»» Nội dung bài viết:
Nghị luận Ý thức kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc
- Mở bài:
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam chính là giữ gìn nguồn gốc bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ cao quý ấy không ai khác chính là thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay.
- Thân bài:
Thế nào là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ?
Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là những giá trị tinh thần được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trải qua mấy nghìn năm hình thành và phát triển, dân tộc ta đã kết tinh được nhiều truyền thống quý báu vẫn còn gìn giữ cho đến ngày nay. Đó là truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, cần cù lao động; truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu thảo. Ngoài ra còn có các tập quán tốt đẹp, ứng xử mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là gì?
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là bảo vệ, giữ gìn để các truyền thống đó không bị phai nhạt theo thời gian, mà ngày càng phát triển phong phú hơn, sâu đậm hơn.
Vì sao chúng ta phải kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ?
Mỗi truyền thống văn hóa tốt đẹp còn gìn giữ cho đến ngày nay là kết tinh của biết bao nhiêu sức lao động, trí tuệ của con người trong chiều dài thời gian đằng đẵng. Trải qua biết bao nhiêu cuộc xâm lược và hủy diệt của kẻ thù, dân tộc ta vẫn gìn giữ lấy nó, không để nó bị hủy diệt đi bở tội ác và âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Bởi thế, trách nhiệm của thanh niên ngày nay là phải kế thừa và phát huy truyền thống ấy để khẳng định bản lĩnh của dân tộc.
Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi cá nhân và cả dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc văn hóa riêng sẽ không thể nào phát triển đến tương lai. Dân tộc ấy sẽ sớm bị thôn tính hoặc đồng hóa bởi các nền văn hóa khác. Con người sống không có văn hóa không thể hòa hợp với xã hội và không thể thành công.
Kế thừa và phát huy các truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc là thể hiện sự biết ơn sâu sắc của con người đối với lớp lớp cha ông đã dày công bồi đắp các giá trị ấy và để lại cho chúng ta thừa hưởng. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của dân tộc, đối với tương lai đất nước.
Xem thường truyền thống văn hóa dân tộc là đi ngược lại với đạo đức con người, là sự vô ơn đối với tổ tiên, thể hiện một nhân cách kém cỏi, đánh khinh bỉ trong cuộc đời này.
Thanh niên cần làm gì để kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc?
Để thể hiện sự tôn trọng, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trước hết thanh niên phải tích cực học tập tri thức, trở thành người hiểu biết, rèn luyện nhân cách nhân phẩm tốt đẹp. Có tri thức, có nhân cách tốt đẹp mới biết quý trọng, kế thừa và gìn giữ các truyền thống quý báu của cha ông.
Tìm hiểu, sưu tầm, tự hào về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trân trọng, tự hào các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bởi họ là đại diện tiêu biểu của thời đại, của các giá trị văn hóa nổi bậc.
Ra sức giữ gìn và bảo vệ di tich lịch sử văn hóa dân tộc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, tác phẩm nghệ thuật, món ăn truyền thống. Bằng những hành động cụ thể, thanh niên cần giới thiệu và làm lớn lên những giá trị ấy trong đời sống cộng đồng và bạn bè thế giới biết đến.
Sống và ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Những giá trị văn hóa tốt đẹp nhưng không còn phù hợp với thời đại ngày nay sẽ được loại bỏ. Thay vào đó là các giá trị văn hóa mới phù hợp và tiến bộ hơn. Biết chọn lọc, tiếp thu những gì phù hợp nhất đè làm đẹp hơn văn hóa, đời sống của dân tộc trong thời đại mới.
Phê phán:
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không biết tôn trọng, quý trọng những di sản văn hóa do cha ông để lại. Họ tỏ ra xem thường hoặc phỉ báng, chê bai các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thay vào đó, họ tôn sùng các giá trị ngoại lai mà đánh mất đi bản chất văn hóa dân tộc trong cuộc sống của họ. Những người như thế thật đáng chê trách.
Bài học nhận thức:
Tôn trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc là trách nhiệm của mỗi thanh niên ngày nay. Dù ngày nay, có một vài truyền thống không còn phù hợp với đời sống dân tộc ta trong thời đại mới nhưng đừng vội vứt bỏ nó. Hãy giữ gìn những giá trị ấy như một tấm lòng tri ân đối với người xưa.
- Kết bài:
Ai cũng có quyền lựa chọn một lối sống riêng, một văn hóa riêng nhưng không nên đánh mất đi nguồn gốc của mình dù nó như thế nào. Đánh mất văn hóa là đánh mất tất cả, là nguy cơ mất nước.
Nghị luận về ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay