»» Nội dung bài viết:
“Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường).
Qua “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên
1. Giải thích ý nghĩa câu nói:
+ Văn chương: Là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng để phản ánh đời sống, qua đó thể hiện tâm tư, tình cảm… của nhà văn.
+ Văn chương bất hủ: Những áng văn chương đích thực có sức sống lâu dài.
+ Huyết lệ: Lệ máu, ý nói tâm huyết, tấm lòng nhân đạo sâu sắc, lớn lao.
⇒ Khái quát ý nghĩa: Lâm Ngữ Đường khẳng định: Yếu tố quan trọng, có tính quyết định làm nên những áng văn chương đích thực xưa nay chính là tấm lòng, là tư tưởng nhân đạo sâu sắc, lớn lao của người nghệ sĩ.
2. Bàn luận về ý nghĩa của câu nói:
+ Xuất phát từ đặc trưng của văn học: Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Do đó, nội dung tình cảm chiếm một vị trí quan trọng. Người đọc đến với tác phẩm không chỉ để xem tác phẩm nói điều gì, nói bằng cách nào, mà hơn thế, còn muốn khám phá “nghiền ngẫm hiện thực, lí giải hiện thực” (Secnusepxki), gửi đi bức thông điệp tình cảm của nhà văn trước hiện thực. Nếu bức thông điệp ấy hời hợt, vô tình, tất yếu không thể làm rung động lòng người.
+ Xuất phát từ đặc trưng của hoạt động sáng tạo nghệ thuật: “Nghệ sĩ không thể lạnh lùng khi sáng tạo. Khi viết, máu phải sôi lên”. Quả thực, tình cảm có vai trò vô cùng quan trọng. Nó là điểm khởi nguồn, là năng lượng thúc đẩy ngòi bút nhà văn trong quá trình sáng tác, cũng là đích đến của văn chương. Do đó, nếu nhà văn không “xúc động hồn thơ” thì không thể có được những áng văn chương “như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”(Mộng Liên Đường) được.
+ Thực tế văn học đã chứng minh. (Nguyễn Du viết Truyện Kiều, Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống…).
+ Cũng có khi nhà văn không bộc lộ tình cảm một cách trực tiếp, thậm chí còn viết với giọng điệu lạnh lùng khinh bạc (VD: Nam Cao, Sêkhôp…) Tuy nhiên, dù bề ngoài thế nào thì thẳm sâu trong những trang văn ấy vẫn phải là tấm lòng nhân đạo lớn lao, ấm nóng, trĩu nặng tình yêu thương con người, nỗi thương đời, lo đời. Có như vậy những trang viết của nhà văn mới sống mãi trong lòng người đọc.
⇒ Câu nói của Lâm Ngữ Đường hoàn toàn chính xác. Nó có ý nghĩa như một tuyên ngôn, một bài học cho những người sáng tác: Hãy luôn “mở lòng ra đón lấy những vang động của đời”, hãy viết “bằng tim, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn”, hãy “gõ vào tim anh” trước khi đưa tác phẩm “trả tận tay người cùng với máu anh” …
3. Phân tích bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định trên:
– Bài thơ là tiếng khóc lớn của Nguyễn Du cho cuộc đời của Tiểu Thanh. Nhà thơ đã bày tỏ sự xót thương, đồng điệu, đồng cảm vượt không gian, thời gian với nỗi đau thân phận của người con gái tài sắc Tiểu Thanh, trân trọng, đề cao sắc đẹp và tài năng của nàng, đồng thời lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến vùi dập những người tài sắc…
– Bài thơ còn là tiếng khóc của Nguyễn Du cho chính mình. Tiếng khóc ấy (huyết lệ) đã góp phần quan trọng làm nên giá trị lớn lao cho tác phẩm (văn chương bất hủ).
– Trong xã hội phong kiến, tình cảm thương người gắn với thương thân, sự thức tỉnh ý thức cá nhân (qua lối tự xưng của Nguyễn Du) đã làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ cho tác phẩm.