tong-hop-10-de-thi-tham-khao-thpt-lop-12-mon-ngu-van

Tổng hợp 10 đề thi tham khảo THPT – Lớp 12 môn Ngữ văn

Tổng hợp 10 đề thi tham khảo THPT – Lớp 12 môn Ngữ văn

Đề thi 1: TUYỂN SINH

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Đọc đoạn trích sau:

Trong mỗi chúng ta dường như luôn tồn tại hai con người đối lập. Khi ta làm một việc gì, một con người sẽ ủng hộ mọi quyết định ta đưa ra và ngược lại – một con người lại lên tiếng phản đối, đưa ra những câu hỏi như: “Việc mình làm có đúng hay không?”, “Quyết định như thế đã chính xác chưa?”. Tuy nhiên, đừng vội nản lòng hoặc quá khe khắt với bản thân trước những lời tự vấn ấy. Hãy xem đó như dấu hiệu cho thấy ta đang bắt đầu thay đổi. Thiếu đi tiếng nói ngăn cản, ta sẽ không thể hiểu thấu đáo việc mình đang làm.

Khi ta tự yêu cầu bản thân phải thay đổi cách nhìn nhận mọi việc và rèn luyện một thế giới quan tích cực, mang tính chất xây dựng nhiều hơn thì rất nhiều rào cản sẽ hình thành trong tâm trí ta, chúng liên tục phát tín hiệu rằng ta không thể làm được việc đó, rằng việc đó không xứng đáng để ta bận lòng, v.v. Những lúc như vậy, hãy tỉnh táo suy xét tình hình, hiểu rõ những rào cản tâm lý và tự tin vào những quyết định của bản thân. Đừng quên rằng, thay đổi đồng nghĩa với việc sự phát triển đang bắt đầu diễn ra

(Quên hôm qua, sống cho ngày mai – Tian Dayton, NXB Tổng hợp TP.HCM, tr.57)

Thực hiện những yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Hai con người mà tác giả nhắc đến trong đoạn trích là những con người nào?

Câu 3. Theo tác giả, điều gì sẽ xảy ra Khi ta tự yêu cầu bản thân phải thay đổi cách nhìn nhận mọi việc và rèn luyện một thế giới quan tích cực, mang tính chất xây dựng nhiều hơn

Câu 4. Anh/chị có đổng tình với ý kiến của tác giả: Thiếu đi tiếng nói ngăn cản, ta sẽ không thể hiểu thấu đáo việc mình đang làm”? Tại sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến về mối quan hệ giữa sự thay đổi và thành công của mỗi người trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm):

Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, sđd, tr.109)

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tính dân tộc đậm đà của thơ Tố Hữu.


Đề thi 2:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Trong đời sống, sự tự tin không chỉ thể hiện bản thân mỗi người khi giao tiếp, nó còn phản ánh cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống, công việc, trong giao tiếp với người khác, trong sức mạnh mà chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình.

Trong giao tiếp, dù ở ngôn ngữ nào, sự tự tin là nền tảng và chất xúc tác cho toàn bộ quá trình chúng ta giao tiếp với người khác.

Sự tự tin không chỉ khiến bạn suy nghĩ lạc quan, tích cực và nhìn nhận được những mặt tốt đẹp của một sự việc. Thái độ này còn tạo nên phong thái và khí chất của bạn. Trang Huffington Post khẳng định: “Nếu tự tin, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công khi phỏng vấn xin việc hay tìm kiếm việc làm mơ ước. Bên cạnh đó, người tự tin cĩng được nhìn nhận là đẹp hơn, cuốn hút hơn”.

Chính thái độ và phong thái toát ra từ sự tự tin làm lu mờ những khiếm khuyết bên ngoài và biến họ (những người tự tin) trở nên đặc biệt trong mắt người khác – trang Bon Vita (một trang viết về phong cách sống) cũng khẳng định.

Trang Psychologist phân tích, sự thiếu tự tin ấy không phải do bạn thiếu năng lực, mà do bạn chưa nhìn nhận đúng vê bản thân mình, chưa có niêm tin vào khả năng của mình.

(http://kenhl4.vn/khi-tu-tin-ban-quyen-luc- va-hap-dan-hon-20180313011835715.chn)

Thực hiện những yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích

Câu 2. Theo tác giả, sự tự tin được biểu hiện như thế nào trong đời sống của con người?

Câu 3. Dựa vào văn bản, hãy cho biết sự tự tin có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi con người?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: sự thiếu tự tin là “do bạn chưa nhìn nhận đúng về bản thân mình, chưa có niềm tin vào khả năng của mình”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) về những cách thức giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm):

Cảm nhận vẻ đẹp của người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB GD, tr.89)


Đề thi 3:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:

Chúng tôi đứng đây trần trụi giữa trời
Cho biển cả không còn hoang lạnh
Đứa ở đồng chua
Đứa vùng đất mặn
Chia nhau nỗi nhớ nhà
Hoàng hôn tím ngát xa khơi
Chia nhau tin vui
Về một cô gái làng khểnh răng, hay hát
Vầng trăng lặn dưới chân lều bạt
Hắt lên chúng tôi nhếnh nhoáng vàng
Chúng tôi coi thường gian nan
Dù đồng đội tôi, có người ngã trước miệng cá mập
Có người bị vùi dưới cơn bão dữ tợn
Ngày mai đảo sẽ nhô lên
Tổ quốc Việt Nam, một lần nữa nối liền
Hoàng Sa, Trường Sa
Những quần đảo long lanh như ngọc dát
Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát
Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi
Đảo à, đảo ơi!

Đảo Thuyền Chài, 4 – 1982

(Trích Hát về một hòn đảo – Trần Đăng Khoa, Trường Sa, NXB Văn học, 2014, tr.51)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ

Câu 2. Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3. Nêu nội dung của đoạn thơ

Câu 4. Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với những người lính đảo? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm):

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình: – Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc , ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

-Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không?-Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

-Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

 – Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

 – Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? -Đột nhiên tôi hỏi.

– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu , Ngữ Văn 12 , Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.75-76)

Cảm nhận của anh chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên . Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.


Đề thi 4:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Đọc các đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

(Trích Trong lời mẹ hát -Trương Nam Hương)

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

(Trích Mẹ và quả – Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1. Những đối tượng nào được nhắc đến trong cả hai đoạn thơ?

Câu 2. Nghệ thuật tương phản được sử dụng trong những câu thơ nào của đoạn thơ thứ hai?

Câu 3. Làm rõ hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hoá được sử dụng trong câu thơ: “ Thời gian chạy qua tóc mẹ”.

Câu 4. Hãy chỉ ra một điểm tương đồng giữa hai đoạn thơ mà anh/chị tâm đắc.


Đề thi 5:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa.

Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyệt đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói, “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn”. Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực.

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định chủ đề chính của đoạn trích?

Câu 2 (0,5 điểm): Tại sao tác giả lại nói: … “thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống”…

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về lời khuyên: “Hãy thất bại một cách tích cực”

Câu 4 (1,0 điểm): Điều anh chị tâm đắc nhất qua đoạn trích là gì?

II. LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1:

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: Người thành công luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn. Kẻ thất bại luôn thấy khó khăn  trong mọi cơ hội.

Câu 2:

Cảm nhận của anh/chị về khát vọng sống của nhân vật người vợ nhặt trong truyện Vợ nhặt (Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, sđd, tr.23). Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo mà nhà văn thể hiện qua nhân vật này


Đề thi 6:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

CÁI LẠNH

Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.

Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.

Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”

Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính:“Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó”.

Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù:“Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khá trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ:“Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước”.

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt.

Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.

(Theo “Lời nói của trái tim”, NXB Văn hóa Sài Gòn)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm): Tác giả đặt các nhân vật vào tình huống nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Hình ảnh Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi thể hiện điều gì?

Câu 4 (1,0 điểm): Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm):

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được nêu trong phần Đọc hiểu: Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.

Câu 2 (5.0 điểm):

Phân tích tình huống truyện độc đáo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân, Ngữ văn 12,Tập hai, sđd, tr.23).


Đề thi 7:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

– Chiếc xe này của bạn đấy à? Cậu bé hỏi.

Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.

– Ồ, ước gì tôi… Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

  Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào?  (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm” có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM):

Câu 1. (2,0 điểm):

          Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến: “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

Câu 2. (5,0 điểm):

Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật A Phủ trong đoạn trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, sđd, tr.3).


Đề thi 8:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi ở dưới

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò…sung chát đào chua…
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Theo Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 2010)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Hình ảnh người mẹ được khắc họa qua những từ ngữ, chi tiết nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Văn bản thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả đối với người mẹ?  (1,0 điểm)

Câu 4. Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” gợi suy nghĩ gì về lời ru của mẹ đối với những đứa con? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1: (2,0 điểm):

Dựa vào nội dung của phần đọc hiểu trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về “Tình mẫu tử.”

Câu 2. (5,0 điểm):

Đọc tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (sách Ngữ văn 12) có ý kiến cho rằng: Đó là một truyện ngắn thấm đẫm chất hiện thực. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là một tác phẩm giàu chất trữ tình.

Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên.


Đề thi 9:

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

“Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.”

(Tuoitre.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh? (0,5 điểm)

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh” (1,0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm):

Câu 1 (2.0 điểm):

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2 (5.0 điểm):

Bàn về kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (SGK Ngữ văn 12, tập 2), có ý kiến cho rằng: hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước; lại có người khẳng định: Đó là một kết thúc tự nhiên, tất yếu.
Bằng hiểu biết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh chị hãy bình luận các ý kiến trên.


Đề thi 10:

I. ĐỌC HIỂU(3.0 điểm)

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“Ngày xưa tựu trường chúng con bên nhau
thầy vẫn đọc lời văn năm cũ
Hằng năm cứ vào cuối thu …

Mười mấy năm xa trường chạm kiếp bể dâu
đôi lần trường xưa hiện lên như chớp lửa
đôi đứa trong chúng con đã thành ông này bà nọ
chỉ kỉ niệm là cứ trẻ hoài như màu mắt trẻ thơ
Kỉ niệm cứ hóa thành chiếc lá sau mưa
cứ ẩm mát mặt sân trường cũ
riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ
buổi con về tí tách trận mưa hoa ”

(Trương Vũ Thiên An – Chiếc lá, in trong tập thơ “Tạ”, NXB Hội Nhà Văn, 2018, trang 36)

Câu 1. Chỉ ra “lời văn năm cũ” mà thầy vẫn đọc trong ngày tựu trường ở đoạn thơ trên. (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai. (0.5 điểm)

Câu 3. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người thầy trong hai dòng thơ sau (1.0 điểm):

“riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ
buổi con về tí tách trận mưa hoa ”

Câu 4.  Đoạn thơ gợi cho anh/chị những cảm nghĩ gì về mái trường (viết khoảng 5 đến 7 dòng)? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN(7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai). Từ đó, nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài ./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang