huong-dan-lam-bai-nghi-luan-ve-mot-van-de-goi-ra-tu-mot-buc-tranh-hoac-hinh-anh

Hướng dẫn làm bài nghị luận về một vấn đề gợi ra từ một bức tranh hoặc hình ảnh

Cách làm bài nghị luận về một vấn đề gợi ra từ một bức tranh hoặc hình ảnh

Đây là dạng đề thường xuất hiên trong các đề thi những năm gần đây, nhất là trong các kì thi Olimpic. Đề thi có sự khác biệt, không chỉ là văn bản ngôn từ mà có thêm hình ảnh. Trong cuộc sống, việc đọc hiểu rất đa dạng, đa phương thức như sơ đồ, bảng biểu…Xu hướng ra đề thi đa dạng, ra đề bằng hình ảnh không hề xa lạ trong đề khảo sát năng lực đọc hiểu PISA. Gần đây, cũng rất hiện trong các đề học sinh giỏi của TP.HCM và Đà Nẵng.

Tùy vào năng lực và trải nghiệm của học sinh mà mỗi người sẽ có cách trình bày quan điểm khác nhau. Cấu trúc bài làm cần linh hoạt sử dụng một trong các dạng trên. Tuy nhiên, cái khó của dạng đề này là thường gợi mở nhiều vấn đề, người viết do đó cần có năng lực khái quát thành một vấn đề chung nhất, bao quát nhất, đồng thời phải có bản lĩnh khi nghị luận về vấn đề.

Người học có thể đọc thông điệp theo nhiều hướng khác nhau mà đáp án không hề khuôn mẫu hay áp đặt hệ thống ý có trước, miễn là luận giải theo hướng tích cực phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ở đây, không chỉ đánh giá năng lực đọc hiểu mà còn là năng lực làm văn của người học, nên tùy đối tượng học sinh sẽ có cách phân tích vấn đề khác nhau. Vì thế, hoàn toàn phù hợp để kiểm tra dành cho học sinh giỏi.

Ví dụ:

Đề bài: Liên quan đến đề thi trên, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ: “Cá nhân tôi thấy kiểu đề yêu cầu bàn luận về những vấn đề đặt ra từ một bức tranh/ảnh là một hướng có thể đưa tới những suy cảm sâu xa mới mẻ, dù không nên lạm dụng vì văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Tuy nhiên, với bức hình trong đề thi trên, quả thật tôi chưa nhìn thấy vấn đề gì ngoài sự áp đặt khiên cưỡng khơi gợi một loạt suy diễn phi lý”.
Cô Tuyết nhấn mạnh: “Một đề văn hay là đề văn có khả năng gợi ra những suy nghĩ và xúc cảm sâu sắc, hướng học sinh tới các giá trị Chân -Thiện – Mĩ, phát triển tư duy độc lập sáng tạo, khuyến khích tư duy đa chiều từ cùng một vấn đề, nhưng tuyệt đối không phải đề dung nạp tư duy hay suy diễn loạn chiều với một bức hình không có khả năng biểu đạt một vấn đề một cách mạch lạc, rõ ràng”.

Bày tỏ suy nghĩ của anh chị về bài học cuộc sống rút ra từ bức tranh.

Gợi ý:

Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội với nội dung rút ra từ 1 bức tranh; kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục, không mắc các loại lỗi.

Yêu cầu về kiến thức: Đây là một đề mở, thí sinh có thể có nhiều cách kiến giải khác nhau nhưng cần có sức thuyết phục, đảm bảo các ý cơ bản sau.

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:

* Thân bài: Giải quyết vấn đề:

– Trình bày cách hiểu về bức tranh: Bức tranh vẽ hình một chú thỏ đang đi nhổ cà rốt. Trên gùi của chú đã có khá nhiều cà rốt nhưng lần này chú gặp được một củ cà rốt khổng lồ. Chú thỏ đang cố hết sức để nhổ củ cà rốt nhưng thật khó khăn. => Củ cà rốt khổng lồ kia là thành quả lớn lao mà con người sẽ thu hái được nếu không bỏ cuộc giữa chừng.

⇒ Ý nghĩa của bức tranh: Phần này thí sinh có thể rút ra nhiều bài học khác nhau nhưng phải có lập luận thuyết phục. Giám khảo linh hoạt chấm điểm, trân trọng phát hiện của các em.. Sau đây là gợi ý

+ Có một ngày, bạn cảm thấy cuộc sống thật gian nan, nhưng như vậy thì thành quả gặt hái có thể sẽ rất to lớn

+ Đừng cố gắng làm 1 việc quá sức của mình một cách vô ích (chú thỏ sẽ mãi mãi ko thể nhổ củ cà rốt khổng lồ ấy nếu vẫn nhổ theo lối cũ…)

+ Phải tìm hiểu kĩ lưỡng công việc mình làm để có biện pháp phù hợp (chú thỏ nhổ củ cà rốt thấy khó khăn thì nên vạch đất xem nó lớn thế nào để có biện pháp phù hợp…)

– Bàn luận: (Gợi ý)

+ Cuộc sống chứa đựng những khó khăn và cả những phần thưởng bất ngờ. Con người chỉ có thể thu được thành quả lớn lao nếu có đủ lòng quyết tâm đi đến tận cùng con đường mình đã chọn. Khó khăn càng nhiều thành quả đạt được càng lớn.

+ Nếu nản chí đầu hàng, ngại khó, ngại khổ con người sẽ tự đánh mất đi cơ hội.

+ Tuy nhiên, có những thử thách không thể một mình vượt qua, không thể làm theo lối cũ… đòi hỏi phải có sự trợ giúp của nhiều người và sáng tạo những cách làm mới (như trong hình vẽ, sức lực của mình chú thỏ khó có thể nhổ được củ cà rốt khổng lồ và cũng không thể nhổ củ cà rốt ấy theo cách truyền thống)

+ Phê phán những con người thiếu ý chí, thấy khó khăn đã vội đầu hàng, bỏ cuộc.

– Liên hệ bản thân, rút ra bài học: Cần rèn luyện bản lĩnh sống, dám đối mặt, đương đầu với những khó khăn trước mắt để đạt được thành quả lớn lao, lâu dài.

* Kết bài: Kết thúc vấn đề: Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của hành động.

Đề bài 2 : Dưới đây là hình ảnh về bức tranh “Ông lão đánh cá” của họa sĩ người Hungary – Tivadar Kosztka khi được nhìn từ hai phía. Trình bày suy nghĩ của anh chị về những điều được gợi ra từ chúng.

Đây là dạng đề mở, cho phép thí sinh thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình. Bên cạnh đó, vẫn cần đảm bảo những yêu cầu chung như sau:

+ Trình bày theo bố cục của một đoạn văn: Lùi đầu dòng, có dấu chấm đoạn, không ngắt dòng.

+ Giới thiệu được những thông tin cơ bản: tên tranh, tác giả.

Dàn bài (Gợi ý):

+ Dẫn dắt vào bài, giới thiệu đôi nét về bức tranh

+ Những điều được gợi nên từ bức tranh: Bức tranh đã phản ánh tính hai mặt của cuộc sống nói chung và con người nói riêng. Trong bức tranh, dù cùng diễn tả về một sự vật nhưng hai góc nhìn lại đem tới cho ta hai hình ảnh trái ngược nhau. Phía bên trái, ta thấy một ông lão tuy khắc khổ nhưng khuôn mặt toát lên sự lương thiện, cảnh vật tĩnh lặng, yên bình và tươi sáng. Phía bên phải, trái ngược hoàn toàn, là bức chân dung một người đàn ông nham hiểm, dữ tợn, đầy căm thù và hình ảnh một thiên nhiên đang nổi cơn cuồng nộ.

– Khẳng định: Bức tranh đã diễn tả đúng bản chất của cuộc sống:

+ Trong cuộc sống, cái tốt và xấu, cái thiện và ác luôn song hành, tồn tại và thậm chí là đan cài vào nhau.

+ Cuộc đời cũng như con người luôn đa diện, nhiều chiều, không có ai là toàn thiện hoặc toàn ác và ở mỗi góc độ ta lại có những cảm nhận khác nhau.

– Bài học nhận thức: Cần đánh giá con người, cuộc sống một cách nhiều chiều, tránh cái nhìn độc đoán, phiến diện. Cần đấu tranh để đưa bản thân tránh xa cái ác, tiến gần hơn về phía thiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang