Hướng dẫn cách viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học dễ dàng và hiệu quả.
I. Khái niệm:
Kiểu bài NGHỊ LUẬN MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC là kiểu bài nghị luận về một vấn đề được đề cập trong tác phẩm văn học thông qua kết cấu và nhân vật tác phẩm. Đây là một kiểu đề khá khó đối với học sinh. Bởi phải biết nhận diện, phán đoán và lập luận chính xác dựa trên các yếu tố có mặt trong tác phẩm.
II. Cách thực hiện:
1. Xác định đề tài và phạm vi vấn đề:
– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học là kiểu bài nghị luận xã hội chứ không phải là kiểu bài nghị luận văn học. Khi làm bài cần tránh tình trạng làm lạc đề sang nghị luận văn học.
– Đề tài đưa ra trong đề là những vấn đề về lí tưởng sống (qua nhân vật anh hùng ), vấn đề về số phận con người (qua nhân vật bất hạnh ), vấn đề về đạo đức, nhân cách, nhân phẩm (nhân vật mang tính cách điển hình )…được phản ánh trong tác phẩm văn học. Đó hường là những đề tài có tầm khái quát cao, đòi hỏi tổng hợp nhiều tri thức và kĩ năng lập luận của người viết
– Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn: tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn đã học hoặc chưa được học. Thường ở chủ đề này, người ra đề thường lựa chọn một ngữ liệu bên ngoài chương trình, yêu cầu phân tích, chứng minh và liên hệ nội dụng với một tác phẩm, hoặc nhiều tác phẩm cùng chủ đề mà học sinh đã được học để làm sáng tỏ vấn đề.
2. Về cấu trúc triển khai tổng quát:
– Phần một: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa của vấn đề (hoặc câu chuyện). Đây là phần rất quan trọng giúp người đọc căn bản định hướng vấn đề mà người viết sẽ trình bày ở phần tiếp theo. Người viết cũng nên tránh dài dòng trong việc tóm tắt nội dung văn bản (đặc biệt là văn bản truyện có kết cấu phức tạp).
– Phần hai (trọng tâm): Nghị luận (phân tích, chứng minh, bàn luận, so sánh…) về ý nghĩa của vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học (câu chuyện) và tác động của nó đối với bản thân và xã hội hiện tại. Ở phần này, để làm tốt bài viết, người viết cần phải có một cấu trúc nhất định để tránh dài dòng hoặc lan man, thiếu lập luận. Người viết cũng chỉ nên thông minh lựa chọn những luận điểm và ngữ liệu cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề, đáp ứng yêu cầu đề bài.
– Phần ba: Khái quát, tóm lược, tổng kết, khẳng định lại vấn đề, rút ra thông điệp cần thiết. Ở phần này mục đích khẳng định chắc chắn mối quan hệ vấn đề được đề cập ở ngữ liệu và nội dung văn bản đã học.
III. Dàn ý chung:
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề xã hội mà tác phẩm nêu ở đề bài đặt ra. Trích dẫn câu thơ, câu văn hoặc đoạn văn, đoạn thơ nếu đề bài có nêu ra.
- Thân bài:
– Giải thích và rút ra vấn đề xã hội đã được đặt ra từ tác phẩm. Phần này chỉ giải thích, phân tích một cách khái quát vấn đề. Cuối cùng phải chốt lại thành một luận đề ngắn gọn.
– Chứng minh, bàn luận, khẳng định hoặc phản bác luận đề vừa rút ra ở phần trên. Thực hiện trình tự các thao tác nghị luận tương tự như ở bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí hoặc nghị luận về hiện tượng đời sống như đã nêu ở trên.
– So sánh, bàn luận mở rộng vấn đề. Nên liên hệ với nhiều khía cạnh hoặc vấn đề, tác phẩm cùng vấn đề khác.
– Rút ra bài học giáo dục từ hiện tượng đời sống đã nghị luận. Bày tỏ thái độ của bản thân về vấn đề đã nghị luận và định hướng phấn đấu.
- Kết bài:
Khẳng định chung về ý nghĩa xã hội mà vấn đề được nói đến trong tác phẩm văn học. Sau đó khái quát thành thông điệp gửi đến tất cả mọi người.