Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
I. Tìm hiểu đề và lập dàn ý.
* Đề 1: Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước” (Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập, NXB Giáo dục, 2001)
Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến trên.
a. Tìm hiểu đề.
– Nghĩa các từ, cụm từ trong đề bài:
+ Phong phú, đa dạng: có nhiều tác phẩm với nhiều hình thức, thể loại khác nhau
+ Chủ lưu: dòng chính (bộ phận chính), khác với phụ lưu, chi lưu
+ Quán thông kim cổ: thông suốt từ xưa đến nay
– Đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về ý kiến của GS Đặng Thai Mai: “Từ xưa đến nay, trong cái phong phú đa dạng của văn học Việt Nam, dòng văn học yêu nước là một chủ lưu xuyên suốt
b. Lập dàn ý:
* Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Đặng Thai Mai
* Thân bài:
+ Cuộc sống của con người Việt Nam phong phú, đa dạng, thơ văn Việt Nam đã phản ánh cuộc sống đó
+ Văn học yêu nước là một chủ lưu xuyên suốt văn học Việt Nam
– Lí giải nguyên nhân: để tồn tại bên cạnh các thế lực quân sự hùng mạnh, nhiều tham vọng, dân tộc Việt Nam đã phải luôn chú tâm phòng bị và chiến đấu kiên cường để giữ vững nền độc lập của mình. Do hoàn cảnh đặc biệt đó, chủ lưu của văn học Việt Nam là văn học yêu nước. Đặc điểm đó xuyên suốt từ xưa đến nay
– Dẫn chứng: Nam quốc sơn hà; Hịch tướng sĩ; Đại cáo bình Ngô;Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập, thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên, thơ Chính Hữu…
* Kết bài: Trên thế giới, mỗi dân tộc có hoàn cảnh riêng, số phận riêng, là người Việt Nam, cần nắm được hoàn cảnh lịch sử của đất nước và đặc điểm văn học của dân tộc mình. Đó cũng là một cách nhớ đến công lao và tâm sức của cha ông ta. Ý kiến của Đặng Thai Mai giúp chúng ta nhìn rõ và khắc sâu những điều đó
* Đề 2: Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài” (Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn 1965).
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
a/ Tìm hiểu đề:
– Cần hiểu đây là cách nói ẩn dụ và làm rõ hàm ý của 3 hình ảnh so sánh trong ý kiến của Lâm Ngữ Đường
+ Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ:
+ Lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân:
+ Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài:
– Tìm hiểu khía cạnh đúng đắn và những điều cần bổ sung
b/ Lập dàn ý:
* Mở bài:
– Đọc sách, tiếp nhận các giá trị của sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học luôn gắn liền với những điều kiện và năng lực chủ quan của người đọc
– Dẫn ý kiến của Lâm Ngữ Đường vào
* Thân bài:
– Giải thích hàm ý của 3 hình ảnh so sánh:
+ Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ: Tuổi trẻ đọc sách chỉ thấy được trong phạm vi nhỏ hẹp
+ Lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân: Theo thời gian, kinh nghiệm, vốn sống nhiều hơn thì tầm nhìn được mở rộng hơn khi đọc sách
+ Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài: vốn văn hoá và kinh nghiệm thì đọc sách càng hiểu sâu hơn, rộng hơn
– Câu này ý nói: càng lớn tuổi, có vốn sống, vốn văn hoá và kinh nghiệm,… nhiều thì đọc sách càng có hiệu quả
– Sự khác nhau trong cách đọc sách và kết quả đọc ở mỗi lứa tuổi:
+ Bình luận và chứng minh: Tác phẩm văn học ghi lại những cảnh, những tình, những trải nghiệm của cuộc đời. Nhưng tiếp nhận những điều đó ở mức độ nào còn tuỳ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc đời của người đọc. VD: ở các độ tuổi khác nhau, sự tiếp nhận các giá trị của Truyện Kiều cũng khác nhau
– Tuy nhiên không phải ai từng trải cũng có thể hiểu sâu sắc tác phẩm văn học. Và đối với những người trẻ tuổi, nếu chú ý quan sát, tìm hiểu nâng cao trình độ văn hoá, trình độ lí luận. Mặt khác đọc sách cần suy ngẫm không vội vàng, cẩu thả nhất định họ cũng sẽ hiểu sâu sắc tác phẩm văn học
* Kết bài: Nêu bài học chung về đọc sách, đặc biệt là đối với tác phẩm văn học
2/ Đối tượng và nội dung của bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
+ Đối tượng: văn học sử, lí luận văn học. tác phẩm văn học
+ Nội dung: thường tập trung vào giải thích, làm sáng tỏ ý kiến, nêu ý nghĩa và tác dụng của ý kiến đó đối với văn học và đời sống
● Ghi nhớ: (sgk)
II. Luyện tập.
Bài tập 1: Trình bày ý kiến của anh chị về ý kiến của nhà văn Thạch Lam: “Văn chương là một ………phong phú hơn”
– Thạch Lam không tán thành quan điểm văn học thoát li thực tế. Ông nhấn mạnh giá trị cải tạo xã hội và giá trị giáo dục của văn học (làm thay đổi xã hội, làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú ). Trước cách mạng tháng 8 , đó là một quan điểm rất tiến bộ. Quan điểm trên vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Bài tập 2: Bàn về thơ Tố Hữu. Hoài Thanh viết: “Thái độ toàn tâm, toàn ý …của thơ anh”
– Phải lưu ý chữ chính trong câu: “Thái độ toàn …thơ anh”. Như thế theo Hoài Thanh còn có những nguyên nhân khác góp phần làm nên sự thành công của thơ Tố Hữu như: năng khiếu, truyền thống gia đình, sự tu dưỡng nghệ thuật. Thật vậy tham gia cách mạng từ thời còn đi học, là cán bộ cao cấp lâu năm của đảng, cuộc sống tinh thần, tình cảm của Tố Hữu luôn hướng về nhân dân, về đất nước, về dân tộc. Đó là nguồn cảm hứng, chất liệu tạo nên những bài thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu
– Hoài Thanh nói vào trường hợp thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu, chứ không nói đến lí do thành công của mọi nhà thơ. Nhu cầu tinh thần, tình cảm của con người phong phú, đa dạng, nên có nhiều loại thơ trữ tình khác nhau, với những nguyên nhân thành công khác
– Thơ Tố Hữu chủ yếu là thơ trữ tình chính trị (các tập thơ: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Máu và hoa…). Ý kiến của Hoài Thanh nói đến những bài thơ loại này
– Ý kiến của Hoài Thanh phù hợp với thực tế sáng tác của Tố Hữu, và gợi ý cho chúng ta khi tìm hiểu những bài thơ thành công thời chống thực dân Pháp, Mĩ của Tố Hữu. Ý kiến ấy cũng đúng về lí luận