de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-chia-se

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề chia sẻ và ích kỉ

Chủ đề chia sẻ và ích kỉ

Đề bài 1:

I. Đọc – hiểu:

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

CÁI LẠNH

“Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.

Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.

Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”

Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính:“Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó”.

Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù:“Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khá trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ:“Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước”.

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt.

Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.”

(Theo “Lời nói của trái tim”, NXB Văn hóa Sài Gòn)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm): Tác giả đặt các nhân vật vào tình huống nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Hình ảnh Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi thể hiện điều gì?

Câu 4 (1,0 điểm): Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản: Tự sự

Câu 2: Tác giả đặt các nhân vật vào tình huống: Sáu người bị mắc kẹt vào một cái hang, thời tiết lạnh lẽo, khắc nghiệt, đống lửa duy nhất lại đang tàn dần trong khi đó mỗi người đều đang sở hữu một que củi

Câu 3: Hình ảnh Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi thể hiện sự ích kỉ, nhỏ nhen, muốn sở hữu và giữ chặt thứ mình có

Câu 4: Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên : HS trình bày suy nghĩ cá nhân, lí giải vì sao thông điệp đó có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với mình.Có thể lựa chọn thông điệp về cách ứng xử giữa người với người, nhất là trong cơn hoạn nạn; về tình đoàn kết, sẻ chia.


Đề bài 1:

I. Đọc – hiểu:

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

“(…) Vậy phải giải thích thế nào về việc hàng nghìn người dân “hôi” sạch xe bia bị đổ trên cầu Bến Thuỷ ngày 26/11/2011, về vụ “hôi” bia tương tự ngày 4/12/2013 ở Biên Hoà? Vì dân nghèo không có tiền mua bia ư? Họ có tiền mua xe máy cơ mà? Khi xem video do camera giao thông ghi lại vụ ở Biên Hoà, tôi lại thấy đa số người đi đường và sống hai bên đường ở Biên Hoà lao vào “hôi” bia, giống y hệt cảnh tôi nhìn thấy ở Hà Nội năm 1986. Trong các vụ cháy nhà, cháy ki-ốt bán hàng, cháy chợ ở các địa phương nước ta, hôi của gần như là phần không thể thiếu. Người dân đã có cuộc sống đầy đủ hơn, hàng hoá không còn khan hiếm, nhưng “tính hôi của” không thay đổi mấy.

Chúng ta ghét cay ghét đắng các quan tham. Nhưng quan từ đâu mà ra? Họ cũng từ dân ra, hết nhiệm kỳ quan lại về làm dân. Họ là con, là chồng hoặc vợ, là bố hoặc mẹ, là ông hoặc bà trong các gia đình dân. Quan có từ trên trời rơi xuống đâu? Nếu quan nào đó tham, phải chăng người đó đã có sẵn máu tham từ trước khi làm quan, từ khi là dân? Khi một người có sẵn máu hôi của, thì khi làm quan, tham nhũng cũng là một kiểu hôi của với mức độ lớn hơn, hình thức tinh vi hơn mà thôi. Tôi không tin rằng khi còn làm dân thì họ chưa có máu tham, đến khi làm quan mới đổ đốn ra. Quan mà giữ được thanh liêm trong một xã hội mà sự tử tế bị “mất giá” trên diện rộng, khi họ nắm nhiều quyền trong tay, mà lương của họ thì thấp hơn lương chuyên viên ở các doanh nghiệp trung bình, kể ra cũng khó. Để quan bớt tham, không có cách nào khác cách “4 Không” mà Singapore và nhiều nước khác làm: sao cho quan không muốn tham, không cần tham, không dám tham, không thể tham những gì không phải của mình.

Nhưng với người dân chúng ta thì sao? Cần làm gì để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham? Không phải chỉ đối với của cải, mà đối với nhiều thứ khác. Vượt đèn đỏ là “cướp” đường, “cướp” sự an toàn giao thông. Chen hàng, xô đẩy là “cướp” thời gian, “cướp” cơ hội của người khác. Bán thực phẩm, hàng hoá độc hại là “cướp” sức khoẻ của đồng loại. Nhiều hành vi xấu xa xảy ra ở nước ta, tạo thành một xã hội kém văn minh, kém an toàn có chung một nguồn gốc là “lòng tham”.

Khi nào nước ta không còn xảy ra những vụ người dân hôi của, nhiều hành vi xấu xa khác sẽ biến mất theo. Khi đó, chắc chắn chính quyền cũng sẽ liêm chính hơn. Cần phải làm bất kỳ điều gì để lấy lại giá trị đã bị mất đi rất nhiều của sự tử tế.”

( Lương Hoài Nam- http://vnexpress.net/tin- tuc/gocnhin/long-tham – 3340448.html)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu hiệu quả biểu đạt của 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn sau:

“Vượt đèn đỏ là “cướp” đường, “cướp” sự an toàn giao thông. Chen hàng, xô đẩy là “cướp” thời gian, “cướp” cơ hội của người khác. Bán thực phẩm, hàng hoá độc hại là “cướp” sức khoẻ của đồng loại”

Câu 3 (0,75 điểm). Tác giả đã tự trả lời cho câu hỏi của mình như thế nào

“Vậy phải giải thích thế nào về việc hàng nghìn người dân “hôi” sạch xe bia bị đổ trên cầu Bến Thuỷ ngày 26/11/2011, về vụ “hôi” bia tương tự ngày 4/12/2013 ở Biên Hoà?”

Câu 4 (0,75 điểm). Theo anh/chị, nguồn gốc của lòng tham là do đâu?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1 (0,5 điểm). Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: nghị luận.

Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn văn bản: điệp cấu trúc/ điệp từ ” cướp”

– Tác dụng: Mạnh mẽ, đanh thép lên án những hành vi diễn ra thường nhật tưởng là đơn giản nhưng trái với pháp luật và đạo đức, dẫn đến những hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến toản xã hội

Câu 3 (0,75 điểm). Tác giả đã tự trả lời cho câu hỏi của mình là: Nhiều hành vi xấu xa xảy ra ở nước ta, tạo thành một xã hội kém văn minh, kém an toàn có chung một nguồn gốc là “lòng tham”

Câu 4 (0,75 điểm). Nguồn gốc của lòng tham là do sự ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà không có ý thức tôn trọng lợi ích của cộng đồng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang