“Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn tàng trong nó cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con người vượt lên chính nó”. Bằng trải nghiệm văn học, hãy bình luận ý kiến trên.
- Mở bài:
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực không thể đơn thuần là một bản sao chép hiện thực khô cứng, thô nhám, mà thiếu đi mất cái hồn người, hồn đời. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng mang trong nó những vầng sáng của riêng mình, vầng sáng ấy chính là hồn cốt của nó, khiến nó có thể tồn tại, khiến nó có thể giúp ích gì đó cho cuộc đời, cho con người. Chẳng riêng gì hội họa, mà văn chương cũng thế. Phải chăng vì lẽ ấy mà có ý kiến cho rằng: “Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn tàng trong nó cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con người vượt lên chính nó.”
- Thân bài
Trong cuốn “Hoa đạo” Oshawa đã kể chuyện về một họa sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp. Gần đến cuối đời, ông ta mở triển lãm những bức tranh do chính mình vẽ ra. Mọi người đến xem ai ai cũng tấm tắc khen những bức tranh khiến vị họa sĩ rất hãnh diện và tự hào. Duy chỉ có một người nông dân xem hết bức này đến bức khác vẫn cứ lắc đầu. Họa sĩ tò mò hỏi vì sao thì bác nông dân kia mới đáp rằng: “Có phải những bức tranh này vẽ theo mẫu hoa ngắt từ ngoài vườn vào không?”, vị họa sĩ thật thà đáp có. Bác nông dân khi ấy bèn rằng, “Tranh hoa của ông rất đẹp, rất giống nhưng tôi cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Khi xem đến cuối cùng thì tôi hiểu. Tôi là người cả đời trồng hoa, tôi biết mỗi bông hoa sống bao giờ cũng có một vầng sáng mờ ảo tỏa ra xung quanh. Tôi cố tìm mà chẳng có bông hoa nào của ông có cái vầng sáng ấy cả”. Họa sĩ đã sốc khá lâu, nhưng rồi ông nhận ra, cái thiếu ấy sẽ là gì, nếu không phải là hồn hoa. Và từ hôm sau, người ta thấy ông bắt đầu cặm cụi ở ngoài vườn.