»» Nội dung bài viết:
Soạn bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo
– Bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết thuộc kiểu bài nghị luận xã hội, trong đó, người viết nêu lí lẽ, bằng chứng để phân tích một vấn đề cần giải quyết, từ đó, đưa ra những giải pháp khả thi, thuyết phục cho vấn đề.
Yêu cầu đối với kiểu văn bản.
+ Về nội dung: xác định, phân tích được vấn đề cần giải quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, thuyết phục.
+ Về hình thức: lập luận chặt chẽ, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
+ Bố cục bài viết cần đảm bảo:
- Mở bài: giới thiệu vấn đề cần giải quyết, tầm quan trọng của việc khắc phục, giải quyết vấn đề.
- Thân bài: giải thích vấn đề cần giải quyết, phân tích vấn đề (thực trạng, nguyên nhân, tác hại) và đề xuất các giải pháp khả thi, thuyết phục.
- Kết bài: khẳng định lại ý kiến về tầm quan trọng của việc khắc phục, giải quyết vấn đề; nêu bài học cho bản thân (về suy nghĩ, hành động).
Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản.
Văn bản: Những giải pháp khắc phục tình trạng tin giả trên mạng Internet.
Câu 1: Văn bản trên bàn luận đến vấn đề gì?
Trả lời:
– Văn bản trên bàn luận đến vấn đề: Giải pháp khắc phục tình trạng tin giả trên mạng Internet
Câu 2: Xác định đoạn văn giải thích và nêu ý nghĩa của thao tác giải thích đối với nội dung văn bản.
Trả lời:
– Đoạn văn giải thích: đoạn 2: Tin giả là những thông tin sai lệch, phiến diện, gây hiểu lầm, được trình bày dưới dạng giống tin thật (như bài báo, đoạn phim, bản tin,…)
– Ý nghĩa:
+ Làm rõ khái niệm tin giả, giải thích giúp người đọc hiểu rõ định nghĩa, đặc điểm, tác hại của tin giả.
+ Tránh sự nhầm lẫn giữa tin giả với các loại thông tin sai lệch khác.
Câu 3: Tác giả bài viết đã phân tích vấn đề trên những khía cạnh nào?
Trả lời:
– Tác giả bài viết đã phân tích vấn đề trên những khía cạnh: thực trạng, nguyên nhân, tác hại.
Câu 4: Các giải pháp tác giả đưa ra là gì? Em có nhận xét gì về các giải pháp này?
Trả lời:
– Các giải pháp tác giả đưa ra là:
+ Giải pháp thứ nhất là cách quản lí: Chúng ta cần tuyên truyền về tác hại của tin giả và giúp mọi người hình thành kĩ năng nhận biết tin giả.
+ Giải pháp thứ hai là đến từ mỗi người sử dụng mạng xã hội: Chúng ta cần học cách xác thực thông tin trên mạng và chịu trách nhiệm với hành vi lan truyền thông tin.
– Nhận xét: Các giải pháp đều có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng vào thực tiễn.
Hướng dẫn quy trình viết.
Đề bài : Câu lạc bộ truyền thông của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải. Em hãy chọn một vấn đề mà mình quan tâm, viết bài nghị luận để gửi đăng ở diễn đàn này.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.
Đề tài bài viết là một vấn đề mà học sinh thường gặp, cần có giải pháp khắc phục. Bài viết sẽ hay hơn nếu em chọn được vấn đề mà bản thân và các bạn quan tâm, gần gũi với thực tế cuộc sống, ví dụ:
– Hiện tượng xả rác bừa bãi trong trường học.
– Tình trạng học đối phó.
– Thói quen nói chuyện riêng trong giờ học.
– Tình trạng học sinh thiếu kĩ năng sống.
-…
Mục đích viết của bài này là gì? Đối tượng người đọc là ai? Họ mong chờ, thu nhận được điều gì từ bài viết của em? Trên cơ sở đó, em hãy lựa chọn cách viết phù hợp.
Thu thập các bài báo, đoạn phỏng vấn, bài nghiên cứu,… liên quan đến đề tài cần viết, lập bảng thống kê tài liệu thu thập được. Ghi chép các thông tin hữu ích, những giải pháp đã thực hiện để giải quyết, khắc phục vấn đề.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Liệt kê các ý tưởng cho bài viết dựa vào sơ đồ sau:
Phân tích vấn đề | Giải pháp |
– Vấn đề diễn ra như thế nào? – Nguyên nhân của vấn đề là gì? – Hậu quả mà vấn đề gây ra? | – Giải pháp 1… – Giải pháp 2 … – Giải pháp |
Lưu ý: Có thể phân tích vấn đề trên nhiều phương diện: cá nhân – gia đình – nhà trường – xã hội, chủ quan – khách quan, trong nước – ngoài nước,…
Để tăng tính khả thi, thuyết phục cho các giải pháp, cần trả lời những câu hỏi:
– Ai là người thực hiện giải pháp?
– Thực hiện giải pháp như thế nào? Các bước tiến hành ra sao?
– Có phương tiện gì hỗ trợ thực hiện giải pháp hay không?
– Những bằng chứng nào cho thấy giải pháp có hiệu quả trong thực tế?
Chọn lọc, sắp xếp các ý để lập dàn ý, dựa vào sơ đồ sau:
Mở bài | – Giới thiệu vấn đề. – Nêu tầm quan trọng của việc giải quyết, khắc phục vấn đề. |
Thân bài | 1. Giải thích vấn đề. 2. Phân tích vấn đề. – Thực trạng – Nguyên nhân – Hậu quả 3. Nêu giải pháp khắc phục vấn đề: – Giải pháp 1… – Giải pháp … |
Kết bài | – Khẳng định lại ý nghĩa của việc khắc phục, giải quyết vấn đề. – Rút ra bài học cho bản thân. |
Bước 3: Viết bài
– Viết bài văn hoàn chỉnh, đảm bảo đúng chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Lưu ý:
– Kết hợp nêu luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.
– Tách đoạn hợp lí, sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.
– Có thể trích dẫn danh ngôn, nhận định để tăng sức thuyết phục cho bài viết.
Bài viết tham khảo.
Công bằng mà nói, tuổi trẻ thời nay có những ưu điểm vượt trội so với các thế hệ trước như khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật rất nhanh, năng động, sáng tạo trong nếp nghĩ, nếp làm việc… Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người lại mắc phải những thói hư tật xấu, trong đó có tật nói tục, chửi thề. Đây là hiện tượng đáng phê phán bởi nó là biểu hiện của nhận thức lệch lạc và cách sống thiếu văn hóa.
Dân gian đã nói: Người thanh tiếng nói cũng thanh… hoặc: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe, với ý khẳng định thông qua lời ăn tiếng nói của một cá nhân nào đó, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách, phẩm giá của cá nhân đó. Trong cuộc sống hằng ngày, ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp hết sức quan trọng, không gì thay thế được. Ngoài ngôn ngữ chung của toàn xã hội, còn có ngôn ngữ riêng của từng người. Khi giao tiếp, chúng ta phải sử dụng đồng thời hai loại ngôn ngữ đó để đạt được mục đích giao tiếp.
Ông cha ta dạy con cháu phải Học ăn, học nói, chính là học cách sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng, cho hay. Tiếng Việt là thứ tiếng giàu và đẹp, có thể biểu hiện mọi khái niệm về sự vật hoặc mọi cung bậc tình cảm của con người. Nhiệm vụ của các thế hệ sau là phải học tập, gìn giữ và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ. Ấy vậy nhưng có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người không nhận thức được điều đó mà ngược lại còn vô tình hay cố ý phá hoại thứ của cải tinh thần vô giá ấy.
Hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện rất nhiều ở những nơi công cộng, kể cả ở trường học là nơi kỉ luật khá nghiêm túc, chặt chẽ. Để ý một chút, ta sẽ thấy hễ cứ dăm ba bạn trai tụ tập với nhau là hiện tượng nói tục, chửi thề xuất hiện. Có bạn hầu như cứ mở miệng ra là văng tục trước rồi mới nói sau. Mãi thành quen, cứ tự nhiên, bất chấp những người xung quanh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tệ hại hơn, có nhiều bạn lại cho rằng dám nói tục chửi thề mới là “dân chơi sành điệu”.
Trong những năm gần đây, ở Hà Nội và một số địa phương khác, trong học sinh, sinh viên còn nảy sinh hiện tượng “tự chế” ra những từ mới mà họ cho là hay, là độc đáo. Ví dụ như khi khen một cái gì đó, họ nói: “Cái áo này hơi bị đẹp!”; “Món này hơi bị ngon!”, “Cậu hơi bị yết kiêu đấy!”… Rồi thì “tinh vi”, “bố tướng”, “lăn tăn”, “chập cheng”, “ẩm IC”, “xong phắt”, “nói cho nhanh”, “bùng”, “phắn”, “biến”, “lặn”, “bà vãi”, “ông khốt”, “thằng chíp hôi”… cùng bao nhiêu từ bậy bạ khác không hề có trong từ điển, trong cung cách nói năng đường hoàng, lễ độ xưa nay. Nghe những từ ngữ, những câu nói chối tai của họ, nhiều người nhăn mặt, khó chịu và cho rằng đó là biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa, văn minh, làm ô nhiễm môi trường xã hội.
Nói tục, chửi thề là một thói xấu đáng chê trách, phê phán. Lứa tuổi học sinh chúng ta không nên bắt chước thói xấu đó. Hãy luôn nhớ lời khuyên của ông cha: Lời nói chẳng mất tiền mua,/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Để có thể nói đúng, nói hay, chúng ta cần phải có ý chí và nghị lực rèn luyện trong quá trình lâu dài thì mới đạt kết quả tốt.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Đọc lại bài viết của mình và dùng bảng kiểm dưới đây để chỉnh sửa:
Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết
Tiêu chí | Đạt | Chưa đạt | |
Mở bài | Giới thiệu vấn đề cần giải quyết | ||
Nêu tầm quan trọng của vấn đề cần giải quyết. | |||
Thân bài | Giải thích vấn đề | ||
Trình bày luận điểm phân tích các khía cạnh của vấn đề | |||
Phân tích lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cá khía cạnh của vấn đề | |||
Trình bày luận điểm đề xuất các giải pháp | |||
Phân tích lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ các giải pháp cần thực hiện | |||
Luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí. | |||
Kết bài | Khẳng định lại ý nghĩa của việc khắc phục, giải quyết vấn đề. | ||
Rút ra bài học cho bản thân. | |||
Diễn đạt | Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu | ||
Mở bài lôi cuốn, hấp dẫn | |||
Kết bài ấn tượng |