Ý nghĩa hình ảnh con cò trong bài ca dao: “Nước non lận đận một mình…”
- Mở bài:
Ca dao là tiếng nói hồn hậu, chân thành của người bình dân trước cuộc đời. Ngoài những bài ca dao ngợi ca quê hương, đất nước, ca dao còn có nhiều bài nói lên nỗi oán than của con người trong cuộc sống vốn chứa đầy khổ đau. Những người nông dân tháp cổ bé họng không biết kêu thán cùng ai,đành gửi tất cả tâm tư vào trong những câu hát than thân, trách phận hết sức bi thương. Bài ca dao: “Nước non lận đận một mình,… thể hiện sâu sắc nỗi lòng ấy.
- Thân bài:
“Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”
Ở bài ca dao này, hình tượng con cò chính là biểu tượng cho nỗi khổ của người nông dân. Bài ca dao có hai nội dung vừa than thân, trách phận vừa là tiếng nói phản kháng đối với xã hội phong kiến bất công với những luật lệ hà khắc ràng buộc người phụ nữ.
Tiếng hát than thân cất lên trên cơ sờ một loạt các hình ảnh đối lập. Những hình ảnh đối lập thứ nhất: “lên thác” với “xuống ghềnh”, “bể cạn” với “ao đầy” để khắc họa hoàn cảnh sống trắc trở, éo le, vất vả của con cò. Nỗi khổ như bủa vây cò từ tứ phía. Đầu tiên là nỗi khổ do điều kiện tự nhiên phải lận đận giữa nước non, phải “lên thác xuống ghềnh” toàn những nơi hiểm trở, nguy hiểm đến tính mạng.
Rồi đến nỗi khổ do hoàn cảnh xã hội. Một loạt các điệp từ “làm cho”, “cho”, “cho” , cùng những câu hỏi cất lên như một lời đay nghiến đầy oán thán, trách móc kẻ đã gây ra cảnh trái ngang này. Tiếng “ai” tuy chưa chỉ cụ thể đối tượng nhưng qua nỗi khổ với cả “cò con”, chúng ta hình dung đó là một thế lực tàn bao, độc ác, vô lương. Câu ca dao ngoài nội dung than thân còn có nội dung phản kháng dù mới chỉ dừng lại ở mức độ trách cứ, oán giận…
Những hình ảnh đối lập thứ hai khắc họa đậm nét hình ảnh cò: “cò lận đận một mình” trước “nước non” muôn trùng. Từ láy “lận đận” vừa gợi tả được sự đơn chiếc, lẻ loi không ai chia sẻ của cánh cò giữa chốn nước non vừa khái quát được tất cả những nỗi khổ của cò. Đó là sự “lận đận” của “cánh cò đi đón cơn mưa, tối lăm mù mịt ai đưa cò về “ . Đó là sự lận đận của “con cò mà đi ăn đềm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”. Đó cũng là những vất vả của “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng liếng khóc ni non”.
Hai tiếng “thân cò” cất lên đầy xót xa, thương cảm cho những vất vả, tội nghiệp của cò. Hai tiếng “thân cò” đem đặt giữa chốn “nước non”, giữa nơi “thác ghềnh” vừa mong manh, nhỏ bé vừa chấp chới, bấp bênh. Có cảm giác bao nhiêu nỗi khổ như dổn lại nơi “thân cò” ấy.
Trong những bài ca dao “con cò mà đi ăn đêm”, “con cò lặn lội bờ sông”, “cái cò đi đón cơn mưa”; hình ảnh “cò con” luôn xuất hiện ở cuối mỗi bài thơ. Đoạn thơ đầu thường là nói vẻ những cảnh ngộ éo le, trắc trở, nhọc nhằn mà cò gặp phải khi đi kiếm ăn. Đến cuối cùng khi bị lâm nạn hay rơi vào sự khốn cùng, cò không hề thấy thương thân mình mà chỉ lo lắng cho số phận của con. Cò xin “xáo nước trong” cũng chỉ vì xáo nước đục thì “đau lòng cò con”, cò vượt cơn mưa, vượt tối tăm mù mịt cũng bời trăn trở “con mày bỏ đó ai nuôi hôi cò”.
- Kết bài:
Như vậy, con cò không chỉ là hình ảnh ẩn dụ cho những vất vả của người nông dân mà còn biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của họ: sự tần tảo, chịu thương chịu khó và hi sinh vì con. Tiếng ca bởi thế vừa là tiếng than, vừa là lời phản kháng sâu sắc kín đáo. Ẩn sau đó là lời ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của cò. “Trong ca dao người dân lao động Việt Nam đã dùng hình ảnh con cò để gợi hứng, dể tỏ sự mong muốn của minh, nông nỗi khổ cực của mình” (Vũ Ngọc Phan).