Cảm nhận truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao (dưới góc độ thi pháp)

Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc, tiêu biểu không chỉ của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 – 1945 mà với cả nền văn xuôi Việt Nam từ trước tới nay. Càng ngày, vị thế của ông trên văn đàn càng được khẳng định vững chắc, giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc trong tác phẩm của ông càng được khai mở thêm nhiều chiều kích, tầng bậc và sắc thái mới. Như chính nhà văn đã từng tuyên ngôn rằng, sứ mệnh của văn chương chân chính là phải khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có, tác phẩm của Nam Cao minh chứng về những sáng tạo mới mẻ, độc đáo của ông, nên đã chịu đựng được thử thách của thời gian và có sức hấp dẫn, sức sống ngày càng mạnh mẽ, lâu bền.

Nam Cao xuất hiện trên văn đàn muộn hơn nhiều so với những nhà văn hiện thực đã thành danh lúc bấy giờ, và vấn đề nông dân cùng với sự khốn cùng của họ trong xã hội lúc bấy giờ là một đề tài đã được các nhà văn đi trước như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… khai thác và thể hiện khá thành công. Tuy vậy, sáng tác của Nam Cao, với quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc và độc đáo, đã đem đến những bức chân dung mới về người nông dân như lần đầu tiên được nhìn thấy, nhận biết đối với người đọc. Truyện ngắn Lão Hạc, một trong những tác phẩm xuất sắc thể hiện sự sáng tạo, sự khơi nguồn chưa ai khơi của Nam Cao, là một trong những minh chứng cho điều đó.

Với Lão Hạc, cái nguồn mới về người nông dân mà Nam Cao khơi chính là chiều sâu trong thế giới đời sống tâm hồn, nhân cách văn hóa của người nông dân Việt Nam, một thế giới cao đẹp, giàu đức hy sinh; trân trọng, nâng niu đạo lý và giá trị của hai tiếng Con Người. Với quan niệm nghệ thuật như thế, cái nhìn nghệ thuật trong thiên truyện tập trung những điểm nhìn trên hai phương diện. Một là, những khó khăn, túng quẫn, bức bách và khốn cùng về cơm áo đời thường của người nông dân đến mức tột cùng. Hai là những giá trị đạo lý, lẽ sống, bổn phận và tình thương phải quyết giữ, dù phải đánh đổi bằng cái chết. Bi kịch và nghịch lý số phận của Lão Hạc chính là sự xung đột và tương khắc giữa hai mặt đó.

Theo đó, tác phẩm mô tả, diễn trình cuộc đời lão Hạc với những tranh đấu thầm lặng nhưng vô cùng khó khăn, gay gắt, căng thẳng – cuộc đấu với chính mình để rồi với cái kết cục bi phẫn của việc chọn cái chết như giải pháp cho mọi bế tắc và cùng quẫn, đã làm bật lên không chỉ sự tố cáo, nỗi thương đau mà cũng là sự khẳng định, vinh danh cho con người. Lão Hạc hiển hiện ở nhiều bình diện với nhiều điểm nhìn trong thế tương khắc và xung đột như thế.

Ở bình diện thứ nhất, các điểm nhìn vừa cá biệt, vừa phổ quát về lão Hạc. Một là, lão Hạc là người nông dân nghèo góa vợ và phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Tình tiết bắt đầu cuộc đời lão Hạc này dễ tạo nên sự thương cảm cho người đọc. Hai là, lão Hạc không thể kiếm đủ tiền để cưới vợ cho con, trong khi đứa con muốn bán cả vườn để cưới vợ theo yêu cầu của nhà gái, nhưng nếu có bán vườn – phương tiện duy nhất để cha con lão kiếm sống và tồn tại – thì cũng không đủ tiền để lo chuyện cưới xin cho con. Điểm nhìn này làm tăng tính nguy nan cho các giải pháp ứng xử của lão Hạc, và bắt đầu tạo nên những nỗi đau trong con người lão về bổn phận làm cha, nhất là khi đứa con đã rời nhà đi làm phu đồn điền cao su ở xa và đã hơn bốn năm mà không hề có thư từ, tin tức gì. Ba là, trận ốm dài ngày mà hậu quả khủng khiếp là lão Hạc phải tiêu gần hết số tiền dành dụm được, mà xót xa thay là số tiền đó lão chắt bóp, nhịn ăn nhịn mặc nhằm để lo thêm cho con ngày con cưới vợ. Bốn là, những khó khăn trong đời sống về việc làm, thu nhập, cộng thêm thiên tai làm cho lão không thu được gì từ hoa lợi của vườn, đẩy lão tới chỗ bế tắc, buộc phải bán con chó vàng. Và cuối cùng là việc lão Hạc lựa chọn cái chết.

Ở bình diện thứ hai, các điểm nhìn thể hiện thái độ, ứng xử của lão Hạc đối với lẽ sống, bổn phận, đạo lý, tình thương và nhân cách con người. Đầu mối của bình diện này là sự dùng giằng về việc bán con chó vàng. Đằng sau câu nói của lão Hạc có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ, câu nói mà nhân vật người kể chuyện nghe nhiều đến mức đã nhàm rồi, là cả một biển tâm trạng.

Chiều sâu tâm trạng lão Hạc ẩn chìm đằng sau câu nói mà nhân vật ông giáo nghe mãi ấy là sự day dứt, trăn trở, là sự khổ tâm của lão Hạc về quyết định lựa chọn giữa bán hay không bán con chó vàng. Bởi vì con chó vàng của lão không phải là một con chó bình thường, mà là một con chó đặc biệt bởi hai lẽ:

Thứ nhất, nó là người bạn, là nguồn an ủi, động viên đối với lão; thứ hai, con chó là đầu mối dẫn dắt câu chuyện trong mối quan hệ với người con trai lão Hạc, vì chính người con trai của lão đã mua con chó về. Theo đó thì con chó thuộc về con trai lão nên việc bán không thuộc quyền của lão. Như vậy, đằng sau lời nói về ý định bán con chó vàng của lão Hạc mà nhân vật ông giáo nghe đã nhàm tai ấy là biết bao sự day dứt, trăn trở của lão Hạc, ẩn chứa một tâm hồn, nhân cách trọng đạo lý, tình thương lẽ phải.

Mặt khác, tâm trạng lão Hạc đầy đau khổ, day dứt trong việc ứng xử với số tiền mà lão bòn và dành dụm được từ hoa lợi khu vườn. Với ý định Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn… Trong quan niệm của lão Hạc, từ con chó vàng đến mảnh vườn đều là của nó (con trai lão), và tất cả là để dành cho nó. Thế nhưng, vì trận ốm kéo dài, lão phải tiêu tốn gần hết số tiền đó. Thêm nữa, tình cảnh của lão đã khốn khó lại càng khốn khó hơn vì lão Hạc không có việc, rồi do bão, hoa màu bị phá sạch sành sanh…

Từ đó, lão nghĩ đến cái chết vì hai lẽ: Chết khi còn lại chút tiền gửi ông giáo để nhờ xóm giềng lo ma chay, khỏi phiền đến ngưới khác; và quan trọng hơn cả, là chết đi để mảnh vườn còn lại vẹn nguyên dành cho con trai ngày nó trở về. Đó là những hành vi ứng xử cao cả, đẹp đẽ của một con người trước lẽ sống, tình thương; là lòng vị tha, lòng tự trọng về phẩm giá con người.

Như vậy, trong nhân cách, bản tính, tâm hồn và ứng xửa của lão Hạc, có sự kết hợp các đặc điểm của các phạm trù tưởng chừng trái ngược: bình thường, giản dị mà cao cả, thiêng liêng. Phía dưới cái chỏm của tảng băng trôi với những gian nan, ngặt nghèo trong chuyện cơm áo đời thường và các điều kiện sống là phần chìm không giới hạn của tảng băng với lòng vị tha, nhân ái, cao thượng, tự trọng thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc và cao cả. Nhưng để giữ được cái giá làm người như thế, lão Hạc đã phải trải qua không phải một cuộc quyết đấu mà nhiều cuộc quyết đấu cam go, gay gắt vô cùng để chiến thắng tất cả mọi thự thách nghiệt ngã nhất, giữ lấy phẩm giá con người.

Kết cấu của truyện được xây dựng trong mối quan hệ, đối thoại, tiếp xúc của nhân vật tôi (người kể chuyện – ông giáo) với lão Hạc. Trong mối tương quan đó, nhân vật lão Hạc vừa được nhân vật tôi – người kể chuyện – trực tiếp miêu tả, đánh giá, phẩm bình, vừa tự thể hiện bản thân qua ngôn từ, hành vi. Nhân vật người kể chuyện có khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất, nhưng có khi xuất hiện ở ngôi thứ hai như một đối tượng được nói tới. Mối quan hệ giữa nhân vật lão Hạc -người nông dân – và nhân vật tôi – trí thức – là mối quan hệ khá phổ biến giữa nông dân và người giáo làng ở vùng nông thôn Việt Nam thời bấy giờ. Mối quan hệ đó được đan cài với những tình tiết tiêu biểu của cảnh sinh hoạt trong đời sống thường nhật nơi làng quê với tình cảm xóm giềng, như hút thuốc lào, uống nước chè xanh, ăn khoai lang luộc, tán gẫu… Do vậy, câu chuyện diễn ra một cách tự nhiên, mộc mạc, chân tình, cảm động và dễ đi vào lòng người.

Trên cái nền, cái khung đó, để tạo sự chú ý cho người đọc và sức hấp dẫn của câu chuyện, tác giả xây dựng tình huống lão Hạc thổ lộ ý định bán con chó vàng với nhân vật ông giáo, và đó cũng là đầu mối để tác giả dẫn dắt câu chuyện phát triển một cách tự nhiên và thuyết phục. Từ tình tiết bán con chó vàng, mở ra và kết nối với những tình tiết khác như chuyện của người con trai lão Hạc (vì con chó là do con trai lão Hạc mua về); chuyện quan hệ gần gũi, tin cậy, thân mật và nồng đượm ý vị nhân ái giữa lão Hạc với con chó; tâm trạng của lão Hạc trước, trong và sau khi bán con chó; chuyện khó khăn trong đời sống dẫn đến chi tiết về cái ăn hàng ngày của lão Hạc; chuyện tiền để dành của lão vơi giảm đáng kể, và cuối cùng dẫn tới tình tiết về cái chết đau đớn mà lão Hạc lựa chọn cho mình.

Nhìn chung, do tài nghệ sắp xếp và liên kết tình tiết và sự kiện, tác giả thiên truyện đã tạo nên tính kịch và sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đặc biệt là mạch ngầm về hiện thực và con người được tác giả khơi tỏa đúng tầng, đúng vỉa nên đã bật lên, trào tung những sắc thái và ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc về bản chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam với lòng nhân hậu, vị tha và đức hi sinh. Điều đó như một bài ca đẹp đẽ về ý thức nhân văn, hành vi nhân văn của con người Việt Nam.

Đan xen vào những đoạn hội thoại, những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật là nhưng đoạn phẩm bình của tác giả về con người, về lẽ đời, những quan niệm sâu sắc của tác giả thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo. Chẳng hạn: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…

Quan niệm, cái nhìn và kết cấu nghệ thuật được xây dựng sáng tạo trên cái nền của không gian nghệ thuật mang tính đặc thù của cảnh nông thôn Việt Nam thời bấy giờ. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Nam Cao, truyện Lão Hạc có không gian chật hẹp, quẩn quanh nhưng lại mở ra nhiều tầng bậc giá trị và ý nghĩa sâu sắc và rộng lớn. Câu chuyện về lão Hạc vượt thời gian và không gian bởi hàm chứa giá trị nhân loại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang