Chủ đề tình yêu đất nước
Đề bài 1:
I. Đọc – hiểu (3.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong Diễn văn khai giảng năm học 2014 – 2015 ở trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), Giáo sư Văn Như Cương – Hiệu trưởng nhà trường – có nói:
(1) Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất…Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô…Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa Mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…
(2) Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình. Các em hãy nhớ lời của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.
(Theo http://www.tinmoi.vn ngày 4/9/2014)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chủ yếu trong đoạn (2)? (0.5 điểm)
Câu 2. Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu sau: Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. (0.5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về lời nhắn nhủ của thầy Văn Như Cương: Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình ? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình? Hãy nêu ít nhất hai lí do cho ý kiến của mình. (1,0 điểm)
* Hướng dẫn trả lời:
Câu 1. Thao tác lập luận chủ yếu trong đoạn (2): Bình luận
Câu 2. Biện pháp tu từ trong câu: Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa:
– Phép điệp (điệp từ): yêu
– Phép liệt kê: núi cao, sông dài, rừng xanh, biển bạc, đất liền, đảo xa
Câu 3. Ý nghĩa câu nói: Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình.
Hs có thể hiểu theo nhiều cách miễn hợp lí, có cơ sở.
– Hãy học tập không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng cả tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc của mình.
– Hãy học tập với tất cả sự thông minh và niềm đam mê, khao khát của mình.
Câu 4. Hs bày tỏ rõ quan điểm cá nhân: đồng tình/không đồng tình; nêu 2 lí do hợp lí, thuyết phục
Đề bài 2:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
TRƯỚC ĐÁ MỊ CHÂU
“Tôi đứng lặng trước em
Không phải trước lỗi lầm biến em thành đá cuội
Nhớ vận nước có một thời chìm nổi
Bắt đầu từ một tình yêu
Em hoá đá trong truyền thuyết
Cho bao cô gái sau em
Không còn phải hoá đá trong đời
Có những lỗi lầm phải trả bằng cả một kiếp người
Nhưng lỗi lầm em lại phải trả bằng máu toàn dân tộc
Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc
Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay”.
(Trần Đăng Khoa)
Câu 1: Đoạn trích trên gợi anh/chị liên tưởng đến truyền thuyết nào của Việt Nam? Hãy kể thêm tên một truyền thuyết khác mà anh/chị biết.
Câu 2: Vì sao tác giả viết: “Em hoá đá trong truyền thuyết/Cho bao cô gái sau em/Không còn phải hoá đá trong đời”?
Câu 3: Anh/Chị hãy lí giải cách hiểu của mình về câu thơ “Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc/Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay”.
Câu 4: Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên?
* Hướng dẫn trả lời:
Câu 1: Đoạn trích gợi liên tưởng đến truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ”. Kể thêm tên của một truyền thuyết khác: Ví dụ: “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh”, “Bánh chưng, bánh giầy”.
Câu 2: Tác giả viết: “Em hoá đá trong truyền thuyết/Cho bao cô gái sau em/Không còn phải hoá đá trong đời” vì sự hoá đá của Mị Châu là bài học về tinh thần cảnh giác, bài học về việc giải quyết mối quan hệ giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, cá nhân với cộng đồng, tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước; để các cô gái sau Mị Châu không bao giờ phạm phải sai lầm và bị trừng phạt đau đớn như nàng.
Câu 3: Câu thơ diễn tả nỗi đau mất nước của toàn dân tộc, nỗi đau thấm máu ấy không chỉ là nỗi đau của hai nghìn năm trước mà còn được nhân dân ta truyền lại cho con cháu qua từng trang tập đọc và nỗi đau ấy còn đau đớn đến ngày hôm nay. Mỗi lần nhớ tới vó ngựa Triệu Đà, kẻ xâm lược, trái tim mỗi người dân Việt dường như lại thấm máu.
Câu 4: Thí sinh tự bày tỏ điều mình tâm đắc nhất qua văn bản, nhưng cần có sự lí giải thuyết phục, thiện chí thì mới cho điểm tối đa.