Hãy dạy con cái chúng ta lòng trắc ẩn
Albert Schweitzer đã từng nói: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”. “Sống vì người khác” là lối sống cao thượng và vị tha; là sống đẹp. Thế nhưng không phải ai cũng muốn lựa chọn điều đó, muốn sống như thế. Nhà văn Nam Cao cũng từng nói: “Khi anh bị đau tay anh chỉ nghĩ đến cái tay đau của mình”.
Lòng trắc ẩn là gì?
Theo nghĩa từ điển trắc ẩn có nghĩa là “sự áy náy không yên (trắc) ẩn dấu sâu kín bên trong con người” (ẩn). Vượt lên trên sự ích kỉ của bản thể để nhìn nhận lòng trắc ẩn một cách rõ ràng hơn và tìm thấy vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Đó cũng là con đường mà các thánh nhân đã đi, đang đi, hoặc sẽ đi để tìm đến sự giác ngộ toàn diện chân lí. Có một câu mà Dalai Latma đã từng nói: “Tình yêu và lòng trắc ẩn là những điều thiết yếu. Chúng không phải là những hàng xa xỉ. Thiếu chúng, loài người không thể tồn tại”. Còn Lord Byron lại nêu cái biểu hiện thường thấy củ nó: “Giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt”.
Dù thế nào chúng ta cũng phải công nhận rằng lòng trắc ẩn chính là cái tinh chất ngọt ngào nhất, tinh sạch nhất, sáng rực nhất được chiết xuất từ trong “kho tàng” của tình yêu thương con người được khuấy động và lắng lọc một cách tỉ mỉ. Nó có thể là những cảm xúc giản đơn của quá trình rung cảm, đồng cảm, thấu hiểu trước cái cao cả; cũng có thể là kết quả của sự hi sinh và là động lực thúc đẩy sự hi sinh của con người.
Vậy ta phải lựa chọn lối thế nào trong cuộc sống này để có thể tìm thấy được hạnh phúc, có thể bình tâm suy nghĩ về lẽ sống một cách công bằng nhất, hiền hòa nhất?
Hãy dạy con cái chúng ta lòng trắc ẩn.
Stefan Zweig đã nói một cách dài dòng về lòng trắc ẩn: “Phải chăng lòng trắc ẩn sẽ hiện hình khi ta có hành động “tử tế một cách không ủy mị nhưng sáng tạo”. Nó không hề có sẵn. Nó là kết quả của sự “quyết tâm duy trì, kiên nhẫn và độ lượng tới hết giới hạn sức mạnh của nó”.
Hãy dạy cho con cái chúng ta yêu những gì chúng đang có bởi sự tồn tại trên thế gian này là sự hợp duyên thực sự hiếm có, mất đi khó có lại được. Tất cả những thứ ta yêu thương sâu sắc sẽ không bao giờ mất đi bởi nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của ta”.
Hãy dạy con cái chúng ta biết yêu cái đẹp hiện hữu, khám phá cái đẹp tiềm ân bên trong mỗi con người để yêu quý, để trân trọng, để gì giữ chúng.
Hãy dạy con cái chúng ta biết suy tư hối lỗi mỗi khi sai phạm bởi những điều hối hận luôn làm chúng ta cao thượng hơn.
Hãy dạy con cái chúng ta biết sống vị tha, độ lượng, biết cho đi là còn lại mãi mãi. Biết sống tử tế, bao dung, lấy chân, thiện mỹ làm mục tiêu tiến tới toàn thiện.
Hãy dạy con cái chúng ta biết quý trọng thời gian và niềm vui dù trong khoảnh khắc vì chính chúng sẽ giúp chúng ta biết rõ giá trị của sự sống. “Cuộc đời thật ngắn ngủi, và chúng ta chẳng bao giờ có quá nhiều thời gian để làm ấm những trái tim của những ai đi cùng ta trong cuộc hành trình tăm tối” (Henri Frederic Amiel).
Hãy dạy con cái chúng ta biết tự trọng và hết sức khiêm nhường bởi “lòng tự trọng và sự khiêm nhường là những viên đá nền cho lòng trắc ẩn” (Theodore Isaac Rubin).
Không cần dạy cho chúng biết cách làm chủ tất cả những gì chúng có, hãy dạy cho chúng biết cách làm chủ bản thân mình. Và cuộc sống sẽ thế nào, tương lai sẽ về đâu, đóa hoa hạnh phúc bao giờ nở là phụ thuộc vào những gì chúng đã khởi tạo từ buổi ban đầu.
Thế giới sẽ đẹp hơn nếu một lòng trắc ẩn được tôn vinh như một yếu tố để tiếp tục duy trì sự tồn tại của loài người trên mặt đất nàmootjCos nhiều kẻ đang muốn xâm hại đến nó, đang muốn chúng ta trở nên tàn nhẫn. Và như thế có nghĩa là chúng ta hãy đoàn kết và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ giá trị vĩnh hằng này. Một thế giới không có tình thương là một thế giới chết. Chính trái tim ấm nóng và tình yêu đối với người khác giúp chúng ta biết rằng chúng ta đang sống giữa loài người.
Lòng trắc ẩn, cội nguồn của mọi đạo đức, chỉ có thể đạt được toàn bộ hơi thở và chiều sâu nếu nó ôm lấy tất cả sinh vật sống chứ không chỉ giới hạn ở loài người.