Cảm nhận nhân vât Vũ Như Tô – nhân vật bi kịch mang tội lỗi bi kịch
– Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng cũng như những nhân vật chính, còn gọi là nhân vật anh hùng của bi kịch là một con người quá khổ, ta muốn nhận biết nó thì phải đo nó bằng cái thước của nó chứ không phải cái thước của ta.
– Vũ Như Tô hiện lên như một tính cách bi kịch: vừa bướng bỉnh, vừa mềm yếu, vừa kiên định, vừa dễ hoang mang. Tính cách nổi bật nhất của Vũ Như Tô là tính cách của người nghệ sỹ tài ba hiện thân cho niềm khao khát và đam mê sáng tạo cái đẹp.
– Cái tài của Vũ Như Tô chủ yếu được thừa nhận qua lời nhận xét của các nhân vât khác: một kiến trúc sư “sai khiến gạch đá như một viên tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”; một họa sỹ “chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình, biến hóa như cảnh hóa công”; một nhà điêu khắc “có hoa tay tuyệt thế… chạm trổ, nạm đục không kém đường gì…”. Một thiên tài “ngàn năm chưa dễ có một” (quan Thượng thư bộ Công, Lê An).
– Vũ Như Tô là một nghệ sỹ có nhân cách, có hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả. Ban đầu, Vũ Như Tô ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân Lê Tương Dực và kiên quyết không xây Cửu Trùng Đài. Ông cũng không phải là người hám lợi. Được vua ban thưởng vàng bạc, ông chia hết cho thợ. Lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô là lí tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần túy. Nó thoát li khỏi hoàn cảnh thực tại của đất nước, đời sống của nhân dân. Vì quá say sưa với ước mơ xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài “bền vững như trăng sao, để dân ta nghìn thu còn hãnh diện” mà Vũ Như Tô đã không nhận ra thực tế: Cửu Trùng Đài được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân.
Diễn biến tâm lí của Vũ Như Tô ở đoạn kịch “Vĩnh biệt cửu trùng đài”
– Đến hồi cuối này, Vũ Như Tô bị đặt vào tình huống tìm câu trả lời cho câu hỏi: Xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai? Có công hay có tội? Vũ Như Tô đã không trả lời thỏa đáng được câu hỏi đó bởi chàng chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sỹ mà không đứng trên lập trường của nhân dân, nghĩa là đứng trên lập trường của cái đẹp mà không phải cái thiện.
– Ở hồi V, Vũ Như Tô đã thể hiện sự bướng bỉnh trang phải, trái với số phận và cuộc đời (chứ không phải là tranh phải, trái với hóa công như những hồi trước đó). Vũ Như Tô không hề nghĩ việc mình xây dựng Cửu Trùng Đài cho đất nước lại là có tội. Đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô chạy chốn nhưng ông vẫn không chịu vì tin vào việc làm “quang minh chính đại” của mình, vẫn hy vọng sẽ thuyết phục được An Hòa Hầu – kẻ cầm đầu phe phản loạn. Trước cường quyền và bạo lực người nghệ sỹ ấy không chịu cúi đầu, trước cái chết đe dọa, ông vẫn say mê ôm ấp hoài bão, lí tưởng của mình. Khi Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đốt thì Vũ Như Tô mới bừng tỉnh. Ông đau đớn kêu lên: “Ôi! Mộng lớn! Ôi! Đan Thiềm! Ôi! Cửu Trùng Đài”. Trong tiếng kêu đau đớn ấy “mộng lớn”, “Đan Thiềm”, “Cửu Trùng Đài” được Vũ Như Tô đặt lên kế với nhau. Nỗi đau mất mát như hòa nhập làm một thành nỗi đau bi tráng tột cùng.
– Vũ Như Tô chỉ là người tài chưa phải bậc hiền tài. Cái đẹp mà Vũ Như Tô tạo ra có thể tuyệt mỹ mà không tuyệt thiện.
– Vũ Như Tô là nhân vật bi kịch vừa có tội lại vừa không có tội, vừa “có chỗ đáng giận, có điều đáng thương”. Tính chất cái tội ở nhân vật này vừa đáng yêu, vừa đáng sợ vì Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của mình là điều rất đáng quý nhưng Vũ Như Tô quý Cửu Trùng Đài hơn tính mạng của hàng vạn người thì thật tội lỗi và thật đáng sợ.
– Lỗi lầm của Vũ Như Tô là chàng rất cao thượng trong khát vọng và ý chí sáng tạo của mình, nhưng chàng đã độc tôn chỉ một cái đẹp nghệ thuật, đặt nó lên trên mọi giá trị cơ bản khác, tuân thủ chỉ một mệnh lệnh của cái đẹp và dửng dưng với mệnh lệnh của cái thiện.
– Vũ Như Tô trước sau là một tính cách rắn rỏi, bất biến, bất khuất, hiên ngang, đam mê trong hoài bão vì cái đẹp, vì một tình yêu lớn: Yêu Tổ quốc và yêu sự nghiệp sáng tạo cái đẹp. Đó là nhân vật anh hùng trong bi kịch này.