chuyen-de-khai-quat-chu-nghia-nhan-dao-trong-cac-tac-pham-van-hoc-trung-dai-chuong-trinh-ngu-van-lop-11-13223-2

Khái quát chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm văn học trung đại (Chương trình Ngữ văn lớp 11).

Chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm văn học trung đại

I. Nguyên nhân xuất hiện trào lưu chủ nghĩa nhân đạo trong văn học từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

* Chủ nghĩa nhân đạo là một trong những nội dung lớn, xuyên suốt nền văn học Việt Nam qua các thời kì. Nhưng từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, chủ nghĩa nhân đạo đã trở thành trào lưu vì những nguyên nhân:

1. Cơ sở xã hội:

Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng. Các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, tiêu diệt lẫn nhau. Cuộc sống của người dân vô cùng lầm than. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn diệt Trịnh – Nguyễn, đánh đuổi quân Xiêm, quân Thanh, thống nhất đất nước. Không lâu sau khi thành lập, triều đại Tây Sơn bị lật đổ. Nhà Nguyễn giành lại được chính quyền nhưng sự khủng hoảng của xã hội càng trầm trọng hơn.

Lúc này số phận và quyền sống của con người bị đe dọa. Văn học trở thành tiếng nói chống chiến tranh phi nghĩa, đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.

2. Cơ sở ý thức:

Những biến động của xã hội dẫn đến sự khủng hoảng sâu sắc của ý thức hệ phong kiến. Những cái gọi là “tam cương, ngũ thường” của đạo lý phong kiến lâu nay vẫn chi phối đời sống tinh thần của con người là giả dối, là trái với tự nhiên.

Lúc này, như một điều tất yếu, văn học quan tâm đến số phận con người, đặc biệt là con người cá nhân, trở thành tiếng nói đòi quyền sống và hạnh phúc của mỗi cá nhân và đấu tranh để giải phóng con người ra khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Đó là nguồn gốc ý thức của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

3. Xuất hiện nhiều tác giả lớn với nhiều tác phẩm có giá trị, tạo nên những thành tựu phong phú và rực rỡ chưa từng có trong lịch sử văn học nước ta: Truyện Kiều – Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều, Thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến…

II. Chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn văn học này có nhiều biểu hiện phong phú và đa dạng.

1. Thương cảm trước bi kịch, đồng cảm trước khát vọng của con người.

2. Lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến đã trở nên hết sức thối nát và tàn bạo.

3. Ca ngợi, đề cao tài năng, phẩm chất tốt đẹp của con người; khẳng định con người cá nhân, đề cao bản lĩnh cá nhân. Điều đáng lưu ý là văn học không xuất phát từ những tiêu chuẩn của đạo lý phong kiến, mà từ sự phát hiện những phẩm chất và vẻ đẹp có tính chất trần thế, trần tục của con người, nhiều khi đối lập hẳn với quan điểm đạo đức phong kiến.

4. Biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa nhân đạo là đấu tranh để khẳng định quyền sống của con người, kể cả quyền sống vật chất và quyền sống tinh thần, đặc biệt là quyền sống và hạnh phúc của người phụ nữ.

* Những biểu hiện trên được thể hiện tập trung, rõ nét và mới mẻ hơn trong các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 11.

1.1. Hướng vào quyền sống của con người, nhất là con người trần thế: Quyền sống hạnh phúc, khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. (Tự tình II – Hồ Xuân Hương).

1.2. Ý thức về cá nhân đậm nét hơn: Quyền sống cá nhân, quyền hạnh phúc cá nhân, khẳng định tài năng, cá tính, bản lĩnh cá nhân (Tự tình – Hồ Xuân Hương, Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ).

1.3. Đề cao truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc: (Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến, Thương vợ – Trần Tế Xương).

– Trong đó, vấn đề khẳng định quyền sống con người  trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong các tác phẩm giai đoạn văn học từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

III. KẾT LUẬN:

Cùng với tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo đã trở thành tư tưởng cốt lõi, nổi bật và xuyên suốt nền văn học trung đại nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.

Chủ nghĩa nhân đạo qua từng giai đoạn văn học có những biểu hiện khác nhau, làm phong phú, đa dạng hơn cho nền văn học dân tộc. Đó sẽ mãi là nguồn cảm hứng vô tận, không bao giờ cạn, là cơ sở hình thành chủ nghĩa nhân đạo trong văn học hiện đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang