soan-bai-trinh-bay-y-kien-ve-mot-su-viec-co-tinh-thoi-su-con-nguoi-trong-moi-quan-he-voi-tu-nhien-ngu-van-9-ket-noi-tri-thuc

Soạn bài: Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (con người trong mối quan hệ với tự nhiên) – Ngữ văn 9, Kết nối tri thức

Soạn bài: Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (con người trong mối quan hệ với tự nhiên) – Ngữ văn 9, Kết nối tri thức

Hướng dẫn:

Bước 1: Trước khi nói

– Chọn đề tài trình bày: Muốn chọn được đề tài phù hợp với nội dung phần Nói và nghe của bài học, trước hết em phải hiểu thế nào là sự việc. Khác với vấn đề hoặc hiện tượng, sự việc là những gì đã diễn ra trong thực tế, gắn với thời gian, địa điểm, con người… xác thực. Từ đó, em nhớ lại những gì đã biết qua các phương tiện truyền thông hoặc được chứng kiến hay nghe kể lại để chọn một sự việc có tính thời sự làm đề tài cho bài nói. Sau đây là một số gợi ý để em tham khảo:

+ Một vụ xả nước thải chưa qua xử lí.

+ Một vụ phá rừng phòng hộ.

+ Việc triển khai một dự án trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc.

+ Người dân ở một địa phương ứng phó thành công một trận bão (lũ) lớn.

+ Việc khởi động một dự án bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm.

+ …

– Lập dàn ý cho bài nói:

+ Sau khi chọn được đề tài phù hợp, em hãy lập dàn ý cho bài nói với đầy đủ các phần Mở đầu, Triển khai, Kết thúc.

+ Cần ghi chú một số bằng chứng (sự việc thực tế, số liệu…) từ ngữ then chốt để chủ động khi trình bày.

Bước 2: Trình bày bài nói

– Mở đầu: Giới thiệu sự việc cần trình bày. Có thể kể một câu chuyện nhỏ, dẫn một tài liệu, dùng một bức ảnh hay đoạn phim để giới thiệu sự việc.

– Triển khai: Bám sát dàn ý để trình bày nội dung theo trật tự hợp lí, giúp người nghe dễ theo dõi, nắm bắt ý kiến. Có thể đặt câu hỏi về từng khía cạnh của sự việc để thu hút sự chú ý của người nghe (Ví dụ: Bản chất của sự việc là gì? Sự việc có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội? Có ý kiến trái chiều nào về sự việc cần tranh luận, bác bỏ? Cần những giải pháp nào cho sự việc? Cần có hành động gì trước thực trạng đang diễn ra?); diễn giải rõ ràng, thể hiện chủ kiến của người nói trước những khía cạnh đó.

– Kết thúc: Nêu ý nghĩa của sự việc đã trình bày, liên hệ trách nhiệm của mỗi người.

Lưu ý: Khi trình bày, cần phối hợp ngôn ngữ nói với các phương tiện phi ngôn ngữ; luôn chú ý thái độ của người nghe để điều chỉnh khi cần thiết.

Bước 3: Sau khi nói

– Trao đổi về những gì đã thực hiện trong phần Nói và nghe để rút kinh nghiệm. Khi trao đổi, cần đánh giá hoạt động của cả người nói và người nghe.

Người nghe

Người nói

– Đánh giá về sự việc được người nói đề cập (chú ý mức độ phù hợp của đề tài so với yêu cầu đặt ra trong bài).– Giải thích lí do lựa chọn sự việc để trình bày ý kiến, phân tích thêm để thấy tính hợp lí của sự lựa chọn đó.
– Thể hiện sự tán thành hoặc không tán thành với những ý kiến của người nói về các khía cạnh cụ thể của sự việc.– Lắng nghe để nắm bắt ý kiến trao đổi của người nghe về các khía cạnh cụ thể của sự việc.
– Nhận xét về nội dung trình bày và cách trình bày của người nói.– Tiếp thu hoặc trao đổi lại những nhận xét, đánh giá của người nghe.

Bài nói tham khảo:

Chào các bạn, tên tôi là NGUYỄN VĂN A học sinh lớp 8A7

Từ xa xưa, tục ngữ “Rừng vàng, biển bạc” đã được ông cha chúng ta truyền lại để tôn vinh tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của con người. Rừng không chỉ mang lại cho chúng ta những tài nguyên vật chất và của cải, mà còn có những lợi ích vô cùng to lớn cho hệ sinh thái. Điều này không ngẫu nhiên khi tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến việc bảo vệ hệ động thực vật nguyên sinh của khu rừng cũng như tăng cường triển khai dự án trồng cây để phủ xanh đất trống và đồi núi cằn cỗi.

Rừng là nơi tập hợp của nhiều loài sinh vật trong một diện tích rộng lớn, trong đó cây cối chiếm số lượng chủ yếu. Quá trình phát triển của rừng trải qua nhiều giai đoạn, bao gồm rừng non, rừng sào, rừng trung niên và rừng già. Hệ sinh thái trong rừng luôn phát triển và thay đổi không ngừng. Đây cũng là đặc điểm đặc biệt của môi trường rừng so với các môi trường khác. Vậy, tại sao bảo vệ rừng lại đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đó là bởi vì rừng có mối liên hệ mật thiết với con người, như một bộ phận của hệ thống “phổi xanh” giúp điều hòa không khí. Cây lá trong rừng hấp thụ khí CO2 và tỏa ra khí O2, cung cấp năng lượng sống cho con người. Nhờ có rừng, chúng ta có không khí trong lành để hít thở, đồng thời đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe hàng ngày.

Bên cạnh đó, rừng cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là trong ngành sản xuất giấy. Nó cũng là nguồn cung cấp củi để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, trong công cuộc phòng chống thiên tai, cây rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các “trường thành” vững chắc, ngăn chặn dòng chảy nước, ngăn chặn sạt lở đất và lũ quét, ảnh hưởng đến cuộc sống và thậm chí tính mạng của con người.

Rừng có vai trò quan trọng và cần thiết như vậy, tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức để bảo vệ rừng. Hiện nay, do tham lam và lợi ích kinh tế, nhiều kẻ lâm tặc tàn phá rừng, cướp đi sinh mạng của hàng trăm loài cây quý giá và hàng ngàn sinh vật xung quanh. Đáng tiếc, nhiều người chỉ quan tâm tới lợi ích ngắn hạn mà quên đi giá trị và ý nghĩa của rừng trong hiện tại và tương lai. Chúng ta cần lên án những hành động đáng buồn này.

Do đó, tôi cho rằng Nhà nước cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc ngăn chặn việc chặt phá và đốt rừng để tránh tổn thương tài nguyên quý giá của Trái Đất. Đồng thời, mỗi người dân cần trở thành chiến sĩ trong cuộc chiến bảo vệ rừng, chỉ khi đó, “phổi xanh” của Trái Đất mới có thể tồn tại và đóng góp vai trò của mình.

Chúng ta hãy hiểu và thực hiện trách nhiệm của mình đối với tài nguyên rừng. Hãy cùng nhau bảo vệ sự sống của chúng ta ngay từ hôm nay.

Trên đây là phần trình bày ý kiến của tôi về vấn đề triển khai dự án trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hi vọng nhận được sự góp ý của thầy (cô) giáo và tất cả các bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang