cam-nhan-hinh-anh-dat-nuoc-gan-gui-binh-di-qua-doan-tho-khi-ta-lon-len-dat-nuoc-da-co-roi

Dàn bài: Cảm nhận hình ảnh đất nước gần gũi, giản dị qua đoạn thơ: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi…”

Dàn bài: Cảm nhận hình ảnh đất nước qua đoạn thơ:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…
mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

(Đất Nước-Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )

Bàn về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: Trong đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng thể hiện hình ảnh Đất nước gần gũi, giản dị. Đó là cách để đi vào lòng người, cũng là cách nhà thơ đi con đường riêng của mình không lặp lại người khác.

Ý kiến của anh (chị).

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng và chương Đất nước.

  • Thân bài:

Giải thích ý kiến: Ý kiến này khẳng định: nhà thơ đã xây dựng hình ảnh một Đất nước giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người chứ không phải là một Đất nước kì vĩ, xa xôi. Nội dung đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật đặc biệt. Đây chính là nét riêng trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến: đoạn thơ thể hiện cảm nhận mới mẻ và độc đáo về đất nước.

– Tác giả đã cảm nhận đất nước trong chiều sâu văn hóa – lịch sử và trong cuộc sống đời thường của mỗi con người. Nhà thơ không dùng niên đại và sự kiện lịch sử để nói về đất nước, mà dùng giọng điệu quen thuộc của cổ tích bắt đầu bằng ‘‘ngày xửa ngày xưa…’’.

– Sự ra đời của Đất nước gắn với sự ra đời của những truyện cổ tích, của phong tục ăn trầu và tập quán búi tóc sau đầu, của lối sống chung thủy tình nghĩa, của truyền thống chống ngoại xâm kiên cường và bền bỉ, của truyền thống lao động cần cù, của cách ăn cách ở trong sinh hoạt…

– Nói cách khác, sự ra đời của Đất nước gắn liền với sự hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người Việt Nam, gắn với đời sống gia đình. Những gì làm nên Đất nước cũng là những gì làm nên điệu hồn dân tộc, làm nên sự sống của mỗi người. Vì vậy mà Đất nước hiện lên vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi, thân thiết

– Cái đặc biệt của Nguyễn Khoa Điềm là đã nói về sự ra đời của Đất Nước bằng một cách nói giản dị đến bất ngờ. Đó là:

+ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (dùng những hình ảnh gần gũi trong cuộc hằng ngày, những tình cảm gia đình thân thương, những hình ảnh quen thuộc của ca dao, cổ tích, truyền thuyết…). Tác giả chỉ bắt lấy linh hồn của những câu chuyện, những phong tục…để từ đó đem đến cho người đọc những trường liên tưởng sâu xa. Vì vậy mà Đất nước trong mỗi người đẹp một cách riêng đồng thời ĐN hiện lên trong tâm thức người đọc cả một chiều dài văn hóa.

+ Kết hợp chất chính luận và trữ tình. Giọng thơ trữ tình trầm lắng, cảm xúc dồn nén. Nén trong từng câu chữ là vốn sống, vốn văn hóa, tình yêu Đất nước. Ngôn ngữ dung dị.

Bình luận về ý kiến: Đây là một ý kiến chính xác đã khái quát được giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ và thấy được những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đề tài Đất nước – Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường. Bởi vậy, mỗi nhà thơ khi sáng tạo cần tạo cho mình một lối đi riêng, đó là con đường duy nhất để khẳng định tên tuổi của nhà thơ, sức sống của tác phẩm,

  • Kết luận:

– Đánh giá ý kiến
– Khẳng định những đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang