Cảm nhận cảnh đưa tiễn lưu luyến của người đi và kẻ ở trong đoạn đầu bài thơ Việt Bắc
- Mở bài:
– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam với phong cách thơ trữ tình – chính trị, mang khuynh hướng sử thi và tính dân tộc đậm đà.
– Việt Bắc là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp, cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu, ra đời nhân sự kiện lịch sử tháng 10/1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Tác phẩm là khúc hùng ca và tình ca về cách mạng.
– Đoạn trích mở đầu tác phẩm, thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
- Thân bài:
1. Cảm nhận đoạn thơ:
Đoạn thơ là cảnh đưa tiễn lưu luyến, bịn rịn, đầy nhớ thương của người đi và kẻ ở. Bằng cách sử dụng kết cấu đối đáp giữa “mình” với “ta” quen thuộc trong ca dao giao duyên truyền thống, cảnh đưa tiễn của đồng bào Việt Bắc với cán bộ cách mạng về xuôi được diễn tả như cảnh chia tay lưu luyến của đôi bạn tình, đôi lứa yêu nhau.
– 4 câu đầu: Lời của người ở lại với người ra đi
+ Hai câu hỏi được láy đi láy lại: “Mình về mình có nhớ ta/Mình về mình có nhớ không”, kết hợp với biện pháp điệp ngữ “có nhớ” đã cho thấy niềm day dứt khôn nguôi, sự băn khoăn, lo lắng của kẻ ở về sự đổi thay trong tình cảm của người ra đi cũng như thể hiện nỗi nhớ thương trào dâng mãnh liệt. Đây là trạng thái tình cảm tất yếu trong lòng người ở lại.
+ Kết hợp với hai câu hỏi là hai câu thơ gợi nhắc kỉ niệm. Người ở lại đã gợi nhắc, nhắn nhủ người ra đi nhớ về: kỷ niệm mười lăm năm kháng chiến đầy nghĩa tình; về đạo lý sống nghĩa tình, thủy chung đẹp đẽ mang tính truyền thống của dân tộc; về không gian quen thuộc của thiên nhiên Việt Bắc; gợi nhắc Việt Bắc là cái nôi, quê hương cách mạng.
– 4 câu sau: Lời đáp của người ra đi với người ở lại
+ Trước nỗi niềm của kẻ ở, người đi im lặng trong trạng thái trữ tình sâu lắng để tri âm, thấu hiểu, đồng cảm với “Tiếng ai tha thiết bên cồn” tạo thành sự hô ứng, đồng vọng tình cảm nhớ nhung, quyến luyến trong giờ phút chia li.
+ Những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” đặt trong vị trí mở đầu hai vế câu thơ, với nhịp chẵn 4/4 cân xứng, từ “dạ” đặt giữa dòng tạo nên câu thơ trĩu nặng tâm trạng, cảm xúc. Đó là nỗi nhớ thương, day dứt, khắc khoải, bịn rịn…
+ Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” đã khắc sâu trong tâm khảm hình ảnh người dân Việt Bắc mộc mạc cùng tấm lòng son sắt.
+ Buổi chia tay, đưa tiễn xúc động trào dâng đến đỉnh điểm khiến cả người đi kẻ ở đều nghẹn lời. Hành động “cầm tay nhau”, kết hợp với nhịp thơ 3/3/2 trong câu “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” đã thể hiện sức nặng của tình cảm, của những lời trao gửi, và sự bịn rịn, lưu luyến.
3. Bình luận về nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích.
– Chất trữ tình chính trị: Sự kiện lịch sử lớn, tình cảm lớn được thể hiện tràn đầy cảm xúc.
– Tính dân tộc đậm đà:
+ Về nội dung: thể hiện tình cảm gắn bó thủy chung, sâu nặng, nghĩa tình của người cách mạng với nhân dân Việt Bắc và ngược lại; khắc họa bức tranh thiên nhiên quen thuộc…
+ Về nghệ thuật: thể thơ lục bát truyền thống; sử dụng kết cấu đối đáp mình – ta của ca dao, dân ca; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị; vận dụng những phép tu từ quen thuộc của ca thơ ca dân gian; giai điệu thơ ngọt ngào, sâu lắng; sử dụng các từ láy, dùng vần và phối hợp các thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ tạo thành nhạc điệu phong phú, diễn tả nhạc điệu bên trong của tâm hồn mà ở bề sâu của nó là điệu cảm xúc và tâm hồn dân tộc.
4. Đánh giá nghệ thuật:
+ Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển với chất dân gian, âm hưởng tha thiết ngọt ngào.
+ Đoạn thơ sử dụng kết cấu đối đáp gồm hai cặp lục bát cân đối, chủ yếu ngắt nhịp chẵn tạo sự hô ứng, đồng cảm.
+ Ngôn ngữ quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, giàu giá trị biểu cảm. Vận dụng sáng tạo cặp đại từ nhân xưng “mình” – “ta”.
+ Đoạn thơ đã giới thiệu cảm hứng chủ đạo của thi phẩm, và thể hiện tập trung những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật của tác giả.
+ Những nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật Tố Hữu đã tạo nên diện mạo riêng và sự thành công cho thơ ông. Nó còn góp phần làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho thơ ca cách mạng, đặc biệt là thơ trữ tình – chính trị. Đồng thời bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với cách mạng và kháng chiến.