Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tinh thần tự học trong xã hội hiện đại
I. Mở bài:
Có người khuyên rằng: “Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước”. Muốn làm được điều đó thì không gì quan trọng hơn ngay từ bây giờ phải biết tự học. Tự học tuy gian nan nhưng thành quả mang lại là rất to lớn.
II. Thân bài:
1. Giải thích:
– “Học” là quá trình thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng để sống, hòa nhập với xã hội.
– “Tự học” là quá trình bản thân chủ động tích lũy tri thức và hình thành kỹ năng, không ỷ nại phụ thuộc vào bất kỳ người nào, cái gì. Quá trình tự học diễn ra xuyên suốt trong quá trình học tập từ khi tìm tòi, trau dồi, tích lũy đến khắc sâu và áp dụng tri thức.
– Tự học được thực hiện dưới nhiều cách thức khác nhau: tự học trên lớp, hỏi han bạn bè; tự tìm hiểu qua sách vở, phương tiện thông tin đại chúng, tự học tập qua những người xung quanh;… Tùy vào mục đích và hoàn cảnh cụ thể tự học lại có những dạng biểu hiện khác nhau song ý nghĩa chung lại vẫn là chỉ sự chủ động, tinh thần tự giác; sáng tạo, đề cao vai trò của bản thân người học.
2. Tinh thần tự học trong xã hội hiện đại có tầm quan trọng như thế nào?
– Ở thời nào việc tự học cũng cần thiết vì tự học giúp con người trở nên năng động, biết tự hoàn thiện mình, không ỷ lại, không bị phụ thuộc, hiệu quả học tập cao.
– Trong xã hội hiện đại, việc tự học càng trở nên cần thiết, quan trọng hơn bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin đặt ra yêu cầu mới đối với người lao động: phải có tri thức, phải luôn cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc bắt kịp với nhịp độ phát triển chung của xã hội. Do vậy, mọi người phải tự học ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.
– Kho tàng tri thức nhân loại là vô tận, sự học là mãi mãi và không phải thời điểm nào cũng có người ở bên chỉ dạy cho ta. Nếu chúng ta không tự giác, không nhạy bén và tự tìm hiểu thì mãi mãi chúng ta cũng chỉ là những kẻ tụt hậu, ngu ngốc.
– Tiếp thu kiến thức một cách thụ động nhồi nhét cũng giống như bản thân chỉ thấy được phần nổi của tảng băng trôi, không thể hiểu sâu và nắm chắc vấn đề. Việc học theo một lối mòn sẽ khiến tư duy bị trì trệ, kéo đến nhiều hệ lụy về cuộc sống sau này.
– Nếu ta không có tinh thần tự học thì chúng ta sẽ trở nên máy móc, sách vở, không thể áp dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào thực tiễn.
3. Vai trò của tinh thần tự học đối với sự phát triển và thành công của mỗi con người trong xã hội.
– Tự học mang lại cho ta cảm giác hứng thú, say mê, trân trọng chiến thắng và động lực phấn đấu trên con đường chinh phục tri thức.
– Tự học giúp chúng ta tích lũy kiến thức một cách chủ động tránh được những lỗi lầm không đáng có, bài trừ tình trạng học vẹt, học tủ.
– Tự học giúp chúng ta nắm rõ nắm sâu vấn đề mình tích lũy, rèn cho con người tính tự giác, độc lập, không ỷ nại, có thể làm chủ và xử lí nhanh nhạy trong mọi tình huống xảy đến, phát triển khả năng sáng tạo, tìm tòi; thúc đẩy tư duy của con người. Tự học có vai trò tích cực trong việc rèn luyện khả năng kiên trì, cần mẫn và sức chịu đựng của bản thân.
– Tự học giúp chúng ta có thể áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống một cách linh hoạt, có hiệu quả nhất. Tự học còn là chìa khóa hữu hiệu nhất để con người chinh phục được kho tàng tri thức bao la của nhân loại.
4. Làm gì để tạo thói quen tự học hiệu quả cho học sinh ngày nay?
– Là thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc rèn luyện cho bản thân tinh thần tự học là điều vô cùng cần thiết. Đầu tiên cần phải xác định mục đích đúng đắn của việc học tập. Đề ra phương hướng, lộ trình học tập phù hợp với khả năng và mục tiêu của bản thân. Có phương hướng và mục tiêu trong học tập sẽ tạo động lực giúp bản thân không ngừng nỗ lực vươn lên.
– Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ, nỗ lực tự học để có kiến thức nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của tự học, mà cần kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau như học thầy cô, bạn bè. Có như vậy, mới chiếm lĩnh được đỉnh cao tri thức và hoàn thiện nhân cách.
– Tự đề ra cho mình kế hoạch học tập hợp lí phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và việc học tập trên lớp. Chủ động tìm sách vở, tài liệu tham khảo cho từng bộ môn được học trong nhà trường, nhằm củng cố, nâng cao hiểu biết về bộ môn đó. Học ở mọi lúc, mọi nơi từ nhiều người, nhiều nguồn khác nhau: sách vở, báo đài, người thân. Phải hiểu vấn đề cho tưởng tận, hiểu sâu hiểu kĩ chứ không phải hiểu sơ sơ, mập mờ, đối phó.
– Tạo ra thói quen ghi chép một cách khoa học những tri thức tiếp thu được qua sách vở, tài liệu, hay các phương tiện truyền thông. Không ngại khó, ngại khổ, luôn tìm tòi, ham học.
– Chăm chú lắng nghe bài giảng thầy cô trên lớp; về nhà luyện tập và tìm tòi nhiều câu hỏi, nhiều bài tập hay, sáng tạo để rèn cho mình những kĩ năng riêng. Nếu không biết, không rõ không được giấu dốt mà mạnh dạn đề cập vấn đề với thầy cô, bạn bè để tìm hướng giải quyết.
– Cuối cùng, luôn phải nâng cao tinh thần cầu thị, tự giác và nghiêm khắc với bản thân.
5. Phê phán:
– Phê phán học tủ, học vẹt, học theo lối mòn: Đây là những lối học thụ động, không mang đến hiệu suất vững bền.
– Đề cao tinh thần tự học trong xã hộ hiện đại không đồng nghĩa với tinh thần tự cao, tự đại, ích kỉ, xa lánh mọi người. Tự học đó là tinh thần ham học hỏi từ những người xung quanh, luôn biết tiếp thu lắng nghe và chọn lọc ý kiến đóng góp từ mọi người để rút ra những kinh nghiệm cho bản thân.
6. Bài học nhận thức và hành động:
– Cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của tự học. Bản thân mỗi chúng ta phải xây dựng cho mình tinh thần tự học trên nền tảng của sự say mê, ham học, ham hiểu biết, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức.
– Có ý thức rèn luyện tinh thần tự học ngay từ bây giờ và tự học không ngừng trong suốt cuộc đời. Mỗi con người cần chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập. Có như vậy mới chiếm lĩnh được tri thức để vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.
III. Kết bài:
Học vấn do người siêng năng đạt được, tài sản do người tinh tế sở hữu, quyền lợi do người dũng cảm nắm giữ, thiên đường do người lương thiện xây dựng. Tinh thần tự học là nhân tố cần thiết đối với sự nghiệp của mỗi người Rèn luyện tinh thần tự học chính là ta đang tập dượt những bước đi vững chắc cho tương lai sau này.