Kỹ năng phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận tác phẩm kịch – Luyện thi học sinh giỏi văn

ky-nang-phan-tich-dan-chung-trong-bai-van-nghi-luan-tac-pham-kich-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-van

Kỹ năng phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận tác phẩm kịch – Luyện thi học sinh giỏi văn

Khi chọn dẫn chứng trong bài nghị luận văn học là một dẫn chứng kịch, học sinh cần phân tích dẫn chứng dựa trên đặc trưng của thể loại kịch.

1. Phân tích xung đột kịch.

– Xung đột và cách giải quyết xung đột: là biểu hiện cao nhất sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các cá tính trong vở kịch và tạo nên kịch tính, thúc đẩy sự phát triển hành động kịch, bộc lộ tính cách nhân vật. Tập trung miêu tả xung đột trong đời sống.

– Xung đột là cơ sở của kịch, có 2 loại xung đột: Xung đột bên ngoài (nhân vật này với nhân vật khác, nhân vật với gia đình, dòng họ…) xung đột bên trong (xung đột trong nội tâm nhân vật). Xung đột phát triển đến cao trào (nút thắt) đi đến giải quyết (nút mở).

Ví dụ: Chọn dẫn chứng là xung đột kịch trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô

– Tái hiện dẫn chứng: Đó là xung đột giữa thợ thuyền, nhân dân lầm than với Vũ Như Tô và tập đoàn phong kiến Lê Tương Dực. Thực chất những mâu thuẫn đó đều có nguyên do từ “Cửu Trùng Đài”. Đó còn là xung đột giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy (xây đài Cửu Trùng dựng kỳ công muôn thuở, sánh với trăng sao) và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân.

– Nêu ấn tượng về dẫn chứng: Có thể nhận định được rằng chính là mâu thuẫn thứ nhất và đồng thời đây cũng chính là mâu thuẫn trực tiếp và thực tế nhất. Và thật đau xót khi nhân dân phải sống trong cảnh lầm than và cơ cực biết bao nhiêu. Hơn thế lại còn phải phục vụ biết bao công sức để giúp cho công việc xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua vô lại ăn chơi hưởng lạc. Và chính điều này thì không một người dân nào mà không căm phẫn. Nên có thể thấy được mâu thuẫn ở đây đó chính là mâu thuẫn giữ vua quan và nhân dân. Và mâu thuẫn này chỉ được giải quyết khi mà kết thúc bằng một cuộc đứng lên chiến đấu. Nhân dân nổi dậy bắt giết Lê Tương Dực và cả những cung tần mĩ nữ. Rồi cả Đan Thiềm cũng như cả Vũ Như Tô hay cả Cửu Trùng Đài cũng đã bị thiêu rụi.

– Cở sở/ ý nghĩa của nhận xét đánh giá: Phản ánh giá trị hiện thực về nỗi khổ cực của nhân dân lao động cần lao dưới thời hôn quân Lê Tương Dực. Đó là tập đoàn ăn chơi, sa đọa, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Thể hiện tấn bi kịch tinh thần đau đớn của Vũ Như Tô, vì quá đam mê thi thố tài năng mà trở thành nỗi oán giận của bao người. Đến chết vẫn chưa tỉnh giấc mộng. Từ đó tác giả đặt ra vấn đề: bi kịch Vũ Như Tô đã thức tỉnh ý thức của chúng ta về vấn đề muôn thuở: mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống – nghệ thuật phải vị nhân sinh thì nghệ thuật mới tồn tại và được nhân dân tôn thờ, nâng niu, bảo vệ.

2. Phân tích hành động kịch.

Hành động kịch là sự tổ chức các tình tiết, sự kiện, biến cố trong cốt truyện theo một trình tự lôgic, chặt chẽ, chủ yếu theo quy luật nhân quả. Được miêu tả căng thẳng, gấp gáp. Hết hành động này đến hành động khác, ngay cả khi thực hiện những hành động suy tư, ngẫm nghĩ cũng diễn ra rất nhanh.

Ví dụ: Hành động kịch trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng

– Tái hiện dẫn chứng hành động kịch: Trong vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên vở kịch từ sự kiện lịch sử xảy ra ở thế kỉ XVI, dưới thời vua Lê Tương Dực. Tác giả đã sắp xếp các sự kiện theo một trình tự lôgic: lối sống sa hoa của vua chúa đối lập với cuộc sống lầm than của nhân dân. Vũ Như Tô là người kiến trúc sư tài ba băn khoăn và cuối cùng đã xây dựng đài Cửu Trùng theo ý muốn của vua Lê Tương Dực. Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn giữa nhân dân, thợ xây đài với Vũ Như Tô và bạo chúa Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản cầm đầu một phe cánh đối nghịch trong triều đình đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ thuyền làm phản. Biết tin có binh biến, bạo loạn trong phủ chúa, nguy hiểm đến tính mạng Vũ Như Tô, Đan Thiềm hết lời khuyên và giục chàng đi trốn. Nhưng Vũ khăng khăng không nghe vì tự tin mình “quang minh chính đại”, “không làm gì nên tội” và hi vọng ở chủ tướng An Hòa Hầu. Tình hình càng lúc càng nguy kịch. Lê Tương Dực bị giết; đại thần, hoàng hậu, cung nữ của y cũng vạ lây; Đan Thiềm bị bắt, …Kinh thành điên đảo. Khi quân khởi loạn đốt Cửu Trùng Đài thành tro, Vũ Như Tô mới tỉnh ngộ. Chàng trơ trọi, đau đớn vĩnh việt cửu trùng đài rồi bình thản ra pháp trường.

– Ấn tượng và nhận xét về hành động kịch: Hành động của các nhân vật liên tiếp, càng đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Hành động của nhân vật nào trong vở kịch cũng quyết đoán, dứt khoát dẫn đến mâu thuẫn từ lợi ích đến hành động tạo tính kịch rất cao.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những đánh giá: Những hành động kịch đã dẫn đến những. Ông đã vô tình gây biết bao tai hoạ cho nhân dân: Để xây dựng Cửu Trùng Đài, triều đình ra lệnh tăng thêm sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt; thợ oán Vũ Như Tô bởi nhiều người chết vì tai nạn, vì ông cho chém những kẻ chạy trốn. Công cuộc xây dựng càng gần kề thành công thì mâu thuẫn giữa tập đoàn thống trị sống xa hoa, truỵ lạc với tầng lớp nhân dân nghèo khổ, giữa Vũ Như Tô với những người thợ lành nghề và người dân lao động mà ông hằng yêu mến càng căng thẳng, gay gắt (hồi II, III, IV). Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình – đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị chính những người thợ nổi loạn đập phá, thiêu huỷ.

3. Phân tích nhân vật kịch.

Luôn ở trạng thái căng thẳng (xúc động, xao xuyến, chờ đợi, lo lắng), được xây dựng bằng ngôn ngữ.

Ví dụ: Nhân vật Đan Thiềm trong vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng đài

– Tái hiện dẫn chứng: Nhân vật Đan Thềm luôn ở trạng thái căng thẳng: Nguy đến nơi rồi…Ông Cả!/ Ông trốn đi, mau lên không thì không kịp./ Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được.

Ấn tượng, nhận xét: Nhân vật Đan Thiềm là một người yêu cái đẹp,hy sinh bảo vệ cái đẹp, trân trọng người tài. Luôn tìm cách bảo vệ Vũ Như Tô. Khi gặp tình thế nguy cấp Đan Thiềm là người tỉnh táo, yêu lẽ phải. Chính vì thế mà nàng có một bi kịch trong cuộc đời.

– Cở sở/ ý nghĩa của đánh giá nhân vật: Thúc đẩy xung đột kịch đến cao trào, tăng thêm kịch tính, lôi cuốn hấp dẫn. Làm nổi bật tài năng, khát vọng và bi kịch vỡ mộng của Vũ Như Tô. Giúp tác giả thể hiện tư tưởng chủ đạo của tác phẩm

4. Phân tích ngôn ngữ kịch:

– Ngôn ngữ đối thoại: là nói với nhau, là lời đối đáp qua lại giữa các nhân vật. Ðây là dạng ngôn ngữ chủ yếu trong kịch. Các lời đối thoại trong kịch phải sắc sảo, sinh động và có tác dung hỗ tương với nhau nhằm thể hiện kịch tính.

– Ngôn ngữ độc thoại: là lời nhân vật tự nói với mình, qua đó bộc lộ những dằn vặt nội tâm và những ý nghĩa thầm kín. Ðây là biện pháp quan trọng nhất nhằm biểu hiện nội tâm nhân vật nhưng không phải là biện pháp duy nhất. Ðể biểu hiện nội tâm, bên cạnh độc thoại, người ta có thể thay thế bằng những phút yên lặng, những tiếng vọng, tiếng đế…

– Ngôn ngữ bàng thoại: là nói với khán giả, có khi đang đối đáp với một nhân vật khác, bỗng dưng nhân vật tiến gần đến và hướng về khán giả nói vài câu để phân trần, giải thích một cảnh ngộ, một tâm trạng cần được chia sẻ, một điều bí mật: loại này chiếm tỉ lệ thấp trong ngôn ngữ kịch.

Ví dụ: Ngôn ngữ kịch giàu chất triết lí, giọng điệu tranh biện

– Tái hiện dẫn chứng: Lời thoại của hàng thịt – triết lí về thán xác: “Tôi là cái bình để chứa linh hồn…Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bề cái thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác…Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hồi có gìlà tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cam cha tôi ăn chứ?” Lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích – triết lí về sự thống nhất, hài hòa giữa hồn và xác trong một con người: “Không thể bên trong một dàng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.”

– Ấn tượng, nhận xét: Ngôn ngữ nhân vật được cá thể hóa rõ nét, đặc biệt là hai nhân vật Trương Ba và anh hàng thịt. Hai nhân vật này có lúc tách ra, đối diện, đối đáp với nhau. Lời thoại của nhân vật trong vở kịch đều mang một triết lý, thông điệp của cuộc sống mà tác giả muốn gửi gắm. Vở kịch của Lưu Quang Vũ lấp lánh những vấn đề về triết lí nhân sinh. Vì vậy ngôn ngữ kịch cùng giàu chất triết lí. Chất triết lí thấm đượm trong lời thoại, đặc biệt là những lời đối đáp giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt, giữa hồn Trương Ba với Đế Thích.

– Cơ sở/ ý nghĩa của những nhận xét: Anh hàng thịt là người thô lỗ, nóng nảy, ngôn ngữ thô lậu. Trương Ba là người nho nhã, ngôn ngữ thanh lịch. Đồng thời Trương Ba cũng là người thẳng thắn, dám đấu tranh với thân xác mình (cái xác vay mượn của anh hàng thịt), đấu tranh với chính mình (tâm hồn trong sạch của Trương Ba) vì vậy ngôn ngữ của Trương Ba có lúc sắc sảo, thâm thúy. Đặc biệt là đoạn đối thoại với Đế Thích (Lớp 3), lời lẽ, lập luận của Trương Ba chứng tỏ đây là con người biết suy nghĩ chín chắn, biết nhìn xa trông rộng, thẳng thắn và tự trọng.
Tiểu kết: Khi phân tích dẫn chứng: trữ tình, tự sự, kịch, người viết phân tích từ phương diện nghệ thuật từ khai thác các khía cạnh về nội dung: tâm trạng, tâm lý nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm. Chung quy lại để phơi bày các giá trị về nội dung như sau:

5. Phân tích giá trị hiện thực.

Các tác giả sáng tác văn học thông qua chất liệu là đời sống hiện thực. Hiện thực cuộc sống được các tác giả phản ánh thông qua lăng kính của mình. Ở mỗi tác phẩm, tùy vào thời đại sáng tác, khuynh hướng sáng tác của các tác giả phản ánh những đặc điểm riêng của các giai đoạn. Ở mỗi loại thể giá trị hiện thực cũng phản ánh khác nhau. Nếu như văn xuôi chủ yếu phản ánh hiện thực, thì đối với thể loại trữ tình lại là hiện thực tâm trạng. Như vậy, dẫn chứng được trích dẫn trong một tác phẩm nào sẽ là một thành phần để xây dựng nên nội dung chỉnh thể của tác phẩm.

Ví dụ: Xã hội trong văn học Trung đại ở thế kỉ XIX: xã hội phong kiến suy thoái: nhân tình thế thái đầy những nhiễu nhương, chiến tranh loạn lạc, số phận bất hạnh của người phụ nữ…Hay tâm trạng cô đơn, buồn tủi của người chinh phụ trong Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

6. Phân tích giá trị nhân đạo:

Từ phương diện nghệ thuật, tác giả làm bật lên giá trị nội dung. Nhân đạo là một trong những khía cạnh quan trọng của nội dung. Dường như trong bất kì một tác phẩm nào, giá trị nhân đạo cũng được thể hiện, chỉ là người đọc phải đọc kĩ, đào sâu, nghiền ngẫm thì mới có thể nhận ra. Khi phân tích dẫn chứng trên khía cạnh giá trị nhân đạo cần phân tích các ý sau:

+ Phơi bày, tố cáo điều gì?
+ Xót thương, đồng cảm?
+ Trân trọng, ngợi ca?
+ Có niềm tin vào điều gì ở tương lai?

Ví dụ: Dẫn chứng về nhân vật Liên và An trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Khi phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Hai đứa trẻ:

– Giá trị nhân đạo thể hiện ở tình cảm xót thương của tác giả đối với những người sống ở phố huyện nghèo:

– Ông xót xa trước cảnh nghèo đói của những con người nơi đây:

+ Những “đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ”, “chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại”. Thương mẹ con chị Tí, thương bà cụ Thi xuất hiện với tiếng cười khanh khách, với dáng điệu đi lảo đảo, động tác uống rượu thì khác lạ “Cụ ngửa cổ ra đàng sau, uống một hơi cạn sạch”. Thương bác phở Siêu bán phở gánh, thu nhập quá ít ỏi vì phở là món quà xa xỉ phẩm, hàng của bác thật ế ẩm…Thương chị em Liên. Cuộc sống của chị em Liên cũng chẳng khá hơn cuộc sống của mọi người. Cửa hàng tạp hoá của chị em Liên “nhỏ xíu”. Hàng hoá thì lèo tèo mà khách hàng là những người nghèo khó. Thạch Lam cảm thương cho cuộc sống quẩn quanh, tẻ nhạt, tù túng của những con người nơi phố huyện nghèo.

+ Giá trị nhân đạo thể hiện ở sự phát hiện của Thạch Lam về những phẩm chất tốt đẹp của những người lao động nghèo nơi phố huyện. Họ là những người cần cù, chịu thương, chịu khó: Hai chị em Liên thay mẹ trông coi gian hàng tạp hoá. Mẹ con chị Tí ngày mò cua bắt ốc, chiều tối dọn hàng nước. Bác phở Siêu chịu khó bán phở gánh…Họ là những người giàu lòng thương yêu. Liên thương những đứa trẻ đi nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ lại lúc chợ tàn, ân cần quan tâm mẹ con chị Tí, sợ nhưng không xa lánh bà cụ Thi, e ngại cho bác Siêu, xót xa cho gia đình bác Xẩm.

+ Giá trị nhân đạo thể hiện ở sự trân trọng của nhà văn trước những ước mơ của người dân nghèo về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông trân trọng những hoài niệm, mơ ước của chị em Liên: Hai chị em mong ước được thấy ánh sáng của đoàn tàu, nhớ về quá khứ tươi đẹp khi gia đình còn sống ở Hà Nội. Đoàn tàu như đem đến cho hai chị em Liên “một chút thế giới khác”. Ông muốn thức tỉnh những con người ở phố huyện nghèo, hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong kĩ năng phân tích dẫn chứng trong bài nghị luận văn học của học sinh giỏi Ngữ văn, học sinh không chỉ dừng lại ở thao tác phân tích các dẫn chứng theo dạng bài hay theo đặc trưng thể loại. Mà còn thao tác bình giảng, đồng sáng tạo cho một tác phẩm văn học. Khi phân tích dẫn chứng cần có những đánh giám nhìn nhận riêng của bản thân người viết. Từ đó, chúng ta đã thấy được sự phân hóa trong việc đánh giá năng lực của học sinh qua bài văn nghị luận văn học. Nếu chỉ dừng lại thao tác phân tích thì chưa thể hiện được năng lực cảm nhận và bình luận vấn đề để đánh giá năng lực của học sinh giỏi Ngữ văn. Trao đổi vấn đề trong bài nghị luận văn học nói riêng và trong việc học văn chương nói riêng đó là năng lực cảm nhận, tiếp nhận tác phẩm tức là việc đồng sáng tạo cùng tác giả. Nó thể hiện năng lực đánh giá, bàn luận về một tác phẩm, một phát hiện mới, một cảm nhận riêng, một cái nhìn về tác phẩm chủ động của học sinh không phải từ giáo viên áp đặt lên học sinh.

Như đã đề cập ở trên, bình luận văn học nói chung và bình luận dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học nói riêng là một hình thức tiếp nhận văn học – tiếp nhận tác phẩm một cách chủ động. Học sinh đưa ra được sự cảm nhận, đánh giá về các câu thơ, bài thơ, chi tiết, đoạn trích, tác phẩm văn xuôi bằng năng lực văn chương của bản thân. Nó là một kênh tiếp nhận và phản hồi với tác giả. Bàn luận – trao đổi với tác phẩm – tác giả, và đôi khi là trao đổi với chính người đọc bài văn của mình. Chính vì những đột phá này mới đánh giá được năng lực của học sinh giỏi Ngữ văn.

Bình luận về dẫn chứng trong bài văn nghị luận còn thể hiện năng lực tư duy, năng lực cảm thụ giá trị thẩm mĩ. Một đặc trưng của văn chương, đó là chất “văn” mà những người yêu thích môn văn cần có được. Sự tinh tế với cái đẹp, nhìn ra được và cảm nhận cái đẹp trong văn chương, trong cuộc sống.

Như vậy để đánh giá, nâng cao dẫn chứng, học sinh cần thực hiện tiếp một thao tác là chỉ ra tác dụng: Khẳng định vai trò đóng góp của đoạn thơ đối với sự thành công của tác phẩm, tác giả, đối với nền văn học dân tộc, đối với cuộc sống…(Tùy từng trường hợp cụ thể). Tức là đặt dẫn chứng đã trích dẫn trong tổng thể tác phẩm để đánh giá.

Đồng thời là sự đánh giá riêng của bản thân – đồng sáng tạo với tác giả.

+ Bước 1: Tái hiện dẫn chứng (trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp)
+ Bước 2: Những ấn tượng, đánh giá về dẫn chứng
+ Bước 3: Cơ sở cho những đánh giá (Cái hay, cái độc đáo được toát nên bởi nội dung như thế nào, nhờ những phương diện nghệ thuật nào?)
+ Bước 4: Tác dụng: Khẳng định vai trò đóng góp của đoạn thơ đối với sự thành công của tác phẩm, tác giả, đối với nền văn học dân tộc, đối với cuộc sống…(Tùy từng trường hợp cụ thể)

Như vậy, đánh giá và nâng cao dẫn chứng là năng lực cần được rèn luyện cho học sinh giỏi Ngữ Văn để học sinh có khả năng phát hiện ra những cái hay, cái đẹp của văn chương, có sự cảm nhận và đánh giá riêng đối với các tác phẩm văn học nói chung và dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học nói riêng.

Cuối cùng trong kĩ năng phân tích dẫn chứng là khâu chốt ý. Nếu như phân tích và bình luận dẫn chứng giúp làm cho dẫn chứng có sức nặng cho lập luận thì bước chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm như một chất keo thần kì kết dính các vấn đề và làm rõ vị trí của dẫn chứng trong đoạn văn nghị luận nói riêng và bài văn nghị luận văn học nói chung. Việc phân tích, bình luận sẽ có hướng lập luận thống nhất với chủ đề đoạn văn – luận điểm, thì việc chốt ý sẽ làm rõ mối quan hệ của dẫn chứng và luận điểm, luận cứ và lập luận. Nó giúp vấn đề được hoàn thiện hơn, rõ ràng và có tính thống nhất hơn. Thêm nữa, theo bố cục lôgic của một đoạn văn, với cấu trúc mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn thì phần chốt và bám sát với luận điểm sẽ trở thành kết đoạn cho đoạn văn hoàn thiện hình thức về cấu trúc và đầy đủ, sâu sắc hơn về nội dung

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.