Chi tiết “cái bóng” trên tường trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ)
Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Du là một chi tiết đặc sắc, giàu ý nghĩa . Hình ảnh cái bóng trên tường của Vũ Nương trong trò vui đùa với con là một yếu tố độc đáo, có vai trò thắt nút và mở nút câu chuyện tình đầy trái ngang, oan khuất của Vũ Nương .
Lúc ấy bé Đản chỉ mới 3 tuổi, còn ngây thơ, chưa hiểu hết những điều phức tạp nên đã tin và hiểu lầm là có một người cha đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng lúc nào cũng im lặng và chẳng bao giờ bế nó. Nó nghĩ cha thật vô tâm nhưng lúc nào cũng vẫn ở bên nó để bảo vệ Vũ Nương và bé Đản.
Đối với người mới đi lính trở về như Trương Sinh thì việc bé Đản nói có một người cha khác rất dễ gây hiểu lầm. Cái bóng theo góc nhìn của Trương Sinh là một người đàn ông mà vợ đã ngoại tình khi mình không ở nhà, vốn có tính ghen tuông nên không cần rõ sự tình ra sau anh cho rằng vợ mình đã thất tiết và đó là nỗi nhục lớn nhất của người đàn ông thời xưa.
Việc làm của Vũ Nương ngay từ ban đầu xuất phát từ tấm lòng người mẹ là không hề sai. Vì thương con, sợ con buồn tủi vì không có cha nên nói với con rằng cái bóng của mình là cha của con. Trong lòng vốn chỉ định an ủi con, cho con một người cha như những bạn bè cùng lứa. Một bên là muốn cho con có cha, một bên lại không muốn dẫn đàn ông khác về, một lòng trung trinh cùng chồng nên việc lựa chọn cái bóng làm cha thằng bé đã là biện pháp tốt nhất.
Việc Vũ Nương nói cái bóng của mình đó là cha vì không muốn thấy con mình thiếu vắng tình yêu thương của một người cha, nhưng cách đó cũng có cái sai ẩn trong đó. Vì bé Đản luôn nghĩ cái bóng chính là cha của mình nên bé khi thấy Trương Sinh từ xa về nhà thì bé không biết đó mới là cha. Và đến khi bé Đản hỏi Trương Sinh “Thế ra ông cũng là cha tôi ư?” và nói rằng “Có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ đi ông đi, mẹ nằm ông nằm…. “ và thế là gây hiểu lầm cho Trương Sinh. Cũng chính nó đã hại cho mẹ của bé đã bị Trương Sinh đánh oan và tìm đến cái chết.
Có thể thấy rõ cái bóng là hiện thân của lòng tốt, tình mẹ con, đạo vợ chồng. Cái bóng cũng là nguyên nhân tạo nên bi kịch thê thảm đối với nhân vật Vũ Nương và đối với cái gia đình bé nhỏ của nàng. Chiếc bóng thức tỉnh Trương Sinh, giúp chàng nhận ra nỗi oan của vợ. Hình ảnh chiếc bóng thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả đối với con người: sự thấu hiểu, cảm thương sâu sắc số phận những con người bất hạnh, nhất là người phụ nữ.
Qua hình ảnh cái bóng, nhà văn gửi gắm những triết lí sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn: Cuộc sống luôn đầy những yếu tố bất thường, con người không thể lường trước; thân phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng: thân phận mỏng manh như cái bóng mong manh dễ tan vỡ, khi còn, khi mất. Hạnh phúc, sự sống, … có thể bị hủy hoại vì bất cứ lí do gì, bất cứ lúc nào…. Chi tiết cái bóng còn tạo nên sự hàm súc, đa nghĩa đồng thời vừa thắt nút, mở nút tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
* Tham khảo:
Ý nghĩa nghệ thuật của chi tiết “cái bóng” trong “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ).
Nhà văn Macxim Gorki đã khẳng định: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn“. Để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật. Bằng các cảm quan nghệ thuật, người nghệ sĩ đã tìm cách xây dựng công phu và kí thác vào các chi tiết nghệ thuật những tầng nghĩa chìm sâu, đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ, tìm cách giải mã mới có thể thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của nó. Như vậy, các chi tiết nghệ thuật đặc sắc đều thực hiện chức năng đa nhiệm, vừa kết nối với chỉnh thể vừa gợi ra những tầng nghĩa mới cao hơn, giúp người đọc khám phá tác phẩm một cách thú vị nhất.
Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương“, hình ảnh cái bóng trên tường là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, thể hiện rõ nét tài “mã hoá thông tin” một cách độc đáo và tài tình của Nguyễn Dữ.
– Theo mạch dẫn của câu chuyện, chi tiết “cái bóng” xuất hiện rất tự nhiên và hợp lí. Trong những ngày Trương Sinh ra trận, những đêm bé Đản quấy khóc, Vũ Nương thường chỉ vào cái bóng của mình ở trên tường và nói đó là cha. Bé Đản ngây thơ tưởng thật liền không khóc nữa.
– Ngỡ rằng đó chỉ là lời nói vu vơ để dỗ con yên ngủ. Ai ngờ, đó lại là lí do dẫn đến bi kịch cuộc đời của nàng. Khi Trương Sinh trở về, lúc dẫn con đi thăm mộ mẹ già, bé Đản lại quấy khóc. Trương Sinh than vãn với con, bé Đản ngây thơ nói lại sự việc ấy một cách mơ hồ. Trương Sinh vốn tính đa nghi, nay lại nghe được những lời nhạy cảm như thế đã nghĩ vợ mình ở nhà thất tiết với người khác, chàng không tiếc lời sỉ mắng đánh đập vợ mình khiến nàng tủi nhục mà tìm đến cái chết.
– Mãi đến sau này, đêm không có mẹ, bé Đản lại quấy khóc, Trương Sinh dỗ mãi không nín. Lúc bế con vào nhà, cái bóng của Trương Sinh hiện hình trên bức tường khiến bé Đản reo lên nói đó là cha Đản. Bấy giờ Trương Sinh mới vỡ lẽ, thì ra, người đàn ông bí ẩn trong lời nói của bé Đản trước kia chính là cái bóng.
– Trước hết, chi tiết “cái bóng” là yếu tố thắt nút và mở nút cho bi kịch cuộc đời Vũ Nương. Nàng bị nghi oan bởi do những suy nghĩ ngây thơ của bé Đản, thói hồ đồ của Trương Sinh. Hình ảnh cái bóng đi qua nhận thức của bé Đản và Trương Sinh đã không còn nguyên vẹn, đã bị hiểu sai lệch theo hướng tiêu cực, khiến cho Trương Sinh nóng giận, hành động nông nổi, dẫn đến bi kịch gia đình.
– Chi tiết cái bóng tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự thuỷ chung, uwớc muốn đồng nhất “xa mặt nhưng không cách lòng” với người chồng nơi chiến trận; đó là tấm lòng người mẹ muốn khoả lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm người cha trong lòng đứa con thơ bé bỏng.
– “Cái bóng” là một ẩn dụ cho số phận mỏng manh của người phụ nữ trong chế độ phong kiến nam quyền. Họ có thể gặp bất hạnh bởi bất cứ một nguyên nhân vô lý nào mà không lờng trước được. Với chi tiết này, người phụ nữ hiện lên là nạn nhân của bi kịch gia đình, bi kịch xã hội.
– “Cái bóng” của Vũ Nương còn xuất hiện ở cuối tác phẩm “rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đẩy con người vào bước đường tận tuyệt. Nàng không thể trở về trần gian là bởi trần gian đã không còn chỗ để những người như nàng dung thân.
– Chi tiết này còn là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là cái bóng mờ ảo.
– Chi tiết cái bóng góp phần tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: Chi tiết cái bóng tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút mâu thuẫn bất ngờ, hợp lý:
+ Bất ngờ: Một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy vào vòng oan nghiệt; cái bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát khao đoàn tụ, sự thuỷ chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ “thất tiết” …
+ Hợp lý: Mối nhân duyên khập khiễng chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn (Vũ Nương kết duyên cùng Trương Sinh thất học, đa nghi, ghen tuông, độc đoán) cộng với cảnh ngộ chia ly bởi chiến tranh, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát bất cứ lúc nào.
– Chi tiết tạo kịch tính, li kì, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
– Chi tiết này còn là sự sáng tạo của Nguyễn Dữ (so với chuyện cổ tích “Miếu vợ chàng Trương” ) tạo nên vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và một kết thúc tưởng nh có hậu nhưng lại nhấn mạnh hơn bi kịch của người phụ nữ
Phân tích ý nghĩa hình ảnh cái bóng trên tường của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương