tu-doan-kich-vinh-biet-cuu-trung-dai-anh-chi-rut-ra-bai-hoc-gi-trong-cuoc-song-ngay-nay

Từ đoạn kịch Vĩnh biệt Cửu trùng đài, anh/chị rút ra bài học gì trong cuộc sống ngày nay

Từ đoạn kịch “Vĩnh biệt Cửu trùng đài”, anh/chị rút ra bài học gì trong cuộc sống ngày nay

– Cửu Trùng Đài là một công trình kiến trúc tuyệt tác. Nó được xây bằng tài hoa tuyệt đỉnh của Vũ Như Tô – được xây dựng bằng tâm huyết của Vũ Như Tô: với ông thì Cửu Trùng Đài là phần tâm hồn, là sinh mệnh. Nó dược xây dựng bằng khát vọng cao đẹp, lý tưởng đẹp, tình tri kỉ.

– Cửu Trùng Đài còn là hiện thân cho cái đẹp xa hoa, đi ngược lại với lợi ích của người lao động. Với vua, Cửu Trùng Đài thể hiện quyền lực, là chốn ăn chơi. Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài là mộng lớn. Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài là “niềm kiêu hãnh nước nhà”. Với nhân dân: Cửu Trùng Đài là món nợ mồ hôi, xương máu.

– Cửu Trùng Đài là hiện thân cho số phận mong manh của cái đẹp. Vũ Như Tô, tác phẩm bi kịch không làm ta rơi nước mắt nhưng nó bắt ta suy ngẫm về cái lẽ, cái nghĩa sâu xa của những gì ta đã đọc hoặc đã thấy.

– Trong cuộc sống, cái ĐẸP và cái THIỆN luôn song hành với nhau, vậy mà ở trong tác phẩm này sao cái ĐẸP và cái THIỆN lại xung đột với nhau quyết liệt đến vậy? Bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhở chúng ta về mối hoạ lớn của sự tách rời và đối nghịch hoá giữa các giá trị. Nó chứng minh đầy sức thuyết phục rằng: Cái ĐẸP tự sát khi nó nhảy múa trên thân thể quằn quại của cái THIỆN nhưng giết cái ĐẸP vì cái THIỆN cũng là giết luôn cả cái THIỆN.

– Cái đẹp nhân tạo (không phải cái đẹp thiên tạo) ra đời trong xã hội bất bình đẳng và luôn luôn phục vụ những giai cấp thống trị, bị những giai cấp ấy chiếm hữu.

– Bi kịch Vũ Như Tô khiến cho chúng ta lo lắng cho vận mệnh của những giá trị lớn của xã hội và con người. Trong tác phẩm, Vũ Như Tô từng ao ước xây một công trình kiến trúc vĩ đại độc nhất vô nhị vượt qua được tất cả các kì quan trên thế giới mà người đời thường truyền tụng. Vậy mà cuối cùng Cửu Trùng Đài bị đốt. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời của ông về số phận của dân tộc ta so với số phận các dân tộc khác cho thấy ông là một CON NGƯỜI VIỆT NAM thực thụ.

– Nguyễn Huy Tưởng viết Vũ Như Tô năm 1941, khi đó trên diễn đàn văn học công khai đang diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Viết tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng ngầm nói lên sự thắng thế của trường phái Nghệ thuật vị nhân sinh.

– Từ công trình kiến trúc Cửu Trùng Đài và bi kịch của người nghệ sỹ đem đến cho chúng ta một cảm nhận rằng: tác phẩm nghệ thuật chân chính là tác phẩm xuất phát từ đời sống và phục vụ cho đời sống. Người nghệ sỹ cần có cái nhìn đa diện đa chiều vào cuộc sống thì mới cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Bi kịch của Vũ Như Tô cũng nhắc nhở mỗi chúng ta một điều: Mọi ước mơ chính đáng của con người, nhất là những ước mơ càng cao thượng, càng giàu giá trị nhân văn bao nhiêu càng tiềm ẩn nguy cơ tội lỗi bấy nhiêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang