»» Nội dung bài viết:
Soạn bài: Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Ngữ văn 9, Kết nối tri thức)
Trước khi đọc
Tình yêu là đề tài phổ biến trong văn học, nghệ thuật. Hãy chia sẻ suy nghĩ của em về một tác phẩm viết về đề tài này
Trả lời:
– Tác phẩm: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng.
Đọc văn bản.
Câu hỏi 1: Lời thoại của hai nhân vật có gì đặc biệt?
Trả lời:
– Lời thoại của hai nhân vật:
+ Lời thoại của Rô-mê-ô thể hiện sự khiêu khích, thể hiện rằng mình không sợ vấn đề gì. Kèm với đó là những lời thoại nhưng lại giống như độc thoại khi tác giả không để dấu gạch ngang ở đầu dòng.
Câu hỏi 2 : Tại sao Giu-li-ét mong Rô-mê-ô từ bỏ tên họ?
Trả lời:
– Giu-li-ét mong Rô-mê-ô từ bỏ tên họ vì hai dòng họ của hai nhân vật có mối thù ghét nhau, chính họ đó sẽ khiến cả hai không thể đến được với nhau, nếu không phải mang họ đó thì tình yêu của họ sẽ không còn vấn đề gì cả.
Câu hỏi 3: Điều gì đã làm cho Rô-mê-ô có thể gặp gỡ Giu-li-ét?
Trả lời:
– Điều khiến Rô-mê-ô vượt tường cao để gặp Giu-li-ét chính là bởi tình yêu sâu sắc của chàng với nàng. Không gì có thể ngăn cản được tình yêu.
Sau khi đọc.
Câu hỏi 1: Sự việc Rô-mê-ô gặp Giu-li-ét diễn ra trong tình thế như thế nào?
Trả lời:
– Diễn ra trong tình thế cả hai đã biết về mối thù của hai họ.
Câu hỏi 2: Hãy nhận xét cách bày tỏ tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét.
Trả lời:
– Hai nhân vật đã bày tỏ tình yêu với nhau rất mãnh liệt, đầy cảm xúc. Cả hai đều thể hiện rõ tình yêu đậm sâu dành cho nhau, không muốn chia xa, tìm cách để thay đổi mối thù oán của hai họ
Câu hỏi 3: Phân tích các hình thức thoại và chỉ ra vai trò của chúng trong việc thể hiện diễn biến tâm trạng của hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét.
Trả lời:
– Các hình thức thoại:
+ Đối thoại:
Giu-li-ét: – Ôi chao!
Rô-mê-ô: – Kìa, nàng vừa lên tiếng! Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi!…
+ Độc thoại:
Rô-mê-ô (nói một mình): – Ta cứ đứng nghe thêm nữa, hay nên lên tiếng nhỉ?
+ Độc thoại nội tâm:
Ấy nhè nhẹ chứ nào! Ánh sáng nào vừa lóe trên cửa sổ kia? Đó, phương đông đó…
– Vai trò:
+ Thể hiện tâm trạng của từng đoạn đối thoại cụ thể, ban đầu sử dụng độc thoại nhưng lại mang tính chất độc thoại nội tâm để bày tỏ sự si mê, yêu say đắm và mong muốn được Giu-li-ét đáp lời và mở lòng. Đoạn sau sử dụng độc thoại và đối thoại vì lúc đó hai nhân vật đang trao đổi các thông tin và bày tỏ tình yêu thương với nhau.
→ Qua việc sử dụng đa dạng các hình thức thoại giúp cho đoạn trích trở nên thu hút hấp dẫn hơn, đồng thời làm nổi bật lên nội dung tác giả muốn thể hiện .
Câu hỏi 4: Đoạn trích cho thấy những xung đột gì trong toàn bộ vở kịch?
Trả lời:
– Đoạn trích cho thấy xung đột giữa hai dòng họ, xung đột giữa thổ lộ tình yêu mãnh liệt của Rô-mê-ô và sự lo lắng cho an nguy người yêu của Giu-li-ét.
Câu hỏi 5: Từ phần tóm tắt nội dung vở kịch, hãy cho biết hành động thổ lộ tình yêu trong đêm ở vườn nhà Ca-pi-lét có liên hệ như thế nào với chuỗi hành động tiếp theo của hai nhân vật Rô-mê-ô, Giu-li-ét và kết cục của vở kịch.
Trả lời:
– Hành động thổ lộ trong vườn nhà Ca-pi-lét chính là sự khẳng định tình yêu của hai nhân vật từ đó hai nhân vật làm mọi thứ mọi cách để có thể ở bên nhau, dù thế nào cũng không chia xa.
Câu hỏi 6: Về vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét, có ý kiến cho rằng: “Cái chết của đôi trai tài gái sắc đem lại niềm tin và hi vọng, đó là cái chết gieo mầm sự sống”. Em có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?
Trả lời:
– Em đồng tình với ý kiến.
– “Sự sống” chỉ những điều mới mẻ, hy vọng, khởi đầu. Còn “cái chết” tượng trưng cho sự ra đi, mất mát, rời bỏ. Đối với hoàn cảnh của hai nhân vật trong đoạn trích, vì mối thù của hai gia đình họ đấu tranh mãi cũng không thể có được tự do, hạnh phúc cho nên cái chết là sự giải thoát cho tình yêu của họ, để họ có thể được ở cùng nhau ở một thế giới khác. Và cũng chính nhờ cái chết của đôi trai gái đã hóa giải mối thù của hai gia tộc, từ đó sẽ có rất nhiều các mối tình khác được nảy nở.
Câu hỏi 7: Tìm một tác phẩm nghệ thuật hiện đại (văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh,…) lấy đề tài từ câu chuyện tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Nêu một điểm tương đồng giữa tác phẩm đó với vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Uy-li-am Sếch-xpia
Trả lời:
– Tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài từ câu chuyện tình yêu: Truyện Kiều của Nguyễn Du.
– Trong văn học Việt Nam, nàng Kiều dám vượt qua hàng rào lễ giáo phong kiến “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để đến vườn Lãm Thuý thề nguyền cùng chàng Kim trong một đêm trăng: Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai miệng một lời song song. Thì bên khung cửa sổ tràn đầy ánh trăng trong vườn nhà Ca-piu-lét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét vượt qua mối thù địch của hai dòng họ cũng thề nguyền cùng nhau với những lời tha thiết
Viết kết nối với đọc
Dựa vào xung đột mà Sếch-xpia đề cập trong vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét và thực tiễn cuộc sống, hãy viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) trình bày suy nghĩ của em về khát vọng tình yêu của con người.
Bài làm:
Trong tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của tác giả Sếch-xpia đã thể hiện khát vọng tình yêu của con người. Yêu là sự khoan dung, thông cảm và ở cạnh nhau trong mọi hoàn cảnh, yêu là hy sinh là cho đi tình cảm của mình mà không cần nhận lại; yêu là loại cảm xúc sinh ra từ sự tăng cao của một loại hormon trong cơ thể, là sự thu hút không thể cưỡng lại giữa hai cá thể với nhau,… Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ nhung tha thiết, khao khát được bên cạnh nhau, được hy sinh, được chia sẻ, được thấu hiểu lẫn nhau. Tình yêu có ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng bởi tình yêu là nền tảng của một gia đình hạnh phúc, là cơ sở của sự duy trì giống nòi nhân loại, tình yêu giúp con người vượt qua mọi khó khăn gian khổ, khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, tình yêu khiến con người có động lực phấn đấu, tạo ra những thành tựu to lớn. Tình thân, tình bạn, tình yêu là ba thứ tình cảm cốt lõi làm nên đời sống tâm hồn của một cá nhân, thiếu sót một trong ba thứ tình cảm ấy cũng làm cho chúng ta kém hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy yêu một cách đúng đắn, hãy có một tình yêu thật đẹp, thật trong sáng, tình yêu không có lỗi đừng bắt nó gánh chịu những cái tội mà do chính bản thân chúng ta gây ra.