Sự khác nhau về thi pháp thể loại trong văn học giữa hai thời kì trước và sau 1975
Nói đến tác phẩm văn chương là nói đến một văn bản trong tính chỉnh thể của nó với sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Do đó, khi đối sánh các tác phẩm văn học ở các thời kì khác nhau, chúng ta không chỉ đối sánh sự khác nhau về nội dung, đề tài mà còn đối sánh sự khác nhau về thi pháp thể loại, tức bàn về các yếu tố hình thức của tác phẩm như: cách tổ chức nghệ thuật của tác phẩm, kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu…
Đọc truyện ngắn sau 1975, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra sự đổi mới đa dạng, phong phú, linh hoạt bởi nhiều kiểu kết cấu.
Truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có kiểu kết cấu tâm lí, tạo điều kiện cho nhà văn thâm nhập vào thế giới bên trong của tâm hồn con người mà không cần đến nhiều lời. Cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa và những sinh hoạt quen thuộc của gia đình bà Hiền trong Một người Hà Nội tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại chất chứa bao nỗi niềm trăn trở của tác giả về con người, về cuộc sống.
Các tác phẩm dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng rồi phần kết của chúng cũng không cho thấy một kết thúc trọn vẹn. Phải chăng, tác giả muốn trao quyền kết luận cho người đọc qua việc sử dụng lối kết cấu độc đáo này. Hình ảnh người đàn bà hàng chài “bước những bước chậm rãi, bàn châm dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông” gợi sự liên tưởng: liệu sẽ còn bao nhiêu số phận khác như người đàn bà hàng chài này trong đám đông ấy? Cuộc đời họ sẽ đi về đâu? Những câu hỏi cứ hiện lên trong đầu người đọc và những khoảng trống đó vẫn còn chưa được giải mã.
Đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật cũng là một thế mạnh nghệ thuật trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu và Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Câu chuyện bất hạnh của cuộc đời người đàn bà hàng chài được Nguyễn Minh Châu đặt dưới điểm nhìn của nhiều nhân vật khác nhau.Thằng Phác, với sự bồng bột, xốc nổi của trẻ thơ thì kịch liệt phản ứng, kết tội bố nó là người gây ra cảnh ngộ này. Chánh án Đẩu, dưới góc độ của người thực thi pháp luật và để bảo vệ cho người bị hại, đã cho li hôn là phương án tối ưu. Còn với người đàn bà – nhân vật chính của câu chuyện sẽ phản ứng như thế nào? Ba lí do thật đơn giản nhưng lại vô cùng sâu sắc. Với bà, người chồng không phải là một tội nhân mà là một ân nhân và bản tính nóng nảy, hành vi thô bạo ấy là do hoàn cảnh nghèo đói, đông con gây ra. Thứ hai, cuộc đời của người đàn bà sống lênh đênh trên biển rất cần đến một người đàn ông làm chỗ dựa để chống chọi với bão tố, phong ba.Và cuối cùng, còn vì những đứa con. Chị muốn giữ lại cho con một gia đình trọn vẹn.
Thế đấy, những kết luận cuối cùng còn bỏ ngỏ, tùy thuộc vào suy nghĩ, sự lựa chọn của người đọc và khi ấy, mỗi người đọc là một nhãn vị độc lập. Trong Một người Hà Nội, Nguyễn Khải cũng đã vận dụng sự đa dạng về điểm nhìn trần thuật để soi chiếu đối tượng với nhiều góc nhìn khác nhau.Đặt ra vấn đề nhìn nhận về lối sống của người Hà Nội xưa – nay, có người cho rằng đó là lẽ đương nhiên, thời thế đổi thay, con người thay đổi.Ý kiến khác lại tỏ ra hoài vọng quá khứ, thất vọng trước hiện tại. Người kể chuyện tỏ ra hoài nghi, lo âu khi thấy Hà Nội giàu nhưng chỉ còn phần xác.Trong khi đó, với bà Hiền, dẫu thế sự xoay vần, bà vẫn tin rằng Hà Nội thời nào cũng đẹp. Quả là có rất nhiều lối nghĩ, cách đánh giá. Còn suy ngẫm của người đọc? Tính đối thoại cao của các tác phẩm là do sự đa dạng về điểm nhìn trần thuật mang lại. Đây cũng là một điểm mới về thi pháp thể loại truyện ngắn so với sáng tác của Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải ở giai đoạn trước.
Cùng với sự thay đổi về nội dung và đề tài trong văn học sau 1975, khi nhà văn nhìn cuộc sống qua lăng kính đời tư, thế sự, quan tâm đến con người ở tư cách cá nhân thì giọng điệu trong văn học cũng có nhiều thay đổi. Đã không còn giọng điệu trang trọng sử thi, ca ngợi những con người, những tầm vóc sử thi mà thay vào đó là sự đan cài nhiều sắc thái khác nhau.
Trước hiện thực ngổn ngang, bề bộn với những chân giá trị và ngụy giá trị xâm thực lẫn nhau của cuộc sống, giọng điệu trong Một người Hà Nội vừa lo âu tiếc nuối, vừa tin tưởng tự hào. Để đi đến ca ngợi đức hi sinh cao cả của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu cũng đưa người đọc trải qua nhiều trạng thái cảm xúc, từ xót thương, đến trân trọng, thấu hiểu, cảm thông. Đọc thơ Nguyễn Duy, ta thấy giọng điệu đã đổi khác: không còn tin tưởng, ấm áp như giai đoạn trước mà đầy trầm tư, day dứt.
Sự thay đổi về giọng điệu trong văn học kéo theo sự thể hiện hết sức phong phú, đa dạng của ngôn ngữ. Đó là thứ ngôn ngữ vừa gần gũi, bình dị như chính cuộc sống hàng ngày vừa đầy suy tư, sâu lắng. Truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là minh chứng đầy đủ cho đặc điểm đó. Lời lí giải của người đàn bà hàng chài trước tòa án huyện: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi cho con đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! … vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi hòa thuận, vui vẻ”. Dù không hoa mỹ, cầu kì, sắc sảo nhưng cái ngôn ngữ mà người đàn bà hàng chài đưa ra để giải thích lí do với chánh án Đẩu và nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng là hết sức thuyết phục. Nó gần gũi, bình dị như chính cuộc đời của bà nhưng mang đậm triết lí sâu sắc. Bởi chính bà chứ không phải một ai khác mới là người nếm trải, thấm thía và thấu hiểu cuộc sống này.
Tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa cũng là một điểm mới nghệ thuật so với những sáng tác của Nguyễn Minh Châu trước 1975. Tác phẩm thuộc loại tình huống nhận thức. Giống như một vòng tròn đồng tâm và Nguyễn Minh Châu đã để nhân vật của mình phải trải qua quá trình nhận thức khá quanh co mới “vỡ ra” nhiều điều. Từ hai phát hiện trái ngược nhau của người nghệ sĩ và phải sau cuộc tiếp xúc giữa chánh án Đẩu với người đàn bà hàng chài, Phùng mới “ngộ” ra những chân lí cho nghệ thuật, cho cuộc sống này. Kiểu kết cấu như trên khiến nhận thức không chỉ của nhân vật mà còn của cả độc giả phải trải qua nhiều bước ngoặt chứ không còn đơn giản một chiều như khi đọc Mảnh trăng cuối rừng.
Đối sánh sự khác nhau về thi pháp thể loại trong văn học giữa hai thời kì trước và sau 1975 trên nhiều bình diện như: không – thời gian nghệ thuật, cách thức xây dựng nhân vật, sự kiện, chi tiết… Về không gian nghệ thuật, khác với những sáng tác trong giai đoạn trước 1975, cuộc đời của Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng, hay của Đào của Mùa lạc được đặt trong không gian chiến trường, không gian của cuộc sống tập thể, giờ đây khi viết về cuộc sống thành thị, nông thôn, về số phận con người trong thời đại mới, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải đã để cho nhân vật của mình xuất hiện trong những không gian sinh hoạt đời thường. Đó là nơi nhân vật hoạt động và tự thể hiện mình trong cuộc sống.
Thời gian nghệ thuật trong Một người Hà Nội của Nguyễn Khải không chỉ có hôm nay mà là sự đan quyện, gắn kết thời gian của quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó, nhà văn làm bật lên nét hào hoa, thanh lịch của văn hóa Hà Nội được đặt trong bối cảnh có sự đối lập giữa lối sống của người Hà Nội xưa và nay. Trong cách xây dựng nhân vật, khác với Đào là con người có số phận, tính cách rõ ràng, nhân vật trong Một người Hà Nội có thể được kể đến với những chi tiết cụ thể nhưng lại không gắn với sự kiện nào, tạo cảm giác khó đọc, khó nắm bắt khi tiếp cận.