su-thuc-tinh-cua-con-nguoi-qua-cai-giat-minh-trong-bai-tho-anh-trang-cua-nguyen-duy

Sự thức tỉnh của con người qua cái giật mình trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Sự thức tỉnh của con người trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

  • Mở bài:

Lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống con người. Không ai sống mà không mắc phải một lỗi lầm nào. người có lỗi lầm sẽ bị khinh ghét. Thế nhưng, nếu biết thức tỉnh và sữa chữa lỗi lầm ấy, con người sẽ được trân trọng. Kết thức bài thơ “Ánh trăng“, nhà thơ Nguyễn Duy đã thức tỉnh tâm hồn người đọc qua cái “giật mình” đầy tính nhan văn:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”.

  • Thân bài:

Bài thơ là câu chuyện của người lính và vâng trăng. Tuổi thơ người lính gắn bó với vầng trăng hồn nhiên, mộc mạc, ân tình. Ánh trăng sáng dệt nên kí ức bình dị, êm đềm. Khi vào chiến trường, vầng trăng cũng đồng hành cùng con người vào sinh ra tử. Tình cảm ấy thắm thiết và mặn nồng biết bao. Cảm ân vầng trăng đã soi sáng những bước đường, cùng chia ngọt sẻ bùi, tưới mát tâm hồn, con người tự nhắc lòng mình “không bao giờ quê” cái “vầng trăng tình nghĩa” ấy. Người đọc cũng tin là như thế.

Thế nhưng, khi chiến tranh kết thúc, hoàn cảnh thay đổi, con người lao vào đời sống vật chất, tiện nghi, đã mau chóng quên đi vầng trăng năm xưa. Bất chợt, sự cố cúp điện xảy đến, ánh sáng của vầng trăng hiển thị, lạ lùng thay, con người nhận ra biết bao nhiêu điều vừa vui mừng, hoan hỉ, vừa đắng cay, tủi hổ mà bấy lâu không thể ngẫm tới.

Ánh trăng trước sau vẫn vậy, dân dã, mộc mạc, bình dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn một cách trong sáng vô tư, mặc cho thời gian trôi, không gian biến đổi, mặc cho bạn bè xưa ai đó quay lưng. Nhưng đó là chất thử, chất xúc tác, khơi gọi niềm xúc động, tạo sự sám hối, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong đoạn thơ thể hiện sự bừng tỉnh đáng quý, cần có để làm người. Giờ đây, con người đã tìm được con đường trở về với chính con người mình trước đây, đã tìm lại được những tháng ngày tình nghĩa đã vô tình quên lãng.

Qua đoạn thơ, Nguyễn Duy cũng đã khám phá ra vẻ đẹp không bao giờ kết thúc của con người. Hành trình đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong tam hồn con người không bao giờ ngơi nghỉ và việc hoàn thiện mình của chính mỗi con người cũng không phải là một sớm một chiều. Biết giật mình là biểu hiện của lương tâm thức tỉnh. “Giật mình” để hối hận, tiếc nuối khi thấy mình đã bội bạc, vô tình với quá khứ. “Giật mình” để tự nhắc nhở mình hãy biết sống tình nghĩa, thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn. “Giật mình” để thức tỉnh, bừng tỉnh, nhìn lại những hạn chế của chính bản thân mình, từ đó vươn lên hoàn thiện nhân cách. Cái “giật mình” của nhân vật còn có sức lan toả cảm xúc, có thể làm người đọc “giật mình” nhận ra những điều ý nghĩa khác trong cuộc sống.

Với biểu tượng ánh trăng, Nguyễn Duy đã khẳng định lòng thủy chung, bao dung độ lượng của nhân dân với người kháng chiến cũ. Con người trước đây được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của nhân dân nhưng giờ đây lại có thể lãng quên. Từ đó, nhà thơ muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người thông điệp: Đừng sống vô tình, vô nghĩa, phải thủy chung, trọn vẹn với nhân dân, đất nước và với chính bản thân mình.

Cuộc đấu tranh hướng thiện âm thầm mà khốc liệt. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm của mỗi người. Người lính năm xưa đã nhìn lại quá khứ, soi mình trong hiện tại để đấu tranh loại bỏ sự vô tình vô nghĩa của bản thân, hướng tới sự cao cả, tốt đẹp. Ánh trăng là bài ca không quên về quá trình hướng thiện, quá trình hoàn thiện mình của mỗi con người trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta hãy biết giật mình trong mỗi sớm mai thức dậy.

  • Kết bài:

Bài thơ là tiếng lòng, là những suy ngẫm thấm thía,nhắc nhở ta về thái độ, tình cảm về đối với những năm tháng gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước. Cái “giật mình” ở cuối bài thơ ý nghĩa nhắc nhở mọi người về trách nhiệm đối với quá khứ, về thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa, thuỷ chung của dân tộc từ bao đời nay.

Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang