de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-van-hoa-doc-sach-cua-con-nguoi-ngay-nay

Đề bài: Đọc -hiểu về chủ đề văn hóa đọc sách của con người ngày nay

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề văn hóa đọc sách của con người ngày nay

Đề bài 1:

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Người xưa nói “thư trung hữu kim” – trong sách có vàng. Sách là nơi lưu giữ trí khôn nhân loại, nên đó là kho vàng tri thức. Lại có những bậc đại bút quan niệm, người viết sách phải là người đọc hết các kì thư, ngao du những kì quan, trò chuyện với các kì nhân, về nhà đóng cửa ba năm nghiền ngẫm rồi mới bắt tay vào cầm bút. Xem ra, với công phu khổ luyện như vậy, những cuốn sách được viết ra có gọi là mỏ kim cương cũng đáng lắm.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại hình như người ta không còn tìm vàng, tìm kim cương trong sách nữa. Họ thích tìm trong chứng khoán, bất động sản, dự án, công trình, và cả các phi vụ làm ăn phi pháp. Khi internet trở nên phổ biến, nhiều người đắm chìm trong thế giới ảo hoặc ngụp lặn trong bể truyền thông thăm thẳm. Không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ. Việc đọc trở nên lép vế so với xem, nghe, nhìn, ngắm,… Nếu coi đọc sách là một quá trình tư duy, thì ngày nay, người ta đang ít nghĩ đi nhiều lắm.

(Trích Một ngày đọc sách, Email lúc 0 giờ, Hữu Việt, NXB Trẻ, 2017, tr.16)

Câu 1. Hai đoạn văn trong đoạn trích trên có mối liên hệ nhờ phép liên kết hình thức nào?

Câu 2. Theo tác giả, người xưa quan niệm thế nào về người viết sách và việc viết sách?

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ?

Câu 4. Anh/Chị hãy nêu ngắn gọn 2-3 giải pháp để nâng cao văn hóa đọc trong xã hội ngày nay.

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Hai đoạn văn được liên kết bằng phép nối. 0.5

Câu 2. Người xưa quan niệm người viết sách “phải là người đọc hết các kì thư, ngao du những kì quan, trò chuyện với các kì nhân, về nhà đóng cửa ba năm nghiền ngẫm rồi mới bắt tay vào cầm bút”.

Câu 3.  Tác giả cho rằng “không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ” vì phần lớn những tiếp xúc với thế giới bên ngoài của con người hiện nay thông qua mạng internet. Mạng internet tuy đem lại những lợi ích to lớn nhưng cũng làm cho con người trở nên ít vận động, ít tiếp xúc với thế giới thực hơn.

Câu 4. Nêu 2-3 giải pháp cụ thể, tránh chung chung hoặc hô hào khẩu hiệu, sáo rỗng. Lí giải ngắn gọn lí do nêu ra những giải pháp ấy.


Đề bài 2:

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

(1) Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số.

So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm.

(2) Bàn về văn hóa đọc hiện nay của người Việt, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, nhà nghiên cứu Dân Tộc, bày tỏ quan điểm: “Không nên máy móc cho rằng đọc sách in mới là văn hóa đọc. Khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có nhiều phương thức tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, kiến thức của nhân loại.

Tư duy hệ thống là phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn, xem xét, đánh giá đối tượng trong mối tương quan tổng thể với môi trường. Đọc cái gì, bằng phương pháp nào là do mỗi người tự quyết định nhưng không nên chỉ đọc 1 loại sách vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là “công dân toàn cầu”.

Ngoài ra, theo PGS, bên cạnh những quyển sách giúp người đọc kỹ năng làm giàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… vẫn rất cần những quyển sách bàn về đạo đức, trí tuệ cảm xúc cho mỗi con người Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

(3) Mới đây, trong bài phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã trích dẫn những câu thơ “thần” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời” nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Hay những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người…” để khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước trong thời kỳ mới.

Và những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) cũng được ngài Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu với những ẩn ý sâu sắc: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Nếu không đọc, tìm hiểu về văn hóa, không hiểu biết về lịch sử liệu có làm nên 1 hiệu ứng đầy năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ đến với Việt Nam hay không?

Bởi vậy, để nâng tầm tri thức của cá nhân, mỗi người chúng ta nên bổ sung kiến thức của mình thông qua việc đọc, đọc để hiểu biết, đọc để mình không bị lạc hậu, lỗi thời, đọc để “sánh vai” cùng bè bạn.

(Dẫn theo Thanh Vy)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn (2), tại sao PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách? (0,5 điểm)

Câu 3. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý gì? (1,0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, người viết gửi gắm thông điệp gì qua toàn bộ văn bản trên? (1,0 điểm)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận

Câu 2: Trong đoạn (2), PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách: bởi vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là “công dân toàn cầu”

Câu 3: Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý:

– Những câu thơ “thần” của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời” có hàm ý khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam.- Những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người…” có hàm ý khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước Việt Nam – Mỹ trong thời kỳ mới.

– Những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) được trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” có hàm ý gửi gắm niềm tin vào mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Câu 4: Cần thể hiện các ý:

– Thông điệp về văn hoá đọc của người Việt hiện nay trong thời kì bùng nổ thông tin.

– Thể hiện sự ngưỡng mộ, thán phục về tầm hiểu biết văn hoá Việt Nam trên các mặt văn thơ, âm nhạc…của Tổng thống Obama nhân chuyến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn.


Đề bài 3:

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

(1) Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

(2) Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.

(Chu Quang Tiềm – Bàn về đọc sách)

Câu 1: Vấn đề nghị luận trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 3: Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, anh/ chị thấy sách có tầm quan trọng như thế nào? Việc đọc sách có ý nghĩa gì?

Câu 4: Theo anh/ chị, vì sao muốn tích luỹ kiến thức, đọc sách có hiệu quả thì trước tiên cần phải biết chọn lựa sách mà đọc?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Vấn đề nghị luận trong đoạn trích trên là:

– Đoạn 1: tác giả Chu Quang Tiềm bàn về việc đọc sách và nhấn mạnh đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn. “Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại”.

– Đoạn 2: tác giả khẳng định “Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi”. Và con đường học vấn không thể thiếu sách.

Câu 2: Trong đoạn (1) tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận: phân tích.

Câu 3:

– Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, ta thấy sách có tầm quan trọng rất lớn, đó là con đường của học vấn vì sách là kho tàng tích luỹ kiến thức của nhân loại. Muốn tiến bộ thì phải đọc sách, phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát.

– Việc đọc sách có ý nghĩa: tiếp thu kiến thức, cập nhật những vấn đề mới để không bị lạc hậu. Từ đó ta mới có thể vững vàng trên con đường học vấn.

Câu 4: Muốn tích luỹ kiến thức, đọc sách có hiệu quả thì trước tiên cần phải biết chọn lựa sách mà đọc vì: sách có nhiều loại sách, nhiều lĩnh vực: khoa học, xã hội, giải trí, giáo khoa… Mỗi chúng ta cần biết mình ở độ tuổi nào, có thế mạnh về lĩnh vực gì. Xác định được điều đó ta mới có thể tích luỹ được kiến thức hiệu quả. Cần hạn chế việc đọc sách tràn lan lãng phí thời gian và công sức…


Đề bài 4:

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng việc đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ, thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

(Chu Quang Tiểm, Bàn về đọc sách)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên? Nội dung chính của đoạn trích?

Câu 2: Từ học vấn trong đoạn văn trên được dùng với nghĩa nào? Xác định thành phần biệt lập có trong đoạn văn trên và chỉ ra đó là gì?

Câu 3: Em có đồng ý với quan niệm của tác giả: Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại hay không? Vì sao?

Câu 4: Theo anh/chị tại sao tác giả cho rằng: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là: Nghị luận.

– Nội dung chính của đoạn trích là: Bàn về việc đọc sách và nhấn mạnh đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn, và con đường học vấn không thể thiếu sách.

Câu 2: Từ học vấn trong đoạn trích có nghĩa là những thành quả tích lũy, những hiểu biết, tri thức nhờ học tập mà có của mỗi con người.

– Thành phần biệt lập có trong đoạn văn trên là: thành phần tình thái (có thể nói)

Câu 3: Em đồng ý với quan niệm: Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại. Vì: Sách là kết tinh văn minh nhân loại, là nơi hội tụ mọi tinh hoa của loài người về mọi lĩnh vực nhân văn và khoa học, đánh dấu những bước đường đi lên của mọi dân tộc, mọi quốc gia trên hành trình qua nhiều thiên niên kỉ. Sách hội tụ bao kiến thức để mở rộng tầm nhìn, nâng cao trí tuệ, bồi đắp tâm hồn cho mọi thế hệ.

Câu 4: Tác giả cho rằng: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại” vì:

– Sách: tư liệu tích lũy kiến thức bằng cách ghi chép được truyền từ đời này sang đời khác.

– Đọc sách không phải con đường duy nhất của học vấn: con đường tích lũy kiến thức, học tập có nhiều cách khác nhau, một trong số đó là đọc sách.

– Nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn: khẳng định vị trí tiên phong, có nhiệm vụ lớn lao trong việc học của con người.

– Ý kiến của Chu Quang Tiềm khằng định sách có vai trò to lớn không thể thay thế trong việc học. Từ đó cho chúng ta có những suy nghĩ đúng đắn về việc đọc sách.


Đề bài 5:

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

(…) “ Đọc sách vốn có lợi ích cho riêng mình, đọc nhiều không thể coi là một vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức thay đổi khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém” (…)

(Trích “Bàn về đọc sách” – Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, tập 2, NXBGDVN, 2015)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2: “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là từ loại gì? Nó có nghĩa là gì?

Câu 3: Xác định thái độ của tác giả được gửi gắm vào câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý”.

Câu 4: Em có đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người”? Vì sao?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên là: Nghị luận.

Câu 2: “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là tính từ. “Sâu” có nghĩa là: sâu sắc, sâu rộng.

Câu 3: Trong câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý” có thể thấy thái độ của tác giả đó là thái độ phê phán những người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, đọc sách chỉ biết đọc số lượng mà không chú trọng vào chất lượng của sách.

Câu 4: Em đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người” vì: Đọc sách giúp cho em có được vốn kiến thức sâu rộng; Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ; Đọc sách giúp sống tốt hơn…


Đề bài 6:

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

Trong văn bản “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang Tiềm viết: “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kỹ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. … Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về.”

(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Câu 1: Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.

Câu 2: Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên gì về việc đọc sách?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.

Câu 4: Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích.

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Xuất xứ của đoạn trích trên là: được trích trong văn bản “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm.

– Nội dung chính của đoạn trích: Đọc sách không cốt nhiều mà quan trọng là chọn tinh, đọc kĩ.

Câu 2: Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên về việc đọc sách là: Chọn sách mà đọc và đọc cho kĩ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm.

Câu 3: Trong câu văn: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho kĩ để tiếp thu được hết những tinh hoa chứa đựng trong một quyển sách.

Câu 4: Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ là: so sánh và ẩn dụ (đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về).

– Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích là: Diễn tả một cách hình ảnh và sinh động hệ quả của việc đọc nhiều mà không nghĩ sâu thì dù sách có hay, có bổ ích thì cũng chẳng thu nhận được điều gì giá trị. Từ đó người đọc nhận thức được không nên đọc qua loa, đại khái.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang