Nhân vật Đan Thiềm – người “đồng bệnh” với Vũ Như Tô.
– Nếu Vũ Như Tô là người đam mê cái đẹp, khát khao sáng tạo cái đẹp thì tính cách của Đan Thiềm là tính cách của người đam mê cái tài. Cụ thể là tài sáng tạo nên cái đẹp. “Bệnh Đan Thiềm” là bệnh mê đắm người tài hoa hay bệnh của kẻ “biệt nhỡn liên tài”(Nguyễn Tuân).
– Trong tác phẩm, hai lần Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô. Lần đầu Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô mượn tay Lê Tương Dực xây đài để thực hiện hoài bão “giấc mộng lớn” của Vũ. Lần hai, khi Cửu Trùng Đài bị đốt, nàng khuyên Vũ Như Tô chạy chốn để bảo toàn tính mạng. Nàng có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ người tài. Nàng thực sự là tri âm, tri kỷ của Vũ Như Tô.
– Ở hồi cuối, cả Vũ Như Tô và Đan Thiềm đều bị rơi vào trạng thái khủng hoảng với một nỗi đau chung: sự vỡ mộng thê thảm. Song, nếu Vũ Như Tô vẫn mơ màng, ảo mộng thì Đan Thiềm lại tỉnh táo kịp nhận ra tính chất thê thảm của sự việc. Tâm trí nàng giờ đây không còn hướng vào sự thành bại của Cửu Trùng Đài mà hướng vào sự sống còn của người nghệ sỹ tài trời “nghìn năm chưa dễ có một”. Nàng khẩn khoản khuyên Vũ Như Tô chạy chốn, khi thấy lời khuyên vô hiệu thì hoảng hốt, đau đớn. Đến khi nhận ra ngay cả việc đổi mạng sống của mình để cứu Vũ Như Tô cũng không được nữa thì Đan Thiềm đành buông lời vĩnh biệt tất cả (Đan Thiềm: Đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt!). Đó là lời vĩnh biệt mãi mãi Cửu Trùng Đài, vĩnh biệt một giấc mộng lớn trong máu và nước mắt.
– Đan Thiềm mang thân phận một cung nữ thấp hèn, bị khinh rẻ, nhưng nàng đã vượt lên trên thân phận để mến trọng cái đẹp, tài năng, luôn bảo vệ và động viên Vũ Như Tô như quý trọng nghệ thuật, bảo vệ người nghệ sỹ, bảo vệ cái đẹp.