soan-bai-phan-tich-mot-tac-pham-truyen-ngu-van-9-canh-dieu

Soạn bài: Phân tích một tác phẩm truyện – Ngữ văn 9, Cánh diều

Soạn bài: Phân tích một tác phẩm truyện – Ngữ văn 9, Cánh diều

1. Định hướng

1.1. Ở những lớp dưới, các em đã được học cách viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm truyện. Sách Ngữ văn 9 tiếp tục rèn luyện kĩ năng phân tích và viết kiểu bài văn nghị luận này.

Bài văn phân tích một tác phẩm truyện cần phân tích được nội dung chủ đề; dẫn ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm, từ đó, nêu lên nhận xét, đánh giá của bản thân về hiệu quả thẩm mĩ của những nét đăc sắc ấy.

Khi viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện cần tránh sa đà vào kể lại nội dung văn bản mà không phân tích, lí giải, đánh giá,… các phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm hoặc vừa kể lại, vừa “chêm xen” các nhận xét tản mát, vụn vặt. Các ý kiến, nhận xét về tác phẩm cần được khái quát thành luận điểm và được làm rõ bằng việc phân tích dựa trên văn bản của nhà văn cùng sự cảm nhận của bản thân. Số lượng luận điểm trong bài viết tuỳ thuộc vào sự phức tạp, phong phú,… của tác phẩm cần phân tích nhưng thông thường, khoảng từ 2 – 3 luận điểm chính được nêu lên và làm rõ trong bài viết là phù hợp.

Bài văn phân tích một tác phẩm truyện có thể yêu cầu phân tích toàn bộ tác phẩm, đoạn trích hoặc tập trung vào một số yếu tố nội dung, hình thức của tác phẩm truyện.

1.2. Để viết bài phân tích một tác phẩm truyện, các em cần chú ý:

– Đọc kĩ văn bản truyện, xác định chủ đề của truyện.

– Xác định các đặc sắc nghệ thuật của truyện như: nhan đề, ngôi kể, cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôn ngữ của nhân vật và của người kể chuyện…; làm rõ tác dụng của những yếu tố này trong việc thể hiện chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm.

– Xác định các luận điểm trong bài viết; lựa chọn các bằng chứng từ tác phẩm truyện cho mỗi luận điểm.

– Liện hệ, so sánh với những tác giả, tác phẩm khác có cùng đề tài, chủ đề để nhận xét điểm gặp gỡ và sáng tạo tiêng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm truyện; liện hệ với bối cảnh đọc hiện tại, với bản thân để suy nghĩ, nhận xét về tác động, ý nghĩa của tác phẩm với người đọc và với chính bản thân em.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước.

Bài tập 1: Phân tích truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

Bài tập 2: Phân tích truyện ngắn “Ông lão bên chiếc cầu” của Ơ-nít Hê-minh-uê

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

– Xác định yêu cầu của đề bài (về nội dung, kiểu loại văn bản) và người đọc bài viết.

– Xem lại nội dung đọc hiểu truyện ngắn Làng của Kim Lân.

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài viết bắng cách đặt và trả lời các câu hỏi theo sơ đồ sau:

* Chủ đề của truyện là gì?

+ Chủ đề truyện Làng: là tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân buộc phải rời làng để tản cư và cuộc đời đầy thăng trầm của nhân vật: “Ông Hai”.

+ Chủ đề của truyện Ông lão bên chiếc cầu: Số phận con người và loài vật trong chiến tranh

* Em có nhận xét như thế nào về chủ đề của truyện?

+ Chủ đề của truyện ngắn Làng đã ca ngợi những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, yêu đất nước. Họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng và là nhân tố trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

+ Chủ đề của truyện Ông lão bên chiếc cầu nhắc nhở con người phải biết trân trọng, giữ gìn nền hòa bình trên toàn thế giới

* Truyện có những đặc sắc nghệ thuật nào? Em sử dụng từ ngữ nào để thể hiện nhận xét, đánh giá của mình về mỗi đặc sắc nghệ thuật đó?

– Truyện Ông lão bên chiếc cầu:

+ Các hình ảnh biểu tượng: cây cầu – ranh giới của hai phe chiến tranh

+ Ngôn ngữ đối thoại giữa nhân vật tôi và ông lão cho thấy đặc điểm, tâm trạng và phẩm chất của nhân vật

+ Đọc thoại nội tâm: “Đấy là quê hương của lão. Lão hãnh diện và mỉm cười khi có người nhắc đến” cho thấy nội tâm, suy nghĩ của nhân vật về quê hương của mình

– Truyện ngắn Làng:

+ Tình huống truyện: Truyện xây dựng cốt truyện tâm lí, tình huống thử thách nội tâm nhân vật: Ông Hai nghe tin làng theo Tây, đây là tình huống đặc sắc, tạo điều kiện để thể hiện tâm trạng, phẩm chất nhân vật chân thực. Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống gay cấn để làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng, yêu nước của ông.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc và tinh tế: Tác giả miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt nhà văn đã diễn tả rất đúng, rất ấn tượng về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc con người và thế giới tinh thần của họ, đặc biệt là người nông dân.

+ Ngôn ngữ của truyện rất đặc sắc, nhất là ngôn ngữ nhân vật ông Hai. Ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ và là lời ăn tiếng nói của người nông dân. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của ông Hai, dù vẫn dùng cách trần thuật ở ngôi thứ ba. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, với cách dùng từ, đặt câu hết sức dễ hiểu, mộc mạc lại mang đậm cá tính của nhân vật, rất sinh động.

* Truyện gợi cho em cảm xúc, suy nghĩ gì?

+ Truyện Ông lão bên chiếc cầu: Chiến tranh chỉ đem đến mất mát, đau thương. Con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ cho mình sự lương thiện và tình yêu thương

+ Truyện ngắn Làng: Vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai làng Chợ Dầu tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam tuy trình độ văn hoá thấp nhưng đã có ý thức giác ngộ cao, tha thiết yêu quê hương, Tổ quốc. Nói cách khác, quê hương – Tổ quốc đối với mỗi người Việt Nam chúng ta luôn gắn bó trong niềm tự hào nồng thắm! Sự mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yêu đất nước là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kháng chiến chống pháp đã trú trọng làm nổi bật. Truyện ngắn làng của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý ấy!

– Lập dàn ý bằng cách lựa chọn sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

  • Mở bài:

– Giới thiệu nhan đề, tác giả, thể loại và nhận xét chung về truyện.

  • Thân bài:

Phân tích nội dung chủ đề truyện:

+ Nêu và nhận xét về chủ đề của truyện.

+ Phân tích, đánh gá các đặc sắc nghệ thuật để làm rõ chủ đề của truyện và hiệu quả thẩm mĩ của đặc sắc đó:

– Đặc sắc về nhan đề và tình huống truyện: nhan đề giản dị, giàu sức khái quát, tình huống truyện độc đáo.

– Đặc sắc về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật.

– Một số đặc sắc nghệ thuật khác trong truyện: ngôi kể, điểm nhìn, ngôn ngữ,…

  • Kết bài:

– Nhận xét khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện.

– Nêu tác động của truyện đối với cá nhân người viết bài.

c) Viết.

– Dựa vào dàn ý đã lập để luyện tập kĩ năng viết bài.

– Khi phân tích mỗi yếu tố cần chú ý những điểm nổi bật, sử dung bằng chứng từ văn bản và làm rõ tác dung của chúng.

– Trong khi phân tích, chú ý tạo điểm nhấn cho các yếu tố hình thức được lựa chọn bằng những đánh giá, nhận xét phù hợp, xác đáng, thể hiện sự tìm tòi, khám phá của người viết.

* Bài văn tham khảo:

Phân tích truyện ngắn “Làng” của Kim Lân.

  • Mở bài:

Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với vốn am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn và người nông dân nên truyện của ông thường xoay quanh những nếp sinh hoạt, cảnh ngộ, phong tục truyền thống của người nông dân Bắc Bộ. Nguyên Hồng nhận xét: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn. Truyện ngắn Làng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân.

  • Thân bài:

Truyện ngắn “Làng” (1948) là một minh chứng tiêu biểu cho lời nhận xét đó của Nguyên Hồng. Bằng việc khai thác đề tài tình yêu làng, lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư qua nhân vật ông Hai, Kim Lân đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sinh động bằng một thứ ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân.

Trước hết, truyện ngắn “Làng” đã được Kim Lân xây dựng trên tình huống gay cấn để bộc lộ tình yêu làng, tình yêu đất nước sâu sắc ở nhân vật ông Hai. Đó là tin làng ông theo giặc lập tề mà chính ông nghe được từ miệng của những người tản cư dưới xuôi lên. Tình huống ấy đã đẩy câu chuyện vào chỗ thắt nút khi mà ông Hai – một con người vốn yêu làng, luôn khoe và hãnh diện về làng thì nay lại hay tin là theo giặc. Vì thế ông đau đớn, xót xa và cảm thấy tủi hổ, bẽ bàng. Trong thế giới nội tâm nhân vật có sự đấu tranh xung đột giữa tình yêu làng và tình yêu nước mà tình cảm nào cũng mãnh liệt, song tình yêu nước, tinh thần kháng chiến rộng lớn, bao trùm lên tình yêu làng. Nhưng cuối cùng, cũng từ tình huống ấy đã mở nút cho câu chuyện khi mà ông nhận được tin cải chính về làng. Tình huống này đã khẳng định ông Hai và làng chợ Dầu luôn trung thành tuyệt đối với kháng chiến với cụ Hồ, với dân tộc.

Cũng qua tình huống truyện, người đọc còn nhận ra tài năng khắc họa, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo của nhà văn Kim Lân qua nhân vật ông Hai. Có thể nói, dưới tác động của tình huống, sự việc khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, tâm lý nhân vật ông Hai đã có những diễn biến phức tạp và nhà văn đã trực tiếp nhập vai vào nhân vật để nói bằng tiếng nói nhân vật, mô tả sự giằng xé trong thế giới nội tâm với những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, dữ dội. Cũng như biết bao người dân quê khác, ông Hai gắn bó sâu lặng với nơi chôn rau cắt rốn của mình – làng chợ Dầu. Tình yêu ấy của ông thật đặc biệt, biểu hiện của nét tâm lí đó là luôn tự hào và thích khoe về làng. Nhưng có một sự kiện bất ngờ đã xảy ra với ông, từ phòng thông tin bước ra đang rất phấn khởi, náo nức vì những tin vui của kháng chiến, gặp người tản cư, nghe họ nhắc tới tên làng, ông Hai quay phát lại, lắp bắp hỏi, hi vọng được nghe những tin tốt lành về làng, nào ngờ lại hay tin: cả làng chợ Dầu theo giặc. Trước tin dữ ấy, ông Hai sững sờ chết lặng “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được”. Từ niềm vui, niềm tin hi vọng, ông Hai rơi xuống vực thẳm đau buồn, xót xa, tuyệt vọng. Ông cố gắng trấn tĩnh bản thân và tìm cách lảng ra về, muốn che giấu đi tâm trạng ấy nhưng nỗi tủi hổ, bẽ bàng, lo lắng khiến ông “cúi gằm mặt mà đi”, còn văng vẳng tiếng chửi “giống Việt gian bán nước”.

Khi về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con nhỏ: “nước mắt ông lão cứ dàn ra”. Những dòng độc thoại nội tâm trong ông thể hiện nỗi day dứt, đau đớn: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?…”. Ông căm giận lũ người theo giặc, phản bội làng nước, ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Nhưng sau đó, ông lại cảm thấy “ngờ ngợ” như lời của mình không được đúng lắm. Niềm tin và nỗi thất vọng đang giằng xé trong ông. “Ông kiểm điểm từng người trong óc” thấy họ đều là những người có tinh thần kháng chiến, một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy được.

Trong hoàn cảnh giặc giã thì tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp; còn phản bội là điều xấu xa ô nhục nhất. Vì thế từ khi nghe tin làng mình theo giặc, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong tâm trí của ông, khiến ông ba bốn hôm nay không dam bước chân ra đến ngoài. Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng binh tình. “Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói xa xa ông cũng chột dạ”, lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng người ta đang để ý, đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”; cứ thoáng nghe những tiếng Tây, cam nhông, Việt gian là ông lại lủi thủi ra một góc nhà nín thít… “Thôi lại chuyện ấy rồi!”. Ông luôn thu mình lại, cảm thấy xấu hổ, đau xót và dường như cảm thấy chính mình cũng có tội vậy.

Ông Hai rơi vào tình trạng tuyệt vọng khi mà bà chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi vì “nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu khỏi vùng này, không cho ở nữa”. Ông Hai không biết đi đâu, cũng không thể quay lại trở về làng vì về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, “về làng tức là chụy quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Trong ông Hai diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt và dứt khoát lựa chọn theo cách của mình “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tình yêu nước đã bao trùm lên tình yêu làng. Song ông không thể vứt bỏ tình yêu làng nên ông Hai càng đau xót, tủi hổ. Trong tâm trạng bị dồn nén, không biết giải tỏa như thế nào, ông Hai chỉ còn biết trút lòng mình với đứa con nhỏ. Cuộc đối thoại giữa ông và đứa con trai đã bộc lộ thật cảm động tấm lòng gắn bó sâu sắc với làng quê, với đất nước và với kháng chiến của ông Hai. Ông nói với con mà như tự nói với chính mình, tự mình oan, tự chiêu tuyết cho mình. Đoạn thoại, vừa chất chứa nỗi đau đớn, xót xa, lại vừa thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt với kháng chiến, với cách mạng, với cụ Hồ.

Có lẽ, nếu không nhận được tin cải chính thì cả đời ông Hai sẽ chết dần, chết mòn trong nỗi đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng về cái làng của mình mất. Những sau đó, chính quyền làng ông đã lên cải chính cái tin làng chợ Dầu theo giặc. Nhận được tin, ông Hai như sống lại, niềm vui tràn ngập trong ông: quần áo chỉnh tề, mặt tươi vui, rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy, nói bô bô, mua quà cho các con…. Đặc biệt là hành động ông chạy đi khoe với tất cả mọi người cái tin vui ấy. Niềm vui sướng, hạnh phúc dâng trào khiến ông cứ múa tay lên mà khoe. Và lạ thay, câu đầu tiên ông khoe không phải là việc làng ông không theo giặc mà là “Tây nó đốt nhà tôi rồi… đốt nhẵn!”. Với người nông dân, căn nhà là cả cơ nghiệp của họ mà cả đời họ làm lụng vất vả mới có được. Nhưng ông Hai không hề tiếc căn nhà của mình bởi nó là minh chứng khẳng định làng ông không theo giặc và trên hết là nó như là sự “đóng góp” của gia đình ông với kháng chiến. Điều đó, một lần nữa càng khẳng định rõ ràng hơn tình yêu làng, tình yêu nước và sự trung thành với kháng chiến ở ông Hai.

Đến đây, chúng ta thấy được sức sáng tạo độc đáo của Kim Lân trong nghệ thuật tạo tình huống, thực sự gay cấn, kịch tính với những thử thách của nội tâm nhân vật, từ đó bộc lộ chiều sâu đời sống bên trong, tình cảm, tư tưởng của nhân vật. Tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, rất cụ thể, gợi cảm qua thế giới nội tâm với các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt, nhà văn đã diễn tả rất đúng, rất ấn tượng về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc con người và những nét tâm lí vôn có của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng.

Thông qua tác phẩm, người đọc còn nhận ra ngôn ngữ của truyện rất đặc sắc, nhất là ngôn ngữ nhân vật ông Hai. Ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của ông Hai, dù vẫn dùng cách trần thuật ở ngôi thứ ba. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại vừa mang đậm cá tính của nhân vật, rất sinh động, chân thực, gần gũi.

  • Kết bài:

Tóm lại, “Làng” của Kim Lân là một truyện ngắn đặc sắc, khai thác một tình cảm bao trùm và phổ biến trong con người thời kháng chiến: tình yêu quê hương, đất nước; trong đó, nhân vật ông Hai là nhân vật có tính chất đại diện điển hình cho nét tâm lí, tình cảm đó của người nông dân Việt Nam trong thời kì tiến công cách. mạng. Qua tác phẩm chúng ta thấy được tài năng độc đáo trong nghệ thuật tạo tình huống, xây dựng hình tượng nhân vật có tính chất đại diện điển hình với thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, sinh động; ngôn ngữ truyện mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời sống, xen lẫn giữa độc thoại và đối thoại đan xen… tất cả đã làm nên sự thành công độc đáo, hấp dẫn cho thiên truyện ngắn.

Phân tích truyện ngắn “Ông lão bên chiếc cầu” của Ơ-nít Hê-minh-uê

Ơ-nít Hê-minh-êu (1899 – 1961) sinh tại bang l-li-noi nước Mĩ, trong một gia đình trí thức. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất ở chiến trường l-ta-li-a với tư cách phóng viên mặt trận. Sau đó, ông sang Pháp vừa làm báo vừa bắt đầu sáng tác. Hemingway là người khởi xướng loại truyện-thật-ngắn hiện đại và chịu nhiều ảnh hưởng của Sherwood Anderson (1867-1941), một văn sĩ Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn của Hemingway không có cốt truyện rõ rệt và ông không dùng tình cảm để gây xúc động mạnh. Tuy nhiên với văn phong giản dị nhưng điêu luyện, từ ngữ chọn lọc và óc nhận xét tinh tế, ông thường chia tình tiết câu chuyện thành từng đoạn từng hồi rõ rệt. Truyện “Ông lão bên chiếc cầu” được dịch từ nguyên tác “Old Man at the Bridge”, trong đó người thuật chuyện chứng kiến số phận hẩm hiu của ông lão già nua, vì thời cuộc đã trở thành nạn nhân không may của thảm cảnh chiến tranh trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939). Ở đây, Hemingway chỉ ghi nhận sự tàn bạo phi lý của chiến tranh mà không hề biểu lộ xúc động nào.

Bối cảnh của truyện là Chiếc cầu bắc qua sông, những chiếc xe nối đuôi nhau đi qua, binh lính đẩy hộ xe hàng, những người dân quê lầm lũi bước trong đám bụi, chỉ một mình ông lão già nua vẫn ngồi yên, bất động vì quá mệt mỏi và không thể tiến thêm bước nào nữa. Một bối cảnh chiến tranh hiện rõ qu từng câu văn mặc dù nhà văn không hề nhắc đến từ “chiến tranh” nào.

Qua câu chuyện với nhân vật tôi, hoàn cảnh ông lão đã được giới thiệu thật đầy đủ. Ông lão đến từ San Carlos, ông nuôi gia súc và là người cuối cùng rời khỏi thị trấn vì chăm sóc những con vật. Ông lão lo những con vật khác là hai con dê, bốn cặp chim bồ câu sẽ không thể tự kiếm ăn và không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng. Và trong cuộc trò chuyện của nhân vật tôi với ông lão, chúng ta cũng có thể dự đoán được cái chết có thể đến với ông lão đang xảy ra chiến tranh nhưng ông nhất quyết không chịu đi vì lo cho vật nuôi của mình. Không có một sự đánh giá nào từ nhân vật “tôi” về ông lão những qua những chi tiết câu chuyện chúng ta thấy ông lão là một người có chân dung bụi bặm, xám bẩn nhưng ánh lên sau đó là tấm lòng lương thiện sâu sắc dành cho các con vật nuôi của mình.

Cuối câu chuyện, tác giả nói về ngày “Chủ nhật Phục sinh” và “niềm may mắn” hoàn toàn đối lập với cảnh ngộ của ông lão. Ngày lễ Phục sinh đánh dấu sự sống trở lại của Chúa, và “niềm may mắn” khi giống mèo có thể tự xoay sở. Thế nhưng còn ông lão, có thể ông sẽ phải đối mặt với cái chết khi quân đội phát xít đang đến gần.

Trong câu chuyện, chúng ta thấy được tài năng của Hê-minh-uê qua việc sử dụng các đặc sắc nghệ thuật trong câu chuyện. Tác giả không hề nói gì về chiến tranh, nhưng chúng ta cảm nhận được hời thở của nó qua hình ảnh biểu tượng: cây cầu – ranh giới của hai phe chiến tranh. Tác giả không hề có sự đánh giá nào về nhân vật của mình nhưng qua ngôn ngữ đối thoại giữa nhân vật tôi và ông lão cho thấy đặc điểm, tâm trạng và phẩm chất của nhân vật. Đặc biệt, việc không đặt tên cho ông lão có ý nghĩa khái quát lớn. Đó không chỉ là một ông lão ngồi bên cầu mà nhân vật tôi gặp được mà ông là đại diện cho rất nhiều số phận con người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Tác phẩm Ông già bên cây cầu cũng thể hiện tình cảm yêu mến, khâm phục của nhà văn đối với những con người lao động nghèo khổ. Tác giả muốn chuyển đến người đọc một thông điệp quan trọng: Chiến tranh chỉ đem đến mất mát, đau thương. Con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ cho mình sự lương thiện và tình yêu thương. Câu chuyện còn nhắc nhở con người phải biết trân trọng, giữ gìn nền hòa bình trên toàn thế giới

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở bài 1, phần Viết, muc d (trang 25,26) và đối chiếu với dàn ý đã làm ở bài này.

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Miêu tả và tự sự trọng văn thuyết minh.

a) Cách thức

Nhân vật là yếu tố quan trọng giúp nhà văn thể hiện chủ đề của tác phẩm truyện. Vì vậy, khi phân tích một tác phẩm truyện, cần quan tâm đến việc tìm hiểu nhân vât. Để phân tích nhân vật, cần xác định các chi tiết nhà văn sử dụng để thể hiện nhân vật như ngoại hình, hành động, suy nghĩ, lời nói, mối quan hệ với các nhân vật khác,… từ đó, khái quát về đặc điểm của nhân vật (ví dụ đặc điểm về số phận, tính cách,…), về nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả, về tác dụng thể hiện chủ đề của nhân vật được phân tích,… Có thể lựa chọn để liên hệ, so sánh với nhân vật trong các tác phẩm văn học khác để nhận ra điểm gặp gỡ và khác biệt. Cần kết hợp linh hoạt giữa lí lẽ và bằng chứng, giữa phân tích và đánh giá, nhận xét, giữa nội dung khách quan về nhân vật và cảm nhận chủ quan của người viết về nhân vật đó.

Ví dụ dưới đây là đoạn văn phân tích nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.

Đoạn vănChức năng của câu văn
(1) Lão hiện ra tự nhiên quá đỗi, cứ như thấy thế nào tả thế ấy, chắng gia công sắp đặt, bài binh bố trận gì. (2) Mà chắp nối từ toàn những chuyện không đâu vào đâu: nào là đắn đo về bán hay không bán con chó vàng và mảnh vườn, chuyện ốm đau tiêu lạm vào số tiền góp nhặt, chắt bóp, dành dụm được, nào là chuyện thằng con đi xa có đến hàng năm chẳng thấy giấy má gì,… được kể nhân lúc hút thuốc lào vặt của hai ông hàng xóm, thế thôi. (3) Ấy thế những, lão hiện lên là nhờ một chùm tương quan được giấu kím trong cái mạch đầy vẩn vơ, tuỳ tiện ấy, tựa như một “hệ vi mạch” bí mật và hoàn hảo. (4) Mỗi tương quan là mỗi luồng sáng, chúng hội tụ về từ khắp phía giúp nhà văn làm rạng ngời lên chân dung lão Hạc. […] (5) Từ tấm lòng của lão Hạc dành cho đữa con trai duy nhất, Nam Cao đã nhìn thấy ở người cha xác xơ còm cõi này một tình phụ tử nguyên sơ và vĩnh cửu. (6) Không phải lão không biết quý sinh mệnh của mình. (7) Tuy nhiên, có một thứ lão còn quý hơn: Ấy là đạo làm người, làm cha! (8) Đối với lão, sống dường như có một ý nghĩa: sống cho con! (9) Hoàn cảnh cùng cực đẩy lão đến trước một lựa chọn nghiệt ngã: muốn sống thì phải lỗi đạo làm cha (phải xâm phạm mảnh vườn – tài sản duy nhất đáng giá mà lão đêm ngày gìn giữ để bù trì tạo lập cho giọt máu duy nhất mình để lại chơ vơ trên cõi đời này), còn muốn trọn đạo làm cha thì phải chết. (10) Và lão đã quyên sinh. (11) Cái chết của lão khiến ta đau đớn nhận ra tình phụ tử mộc mạc ấy mới thăm thẳm và thiêng liêng làm sao! (12) Nó xui ta nhớ đến cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử. (13) Người cha hấp hối cứ một mực dành cho con cái khố độc nhất, còn mình thì chết có vùi không trong đất lạnh cũng xong! (14) Thì ra cái dòng máu ấy vẫn chảy âm thầm và bền bỉ trong trái tim mỗi người cha Việt Nam suốt mấy nghìn năm nay, nó là vẻ đẹp bất diệt của dân tộc này.

(Theo Chu Văn Sơn, Nghệ thuật văn xuôi của truyện ngắn “Lão Hạc” , in trong Tiếng nói tri âm, tập II, NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1996)

(1) Nêu nhận xét ban đầu về nhân vật.

(2) Nêu bằng chứng từ các chi tiết trong tác phẩm.

(3), (4): Nêu nhận xét, phát hiện mới về nhân vật: Lão Hạc hiện lên nhờ chùm tương quan được giấu kín như một “hệ vi mạch” bí mật và hoàn hảo.

(5), (6), (7), (8), (9), (10), (11): Phân tích, bình luận về tình phụ tử sâu sắc của nhân vật Lão Hạc từ mối tương quan với người con trai duy nhất.

(12), (13): Liên hệ với tác phẩm văn học khác.

(14) Đánh giá, khái quát hoá về tình phụ tử của nhân vật.

 

 

 

 

 

 

 

b) Bài tập:Viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) phân tích tâm trạng của ông Hai khi trò chuyện với bé Húc trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Trả lời:

Khi nghe tin làng theo giặc, hai tình cảm: một bên là làng, một bên là nước dẫn đến một cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai. Ông đã dứt khoát chọn theo cách của ông: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng, vì thế mà ông càng đau xót, tủi hổ. Khi tâm trạng bị dồn nén, ông trút nỗi lòng vào những lời thủ thỉ, tâm sự với đứa con nhỏ, rất ngây thơ. Qua đó, ông muốn tự nhủ với mình, tự giãi bày với lòng mình. Ông muốn đứa con ghi nhớ câu “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” và muốn nó biết tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Gái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Đó chính là tình cảm sâu nặng, thiêng liêng mà chân thành, bền vững của ông Hai – một người nông dân với quê hương, đất nước, với Cách mạng và Bác Hồ và các tình cảm đó không chỉ còn là niềm tự hào mà còn là niềm tự tôn, là danh dự của ông Hai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang