phan-tich-truyen-ngan-chi-pheo-cua-nam-cao-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (dưới góc độ thi pháp)

Nam Cao bắt đầu sáng tác từ năm 1936, nhưng đến tác phẩm Chí Phèo, nhà văn mới khẳng định được tài năng của mình. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn. Thời gian 1941–1944 là thời sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết văn của Nam Cao. Cố nhiên, ngòi bút viết văn của Nam Cao không đạt kỷ lục nào về số lượng, về độ dài hay độ dày. Cái mà ông đạt tới đỉnh cao là chất lượng mới: chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy xã hội và tư duy văn học.

Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941. Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của Nam Cao, đồng thời là một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội. Chí Phèo cũng là tên nhân vật chính của truyện.

Trong Chí Phèo của Nam Cao, cái nhìn nghệ thuật của tác giả về con người qua hình tượng Chí Phèo là hai con người trong một con người với sự quyết đấu sinh tử: Con người nhân tính, thiên lương và con người tha hóa, ác quỷ. Các điểm nhìn Chí Phèo được thể hiện ở các nội dung tiêu biểu: lúc lọt lòng, tuổi ấu thơ với con số không trống trụi, ở đợ nhà bá Kiến và bị hàm oan; Chí Phèo trong quan hệ với bá Kiến và thị Nở, cái kết của số phận Chí Phèo. Cần phải tiếp cận và khai mở thi pháp của hình tượng này trong quan niệm, cái nhìn, điểm nhìn và bút pháp nghệ thuật của Nam Cao ở vấn đề cơ bản nhất là: hai con người trong một con người. Đặc điểm này sẽ chi phối những vấn đề khác như không gian, thời gian nghệ thuật, giọng điệu, ngôn từ. Trong cấu trúc thẩm mĩ suốt hành trình cuộc đời của Chí, hai con người có lúc song hành tương hợp, có lúc tương khắc và cuối cùng là sự quyết đấu sinh tử.

Ngay điểm chào đời, khởi đầu của lộ trình bi kịch thân phận Chí Phèo, Nam Cao đã đặt con người này ở điểm nhìn trơ trọi, cô lạnh, buồn tủi trên cái nền của lò gạch cũ bỏ không. Đấy không chỉ là dụng ý nói lên sự luẩn quẩn bế tắc của thân phận con người khi lặp lại chi tiết lò gạch cũ trong ý nghĩ của thị Nở ở cuối truyện, mà cơ bản là để tạo một điểm nhấn, một dấu ấn tái tê, sầu tủi vào thân phận, tâm thức Chí Phèo: thiếu vắng hơi người, tình người, hương người, đặc biệt là tình ruột thịt. Điều này sẽ ám ảnh Chí mãi và lộ diện bằng nỗi đau tức trong tiếng chửi của Chí Phèo, trong cảm nhận của Chí về thị Nở, trong tiếng kêu đòi lương thiện cuối đời.

Tiếp theo đấy, Nam Cao di chuyển điểm nhìn từ Chí Phèo sang những thân phận liên quan, có ý nghĩa tạo nên tính cách của Chí. Đó là những thân phận cũng ít nhiều trống trụi, cô lẻ, thiếu khuyết: người đàn bà góa mù, bác phó cối không con. Trước khi đến với bác phó cối thì Chí bị cho, bị bán. Và sau khi bác phó cối không con chết thì Chí bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Tại sao lại có lắm chi tiết gắn với con số không đến thế: lò gạch cũ bỏ không, người đàn bà góa mù (không chồng, mắt không nhìn thấy), bác phó cối không con, rồi không nhà cửa, không người thân, việc đi ở đợ không ổn định, ngay đến cái thẻ có biên tuổi hắn cũng không có trong sổ làng, khi Chí chửi thì không ai lên tiếng.

Xâu chuỗi những cái không ấy ở điểm nhìn nhân vật sẽ tạo một hệ qui chiếu rọi vào tâm trạng thuở thiếu thời của Chí, và sẽ thành những khối sầu nặng trĩu khi con số không vẫn được tiếp nối kéo dài, khắc sâu, dù khi Chí đã lớn, đã ở bên kia dốc cuộc đời. Những điểm nhìn không bình luận này của Nam Cao hoàn toàn không phải không có dụng ý mà ngược lại, chúng được cài cấy cho sự khởi đầu và đổ nền hết sức quan trọng trong quá trình thiết kế đời sống tâm lí và nhân cách nhân vật. Những điểm nhìn ấy trong cái nhìn nghệ thuật của Nam Cao mang tính đa trị: vừa có tính chất hoàn cảnh, xã hội vừa có tính chất tâm lí.

Các chi tiết quan hệ xã hội của Chí là thuộc điểm nhìn không gian bề nổi, và không gian chìm là những dấu ấn buồn tủi, cô đơn, trơ trọi, trống vắng, hoang lạnh vì thiếu vắng tình người trong tâm trạng Chí. Điều đó là đầu mối của những con sóng chìm trong dòng chảy mãi về sau. Do vậy, tiếng chửi, một khi Chí đã thành con quỉ dữ, găm cả vào đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thằng Chí Phèo (trong đoạn mở đầu tác phẩm, chi tiết này được nhấn mạnh tới ba lần); và để sau này khi gặp thị Nở với bát cháo hành nóng hổi tình người, Chí sẽ rưng rưng muốn khóc.

Như vậy, những tình tiết mở đầu cuộc đời Chí có ý nghĩa như đặt một phần nền móng cho tính cách, nhân cách của Chí về sau; là phần tiền đề cơ bản của con người thứ hai trong con người Chí Phèo (tiếc thay, sách Hướng dẫn giảng dạy Ngữ văn 11 đã bỏ qua những chi tiết này khi cho rằng chỉ được nhà văn nói lướt qua bằng mấy câu ở đầu tác phẩm. Hai con người trong Chí đã được thiết kế ở những nét đầu và lộ trình của chúng bắt đầu phát triển, vừa có những lối riêng vừa có những sự tương tác mạnh mẽ trong sự chi phối của hiện thực. Con người bề mặt của tảng băng trôi trên hành trình ma đưa lối quỉ dẫn đường liên tiếp nhận những tai họa đổ xuống đầu, từ cơn ghen của bá Kiến, từ nhà tù thực dân – phong kiến, từ sự lợi dụng và tráo trở quỉ quyệt của bá Kiến khi Chí ra tù… Và do vậy, con người phần chìm của tảng băng là thiếu thốn tình thương, hơi ấm đồng loại, là ý thức về vinh và nhục, tinh thần và thể xác rạch ròi, đúng đắn và khát khao có một mái ấm dù chỉ là chồng làm thuê cuốc mướn, vợ dệt vải…, bị nhấn xuống càng sâu hơn.

Sau khi Chí ở tù về, dẫu rằng nhân hình, nhân tính có những thay đổi nhất định nhưng cho tới khi Chí cầm chai đến tính sổ với bá Kiến thì chưa hẳn Chí đã là con quỉ dữ, và đấy vẫn là giai đoạn Chí ý thức rõ được kẻ thù, chưa bồng bềnh trôi trong hoang tưởng và vô định. Việc Chí đến nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi ngay khi ra tù được một ngày thể hiện điều đó. Thế nhưng, bá Kiến đã hạ gục Chí bằng ba ngón đòn hiểm độc mà một kẻ như Chí lúc đó không thể đỡ nổi: gọi Chí bằng anh, mời vào nhà đãi cơm gà và nhận họ. Ba viên đạn bọc đường này được Chí ngộ nhận là đã tẩy trừ những nỗi đau của con người thứ hai trong mình: không gia đình – thì bây giờ đã có họ hàng, mà lại họ hàng với cụ bá, người đời coi thường gọi bằng thằng thì bây giờ đã được gọi bằng anh, thực tế và mặc cảm bé mọn thì đã có vị thế từ đặc ân được đãi cơm gà và cho tiền uống rượu. Đến đây thì con người thứ hai bị chặn lối, bị lạc lối, rẽ sang một bước ngoặt mới trong sự hoang tưởng về giá trị thực của bản thân: hắn thấy hắn cũng oai, thử hỏi có mặt nào trong cái làng hơn hai nghìn suất đinh này làm được thế? Vì thế, đêm hôm ấy, ở nhà Bá Kiến ra về, Chí Phèo vô cùng hả hê!

Bằng ba ngón đòn độc liên hoàn đánh trúng vào điểm huyệt vừa tâm thức vừa đời thường của Chí Phèo, bá Kiến nhanh chóng thay đổi tình thế: chuyển Chí, từ chỗ là kẻ thù, thành kẻ tay sai; chuyển mình, từ chỗ là đối tượng trả thù của Chí, thành ân nhân của Chí. Chí hoàn toàn mất phương hướng. Bây giờ không còn đối tượng trả thù thì sao nguôi giận được khi kẻ thù bỗng chốc thành chủ nhân, mà mối thù và nỗi đau thì còn nguyên đấy! Như vậy là khi ra tù về làng, Chí còn tỉnh lắm nên đã đến nhà bá Kiến đòi nợ ngay. Nhưng sau khi Chí ở nhà bá Kiến về thì Chí ảo tưởng về giá trị bản thân.

Từ đây cho đến khi gặp thị Nở, Chí bước vào một nhà tù mới, một nhà tù không có vách ngăn, không có tường bao, không có luôn cả thời hạn được tự do. Chí sẽ làm gì khi còn ôm nguyên mối hận mà không biết trả thù ai? Chí sẽ làm gì khi liên tiếp bị bá Kiến sử dụng làm tay sai cho những chuyện đâm chém để Chí càng hoang tưởng về bản thân hơn khi tự nhủ rằng anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta? Không biết trả thù ai thì lấy việc uống rượu cho nguôi ngoai, đó chính là sự tự hủy hoại bản thân. Và rồi hiển nhiên, hệ quả tất yếu là trút giận lên những người dân hiền lành vô tội. Mà càng như thế tức là Chí càng bị đẩy trượt xa hơn khỏi biên giới loài người. Trong chặng đời này cho tới khi Chí gặp thị Nở, hai con người trong Chí thể hiện rất rõ sự không tương hợp. Theo cách nói của M. Bakhtin thì ở Chí đã xuất hiện sự không tương hợp cơ bản giữa con người bên ngoài và con người bên trong.

Hai con người trong Chí vẫn song hành. Trên bề mặt của tảng băng, những hành vi rạch mặt ăn vạ, gây ác cho dân lành hiển hiện hằng ngày. Càng gây sự, càng kiếm chuyện, càng rượu say thì càng tự hủy hoại mình và càng xa loài người. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa con người thiên lương, con người nhân tính, con người với bản thể nguyên sơ thèm khát hơi ấm giống người trong Chí đã hoàn toàn biến mất.

Nam Cao đã rất tài tình khi hé lộ một phần những sóng ngầm nỗi đau của con người thứ hai trong Chí ở điểm nhìn tiếng chửi của Chí. Có thể coi tiếng chửi của Chí là nhịp cầu nối giữa hai con người trong một con người Chí, là cái mã kí hiệu nghệ thuật lưỡng trị: nếu tách riêng ra khỏi toàn cục đời Chí thì đấy là biểu hiện ngang tàng, vô văn hóa, vô đạo đức của con người bề mặt (cả làng Vũ Đại hiểu như thế); nếu xét nó như một yếu tố, một phân hệ trong hệ thống thẩm mĩ toàn cuộc đời Chí thì nó mở ra thế giới chìm khuất nỗi buồn, tủi phận, cay đắng của con người thứ hai trong Chí.

Vậy bản chất và ý nghĩa tiếng chửi của Chí là gì? Tại sao Nam Cao lại cho xuất hiện kí hiệu này ở vị trí ngay đầu tác phẩm? Trước hết, cần khẳng định ngay rằng tiếng chửi của Chí không phải vô cớ, mà hàm chứa những thông điệp nhất định. Đó là sự oán hận tất cả, coi thường tất cả, phủ nhận tất cả khi chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại. Nhưng tại sao lại chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn? Điều này có vẻ vô lí, ngược đời nhưng hàm chứa trong đó cái lí của nghệ thuật: Chí không có gì cả, tất cả chỉ là con số không trống trụi, vô nghĩa; dù bị loài người quay lưng, nhưng Chí vẫn cứ thèm hơi ấm con người.

Thế nên, khi không thể tìm được mối dây liên hệ với đồng loại theo lẽ thường thì Chí buộc phải dùng con đường giao tiếp bằng tiếng chửi, thông qua tiếng chửi, vì nếu có ai chửi lại thì Chí có thể tìm được mối dây liên hệ với đồng loại, cho dù chỉ bằng tiếng chửi, qua tiếng chửi. Đấy chính là lí do khi không có ai chửi lại thì Chí tức chết đi được mất và liền chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn! Và tột cùng trong thất vọng, cay đắng, Chí chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! Rốt cuộc, ngay cả tìm mối liên hệ với con người dù chỉ qua tiếng chửi cũng không được, và chỉ có tiếng đáp trả của ba con chó dữ mà thôi. Càng chửi thì càng tức vì không có ai chửi lại, càng tức thì càng uống, càng say, càng say thì càng có thể làm tất cả vì hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta bảo hắn làm.

Đấy là cái vòng luẩn quẩn của Chí trong cái nhà tù mênh mông không vách, không tường, không phạm vi không gian và thời gian sau ba miếng bả bá Kiến tung ra, Chí nhầm tưởng và nuốt vội ngon lành trong ngày xách vỏ chai đến trả hận. Nếu không có tiếng chửi thì phần chìm trong con người Chí không có cơ thể hiện, nếu không có tiếng chửi thì toàn bộ quãng đời từ khi ra tù đến khi gặpthị Nở chỉ có phần nổi là những tội lỗi Chí làm trong khi say và làm vì người ta bảo hắn làm. Đấy chính là ý nghĩa điểm nhìn nghệ thuật tiếng chửi của Chí trong thi pháp cấu trúc nhân vật.

Mặt khác, những chi tiết điểm xuyết như: hắn làm điều đó trong khi say, hắn làm điều đó vì người ta bảo hắn làm và bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm đã lộn ngược sự tôn trọng trong từ cụ (chỉ bá Kiến) và sự khinh thị trong từ hắn (chỉ Chí Phèo). Theo đó thì khi tỉnh, Chí không làm, nếu người ta không bảo thì Chí không làm. Điều đó bổ trợ thêm để người đọc không hoàn toàn phủ nhận Chí, đồng thời nhận ra rằng đằng sau con người thứ nhất hiển lộ bề mặt với những chửi bới, rạch mặt, đốt nhà, gây hại cho người lành là con người thứ hai vẫn tồn tại, vẫn âm ỉ, day dứt và quặn thắt nỗi niềm như sóng ngầm không ngừng cồn cào trong chiều sâu tâm khảm Chí, nhưng nó không có điều kiện bộc lộ, không biết bám víu vào đâu để nương tựa, giãi bày trong lộ trình trắng, không, bị chừa ra của đời Chí.

Chi tiết này được đặt ngay đầu tác phẩm như một điểm nhấn, một cách lạ hóa nhân vật của Nam Cao, một cái then cần được mở từ hiệu ứng của cả hệ thống thẩm mĩ của hình tượng. Cần thiết phải thấy điều này, bởi nếu không thì làm sao một thị Nở như thế mà lại có thể giúp Chí hoàn lương được, cho dù được cộng thêm cả tình tiết trận ốm và tâm trạng cô đơn ở tuổi xế tà bên kia dốc cuộc đời của Chí. Nghĩa là những yếu tố này, tự chúng – dù trong thế hợp lực – cũng không thể đủ sức thanh lọc Chí nếu như không có những cơn đói tình người thuở ấu thơ, và nếu như những cơn sóng ngầm của cồn cào nỗi đau trống vắng trong Chí ở đoạn từ khi ra tù đến khi gặp thị Nở đã hoàn toàn nguội tắt. Những khát khao làm lành với con người, giao cảm với con người vẫn vô cùng mạnh mẽ và hằng thường trong con người thứ hai của Chí ẩn trong tiếng chửi nên khi gặp thị Nở, với quan hệ nhục cảm, với tình thương, hương người trong bát cháo hành (cộng thêm nỗi cô đơn trong sự cảm nhận về tuổi già và trận ốm), Chí đã vồ vập ngay. Đấy là hành vi ứng xử của con người bên lề chết khát, chết đói. Được thuốc trị đúng bệnh, Chí bắt đầu thấy bâng khuâng, ăn năn, và những ước mơ có vẻ tầm thường nhưng tội nghiệp, lương thiện xưa lại thấp thoáng hiện về trong hình ảnh chồng làm thuê cuốc mướn, vợ dệt vải…

Thị Nở là một điều kiện quan trọng và cần thiết để con người thứ hai chìm khuất trong Chí có dịp ngoi lên, phô mình, hiển lộ. Nhưng tai sao Nam Cao lại xây dựng hình tượng thị Nở như thế? Xây dựng thế để làm gì? Hiệu quả ra sao? Thị Nở là hình tượng độc đáo hàm chứa những dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Nói cách khác thì thi pháp thị Nở chịu sự qui chiếu của thi pháp hình tượng Chí Phèo. Để nhấn mạnh nỗi khát thèm hơi ấm của con người ở Chí sâu sắc và mãnh liệt, Nam Cao không ngần ngại đẩy thị Nở về phía những đầu mút cực đoan của cái xấu, cái dở khi ông thể hiện cái nhìn nghệ thuật của mình về thị Nở ở ba điểm nhìn: xấu ma chê quỉ hờn, nhà có mả hủi, dở hơi. Cả ba đặc điểm này đều tập trung triệt tiêu những khả năng thị Nở làm vợ của một người bình thường. Nam Cao còn cụ thể hóa ba đặc điểm trên bằng những chi tiết cá biệt để tạo nên cảm giác ớn sợ, kinh hãi.

Thế nhưng Chí vẫn yêu, vẫn khát khao giá thế này mãi thì thích nhỉ, vẫn muốn cùng thị Nở ở một nhà cho vui, và Chí bỗng nhiên lột xác thành trẻ thơ trong veo, lương thiện khi hắn thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng thị như với mẹ. Đến đây, tuổi thơ số không và cơn khát thèm mẹ của Chí lộ nguyên hình! Một chi tiết không ngẫu nhiên nữa là năm ngày đêm đôi lứa xứng đôi này ở với nhau, đó là con số của thời gian nghệ thuật vừa đủ để con người quỉ dữ sau khi nếm trải tình đời, tình người trong nhục cảm thật lòng, sự ân cần chăm sóc được kết tụ qua hình tượng bát cháo hành và bộc bạch ngôn từ của ước mơ tội nghiệp… trở thành một người hoàn toàn khác. Cũng với chừng ấy thời gian, những năng giới được khơi tỏa, thanh lọc nên Chí mới cảm nhận được những âm vang của những người đi chợ Nam Định về kháo chuyện giá cả, của tiếng chim hót, của tiếng người đánh cá gõ thuyền trên sông. Trong thời gian ấy, Chí dường như lần đầu tiên trong đời được làm chủ về lời nói của mình, hành vi của mình, tư tưởng của mình.

Trong quan niệm của Hêghen về con người trong nghệ thuật thì con người như thế mới là tinh thần: Trong khi tồn tại với tính cách một đối tượng của tự nhiên, đồng thời y còn tồn tại cả cho mình nữa: y tự ngắm nhìn mình, quan niệm về mình, suy nghĩ và chỉ qua cái hoạt động tồn tại vì mình như thế y mới là tinh thần. Còn theo M.Bakhtin, đây chính là kiểu cá thể hình tượng mới và cao nhất, sẽ làm thay đổi tính chất của hình tượng con người: Trong tiểu thuyết, con người được giao cho tính chủ động về tư tưởng và ngôn ngữ, tính chủ động này sẽ làm thay đổi tính chất của hình tượng con người (kiểu cá thể hóa hình tượng mới và cao nhất).

Chí chầm vập thị Nở, nhưng hoàn toàn không phải chỉ là chiếm đoạt để thỏa mãn nhu cầu nhục cảm nhất thời, mà cái quan trọng nhất Chí cảm nhận được từ mối quan hệ này là tình người, hơi ấm đồng loại. Điều đó là cơn khát mạnh nhất luôn triền miên trong dòng chảy tâm thức của Chí từ sự ám ảnh không cha không mẹ, ám ảnh bởi cái lạnh của lò gạch bỏ không, của nhưng con số không hãi hùng như một hằng số liên tiếp trong đời mình.

Như vậy, Nam Cao xây dựng nhân vật thị Nở với dụng ý không chỉ tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời Chí, mà chủ yếu là để thể hiện nỗi mong ước, khát khao làm người trong con người thứ hai của Chí mạnh mẽ biết bao, bởi thị Nở xấu như thế, tệ như thế, dở như thế mà Chí vẫn yêu và yêu một cách thành thực, yêu và hướng về mong ước vợ chồng rất đáng cảm thương, trân trọng. Xét về ý nghĩa thi pháp, hình tượng thị Nở chính là phép thử, điều kiện, chất xúc tác để con người thứ hai trong Chí hiển lộ một cách thuyết phục, biện chứng. Tất cả được đặt trên cái nền hoang lạnh với vườn chuối, bãi sông, ánh trăng của không gian nghệ thuật một cách hiệu ứng, phù hợp. Nhưng tình yêu tan vỡ, thị Nở bội tình, cái nhịp cầu mà Chí những tưởng sẽ nối đến bờ lương thiện của loài người gãy gục chóng vánh đến mức làm Chí sững sờ.

Đến đây, sự bừng tỉnh trong Chí vọt trào sau sự ngỡ ngàng thoáng chốc: không thể lương thiện được nữa rồi. Hành vi Chí tự sát sau khi giết bá Kiến là điểm gặp cuối cùng trong một cuộc quyết đấu gay gắt và căng thẳng của hai con người trong Chí: con người ác thú và con người lương thiện đã xung đột ở đỉnh điểm mâu thuẫn, con người lương thiện đã chiến thắng qua nhát dao kết liễu con người quỷ dữ, tha hóa, vô lương. Chí gục ngã nhưng với tay về phía cõi người, nhoài người về phía thiên lương. Chí không gục ngã trước cái ác mà trước cánh cửa lương thiện với một khát khao hoàn lương mãnh liệt vô bờ. Con người thứ nhất bị kết liễu và con người thứ hai hoàn toàn hiển lộ, bừng sáng, trong veo vẻ đẹp nhân văn. Với điều ấy, Nam Cao đã sinh hạ con người ngay trong chính con người. Đó là đặc điểm cao nhất của chủ nghĩa nhân đạo. Với thi pháp xây dựng hình tượng Chí Phèo, Nam Cao đã đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực. Theo Dotstoievski, việc miêu tả con người trong con người và các chiều sâu của tâm hồn con người chính là đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực trong ý nghĩa cao nhất: Trong chủ nghĩa hiện thực đầy đủ phải tìm thấy con người trong con người (…) người ta gọi tôi là nhà tâm lí: không đúng, tôi chỉ là nhà hiện thực chủ nghĩa trong ý nghĩa cao nhất, tức là tôi miêu tả tất cả các chiều sâu của tâm hồn con người.
.
Cái tài của người nghệ sĩ khi sáng tạo hình tượng là phải tạo nên được một cấu trúc hệ thống thẩm mĩ sao cho các yếu tố tương tác được với nhau mà vẫn rất tự nhiên, không hề gượng ép giữa các tầng nổi và chìm, khuất và lộ, hiển và hàm… Có như thế thì hình tượng mới thoát ra được khỏi cấp miêu tả trực cảm có tính xã hội học, mới bước sang được địa hạt thẩm mĩ, tư tưởng của văn chương; mới bao hàm được ý niệm trong trực cảm, triết luận trong tường thuật, đánh giá trong miêu tả…

Nam Cao đã làm được điều đó khi sáng tạo hình tượng Chí Phèo – một nhân vật hiện thực đặc sắc – trong điểm nhìn nghệ thuật ở hai không gian nghệ thuật song hành, tương giao, ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau hết sức biện chứng. Không gian nổi là không gian địa lí với các quan hệ xã hội của Chí trên nền làng Vũ Đại ngày ấy. Ở không gian này, mâu thuẫn, tính kịch được tạo ra từ mối quan hệ giữa Chí Phèo với bá Kiến và thị Nở. Không gian chìm là không gian tâm cảm của Chí về thân phận, nỗi niềm, về sự thiếu khát tình người, về nỗi uất ức, căm thù nhưng không thể trả thù (cho đến trước cái chết). Đó là không gian trống trụi, hoang lạnh nhưng luôn cuộn sóng. Cái không gian thứ nhất mà Chí tồn tại cho ta dáng nét ngoại hình, ứng xử, hành xử của Chí trong cái vòng luẩn quẩn tay đánh lấy chân bởi tại người ta; cái không gian thứ hai chỉ độc mỗi Chí Phèo – hệ quả của một Chí Phèo thứ hai có được một phần từ những thiếu vắng và va đập, xung đột trong không gian thứ nhất, và phần khác là sức mạnh thiên lương vốn có trong con người luôn chòi giẫy, quẫy đạp.

Không gian này không biên giới, không chiều kích. Trong hai không gian đó, hai con người xuất hiện, lúc thì con người bề mặt lên tiếng, lúc thì con người bên trong quằn quại. Độ đậm nhạt của mỗi con người không đều nhau ở mỗi chặng đời của Chí. Mâu thuẫn, tính kịch ở không gian thứ hai này chính là sự xung khắc giữa cái ác và cái thiện ngay trong con người Chí. Lộ trình phát triển của nó sẽ dẫn tới xung đột mất còn. Do vậy, sự gặp gỡ qua lô gích phát triển tính cách trong cuộc quyết đấu sinh tử ở điểm cuối của hai con người trong Chí tại nhà bá Kiến là chung cục tất yếu của đỉnh điểm mâu thuẫn khi Chí nhận rõ bi kịch không thể lương thiện được nữa của mình.

Thi pháp xây dựng và diễn trình đặc điểm, lô gích tính cách nhân vật Chí Phèo từ cái nhìn và những điểm nhìn nghệ thuật như thế cho phép Nam Cao dùng lời văn đa giọng điệu của lối trần thuật trầm tĩnh, sắc lạnh; giấu nỗi đau trong ngôn từ đa thanh, đa trị; giấu cái bi sau cái hài; ẩn thiên lương của nhân vật dưới bề mặt nham nhở khủng khiếp của quỷ dữ. Lô gich tính cách, tâm trạng Chí phát triển trong sự chi phối nghiêm ngặt của hiện thực nên Nam Cao hoàn toàn không cần đến trữ tình ngoại đề, và việc gọi Chí là hắn, thằng này, bá Kiến bằng cụ mang tính lưỡng trị càng đẩy cao tính khách quan của sự việc, sức chinh phục của hình tượng. Qua đó, tác giả của kiệt tác này đã chuyển việc kể và tả một cách trực cảm về cuộc đời con người xã hội học trong một không gian địa lí, thời gian lịch sử xác định, hạn hẹp, cụ thể thành một con người văn học với bi kịch sâu sắc có tầm phổ quát sâu rộng mang tính nhân loại; chuyển con người vật chất thành con người tinh thần, tư tưởng.

Con người, không gian và thời gian xã hội, địa lí, lịch sử của Chí Phèo là chất liệu, điều kiện để đẩy tới điểm đến của một tư tưởng nhân văn sâu sắc và cao đẹp. Cái lô gích tính cách của nhân vật chinh phục người đọc một cách thấm thía, hiệu quả và người đọc thấy lấp lánh giá trị ý niệm đằm sâu bên trong giá trị trực cảm của nhân vật: bi kịch đau đớn cho cái giá làm người, sức mạnh to lớn của hai tiếng con người, cõi người. Đó là bi kịch khát thèm lương thiện mà không được lương thiện, khát thèm hơi người mà bị đẩy ra ngoài cõi người, ghê sợ cái xấu nhưng phải làm điều xấu. Chí Phèo rơi vào bi kịch tha thóa nhân cách, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Cuộc quyết đấu cam go, sinh tử giữa Con Người và quỉ dữ mà phần thắng cuối cùng thuộc về Con Người. Nam Cao thực sự đã khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có như chính tuyên ngôn của ông.

Truyện ngắn Chí Phèo đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Chủ đề chính của câu chuyện này là phê phán xã hội phong kiến ngày xưa. Trong truyện, có những sự xuất hiện của con người và nhân vật. Hơn nữa, nhà văn Nam Cao đã đề cao và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của Chí Phèo – Thị Nở. Câu chuyện này đã nói lên sự xung đột vô cùng quyết liệt của các tầng lớp khác nhau trong xã hội phong kiến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang