KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Năm học 2013 – 2014. Khóa ngày 21 tháng 06 năm 2014 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1 :
1. Đoạn văn trên có nhiều phép liên kết về hình thức, trong đó có hai phép liên kết sau đây :
Phép nối được thể hiện ở từ “nhưng” để nối câu 1 với câu 2 biểu hiện mối quan hệ có tính chất tương phản giữa hai câu.
2. Phép thế được thể hiện ở từ “anh” trong câu 3, được dùng để thay thế từ “nghệ sĩ” trong câu 2.
Hồ Chủ Tịch là lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thi hài của Bác đã được đặt trang trọng trong lăng Hồ Chủ Tịch. Từ khi lăng được khánh thành năm 1976, ngày nào cũng có nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đến viếng rất đông đảo. Thực tại đó chính là chất liệu để nhà thơ Viễn Phương viết nên hai câu thơ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Thực tại đó được biểu hiện qua hình thức thơ ca với các yếu tố nghệ thuật đặc trưng chẳng những phản ánh thực tại mà còn nói lên tình cảm sâu nặng và vĩnh hằng của nhà thơ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 2:
Đây là một câu yêu cầu viết bài nghị luận xã hội với độ dài khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về một trong ba bài học trên. Do đó, thí sinh phải viết một bài văn (gồm đủ 3 phần : Mở bài, thân bài, kết bài) với độ dài được quy định (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày một trong ba vấn đề đã nêu trên.
Thí sinh lựa chọn đề tài để viết và có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau . Sau đây là những gợi ý của hai trong ba vấn đề nêu trên:
Vấn đề 1 : Bài học về đức hi sinh
Giới thiệu thực tế cuộc sống đa dạng, phong phú mang lại cho con người những cảm xúc, suy nghĩ và những bài học sâu sắc về con người, về cuộc đời. Một trong những bài học đó là bài học về đức hi sinh.
Đức hi sinh là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Đó là sự quên mình để lo cho tha nhân. Sự hi sinh thiêng liêng và gần gũi nhất là của cha mẹ dành cho con cái. Hình ảnh những nếp nhăn trên gương mặt cha, những giọt mồ hôi thấm trên vai mẹ vì lo toan cho con cái chính là những biểu hiện sống động và đầy cảm xúc của tình phụ tử và mẫu tử. Những nếp nhăn và những giọt mồ hôi là những chi tiết thực tế nhưng là biểu tượng nghệ thuật trong văn học có sức gợi cảm và lay động lòng người. Chính sự hi sinh của cha mẹ đã là nền tảng tạo nên tình cảm và phẩm chất tốt đẹp cho con cái. Sự trưởng thành của những đứa con được nuôi dưỡng bằng chính sự hi sinh của cha mẹ. Sự hi sinh được biểu hiện ở tất cả những con người có phẩm chất cao quý. Cho nên ngoài sự hi sinh của cha mẹ đối với con cái, đó còn là sự hi sinh của những thành viên này trong gia đình đối với những thành viên khác (ông bà – con cháu, anh chị em, con cái – cha mẹ,…), là sự hi sinh của công dân đối với tổ quốc, của người này đối với người khác trên tư cách đồng loại với nhau…
Đức hi sinh có giá trị rất to lớn. Nó không chỉ nói lên giá trị của con người mà còn góp phần làm thăng hoa giá trị ấy. Hi sinh là một nguồn sức mạnh tinh thần rất to lớn giúp người ta sống và hành động. Nó khiến cha mẹ vì con cái mà hi sinh niềm vui, sự sung sướng của riêng mình để chịu vất vả lam lũ để con cái được khỏe mạnh, vui sướng, trưởng thành. Người chiến sĩ vì tổ quốc mà sẵn sàng chịu khổ cực nơi đầu sóng ngọn gió, hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước quê hương. Với đức tính hi sinh, nhiều thầy cô giáo đã từ bỏ những công việc có thể đem lại cuộc sống sung túc hơn để theo đuổi việc dạy dỗ giáo dục thế hệ trẻ…
Nguồn gốc, động cơ của đức tính hi sinh chính là tình yêu thương chân thật của con người. Chính tình yêu thương và sức mạnh của nó đã mang lại cho con người tinh thần sẵn sàng hi sinh vì người khác, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để mang lại lợi ích cho tha nhân. Phần lớn những công trình, những sự nghiệp có ý nghĩa lớn lao thường phảng phất sự hi sinh trong đó.
Hi sinh là quý nhưng hi sinh cũng cần phải được dẫn dắt bởi một lý trí tỉnh táo, một tình cảm trong sáng, đúng đắn để tránh sự mù quáng và những hậu quả tai hại từ sự mù quáng đó.
Sự hi sinh là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của con người, nó cũng là nền tảng tạo nên những thành quả vĩ đại của nhân loại. Hi sinh là một giá trị phổ biến được ca ngợi không chỉ trong đời sống mà cả trong văn học.
Vấn đề 2 : Bài học về sự trưởng thành
Một trong những phẩm chất cao đẹp của con người là biết quan sát và lắng nghe để thưởng thức, để chiêm nghiệm và để rút ra những bài học quý giá. Sống là một quá trình quan sát và cảm nhận. Trong những quan sát và cảm nhận, sự cảm nhận về những thay đổi của bản thân là những cảm nhận gần gũi, thiết thực và thú vị. Điều thú vị nhất là cảm nhận được mình hôm nay trưởng thành hơn ngày hôm qua.
Con người không chạy nhanh hơn chó, không mạnh hơn ngựa, không tính nhanh hơn máy tính nhưng con người là một động vật cao quý vì con người biết tu thân, biết sống có trách nhiệm và biết hướng tới những điều cao đẹp. “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Tất cả mọi người đều thay đổi từng ngày. Sự thay đổi có thể theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi.
Với ý thức sống có trách nhiệm, chúng ta sẽ vô cùng hạnh phúc khi cảm nhận được sự thay đổi của bản thân theo hướng tốt đẹp hơn. Một trong những điều tốt đẹp là vững vàng hơn trong công việc học tập và rèn luyện để thành người tốt và có ích cho xã hội, vững vàng hơn trước những cám dỗ xấu xa của cuộc sống.
Một người tốt là người có ý thức rằng bản thân phải sống có mục đích cao đẹp, có lí tưởng, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội.
Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, chúng ta không thể tránh khỏi những lỗi lầm. Nhưng cái chính là chúng ta phải có ý thức sửa chữa những lỗi lầm và có trách nhiệm với những lỗi lầm của mình.
Sự trưởng thành nào cũng là một quá trình gian nan và cay đắng. “Cây rụng lá để nảy mầm, rắn thay da để lớn và con người đau khổ để trưởng thành”. Do đó, quá trình của việc trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, học tập và rèn luyện hằng ngày. “Thắng không kiêu, bại không nản”. Quá trình để trở nên vững vàng, sống có ý thức, có trách nhiệm là một quá trình đầy gian khổ và hạnh phúc mà chúng ta phải bền bỉ thực hiện suốt cả đời.
Tục ngữ Ấn Độ có câu : “Giá trị của con người không phải là mình hơn người khác mà là mình ngày hôm nay hơn mình ngày hôm qua”. Cố gắng để mỗi ngày một vững vàng, có trách nhiệm và trưởng thành hơn là một phương châm tốt đẹp, một bài học cần thiết mà chúng ta phải thực hiện từng giờ.
Câu 3:
Yêu cầu viết một bài văn nghị luận văn học trình bày cảm nhận của người viết về những phẩm chất tốt đẹp mà người bà nhóm lên trong cháu và mong muốn của người cha đối với người con trong hai đoạn thơ trích từ bài Bếp lửa của Bằng Việt và Nói với con của Y Phương. Thí sinh phải đáp ứng đúng yêu cầu của đề bài. Do đó, phương hướng chính thí sinh cần thể hiện trong bài viết phải phản ánh được đúng những yêu cầu đó. Đây là một số gợi ý :
Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là nơi những người có quan hệ huyết thống và gắn bó sâu sắc sinh sống với nhau. Trong cuộc sống đó, tình yêu thương đã gắn kết họ lại với nhau, gieo mầm nơi con người những tình cảm tốt đẹp, những mong muốn cao thượng để mọi người không chỉ sống hạnh phúc với nhau mà còn với người khác, với cuộc đời. Trong hai bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt và Nói với con của Y Phương đã có những đoạn nói lên được những phẩm chất tốt đẹp mà người bà đã nhóm lên trong lòng cháu và niềm mong muốn của người cha đối với đứa con, như trong hai đoạn thơ sau : (Viết lại hai đoạn thơ)
Bài thơ Bếp Lửa – Bằng Việt
Giới thiệu vài nét về Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa : Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ và bài thơ Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập Hương cây – Bếp lửa (1968), tập thơ đầu tay của nhà thơ.
+ Đoạn thơ 7 câu thuộc phần gần cuối của bài thơ. Đó là đoạn thơ thể hiện những suy tưởng của nhà thơ về hình ảnh người bà vất vả nhưng đầy lòng yêu thương. Đó là người bà trong mấy chục năm trời vẫn giữ thói quen dậy sớm và chăm lo cho cuộc sống đạm bạc nhưng chan chứa yêu thương của gia đình.
Trong dòng suy tưởng của nhà thơ hình ảnh người bà với bếp lửa, với khoai sắn ngọt bùi, với nồi xôi gạo mới đã từng gắn bó với bà, với cháu là những hình ảnh gần gũi, thân quen, giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Hồi tưởng lại nó cũng đồng thời hồi tưởng cả một quãng đời đầy ắp những kỷ niệm yêu thương giữa cháu và bà. Vì thế trong bốn dòng thơ từ “Nhóm bếp lửa, ấp iu nồng đượm” … “ tâm tình tuổi nhỏ”, nhà thơ đã sử dụng điệp từ “nhóm” kết hợp với cách ngắt nhịp và hình ảnh thơ tạo nên một giọng điệu thơ trữ tình, thắm thiết, biểu hiện niềm xúc cảm mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Từ đó, hình ảnh bếp lửa không chỉ còn là một hình ảnh hiện thực mà trở thành một biểu tượng của tình cảm thiêng liêng kì diệu của bà và cháu.
Câu thơ cuối cùng của đoạn thơ : “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!” vừa có giọng điệu ca ngợi, vừa có tính chất suy tưởng sâu lắng nói lên giá trị lớn lao của tình bà cháu và “nhóm lên” trong lòng cháu, lòng người đọc những cảm nhận về những phẩm chất tốt đẹp: yêu thương, hi sinh và biết ơn.
Yêu thương, hi sinh vì bà đã sống một cuộc đời đầy lòng yêu thương và hi sinh cho con, cho cháu… và cho cả đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh và nghèo khổ. Còn cháu đã nhận được cái thành quả của lòng yêu thương và hi sinh đó. Nó khiến cháu không chỉ nhớ tới bà, tới bếp lửa lúc ở trong nước mà nó còn mạnh mẽ và sâu sắc đến nỗi cháu không chỉ nhận thấy nó kì lạ và thiêng liêng mà còn không thể nào quên được dù thời gian có trôi qua và hoàn cảnh có thay đổi: cháu đi xa đến nơi có lửa trong nhà, có niềm vui trăm ngả.
Bài thơ Nói với con – Y Phương
Giới thiệu Y Phương và bài thơ Nói với con : nhà thơ người dân tộc Tày, từng phục vụ trong quân đội; thơ ông thể hiện tâm hồn chân thành, mạnh mẽ, trong sáng với cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Bài thơ được sáng tác ở giai đoạn sau 1975 và được in trong Thơ Việt Nam 1945 – 1985.
Đoạn thơ gồm 6 câu nằm ở khoảng giữa của bài thơ. Đó là lời tâm tình nhắn nhủ thể hiện nỗi niềm mong muốn của người cha đối với con. Đoạn thơ thể hiện rõ phong cách nghệ thuật riêng của nhà thơ Y Phương. Trong đoạn thơ có những hình ảnh giản dị, quen thuộc với núi rừng Việt Bắc và trở thành hình ảnh nghệ thuật : đá gập ghềnh, thung, sông, suối, thác, ghềnh… Nó tạo nên sắc thái độc đáo của đoạn thơ.
Nhà thơ sử dụng biện pháp điệp từ “sống” kết hợp với câu thơ dài, ngắn với sự đan xen nhịp thơ ngắn với nhịp thơ dài làm cho lời thơ vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, vừa tha thiết vừa ước mong để ông nói lên nỗi niềm mong muốn của người cha đối với con. Đó là mong muốn con phải biết sống gắn bó sâu sắc với đất nước, với quê hương, nhất là với quê hương rừng núi đang còn nghèo khổ của mình.
Đồng thời, người cha cũng mong muốn con phải sống một cuộc đời mạnh mẽ có ý chí có nghị lực, không lo cực khổ, không ngại gian nan, biết lên thác xuống ghềnh. Đó là những mong muốn mạnh mẽ, chân thành và tha thiết của người cha đối với con hướng người con tới một cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị, xứng đáng với nhân phẩm, với quyền làm người.
Mỗi đoạn thơ đã ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau. Lại được viết bởi hai nhà thơ thuộc hai dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, hai đoạn thơ đều đề cập đến đề tài tình cảm gia đình vốn là một đề tài phổ biến quen thuộc của thơ ca. Hai đoạn thơ có nhân vật trữ tình khác nhau (người cháu, người cha), hình thức nghệ thuật thơ khác nhau và nội dung riêng. Một đoạn thơ đề cập đến tình bà cháu, một đoạn thơ đề cập đến tình cha con nhưng cả hai đều đề cập đến những tình cảm đẹp, chân thành và có ý nghĩa lớn đối với con người (yêu thương, hi sinh, biết ơn, sống xứng đáng, mạnh mẽ,… )
Vì vậy, cả hai đoạn thơ nói riêng và hai bài thơ nói chung đã để lại những xúc động sâu lắng, những ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc.