Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (dưới góc độ thi pháp)
Chữ người tử tù là một tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân. Tác phẩm lúc đầu tên là Dòng chữ cuối cùng đăng trên tạp chí Tao đàn số 28 năm 1928, sau đó được in trong tập Vang bóng một thời (một tập truyện ngắn có giá trị như một kiệt tác viết về những thú chơi tao nhã, về những con người tài hoa thời phong kiến) và đổi tên là Chữ người tử tù. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên năm 1940.
Tiếp cận truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân từ góc độ thi pháp học, ta thấy nổi bật hai phương diện nghệ thuật độc đáo: Quan niệm nghệ thuật về con người và kết cấu nghệ thuật. Trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện từ cơ sở là những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong cách quan niệm và nhìn nhận về con người “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (thơ Huy Cận). Trong đó, nổi bật các giá trị tư tưởng, tích cách, phẩm chất, vẻ đẹp của kẻ trượng phu, quân tử và nghệ sĩ.
Như bao nhân vật khác trong đời văn Nguyễn Tuân, Huấn Cao là con người nghệ sĩ, cụ thể là tài viết chữ đẹp. Không chỉ vậy, ông còn là hiện thân của một đấng anh hùng hiên ngang, bất khuất. Ở ông có sự kết hợp hài hòa giữa CÁI ĐẸP-KHÍ PHÁCH-THIÊN LƯƠNG. Nhất là Nguyễn Tuân muốn nhấn mạnh những vẻ đẹp, giá trị của nhân vật này trên nền của một không gian mang tính đặc trưng cho xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ là không gian ngục tù. Qua đó khẳng định những cái đẹp bất tử của con người Việt, tâm hồn và khí phách Việt, tài hoa Việt. Do vậy, Huấn Cao được nhìn như là sự hội tụ của những cái đẹp: tài viết chữ, ý thức về giá trị của chữ, hành động vì nghĩa, vì cộng đồng; khí phách hiên ngang, không sợ chết; coi thường áo cơm tầm thường; tôn trọng thiên lương, nhân tính.
Lẽ thường, con người thường tham sống sợ chết. Do vậy, trong nghệ thuật, nhiều nhà văn đã dùng cái chết như một phép thử, một phương tiện nghệ thuật để soi chiếu, thử thách con người, qua đó khẳng định những tư tưởng, triết lý nghệ thuật của mình. Ở thiên truyện này cũng vậy, Nguyễn Tuân đặt nhân vật Huấn Cao trên nền nhà ngục bẩn thỉu, chật chội, hôi hám ở vào thời gian cái chết đang đến từng ngày một cách khủng khiếp.
Trong không gian và thời gian thử thách đó, những phẩm chất vốn có của Huấn Cao như tự trọng, cao đạo, luôn ý thức rõ về giá trị bản thân cũng như tài viết chữ của mình và bản lĩnh không sợ chết vẫn không hề thay đổi. Đặc biệt hơn nữa là chỉ trong thời gian ngắn ngủi trước cái chết, Huấn Cao còn an nhiên, tỉnh táo để sống nốt những ngày thực sự có ý nghĩa khi không phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ bằng việc tôn trọng tình cảm và thái độ của viên quản ngục mà cho viên quản ngục chữ của mình. Những điều đó toát lên quan niệm của tác giả thiên truyện về con người: Trong cuộc đời, sống đẹp và có ý nghĩa quan trọng hơn cái chết, những giá trị sống như nhân cách, tài năng, khí phách, nhân văn của con người cao hơn cái chết.
Mặt khác, trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân, ông lấy cái đẹp thiên lương để làm tiêu chí khu biệt trong nhìn nhận và đánh giá con người. Không chỉ Huấn Cao mà ngay cả viên quản ngục cũng được soi chiếu từ tiêu chí đó. Khi Huấn Cao cảnh tỉnh viên quản ngục về việc làm, về lẽ sống, chính là Huấn Cao đang nhân danh cái đẹp và dùng cái đẹp làm căn cứ để khuyên bảo viên quản ngục từ bỏ cái nghiệp hiện thời mà trở về với thiên lương, chân tính con người. Hành vi cúi đầu tuân phục và ngôn từ cung kính, chân thành, trang nghiêm xin bái lĩnh của viên quản ngục khi đáp lời Huấn Cao là kết quả sự cứu vớt con người của cái đẹp, chính văn hào Dostoievski cũng đã từng cho rằng cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới.
Tâm lý của viên quan ngục trong thời gian gặp gỡ, đối thoại với Huấn Cao được thể hiện trong một lộ trình chuyển biến, phát triển. Ban đầu, khi nghe tin Huấn Cao bị chuyển đến nhà lao nơi mình cai quản, viên quản ngục chỉ rắp tâm xin chữ của Huấn Cao mà thôi. Chính vì vậy, y biệt đãi người tù đặc biệt đó. Nhưng tiếp theo trong thời gian gặp gỡ, chính nhân cách kiên cường, cứng cỏi và cái đẹp trong khí phách của Huấn Cao đã dần chinh phục sự nể trọng của viên quản ngục. Vì thế, khi Huấn Cao đáp trả sự ân cần trong lời nói và ứng xử của viên quản ngục với mình bằng thái độ bất cần: Ngươi hỏi ta muốn gì ư ? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa, thì y không những không trả thù mà còn lễ phép lui ra với một câu: “Xin lĩnh ý”.
Khi Huấn Cao đồng ý cho chữ, và viết chữ tặng mình thì viên quản ngục tiếp nhận với thái độ cung kính, nâng niu, trân trọng: Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Khi nhận lời giáo huấn cuối cùng của Huấn Cao: Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi, thì viên quản ngục thực sự bừng tỉnh, cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Ở phương diện này của tác phẩm, quan niệm nghệ thuật toát lên là cái đẹp tác động tới con người, cải huấn con người, cứu rỗi con người phải có quá trình, không thể đường đột. Đặc biệt là, quá trình đó phải có sự tương tác, sự phối ứng chủ động và tích cực giữa chủ thể và đối tượng cùng các vấn đề khác như điều kiện và phương tiện, tình cảm và tâm thế.
Như vậy, trong Chữ người tử tù, quan niệm nghệ thuật của tác giả không tập trung vào bình diện quan hệ con người ở phương diện kẻ phạm tội và người cai quản kẻ có tội như hiện thực xã hội lúc bấy giờ, mà sử dụng bình diện đó như cái phông, cái nền, cái không gian địa lý và vật lý để triển khai tư tưởng nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật về con người: Con người trong quan hệ với cái đẹp, cái đẹp và giá trị của nó đối với con người, cái đẹp với những điều kiện để được khơi quang, tỏa rạng và phát huy tác dụng đối với con người.
Một phương diện khác cũng khá độc đáo trong thi pháp truyện Chữ người tử tù chính là nghệ thuật xây dựng kết cấu truyện, thể hiện qua những vấn đề nổi bật như sau:
Một là, nghệ thuật xây dựng tình huống và tính kịch. Ngay từ những dòng mở đầu thiên truyện, việc tác giả xây dựng tình huống truyện mang tính kịch đã nhanh chóng tạo nên sự tập trung chú ý của độc giả cũng như sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đó là ngay khi viên quản ngục nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên độc bộ đường, đã tò mò hỏi thầy thơ lại giúp việc trong đề lao: Này, thầy bát, cứ công văn này thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không? Trong đoạn văn này hé lộ một số phương diện về người tử tù Huấn Cao, về thái độ của viên quản ngục: Huấn Cao là tử tù phải chịu án chém, là kẻ phản nghịch, là người có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp; viên quản ngục đã biết được một số thông tin về Huấn Cao trước khi người tù đặc biệt này được điều chuyển đến trại giam thuộc quyền quản lý của ông ta. Vậy thì việc gì sẽ diễn ra đây? Viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao thế nào?…
Đó là những câu hỏi bắt đầu nảy sinh trong suy nghĩ của độc giả, nhất là thái độ lấp lửng, không tường minh của viên quản ngục trong những lời đối thoại tiếp theo với thầy thơ lại về Huấn Cao rằng nghe quen quen, hoặc là thì tôi cũng hỏi thế thôi, dặn thầy thơ lại quét dọn cái buồng trong cùng vì có việc dùng đến, nhất là lời viên quản ngục hỏi thầy thơ lại rằng, Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không?…, nên đã dặn việc bố trí lính canh có vẻ nghiêm cẩn hơn trước. Tất cả những điều ấy tạo tính kịch cho truyện, thu hút sự tò mò và chú ý của người đọc vào những diễn tiến tiếp theo về Huấn Cao, về hành xử của viên quản ngục đối với Huấn Cao và về cái chung cục của xu hướng truyện. Đặc biệt, cái kết cục của chuyện là một bất ngờ lớn đối với người đọc: Không phải người quản ngục giáo huấn, cải tạo tù nhân mà ngược lại, người tử tù đã giáo dục và cảm hóa người quản ngục bằng chính tài hoa, nhân cách, lương tri của mình.
Hai là, Mâu thuẫn phát triển có sức hấp dẫn người đọc vì lộ trình của nó khó có thể dự đoán trước được: Không theo lệ thường là người tù Huấn Cao sẽ qui phục cai ngục, sợ hãi cai ngục, mà ngược lại, Huấn Cao kiêu hãnh, tự trọng, khinh thường cai ngục trong lần gặp đầu; cũng không theo lẽ thường là cai ngục sẽ trả thù Huấn Cao vì thái độ khinh thị của Huấn Cao đối với y, mà cung kính, trân trọng, và vẫn biệt đãi Huấn Cao. Vấn đề không phải vì viên quản ngục cố chịu nhịn nhục để rắp tâm xin cho bằng được chữ của Huấn Cao, và chính vì sức hấp dẫn của cái đẹp từ nhân cách Huấn Cao, tài năng của Huấn Cao, nghĩa là cái đẹp của văn hóa. Theo đó, Xu hướng phát triển và chung cục của xung đột và mâu thuẫn giữa quản ngục và Huấn Cao là: từ dị biệt đi đến tương đồng, từ xung khắc đi đến thống nhất. Cái sức chinh phục chung tạo nên chung cục – điểm gặp gỡ và thống nhất của xu hướng phát triển mâu thuẫn –chính là giá trị và sức mạnh của cái Đẹp: cái Đẹp không chỉ từ người sáng tạo mà còn cả ở người thưởng lãm, cái đẹp không chỉ là hiện vật mà còn ở thái độ trân quí hiện vật, cái đẹp không chỉ ở tài hoa mà còn ở nhân cách con người. Sự gặp gỡ và kết hợp các bình diện đó tạo nên cái Đẹp hoàn mỹ.
Ba là, trong kết cấu nghệ thuật của truyện, sự phối kết các mảng tương phản, đối lập và tương liên tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Quan hệ tương phản thể hiện ở các vấn đề: Tương phản trong những đặc điểm nhân cách của nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, tương phản giữa không gian ngục tù với không gian cho chữ và nhận chữ. Trong nhân vật Huấn Cao, đó là tương phản giữa đặc điểm xã hội (kẻ phiến loạn, kẻ tử tù) với đặc điểm đạo đức, văn hóa (người có tài viết chữ nhanh và đẹp, trân quí tài năng nên không thương mại hóa tài năng viết chữ của mình; trân trọng tấm lòng của những con người hướng thiện, trọng mỹ; giáo hóa những kẻ lầm đường). Ở nhân vật viên quản ngục là tương phản giữa vai trò xã hội (coi ngục) với giá trị văn hóa, đạo đức của nhân cách (trân trọng chữ viết đẹp và người viết chữ đẹp; biết phục thiện và hướng thiện). Sự tương phản giữa không gian ngục tù u tối, ẩm thấp, chật chội, tù túng, đầy những nhện, gián và chuột với cảnh cho chữ sáng tươi, cao nhã, đẹp đẽ.
Với nghệ thuật xây dựng tình huống đặc sắc, cách dùng từ chuẩn xác và giàu sức gợi cảm của Nguyễn Tuân đã giúp Chữ người tử tù trở thành một trong những tác phẩm nổi bật nhất của tập Vang bóng một thời.. Ông đã tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn con người trong môi trường sống dơ bẩn đồng thời lên tiếng tố cáo chế độ Pháp thuộc thối nát vùi dập những đấng anh hùng như Huấn Cao, đây chính là ý nghĩa trường tồn của tác phẩm.