soan-bai-luu-biet-khi-xuat-duong-cua-phan-boi-chau

Soạn bài: “Lưu biệt khi xuất dương” của Phan Bội Châu

Lưu biệt khi xuất dương
– Phan Bội Châu –

I. Tìm hiểu chung.

1 Tác giả: Phan Bội Châu

– Phan Bội Châu (1867 – 1940) là một chí sĩ yêu nước, một nhà hoạt động cách mạnh lớn của Việt Nam đầu thế kỉ XX.

– Ông là cây bút suất sắc của văn chương Cách mạng. Các tác phẩm chính: “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”, “Ngục trung thư”, “Trùng Quang tâm sử”, “Phan Sào Nam văn tập”, “Phan Bội Châu niên biểu”,….

– Văn chương ông có hình thức cổ điển nhưng vẫn mới mẻ. Đó là vũ khí để tuyên truyền cổ động, thơ văn ông đã làm rung động biết bao con tim yêu nước.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ: Bài thơ được sáng tác vào năm 1905 trước lúc tác giả sang Nhật Bản tìm một con đường cứu nước mới, ông làm bài thơ này để giã từ bè bạn, đồng chí.

– Nội dung: Bài thơ khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi nổi và khát vọng cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước.

– Bố cục:

+ Phần 1 (4 câu đầu): Quan niệm mới về chí làm trai, cùng ý thức của cái tôi đầy trách nhiệm.
+ Phần 2 (còn lại): Ý thức được nỗi nhục mất nước, sự lỗi thời của nền học vấn cũ, đồng thời thể hiện khát vọng hăm hở, dấn thân trên hành trình cứu nước.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Hai câu đề: Quan niệm mới về chí làm trai.

– Trước hết câu thơ vẫn nói đến chí nam nhi, một quan niệm nhân sinh phổ biến thời phong kiến: nam nhi phải làm nên nghiệp lớn xưng danh với thiên hạ, phải lạ ở trên đời. Làm trai phải mong có sự lạ “hi kì”: phải có lí tưởng sống, lẽ sống lớn lao, cao đẹp, dám mưu đồ những việc phi thường hiển hách. Không chấp nhận sự nhợt nhạt, tầm thường.

– Thế nhưng trong quan niệm của mình cụ Phan đã có điểm nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn: “Há để càn khôn tự chuyển dời”.

+ Thời xưa người ta thưởng phó mặc cuộc đời cho hai chữ số phận, mệnh người do trời định đoạt.

+ Nhưng với cụ Phan làm trai sao lại để như vậy, phải tự mình chủ động xoay chuyển thời thế (đặt trong hoàn cảnh hiện tại câu thơ ngụ ý nói tới việc tìm đường cứu nước). Không để trời đất tự xoay vần cuộc đời mình, con người phải tự tạo ra cuộc đời, thời thế của mình, giành lấy thế chủ động để tự quyết định số phận của mình. Giọng điệu tự tin, táo bạo của một con người khẩu khí.

+ Hình thức câu hỏi tu từ khiến câu thơ xoáy sâu và tâm trí người đọc đặc biệt là các đấng nam nhi.

⇒ Tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi phải tin tưởng ở mức độ và tài năng của mình => Tuyên ngôn về chí làm trai.

2. Hai câu thực: Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc.

– Tác giả đã thể hiện rõ cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm gánh vác giang sơn, đồng thời mang ý kích lệ ý thức này ở các trang nam nhi.

– “Bách niên”: trăm năm là khoảng thời gian ước lệ nói về cuộc đời của mỗi con người, cũng có ý chỉ thế kỉ nhiều biến động.

– “Tu hữu ngã”: phải có ta. Tác giả tự xưng bản thân mình là “ta” một cách ngạo nghễ.

– Một người sống vì dân vì nước tên tuổi sẽ lưu truyền ngàn năm. Ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, ý thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cá nhân đối với vận mệnh trăm năm. Điều này đối lập với sự tự cao cá nhân.

⇒ Hai câu thơ cụ thể hóa lẽ sống của trang nam nhi: phải tự giác chủ động, lưu danh thiên cổ. Đồng thời thúc giục mọi người sống có ích

3. Hai câu luận: Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước.

– Chí nam nhi được gắn chặt vào hoàn cảnh hiện tại của đất nước:

+ Hiện lên trong câu thơ là nỗi đau mất nước, nỗi nhục của thân phận nô lệ cùng sự phản kháng ngầm, không cam chịu (sống thêm nhục)

+ Trung quân ái quốc là tư tưởng đạo đức nho gia nhưng hiện nay còn đâu vua hiền mà trung, sách vở thánh hiền đâu cứu được thời buổi nước mất nhà tan nàyè câu thơ thức tỉnh hành động thiết thực, yêu nước là phải cứu nước

– Tác giả nhận thức về thực trạng của đất nước “giang sơn tử hĩ” (non sông đã chết), đất nước đã chết, rơi vào tay kẻ khác, chỉ còn là “cái xác không hồn”

⇒ Tác giả trực tiếp bộc lộ cảm xúc của mình “sinh đồ nhuế” (sống thêm nhục). Đây chính là biểu hiện của lòng yêu nước. Bằng sự quyết liệt táo bạo của nhà cách mạng đi trước thời đại Phan Bội Châu đang đối đầu, phản bác trực tiếp nền học vấn cũ, thức tỉnh những chí sĩ yêu nước.

4. Hai câu kết: Khát vọng hành động, tư thế buổi lên đường

– Những hình ảnh kì vĩ, lớn lao: Biển Đông, cánh gió, muôn trùng sóng bạc phù hợp với hành động cao cả, tầm vóc phi thường của chủ thể trữ tình

– Câu thơ cuối chứa đựng một hình ảnh hào hùng lãng mạn thể hiện tư thế, khát vọng lên đường của người chí sĩ yêu nước, khơi gợi được nhiệt huyết cả một thế hệ.

– Tác giả dựng bối cảnh kì vĩ, hiện lên qua hình ảnh thơ “trường phong” (ngọn gió dài), “thiên trùng bạch lãng” (ngàn đợt sóng bạc)

-Từ hình ảnh đó làm nổi bật lên tư thế của con người đầy lẫm liệt, oai phong “nhất tề phi” (cùng bay lên), một tư thế của con người đang vượt lên hiện thực đầy tăm tối của thời cuộc, tư thế sánh ngang vũ trụ của con người.

⇒ Thể hiện khát vọng hành động: ra đi tìm đường cứu nước.

5. Tư duy mới mẻ, táo bạo của chí sĩ cách mạng.

– Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế tầm vóc của con người trong vũ trụ: tức là phải biết sống cho phi thường, hiển hách, dám mưu đồ những việc kinh thiên động địa, xoay chuyển càn khôn.

– Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc: Con người dám đối mặt với cả đất trời, vũ trụ để tự khẳng định mình.

– Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ: Sự hăm hở của người ra đi qua khát vọng muốn vượt theo cánh gió dài trên biển rộng để thực hiện lí tưởng cách mạng.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Lý tưởng yêu nước cao cả, nhiệt huyết, sôi sục
– Tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của chí sĩ cách mạng.

2. Nghệ thuật:

– Thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng
– Hình ảnh sinh động vá sức truyền tải cao.
– Bài thơ mang một giọng điệu rất riêng: hăm hở, đầy nhiệt huyết.
– Ngôn ngữ thơ bình dị mà có sức lay động mạnh mẽ.

IV. Luyện tập.

Dàn ý ngắn gọn phân tích bài Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Phan Bội Châu và tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương.

II. Thân bài:

Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

1. Quan niệm làm trai của Phan Bội Châu:

+ Tư thế, tầm vóc của con người ngang tầm vũ trụ.
+ Có ý nghĩ về hành động cao đẹp, muốn xoay chuyển trời đất.
+ Ý tưởng mãnh liệt, muốn cống hiến cho đất nước.

2. Trách nhiệm của nhà thơ qua cái tôi của nhà thơ:

+ Khát vọng về cống hiến
+ Muốn cống hiến vì dân, vì nước
+ Cái tôi cá nhân của tác giả được đề cao, dược khẳng định

3. Thực tại đất nước và thái độ của tác giả trước thực tại ấy:

+ Nỗi nhục mất nước được tác giả cảm nhận sâu sắc
+ Dự cảm con đường cứu nước của tác giả
+ Con đường cứu nước bằng tư tưởng tiến bộ, tiên phong, vượt bậc thời đại

4. Tư thế lên đường của nhà thơ:

+ Tư thế của con người rất hăm hở, hào hùng
+ Tâm hồn cao đẹp và khát vọng hoài bão

III. Kết bài:

Nêu cảm nhận của em về bài thơ Lưu biệt khi xuất dương


Dàn bài chi tiết Phân tích bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

  • Mở bài:

– Phan Bội Châu là lãnh tụ của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Sự nghiệp cứu nước của ông không thành nhưng tấm lòng yêu nước của ông còn mãi với muôn đời. Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc từng suy tôn ông là “bậc anh hùng vị thiên sứ” được 25 triệu đồng bào tôn kính.

– Sinh ra giữa cuộc đời, ông không hề nghĩ mình là nhà văn. Nhưng thực tế trên bước đường hoạt động cách mạng, ông đã trở thành nhà văn lớn của dân tộc. Tên tuổi của ông gắn liền với hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn sách, một số bài văn tế, vài ba vở tuồng chan chứa tình yêu nước. Đúng như lời thơ của Tố Hữu “Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng”.Thơ văn của ông là thành tựu rực rỡ nhất của thể loại văn chương tuyên truyền cổ động.

  • Thân bài:

– Viết năm 1905, đất nước vẫn còn tăm tối nhưng phong trào cách mạng đã bắt đầu hé lên. Theo chủ trương của Duy Tân hội do chính ông sáng lập, ông bắt đầu sang Nhật để tìm đường cứu nước. Bài thơ “Xuất dương lưu biệt” ông làm tặng các đồng chí trong buổi đầu lên đường.

1. Hai câu đề: Quan niệm về chí làm trai và cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ trước thời cuộc.

“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”

Ở hai câu đề tác giả nêu nên vấn đề về chí làm trai. Chí làm trai vốn là quan niệm nhân sinh thời phong kiến. Làm trai phải tề gia trị quốc bình thiên hạ, tức là phải nên công danh sự nghiệp, phải để lại tiếng thơm cho đời, phải thoả chí tang bồng …

Quan niệm đó ít nhiều có liên quan đến tư tưởng nam tôn nữ ti. Bên cạnh mặt tiêu cực, nó cũng có mặt tích cực. Chính trong cái tích cực, cái hùng khí của lý tưởng nhân sinh ấy đã giúp không ít người làm nên sự nghiệp hiển hách : Với Phạm Ngũ Lão “Công danh nam tử còn vương nợ”; Với Nguyễn Công Trứ “Chí làm trai nam bắc tây đông, cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”.

Còn với Phan Bội Châu, Ông nghĩ đến chí làm trai trong sự nghiệp cứu nước với một cảm hứng, một ý tưởng thật lớn lao mãnh liệt: “Phải lạ ở trên đời”

Làm trai phải lạ ở trên đời có nghĩa là phải làm một việc gì đó khác lạ lớn lao cho cuộc đời, không sống tầm thường thụ động. Nói cách khác làm trai trong điều kiện hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ thì cái “lạ ở trên đời” chỉ có thể là xoay trời chuyển đất, làm một cái gì đó lớn lao cho dân cho nước.

Trong hai câu đề, bên cạnh chí làm trai, tác giả còn xác định tư thế của con người trước vũ trụ: “Há để càn khôn tự chuyển dời”.

“Càn khôn” là đất trời. Há để trời đất tự xoay chuyển. Không! Tự mình phải chủ động tham gia vào quá trình chuyển xoay đó, chứ không thể ngồi chờ đợi một cách thụ động vô vị và nhạt nhẽo. Câu thơ mang dáng dấp một câu hỏi, hỏi nhưng hàm ý khẳng định vai trò chủ động của con người trước vũ trụ.

Như vậy, từ quan niệm về chí làm trai, Phan Bội Châu đã thể hiện một tư thế, một tâm hồn rất đẹp của chí làm trai.

Có thể nói cảm hứng và ý chí của Phan Bội Châu thật táo bạo và tràn đầy hùng tâm tráng khí. ở vào hoàn cảnh nước ta vào những năm đầu của thế kỷ XX, khi phong trào Cần vương cuối cùng đã thất bại, khi con đuờng cứu nước còn đang đen tối, thì việc thức tỉnh chí làm trai, xác định rõ vai trò của con người đối với non sông của nhà chí sĩ yêu nước là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa trọng đại. Hai câu đề ngắn gọn nêu bật được tư thế có tính chất vũ trụ của người thanh niên yêu nước có chí hướng, có bản lĩnh.

2. Hai câu thực:

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai”

Từ chí làm trai, Phan Bội Châu xác định vai trò của cái tôi: “Trong khoảng trăm năm cần có tớ”. “Ngã” nghĩa là “ta” mà bản dịch dịch là “tớ”. Ta (hay “tớ”) ở đây không ai khác chính là nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Trong khoảng trăm năm của cuộc đời con người, ta sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đối với non sông đất nước. Đây không phải là sự vỗ ngực khoa trương để hưởng thụ mà câu thơ khẳng định niềm tự hào, ý thức trách nhiệm lớn lao của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan.

Nói cách khác, câu thơ là sự ý thức rõ ràng về cái tôi cống hiến, cái tôi trách nhiệm lớn lao đáng kính trước lịch sử và xã hội.

Ý tưởng đẹp đẽ này là sự kế thừa những tư tưởng vĩ đại của các bậc vĩ nhân trong lịch sử “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng”(Trần Quốc Tuấn), “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn, ta gắng chí khắc phục gian nan”(Nguyễn Trãi).

Trong mối quan hệ giữa chí làm trai và ý thức về cái tôi, câu tiếp theo, Phan Bội Châu đưa ra quan niệm mới về chữ danh (vinh): “Sau này muôn thuở há không ai ?”

Câu thơ trên có hiểu là: Chẳng nhẽ sau này lại không có ai dám xả thân gánh vác trách nhiệm đối với đất nước ? Điều đó là không thể có ở một dân tộc mà lịch sử dụng nước luôn gắn liền với giữ nước, luôn đề cao chí làm trai, chí nam nhi. Vậy trong khoảng trăm năm của cuộc đời ta, ta hãy cứ xả thân , gánh vác trách nhiệm đối với giang sơn đất nước đi. Nhất định sau này (nghìn năm sau) sẽ có người kế tục sự nghiệp vẻ vang của ta.

Nhưng ta cũng có thể hiểu theo một ý khác: Chẳng lẽ sau này không ai còn nhớ đến những người đã dám xả thân vì nước. Điều đó là vô lý, không đúng với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Những tấm gương đó mãi mãi là được líc sử ghi nhận. Vậy còn đợi gì nữa mà không xả thân vì nước để được lưu danh thiên cổ.

Dù hiểu theo cách nào, chúng ta cũng thấy: Câu thơ như một câu hỏi, hỏi mình, hỏi người, hỏi thời đại. Hỏi đấy nhưng cũng giục giã đấy. Giục giã mọi người hãy xả thân vì nước để được lưu danh thiên cổ. Nên bản chất chữ danh mà Phan Bội Châu đưa ra không phải chữ danh lợi tầm thường mà nó là chữ danh gắn với lợi ích của giống nòi.

Hai câu 3 – 4 đối nhau, lấy cái phủ định để làm nổi bật điều khẳng định, lấy cái hữu hạn (bách niên –1 cuộc đời) đối với cái vô hạn (thiên tải của lịch sử của dân tộc). Phan Bội Châu đã tạo ra một giọng thơ đĩnh đạc hào hùng, biểu lộ một quyết tâm và khát vọng trong buổi đầu lên đường.

Giữa cuộc sống tối tăm của đất nước lúc đó, có được ý thức về cái tôi về sự lưu danh thiên cổ bằng sự nghiệp cứu nước quả là cao cả vô cùng.

3. Hai câu luận :

“Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”.

Đưa ra vấn đề lưu danh thiên cổ, tức là Phan Bội Châu đã đưa ra quan niện về cái vinh. Đối với Phan Bội Châu, lưu danh thiên cổ bằng sự xả thân vì nước thì nỗi nhục đối với ông là nỗi nhục mất nước: “Non sông đã chết sống thêm nhục”.

Non sông đã chết tức là non sông đã bị giặc ngoại bang xâm chiếm, giày xéo. Thân phận dân ta lúc đó cũng chỉ như kiếp trâu ngựa, có sống cũng nhơ nhuốc nhục nhã. Sống mà như đã chết.

Đó là nỗi vinh nhục gắn với vận mệnh đất nước, mang ý nghĩa lớn lao.

Quả thực suốt cuộc đời mình, Phan Bội Châu cùng các đồng chí của mình và rồi cả những người cộng sản sau này đã sống và chết theo quan niệm như vậy.

Sang câu thơ tiếp theo: “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”, Phan Bội Châu đã nêu nên thái độ đối với nền học vấn cũ trước vận mệnh đất nước lầm than.

– Hiền thánh: chỉ sách vở của thánh hiền. Tức là sách vở chỉ dẫn dăn dạy những điều hay lẽ phải (thậm chí cả thuật trị nước) theo lý tưởng phong kiến.

Còn giờ đây, trong cảnh nước mất nhà tan, có sôi kinh nấu sử, có chúi đầu vào con đường khoa cử hỏi cũng có ích gì trong sự nghiệp cứu nước cứu nhà. Sách vở thánh hiền lúc này đâu còn là kim chỉ nam nên Phan Bội Châu mới nói

– Học cũng hoài nghĩa là : học cũng chẳng giúp được gì . Và như thế Phan Bội Châu đã nêu lên ý định từ bỏ sách vở, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết.

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, muốn tề gia trị quốc bình thiên hạ thì phải gắn với cửa khổng sân trình, đỗ đạt làm quan. Nên mới có một Tú Xương tron đời cắp sách đi thi mong đỗ ông nghè ông cống giúp dân giúp đời. Phan Bội Châu cũng là người của cửa khổng sân trình mà lại có ý tưởng từ bỏ sách vở thì quả là một ý tưởng mới mẻ có ý nghĩa tiên phong đối với thời đại.Có được ý tưởng đó là nhờ tinh thần dân tộc cao độ, nhờ nhiệt huyết cứu nước và cả luồng ánh sáng mới về ý thức hệ mà Phan Bội Châu đón nhận qua phong trào tân thư đầu thế kỷ.

4. Hai câu kết:

Hai câu kết là hệ quả tất yếu nảy sinh từ quan niệm trên, ý nghĩ trên. Bài thơ kết lại trong tư thế hăm hở sôi trào của buổi đầu lên đường xuất dương cứu nước.

Nguyên văn chữ Hán là:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Thơ dịch dù hay cũng có phần hao hụt.

Câu 7 dịch nghĩa là: Mong muốn đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông. Câu dịch thơ lại là “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió” – đạp bằng gian khó để thực hiện được khát vọng giải phóng dân tộc. Nhưng câu dịch thơ chỉ chú trọng đến ý “vượt bể Đông” mà không chú trọng đến ý thơ nhà thơ ý thức được gian khó nhưng vẫn khao khát vượt qua, đuổi theo. Do vậy bản dịch làm mất đi đôi chút vẻ can trường, mạnh mẽ, lớn lao của nhân vật trữ tình.

Câu 8: Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi (Muôn lớp sóng bạc cùng một lúc bay lên). Đó là hình ảnh thơ kỳ vĩ lãng mạn, đầy phấn kích. Nhưng người dịch dịch là “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”, thì quả là đã đánh mất cái tư thế trào lên, dâng lên, chỉ còn lại cái không khí êm ả của buổi lên đường. Điều đó không phù hợp với không khí chung của toàn bài, làm mất đi cái kì vĩ, hào sảng, đầy lãng mạn, hùng tráng của người chí sĩ trong buổi lên đường.

  • Kết luận:

Bài thơ thể hiện vẻ đẹp trong tư thế, trong ý nghĩ, trong nhiệt tình và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của tác giả – nhà cách mạng lớn. Bài thơ chỉ có 56 chữ mà chứa đựng một nội dung tư tưởng vừa phong phú, vừa lớn lao: Có chí làm trai, có khát vọng xoay trời chuyển vũ trụ, có hoài bão lưu danh thiên cổ, có quan niệm vinh nhục ở đời, có thái độ mới mẻ và táo bạo về sách vở của thánh hiền, có tư thế ra đi cứu nước. Tất cả thể hiện một nhiệt tình cứu nước sôi sục tuôn trào.

Nói đến thơ hay là phải nói đên giọng điệu riêng. “Xuất dương lưu biệt” có cái giọng điệu riêng đó, chính là giọng điệu tâm huyết tuôn trào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang