Cảm nhận tâm trạng bế tắt tuyệt vọng của Thúy Kiều qua 8 câu thơ cuối đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoảng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” miêu tả tâm trạng bế tắt tuyệt vọng của Thúy Kiều, khẳng định tài năng miêu tả nội tâm con người đạt đến độ biện chứng tâm hồn của thiên tài Nguyễn Du. Bằng lớp ngôn ngữ sống động, giàu sức mạnh biểu đạt, chỉ với 16 câu thơ, Nguyễn Du đã vẽ ra bức tranh tâm trạng rối bời, của Thúy Kiều khi bị giam lỏng một mình ở chốn lầu cao. Bi kịch nội tâm của Kiều trên con đường lưu lạc những ngày đầu đã được ngòi bút thiên tài miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật đặc tả sắc cạnh phi thường. Những vần thơ buồn thương mênh mang gieo vào lòng người đọc nhiều xót xa khôn nguôi về những kiếp người “tài hoa bạc mệnh”.
Sau khi bị lừa, bị “thất thân” với Mã Giám Sinh, rồi lại bị Tú Bà làm nhục, Kiều dùng dao tự vẫn. Tú Bà vì sợ mất “món hàng” quý giá liền ra tay can ngăn rồi lập mưu mới, dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Mụ hứa sẽ tìm một tấm chồng tương xứng để gã Thúy Kiều nhưng thực chất đó chỉ là mưu đồ hòa hoãn để tìm kế lừa Kiều mà thôi.
Thân gái nơi đất khách quê người, tâm hồn Kiều chất chứa đầy những lo âu, bơ vơ đến rợn ngợp. Những ngày bão tố, hãi hùng vừa qua, chặng đường phía trước mịt mờ, đầy cạm bẫy khiến nàng thấy cay đắng và vô cùng đau khổ. Giờ đây, nàng sống một mình trong lầu Ngưng Bích với bao tâm trạng “bẽ bàng”, chán ngán, chẳng biết lấy ai để giải bày. Nỗi nhớ thương như lớp sóng dâng trào lên trong lòng. Kiều nhớ thương cha mẹ già yếu, không ai đỡ đần nương tựa, chẳng ai “quạt nồng ấp lạnh” mà thương cảm. Nàng nhớ chàng Kim những đêm trăng thề hẹn, nghĩ lại than mình đang cảnh “bên trời góc bể bơ vơ…” mà thấy tủi buồn.
Sau nỗi nhớ là nỗi đau buồn tê táị, sự hoang mang và lo sợ triền miên. Nỗi đau buồn như xé tâm can, cứ xiết chặt lấy hồn nàng. Đoạn thơ 8 câu đầy ắp tâm trạng đớn đau, dằn vặt. Vận dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình, nhà thơ đã lấy khung cảnh thiên nhiên làm nền cho sự vận động nội tâm của nhân vật trữ tình. Còn đâu nữa cảnh vật thân quen ở vườn Thúy? Trước mắt Kiều, một không gian xa lạ và hoang vắng đến đáng sợ. “Cửa bể chiều hôm” với con thuyền thấp thoảng xa xa gieo rắc u sầu vào lòng người vốn đã quá mệt mỏi. Cảnh vật được miêu tả không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Mỗi biểu hiện của cảnh phù hợp với từng trạng thái của tình.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoảng cánh buồm xa xa?
Hình ảnh con thuyền gợi nhớ quê hương và con đường trở về nhưng nó xa quá, có mà như không có càng khiến nàng đau đớn. Bất lực khi nghĩ về cơ hội trở về nhà, Kiều nghĩ về con đường phía trước nhưng cũng mờ mịt khóa mây. Dòng nước chảy, bông hoa trôi như kiếp người lẻ loi, vô định, không biết đi đâu về đâu:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Trở về là không thể. Đi nữa chẳng biết đi đâu. Những ngày sắp tới đối với Thúy Kiều là một bí mật. Càng đáng sợ hơn, lời giải cho bí mật ấy đang nằm trong tay kẻ tham lam và tàn nhẫn. Kiều không thể tự định đoạt cuộc đời của mình nữa kể từ khi bán mình. Nàng đã thực hiện được mong ước cứu cha và em nhưng giờ không thể tự cứu mình. Than ôi, thông minh để làm gì? Tuyệt sắc để làm gì nếu bản thân mình không thể tự mình làm chủ lấy? Kiều nghĩ đến những tháng ngày khủng khiếp sắp tới đây, những mưu đồ sẽ có, lòng tham cả con người và nhục sắc,… Ôi! Ôi, có lẽ nó đang quần vũ, cuồng xoáy trong đầu nàng. Bởi thế nên, đất trời bỗng nhuốm một màu ảm đạm, thê lương:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Cái màu xanh kia một lần nữa lại hiện lên. Nhưng bây giờ, nó không phải là cái màu của tuổi trẻ, niềm tin và hi vọng nữa rồi. Nó đậm dần đàn và cuối cùng đi vào bóng tối.Khắp trời đất nơi nào sẽ là nơi để nàng dung thân, nơi nào để nàng tìm đến? không có câu trả lời. Tất cả chìm vào im lặng khủng khiếp, rồi bất chợt nó bùng lên dữ dội:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Thúy Kiều cảm giác như đất trời đang cơn cuồng phong bão tố. Bên tai nàng, sống, gió đang gào thét điên cuồng. Hay đó cũng là bão tố trong lòng nàng, là tiếng thét phản kháng trước thực tại phũ phàng, bất công, khắc nghiệt.
Nhiều nhà phê bình cho rằng, đến đây, nàng hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng, bấn loạn tâm thần. Cũng có thể hiểu như thế vì ta thấy, Kiều dường như bất lực trước thực tại sau khi đã cố gắng tìm mọi ngã thoát. Hãy nhìn kĩ hơn nữa. Sự thực, nàng rất tỉnh táo và bản lĩnh. Trong hoàn cảnh trớ trêu, nàng đã không ngừng tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho mình.
Khi biết mình bị lừa bán, Thúy Kiều đã toan rút dao tự tử. Nàng thà chết chứ không chịu nhục nhã. Đó là bản lĩnh thể hiện nhân cách cứng cỏi và cao đẹp của Kiều. Thế nhưng, khi ở lầu Ngưng Bích, nàng không tự mình tìm đến cái chết nữa. Chưa hẳn đã tin vào lời hứa của Tú Bà, Nàng biết hạng người ấy sao có thể thực hiện lời hứa cho được. Kiều thấy chữ hiếu chưa tròn, phận làm con chưa vẹn, kẻ đầu xanh đâu dám đi trước song thân. Đối với người xưa, hiếu đạo là lẽ sống lớn nhất và danh dự nhất. Nàng không sợ cái chết mà chỉ lo đạo hiếu không thành, phạm tội bất hiếu vô đạo. Chính điều đó khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của Thúy Kiều khiến cho người muôn đời sau vẫn còn yêu mến.
Nguyễn Du đã rất thành công khi miêu tả miêu tả tâm trạng bế tắt tuyệt vọng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Chi tiết ấy thể hiện lòng mến yêu vô hạn của thi hào đối với những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh, đáng thương trong cuộc đời này. trái tim nhân đạo soi thấu vào những suy tư và rung cảm tinh tế nhất của con người để phát hiện và ngợi ca nó. Quả thực, Mộng liên Đường Chủ Nhân đã có lời ca ngợi tấm lòng vĩ đại ấy: “Nguyễn Du có con mắt nhìn thấy sáu cõi, có tấm lòng nghĩ thấu nghìn đời” thực không có gì là quá lời. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh, ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại cảnh đều mang ý nghĩa và giá trị như một ẩn dụ, một tượng trưng về tâm trạng đau khổ và số phận đen tối của một kiếp người trong bể trầm luân.
Nguyễn Du cũng đã rất thành công trong vận dụng ngô ngữ dân tộc trong đoạn thơ. Một hệ thống từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, dầu dầu, xanh xanh, ầm ầm tạo nên âm điệu hiu hắt, trầm buồn, ghê sợ. Ở vị trí đầu dòng thơ, điệp ngữ “buồn trông” bốn lần cất lên như một tiếng ai oán, não nùng kêu thương, diễn tả nét chủ đạo chi phối tâm trạng Thúy Kiều làm cho người đọc vô cùng xúc động.
Nghệ thuật tả cành ngụ tình của Nguyễn Du vô cùng điêu luyện. Cảnh mang hồn người. Cảnh và tình hòa hợp, sống động, hình tượng, biểu cảm. Tả cảnh để tả tình, trọng cảnh có tình, lấy cảnh để phô diễn tâm trạng “người buồn cảnh cố vui đâu bao giờ!”. Mỗi một cảnh vật là một nét đau, nỗi lo, nỗi buồn tê tái người con gái lưu lạc.
Đoạn thơ có giá trị nhân văn sâu sắc. Nó dấy lên trong lòng mỗi chúng ta những xót thương về con người tài sắc bạc mệnh. Một thái độ yêu thương, một tẩm lòng nhân hậu, cảm thông, chia sẻ của nhà thơ đối với nỗi đaụ của Thúy Kiều, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim người đọc qua hàng thế kỉ nay:
“Bỗng quý cô Kiều như đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường
Chàng Kim đã đến tìm, lau giọt khóc
Và lò trầm đêm ấy tỏa bay hương”
(“Đọc Kiều” – Chế Lan Viên)
Những vần thơ trên đây của Chế Lan Viên đã gợi thương gợi nhớ trong lòng ta về cuộc đời bạc mệnh của người con gái tài sắc Thúy Kiều, và ta cảm động biết bao trước tấm lòng nhân đạo bao la của Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc.