chủ cũng vùi dập cả tiếng đàn của chàng:
“tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy”
Những câu thơ này đã miêu tả tiếng đàn của Lor-ca như một sinh mệnh trong bi kịch. Ở đây, tiếng đàn được nhân hóa, có tâm trạng, cảm giác; được hữu hình hóa thành màu sắc, hình khối. Từ góc độ ngữ âm, có thể thấy mỗi câu thơ như một cung bậc của tiếng đàn mà các âm giai đã hòa vào thành hợp âm bi tráng của một bản nhạc cứ tăng dần về cường độ và trường độ. Cách hòa phối âm thanh như thế đã gợi liên tưởng đến hình ảnh một con người kiên gan, bất khuất như cố ngẩng cao đầu trước khi ngã gục, “ròng ròng máu chảy”.
Từ góc độ ngữ nghĩa, những câu thơ này lại mở ra một trường liên tưởng khác. Kể cũng có lý khi lý luận văn học hiện đại đã phân biệt rõ văn bản tác phẩm và tác phẩm. Văn bản tác phẩm thì chỉ có một, cùng lắm là có thêm một vài dị bản (trừ văn học dân gian) còn tác phẩm thì có muôn vàn. Tác phẩm là cái phần cảm thụ mang màu sắc chủ quan của mỗi người đọc. Tôi đã đọc khá nhiều bài viết về Đàn ghi ta của Lor-ca và ở khổ thơ này, mỗi người lại “nghe” ra những ý nghĩa thú vị. Trong số đó chắc chắn không khỏi có những ý áp đặt nhưng tôi tin Thanh Thảo cũng không nỡ trách người đọc bởi cấu trúc cú pháp thơ và đặc biệt là cú pháp bài thơ này vốn lỏng lẻo, mơ hồ. Vả lại người đọc – ở một chừng mực nào đó cũng có quyền “vẽ” ra cho mình một tác phẩm riêng từ những gợi ý trong văn bản của tác giả.
Trở lại với khổ thơ thứ ba bài thơ, bắt đầu là “tiếng ghi ta nâu” còn hiền hoà với chủ âm là thanh bằng, là hình ảnh tả thực, là tiếng của chiếc ghi ta màu nâu (khác với “chiếc ghi ta màu bạc” mà có người đó cho rằng đó là chiếc ghi ta đã được hóa, như nghi lễ hóa vàng trong tín ngưỡng dân gian). Gắn với âm thanh ấy là hai hình ảnh tương phản : “bầu trời” và “cô gái ấy”. Tương phản bởi lẽ, “bầu trời” là hình ảnh thuộc về cái bao la, vô cùng, “cô gái ấy” là hình ảnh con người hữu hạn. Câu thơ tái hiện bóng dáng một cô gái lẻ loi trên một nền trời trống trải, mênh mang. Theo chú thích của hai bộ sách giáo khoa ngữ văn 12 hiện hành, đó có thể là An-na Ma-ri-a, người mà sau khi Lor-ca chết đã chưa từng một lần lên xe hoa, đó cũng là người đã từng gợi bao tứ thơ kỳ diệu về tình yêu, cuộc sống cho thơ Lor-ca. Nếu tin như vậy thì câu thơ này còn là sự ngậm ngùi thương cảm cho một mối tình tan vỡ mà thi sĩ bỏ lại?. Hình ảnh “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy’’ lại là ẩn dụ nói lên một bi kịch xót xa. Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy hay tài năng Lor-ca đang ở độ chín, sức dâng hiến đang dồi dào mà cái chết “bỗng kinh hoàng” xảy đến mang theo bao nỗi tức tưởi.
Những thi ảnh nối tiếp từ “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” đến “ròng ròng máu chảy” tạo tính lôgic của những dòng thơ càng gợi lên nỗi bàng hoàng. “Tròn bọt nước” là toàn bích, là độ hoàn mĩ của tiếng đàn nhưng cũng là cái mốc dẫn đến “vỡ tan” rồi ứa ra “dòng dòng máu chảy”. Không chỉ là “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay’’ (Truyện Kiều) mà là tiếng đàn đang tuôn máu. Tâm trạng của Nguyễn Du khi than thở cho tập ký của Tiểu Thanh “văn chương vô mệnh lụy phần dư” (văn chương vốn không có số mệnh mà sao vẫn bị đốt đến chỉ còn lại phần dư cảo) hay Hoàng Cầm than khóc cho số phận tranh Đông Hồ trước sự tàn phá của giặc Pháp chắc cũng đến thế là cùng. Như thế, nếu khổ thơ trên tái hiện bi kịch của người chiến sĩ bị hành quyết thì khổ thơ này lại thể hiện bi kịch của người nghệ sĩ bị thủ tiêu tác phẩm.
Nhưng chưa hết, điều băn khoăn nhất trong mối tri âm của Thanh Thảo là những di nguyện của Lor-ca: “không ai chôn cất tiếng đàn / tiếng đàn như cỏ mọc hoang / giọt nước mắt vầng trăng / long lanh trong đáy giếng”. Nếu cần viện dẫn để chứng minh tính giao thoa giữa các lớp nghĩa của thơ ca viết theo lối tương giao thì đây là một ví dụ điển hình. Ở lớp nghĩa bề mặt có thể hiểu Lor-ca tuy chết nhưng tiếng đàn bất tử, bất diệt, dẫu là “dòng dòng máu chảy”. Kẻ thù của nền dân chủ có thể giết hại Lor-ca nhưng không thể chôn nổi tiếng đàn. Nó vẫn như “cỏ mọc hoang” lan nhanh và mạnh mẽ. Khi hành quyết, bọn độc tài đã ném xác Lor-ca xuống giếng hòng phi tang. Đây là nỗi đau của cả đất nước Tây Ban Nha mà sự thật, đến nay, hài cốt của Lor-ca vẫn lẫn khuất trong số hàng bao nhiêu nạn nhân của các vụ đàn áp. Nếu “diễn nghĩa” ý thơ của những câu này thì có thể hiểu, Lor-ca chết thảm, vốn đã đau đớn nhưng còn đau đớn hơn vì di nguyện “hãy chôn tôi với cây đàn” đã không được thực hiện. Sự nghiệp cách tân nghệ thuật của thi hào không có người kế tiếp. Đó là vì thần tượng Lor-ca quá lớn khiến người ta không thể chôn vùi được tiếng đàn hay vì quá yêu Lor-ca mà hậu thế không nỡ quên, không thể quên? Và vì thế tiếng đàn trở thành một thứ cỏ mọc hoang níu chân người đến sau. Thế nên những giọt nước mắt tức tưởi kia không chịu ngủ yên, không thể nguôi yên, không thể lặn chìm ngay vào cõi vĩnh hằng mà cứ ánh lên, nhức nhối một niềm đau “long lanh trong đáy giếng”. Nghĩa là hình ảnh “giọt nước mắt vầng trăng” kia lại thêm một lần tổn thương. Càng long lanh càng đau xót.
Không hiểu trong lúc viết những câu thơ này, Thanh Thảo có bị ám ảnh bởi những câu thơ tả nhạc trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu không nhưng rõ ràng giữa Thanh Thảo và Xuân Diệu vẫn có nét tương đồng. Mượn tứ bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị để viết về cái chết của người thiếu phụ trên bến Tầm Dương (Vì nghe nương tử trong câu hát / Đã chết đêm rằm theo nước xanh), Xuân Diệu cũng dùng từ “long lanh” để diễn tả nỗi sầu hận: “Long lanh tiếng sỏi vang vang hận / Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người”. Tuy nhiên ở Nguyệt Cẩm, Xuân Diệu chỉ muốn mượn lời tri âm với nàng “nương tử” để trải nghiệm đến cùng nỗi sầu, muốn được “Sống toàn thân và thức nhọn giác quan” còn Thanh Thảo thì khác. Nhắc lại di nguyện của Lor-ca, chắc chắn, tác giả muốn bộc lộ khát vọng thực hiện di nguyện ấy – khát vọng muốn góp phần cách tân thơ ca Việt Nam sau chiến tranh.
Với Lor-ca, cái chết là bi kịch nhưng cũng thật bất ngờ, cái chết lại là một sự giải thoát: “đường chỉ tay đã đứt / dòng sông rộng vô cùng / Lor-ca bơi sang ngang / trên chiếc ghi ta màu bạc”. Dựa trên cách phối thanh của những câu thơ này, có thể nhận thấy ở đây có một hụt hẫng, ngậm ngùi. Hình ảnh “đường chỉ tay đã đứt” tượng trưng cho định mệnh nghiệt ngã. Nghiệt ngã vì Lor-ca muốn gắn bó với cuộc đời mà đường chỉ tay đoản mệnh của đấng tài hoa chỉ có vậy, không thể bước tiếp về phía trước cùng làn sóng dân chủ, cùng xu hướng cách tân nghệ thuật mà đành phải tách mình, phải bơi tạt “sang ngang”. Phương tiện giúp người nghệ sĩ ham cách tân bơi “sang ngang” (tức là siêu thoát) lại chính là cây đàn, là chiếc ghi ta màu bạc. Những câu cuối miêu tả hành trình đi vào cõi bất tử của Lor-ca thật mãnh liệt, dữ dội:
“chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…”
Hành động “ném” được miêu tả hai lần với hai mục đích khác nhau. Ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước là ném vào cái dữ dội, danh giới giữa khổ đau và siêu thoát, để “dòng sông rộng vô cùng” trở nên bình lặng, giúp thi sĩ sang bờ bên kia một cách bình yên. Như đã nói ở trên, một con người tha thiết gắn bó với cuộc sống, đấu tranh hết mình vì tự do mà bỗng phải rời khỏi thế giới này là điều không dễ. Sự ra đi khó nhọc ấy được hình tượng hóa thành hình tượng một “dòng sông rộng vô cùng” với những xoáy nước dữ dằn. Cũng trên con đường siêu thoát ấy, trước khi phải rời bỏ thế giới này để sang bên kia bờ, “chàng” nghệ sĩ lãng tử đã kịp ném trái tim mình – một biểu tượng của sự sống nồng nhiệt về phía cuộc đời. Nghĩa là thi sĩ dùng chính bầu nhiệt huyết cách tân nghệ thuật, khát vọng đấu tranh vì tự do của mình gửi lại cho đất nước Tây Ban Nha đang ngột ngạt, nóng bỏng. Thanh Thảo hình dung khi trái tim ấy được ném trở lại, nó lập tức khiến cõi “lặng im” bỗng “bất chợt” tấu lên rộn rã những âm thanh: “li-la li-la li-la…”.
Đó liệu có thể là những chi tiết ngầm chỉ vai trò, ảnh hưởng của thơ Lor-ca với làn sóng đấu tranh vì tự do của Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ XX? Nghĩa là trước khi chết, Lor-ca đã kịp để lại một di sản nghệ thuật có sức thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của nhân dân. Mặt khác, điệp khúc “li-la li-la li-la” trở lại cuối tác phẩm không chỉ nhằm mô phỏng lại tiếng đàn. Li-la – như người ta đã đọc ra – còn là tên gọi khác của hoa tử đinh hương, một loài hoa đặc trưng của Tây Ban Nha. Thế nên, cái nhịp điệu li-la còn gợi hình ảnh những sắc hoa cứ bừng nở dần như những vòng nguyệt quế dành cho Lor-ca, là những sắc hoa tôn vinh sự chiến thắng, sự bất diệt của nghệ thuật, của những tư tưởng tự do dân chủ trong cuộc sống và trong thơ Lor-ca.
- Kết bài:
“Đàn ghi ta của Lor-ca” không chỉ là tiếng nói tri âm, không chỉ là lời tôn vinh cao nhất mà Thanh Thảo dành kính tặng Lor-ca; thể hiện sự ngưỡng mộ, đồng cảm với một bậc tài hoa, oan khuất. Hơn thế, thi phẩm còn gửi vào đó một triết lí về sức sống của nghệ thuật: nghĩa là dù bị vùi giập nhưng những gì là nghệ thuật chân chính vẫn luôn bất diệt, bất tử.