»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về vẻ đẹp hình ảnh nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê) và bài thơ Khoảng trời hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)
- Mở bài:
Con đường Trường Sơn huyền thoại thời kháng chiến chống Mĩ không chỉ có những chàng trai ra trận “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà còn in dấu chân của các cô gái thanh niên xung phong dũng cảm, trách nhiệm, hồn nhiên trong sáng. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Lê Minh Khuê đã dựng nên bức tượng đài nữ thanh niên xung phong bằng ngôn từ nghệ thuật qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” và bài thơ “Khoảng trời và hố bom”. Trong đó, có lẽ đem đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc là hai đoạn trích trên đây. Trong mồi đoạn trích, hình ảnh các cô gái làm nhiệm vụ phá bom, mở đường hiện ra vừa gần gũi, vừa đáng khâm phục.
- Thân bài:
Cả hai tác phẩm đều ra đời năm 1969, 1971 trong mịt mù bom đạn ở Trường Sơn, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Đoạn trích “Những ngôi sao xa xôi”: ghi lại những suy nghĩ rất chân thực của Phương Định trong mồi lần làm nhiệm vụ phá bom: cô có nghĩ đến cái chết. Tuy nhiên, nỗi sợ phải nén xuống thật sâu để hoàn thành nhiệm vụ.
Đoạn thơ “Khoảng trời – hố bom”: bằng giọng thơ tràn đầy cảm xúc, tác giả bày tỏ sự khâm phục trước hành động dũng cảm hi sinh của cô gái mở đường “hứng lấy luồng bom”. Nhận cái chết về mình để đảm bảo an toàn mặt đường cho “đoàn xe kịp giờ ra trận”.
- Vẻ đẹp tuổi trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua nhân vật Phương Định (Những ngôi sao xa xôi) và anh thanh niên (Lặng lẽ Sa Pa)
- Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9
Vẻ đẹp hình ảnh nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn qua Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”:
Ba nữ thanh niên xung phong là những gương mặt hào hùng của tuồi trẻ Việt Nam trên tuyến lửa. Họ là những cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn. Công việc hằng ngày của các cô là quan sát máy bay ném bom, đếm những quả bom chưa nổ, san lấp mặt đường và phá bom. Công việc cực kì nguy hiểm, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Họ đã trải qua những tháng ngày đầy khó khăn gian khổ của chiến tranh: Tuổi trẻ của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định lấy hang đá làm nhà, suốt ngày phơi mình giữa cái nắng nóng, giữa cái căng thẳng khốc liệt của bom đạn. Vậy mà các cô đã vượt qua gian khổ làm nhiệm vụ này đã được 4 năm.
Đoạn trích ghi lại tâm trạng của nhân vật Phương Định trong một lần đi phá bom đủ toát lên những vẻ đẹp đáng khâm phục: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”
Giọng kể của Phương Định bình thản lạ lùng. Kể việc đi phá bom mà lời kể thản nhiên như chuyện đi đào đất, lấp đường. Các cô gái biết rất rõ “thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta trong ruột những quả bom”. Và đương nhiên nhân vật “tôi” ấy cũng căng thẳng lắm “mồ hôi thấm vào môi mằn mặn, cát lạo xạo trong miệng”. Lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm lấn áp nỗi sợ hãi, chiếm trọn suy nghĩ của Phương Định là phải hoàn thành nhiệm vụ, nhất định không để sót quả bom nào vì còn một quả bom chưa nổ thì còn đồng đội hi sinh.
Cô gái còn cẩn thận, tránh không để mình bị thương. Phương Định sợ “ bom ghim vào tay thì khả phiền”. Phiền vì không được tiếp tục phá bom, phiền cho các bạn của mình phải lo lắng. Những suy nghĩ của Phương Định thật đáng quý, không chỉ trách nhiệm với công việc mà còn trách nhiệm với bản thân. Phương Định và đồng đội của cô cũng là nốt trầm trong bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh.
- Ôn tập luyện thi văn bản “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
- Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Vẻ đẹp hình ảnh nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn qua Bài thơ “Khoảng trời hố bom”:
Nữ thanh niên xung phong hiện ra trong lời thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ cũng mang vẻ đẹp dũng cảm, trách nhiệm, hi sinh. Lời thơ như lời kể “chuyện kể rằng”, giọng kể thể hiện thái độ trân trọng của nhà thơ trước nhân vật trữ tình “em cô gái mở đường”:
“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom… “
Công việc các cô gái tại trọng điểm Trường Sơn là luôn gắn với những cung đường đầy mưa bom bão đạn. Cho nên, với các cô, những con đường là những người bạn thân thiết, bàn tay dịu dàng mà mạnh mẽ của các cô sẽ “vá” lại khi đường bị bom đạn cày xới. Hình ảnh con đường trong câu thơ được nhân hóa con đường đêm ấy khỏi bị thương cho ta cảm nhận tấm lòng nhân hậu của cô gái thanh niên xung phong.
Trong tình thế nguy cấp, khẩn trương “đoàn xe kịp giờ ra trận”, cô gái mở đường đã không ngần ngại “đánh hướng hứng lấy luồng bom”. Dấu chấm giữa dòng ngắt đôi câu thơ thể hiện cảm xúc nghẹn ngào của tác giả khi kể chuyện về cô gái nhỏ ở Trường Sơn.
Bom đạn của kẻ thù đã cướp đi mãi mãi tuổi thanh xuân của các cô gái trẻ, cắt đứt mạch sống và tình yêu cuộc đời của họ. Thế nhưng, mạch sống, tâm hồn ấy sẽ không mất đi mà hóa thân vào với đất mẹ, về với cội nguồn của dân tộc thiêng liêng:
“Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ “.
Cái chết của họ không hề vô nghĩa. Họ hi sinh vì tổ quốc, vì đọc lập dân tộc. Đó là sự hi sinh cao quý nhất:
“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh”.
(…)
“Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng – trời – con – gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em “.
Lòng quả cảm, tinh thần trách nhiệm của cô sẽ mãi mãi in dấu trong trái tim biết bao người khi nghe kế về “em cô gái mở đường”.
Điểm gặp gỡ của các tác giả:
Nét chung: Cả hai tác giả – Lê Minh Khuê và Lâm Thị Mỹ Dạ đều trải mình trong đời sống chiến tranh, từng trải nghiệm trong đời sống thanh niên xung phong nên khi viết về các cô gái mở đường, ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ thơ tràn đầy xúc cảm, chân thực. Qua hai đoạn trích, hình ảnh nữ thanh niên xung phong hiện ra đều có chung vẻ đẹp của lòng dũng cảm, trách nhiệm, biết chấp nhận gian khổ và hi sinh cho sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Nét riêng:
+ Nhân vật Phương Định trong lời kể của Lê Minh Khuê để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng đẹp về một cô gái Hà Nội xinh đẹp, cá tính. Và cuộc sống chiến đấu gian khổ ở Trường Sơn đã giúp cô gái trẻ trưởng thành hơn, mạnh mẽ, tự tin hơn.
+ Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ lại khiến ta liên tưởng đến hành động dũng cảm của cô giao liên – bé Thu, trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng). Cô gái trẻ cũng đánh lạc hướng máy bay Mĩ để đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ băng qua rừng.
Thời đại đã in bóng trên trang viết của nhà văn, nhà thơ và bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các tác giả cho chúng ta thấy rõ hơn chân dung của cả một thế hệ tham gia đánh Mĩ cho ngày toàn thắng của đất nước.
- Kết bài:
Giờ đây, những cánh rừng Trường Sơn đã im tiếng súng, màu xanh đã hồi sinh trên những cánh rừng già. Tuy nhiên, các tác phẩm mang dấu ấn thời đại vẫn còn lưu giữ những nét son một thời hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam. Đọc lại hai đoạn trích trên, ai trong chúng ta không dậy lên tình yêu mến và khâm phục thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để dệt gấm thêu hoa trên trang sử vàng đất nước? Vậy chúng ta hôm nay phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh ấy.
- Phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
- Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa sôi