»» Nội dung bài viết:
Kỹ năng phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận tác phẩm truyện – Luyện thi học sinh giỏi văn
Đối tượng của bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi rất đa dạng: giá trị nội dung và nghệ thuật nói chung, có thể chỉ là một phương diện, thậm chí một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của một tác phẩm hoặc các tác phẩm, các đoạn trích khác nhau. Như vậy, đối với các dạng đề khác nhau của dạng đề nghị luận về một tác phẩm hoặc đoạn trích văn xuôi, người viết cần chọn dẫn chứng cho phù hợp với từng dạng đề. Chúng tôi đưa ra cách phân tích từng khía cạnh của dẫn chứng đối với tác phẩm văn xuôi trên hai phương diện cần lưu ý khi phân tích dẫn chứng văn xuôi: nghệ thuật và nội dung, tùy vào dạng đề mà người viết nên chọn một số khía cạnh phù hợp để làm nổi bật vấn đề nghị luận.
1. Phân tích nhân vật:
Trong các tác phẩm văn xuôi, nhân vật là nơi nhà văn có thể biểu hiện tốt nhất, tập trung nhất quan niệm nghệ thuật của mình về thế giới và con người.
– Nhân vật tập trung quan niệm của nhà văn trong tác phẩm.
– Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời…
– Nhân vật văn học có vai trò miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội.
– Nhân vật văn học còn có chức năng tạo nên mối liên hệ trong tác phẩm.
Để làm rõ vai trò của nhân vật trong tác phẩm, người viết có thể chọn một hay nhiều khía cạnh sau đây để phân tích dẫn chứng là nhân vật trong tác phẩm văn xuôi:
2. Phân tích ngoại hình nhân vật:
Khi chọn dẫn chứng là các chi tiết về ngoại hình của nhân vật. Người viết cần phân tích dẫn chứng để làm rõ vai trò của việc xây dựng ngoại hình nhân vật trong tác phẩm
Ví dụ: Nam Cao đã miêu tả nhân vật Chí Phèo trong bộ dạng con quỷ dữ của làng Vũ Đại:
– Tái hiện dẫn chứng: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!
– Ấn tượng và nhận xét: Dưới ngòi bút của Nam Cao chúng ta không thể nhận ra một anh tá điền chân chất thật thà của ngày xưa nữa. Thay vào đó là một ngoại hình rất hung tợn, đáng sợ. Sau khi ra tù, Chí Phèo hoàn toàn đổi khác.
– Cở sở/ ý nghĩa của nhận xét, đánh giá: Từ việc xây dựng nhân vật Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Đó là dấu hiệu đầu tiên mà ai ai cũng dễ dàng nhận ra, sự thay đổi nhân hình. Nó là một dấu hiệu dự báo cho sự thay đổi một cách dữ dội bên trong.
3. Lời nói của nhân vật.
Lời nói là một yếu tố để xây dựng nhân vật, tạo tính cách cho nhân vật
Ví dụ: Trong truyện ngắn Chí Phèo, Nam Cao đã xây dựng nhân vật Bá Kiến đầy những thâm sâu, mưu mô. Tất cả đã bộc lộ rất rõ nét qua lời nói của nhân vật này:
– Tái hiện lại lời nói của nhân vật: Anh Chí ơi! Sao anh lại làm thế?/ Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
– Ấn tượng và nhận xét: Lời nói của Bá Kiến nghe qua như mật ngọt bên tai, nó ẩn chứa bên trong là sự hiểu biết, tạm thời nhẫn nhịn để chờ thời cơ đến.
– Cơ sở/ ý nghĩa của lời nói trong việc xây dựng nhân vật: Nam Cao đã xây dựng một Bá Kiến đầy mưu mô, thủ đoạn. Chính những lời nói “êm tai” này góp phần đẩy Chí Phèo trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến.
4. Phân tích hành động.
Mỗi tác phẩm sẽ có sự xuất hiện của các nhân vật khác nhau. Tùy vào kiểu nhân vật mà tác giả xây dựng: tâm lý, hành động mà hành động sẽ được thể hiện nhiều hay ít. Qua việc thể hiện các hành động, góp phần bộc lộ tính cách của các nhân vật trong mối quan hệ đối với các nhân vật khác.
Ví dụ: Những hành động Thị Nở quan tâm Chí Phèo:
– Tái hiện dẫn chứng hành động: Thị Nở dìu hắn vào trong lều, đặt lên chõng, đắp chiếu cho hắn rồi ra về…Bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo…vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo.
– Ấn tượng và nhận xét về hành động của nhân vật: Những việc mà Thị Nở làm tuy rất ngớ ngẩn với suy nghĩ của một con người dở hơi nhưng nó rất “người”. Đó là những hành động quan tâm của con người đối với con người.
– Cơ sở/ ý nghĩa của hành động nhân vật: Những việc làm của Thị đã làm sáng lên vẻ đẹp nhân tính tưởng như đã lu mờ của Chí Phèo. Chính những hành động đó giúp Chí Phèo tỉnh dậy sau những cơn say triền miên, đánh thức sự lương thiện trong Chí Phèo, khiến Chí muốn làm hòa với mọi người. Tác giả xây dựng một nhân vật xấu xí dở hơi như thế để bật lên một tình người – vẻ đẹp bất tử cần vun đắp cho dù là xã hội trước cách mạng tháng Tám hay xã hội nào.
5. Phân tích tâm lí nhân vật.
Tâm lý nhân vật được tác giả thể hiện qua lời nói, hành động, nét mặt, và đối thoại nội tâm. Có những tác phẩm, tác giả chú trọng vào xây dựng tâm lý nhân vật. Tâm lý nhân vật là một quá trình diễn biến rất tinh vi, phức tạp.
Ví dụ: Quá trình nhận thức được mình bị Thị Nở từ chối, cũng từ đó Chí Phèo bị chối bỏ quyền làm người
– Tái hiện tâm lí nhân vật: Hắn thú vị, lắc lư cái đầu → nghĩ ngợi một tí, bỗng nhiên ngẩn người-> thoáng cái hít hơi cháo hành → ngồi ngẩn mặt, không nói gì → Hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Từ lúc Thị Nở gạt tay giúi thêm cho một cái. Hắn toan đập đầu rồi lại nghĩ: đập đầu ở đây chỉ có thiệt, đập đầu ở đây, để mà nằm ăn vạ ai? Hắn tự phải đến nhà con đĩ Nở kia, đâm chết cái con khọm già nhà nó… Và hắn uống, càng uống càng tỉnh. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! thoang thoảng hương cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức
– Ấn tượng và nhận xét tâm lí nhân vật: Tận sâu bên trong của vẻ bề ngoài gớm ghiếc đó vẫn là một con người. Chí Phèo cũng khát khao được sống như bao người khác. Nhưng bây giờ không thể. Hắn nhận ra có uống rượu, rạch mặt cũng không để làm gì nữa. Giọt nước mắt đã rơi, giọt nước mắt rơi để giải tỏa nỗi lòng đau đớn của Chí và cũng là giọt nước mắt của lương tri, của sự thức tỉnh.
– Cơ sở/ ý nghĩa của tâm lý nhân vật: Qua việc chuyển biến tâm lí của Chí Phèo chúng ta thấy được sự đau đớn, giằng co của con người bên trong Chí Phèo để chúng ta thấy được một Chí Phèo rất đáng thương nhưng phải sống trong bi kịch tha hóa và bi kịch bị từ chối quyền làm người.
6. Phân tích đặc sắc về ngôn từ.
Ngôn từ là chất liệu của văn chương, ở bất kì thể loại văn học nào, ngôn từ cũng chiếm một vị trí quan trọng, nó là công cụ đắc lực cho nhà văn, nhà thơ sáng tác, xây dựng nhân vật.
Ví dụ: Trong giai đoạn văn học phát triển với nhịp độ rất mau lẹ, mỗi tác giả đều để lại ấn tượng sâu sắc về cách sử dụng ngôn từ. Vũ Trọng Phụng với văn phong trào phúng sắc bén, Nam Cao lạnh lùng, Thạch Lam nhẹ nhàng lãng mạn như thơ.
– Tái hiện dẫn chứng: Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào/ Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát.
– Ấn tượng và nhận xét về ngôn từ: Thạch Lam sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, êm dịu có nhịp điệu như ngôn ngữ thơ, tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn cho “truyện không có chuyện”. Ngôn từ như những thanh âm trong trẻo cứ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc.
– Cở sở, ý nghĩa của việc sử dụng ngôn từ: Ngôn từ nhẹ nhàng, đánh vào cảm xúc người đọc đã là một đặc trưng rất riêng trong các truyện ngắn của Thạch Lam. Câu văn nhẹ nhàng du dương như thơ. Tác giả sử dụng nhiều từ láy: êm ả, văng vẳng tạo nhịp điệu cho câu văn và sử dụng hình ảnh so sánh như đặc của thơ. Văn như thơ dường như trở thành một khía cạnh trong phong cách sáng tác của tác giả. Với việc sử dụng ngôn từ đậm chất lãng mạn lại càng dễ dàng bộc lộ tâm trạng man mác buồn của phố huyện, ẩn chứa bên trong là những mảnh đời chất chứa đầy những nỗi buồn.
7. Phân tích cách kể chuyện.
Ngôi kể có vai trò quan trọng trong việc xác định cách thức câu chuyện diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến mạch cảm xúc và tư duy của người đọc. Các ngôi kể chính: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba.
– Ngôi kể thứ mấy?
– Ngôi kể có tác dụng gì trong câu chuyện?
Ví dụ: Với Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu đã chọn hình thức kể theo ngôi thứ nhất – nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Nhờ hình thức kể chuyện này câu chuyện trở nên gần gũi hơn, kết quả chân thực hơn và cũng có sức thuyết phục hơn. Với ngôi kể như thế, nhà văn có thể nhìn cuộc đời và con người ở các góc độ, cự li khác nhau, lúc đứng gần, trực tiếp tham gia vào câu chuyện, lúc đứng ngoài, đứng xa quan sát với tư cách của người dẫn truyện, lúc đối thoại trực tiếp với nhân vật, lúc đối thoại nội tâm, lúc hỏi, lúc bình luận…Điểm nhìn từ nhân vật xưng tôi đã được dịch chuyển sang nhân vật người đàn bà hàng chài qua đó thấy được những mảng tối sáng khác nhau về nhân vật, khiến nhân vật hiện ra toàn diện sâu sắc hơn.
8. Phân tích tình huống truyện.
Tình huống truyện là sự kiện, là hoàn cảnh, tình thế đặc biệt của câu chuyện. Đó là tình huống chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày của nhân vật. Từ đó tạo nên một hoàn cảnh, tình thế cho nhân vật, bắt buộc nhân vật phải có sự lựa chọn, thể hiện rõ tư tưởng, tâm lý, hành động của nhân vật. Tác phẩm có nhiều sự kiện nhưng không phải sự kiện nào cũng là tình huống truyện.
Phân loại tình huống truyện:
Tình huống tâm lí: Đây là tình huống khi diễn ra giúp làm sáng tỏ đặc điểm tâm lí của nhân vật.
Ví dụ: tác phẩm Làng nhà văn Kim Lân đã xây dựng cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, từ đau khổ tột cùng cho đến vui sướng khi thông tin được làm sáng tỏ.
Tình huống hành động: Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật.
Ví dụ Những ngôi sao xa xôi trong tình huống Phương Định phải phá bom là tình huống thử thách giúp ta thấy phẩm chất cao đẹp, tình đồng chí của cô gái này.
Tình huống nhận thức: Đây là tình huống không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí mà thông qua đây nhà văn giúp nhân vật hiểu ra quy luật cuộc sống.
Tác dụng của tình huống truyện:
+ Với cốt truyện: Thúc đẩy cốt truyện phát triển, tạo kịch tính
+ Với nhân vật: Thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật
+ Với chủ đề, tư tưởng tác phẩm: Làm sáng rõ tư tưởng
Ví dụ: Tình huống truyện trong tác phẩm Chữ người tử tù
– Tái hiện tình huống truyện: Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục là cuộc gặp gỡ giữa nét đẹp tài hoa, hiên ngang của Huấn Cao và vẻ đẹp biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục được Nguyễn Tuân thể hiện tài tình, tinh tế. Có thể nói rằng đây là một tình huống truyện đầy éo le, bởi đó là sự đối lập giữa một bên là kẻ phản nghịch dám đứng lên chống lại triều đình, một bên lại là viên quản ngục người đại diện cho quyền uy của triều đình.
– Ấn tượng và nhận xét về tình huống truyện: sự độc đáo, sức hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển cốt truyện và nhân vật: Xét trên phương diện xã hội họ hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng về phương diện nghệ thuật thì họ lại là tri âm, tri kỷ, bởi Huấn Cao là người nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp, còn viên quản ngục lại là người say mê cái đẹp. Chính cuộc gặp gỡ này đã vẽ nên trước mắt người đọc một Huấn Cao tài hoa, anh dũng không chịu cúi đầu trước vàng bạc, quyền thế để ép mình viết câu đối bao giờ. Dù không được tận mắt chứng kiến những nét chữ của Huấn Cao, nhưng qua sự ngưỡng mộ của nhân vật viên quản ngục ta có thể hình dung ra được dưới đôi bàn tay tài hoa của Huấn Cao là những nét chữ vuông vắn, tươi tắn như rồng múa, phượng bay.
– Cơ sở/ ý nghĩa của tình huống truyện: Qua việc xây dựng tình huống truyện éo le, nét đẹp của cả hai nhân vật một lần nữa được tôn vinh. Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, ngôn từ sắc sảo, góc cạnh, câu văn giàu hình ảnh, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật lên cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục cùng cảnh cho chữ để khẳng định sức mạnh cảm hóa của con người, của cái tài, cái đẹp.
9. Phân tích các hình ảnh, chi tiết điển hình.
Tương tự với hình ảnh trong thơ. Đối với tác phẩm văn xuôi, hình ảnh là các hình tượng nhân vật mà các tác giả đã dụng công xây dựng. Đối với một số thể loại đặc biệt như: truyện vừa, truyện ngắn. Vì dung lượng nhỏ nên cách xây dựng nhân vật chỉ là một lát cắt, chú trọng vào chi tiết để bật ra được ý đồ nghệ thuật.
+ Tái hiện chi tiết, tình tiết, hình ảnh, vị trí và tình huống mà chi tiết xuất hiện.
+ Phân tích ý nghĩa biểu đạt về nội dung và nghệ thuật của chi tiết, hình ảnh.
+ Đánh giá sự đặc sắc của chi tiết hình ảnh trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm, trong thành công của nghệ thuật tác phẩm
Tương tự như vậy, đối với cốt truyện, hình ảnh, chi tiết điển hình, người viết cần tái hiện dẫn chứng cần để nghị luận. Sau đó nêu ra những ấn tượng và nhận xét chung nhất (về cả phương diện nghệ thuật và phương diện nội dung). Từ đó, người viết đánh giá giá trị, ý nghĩa của dẫn chứng đối với vấn đề cần nghị luận. Khi phân tích dẫn chứng cần đặt dẫn chứng đó trong chỉnh thể một tác phẩm.