dia-du-nuoc-ta-tho-van-ho-chi-minh

Địa dư nước ta – Thơ văn Hồ Chí Minh

Địa dư nước ta – Thơ văn Hồ Chí Minh

Dân ta phải biết nước ta,
Một là yêu nước, hai là trí tri.
Hai mươi bảy tỉnh Bắc Kỳ,
Sáu tỉnh thì ở biên thuỳ Trung Hoa.
Lai Châu, Lao Kay không xa,
Hà Giang kề đó bước qua Cao Bằng.
Lạng Sơn một tỉnh vắt ngang,
Xuống gần miền bể rõ ràng Mông Cay (Moncay).
Gần bể mấy tỉnh đẹp thay,
Quảng Yên nhiều cá không tày Kiến An.
Thái Bình từ đó đi sang,
Năm mươi cây số bước sang Ninh Bình.
Hạ du mấy tỉnh xinh xinh
Nam Định, Phủ Lý đi quành Hưng Yên.
Hải Dương, Hà Đông gần miền,
Đi qua Hà Nội đến liền Bắc Ninh.
Bắc Giang non nước hữu tình,
Đi quanh trở lại là thành Sơn Tây.
Phúc Yên cũng ở gần đây,
Vĩnh Yên, Phú Thọ xưa nay kề liền.
Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên,
Đi lên Bắc Kạn là miền thượng du.
Sơn La xa cách mịt mù,
Theo sông Đà xuống, vào khu Hoà Bình.
Hải Phòng cửa bể xinh xinh,
Thuyền bè đi lại linh đình bán buôn.
Mười một vạn rưỡi dặm vuông,
Nhân dân thì có tám hơn triệu người.

Trung Kỳ một dải đất dài,
Bên đông biển rộng, bên đoài rừng xanh.
Thanh Hoá phong cảnh đẹp xinh,
Nghệ An, Hà Tĩnh tục danh Lam Hồng.
Quảng Bình, Quảng Trị vào trong,
Thừa Thiên có Huế cũng không xa gì.
Quảng Nam, Quảng Ngãi gần kề,
Muốn vào Bình Định đi về cũng mau.
Phú Yên trước, Khánh Hoà sau,
Người ta thường gọi Sông Cầu, Nha Trang.
Ninh Thuận tỉnh lý Phan Rang,
Bình Thuận, Phan Thiết gọi thường sử nhau.
Mười ba tỉnh ấy trung châu,
Lại còn năm tỉnh thượng du cũng gần:
Đi từ cửa bể Quy Nhơn,
Bảy mươi cây số đến phần Gia Lai.
Kông Tum tiếp giáp tỉnh này,
Qua Ban Mê Thuột một ngày tới nơi.
Muốn tìm mát mẻ thảnh thơi,
Thì qua Đà Lạt mà chơi cũng gần.
Đường theo sườn núi xoay vần,
Di Linh đi xuống nóng dần tăng lên.
Ấy mười tám tỉnh dưới trên,
Còn ba hải cảng kể tên sau này:
Quy Nhơn, Đà Nẵng là hai,
Nhưng mà tốt nhất mai này: Cam Ranh.
Nước non non nước hữu tình,
Trung Kỳ sáu triệu dân sinh còn thừa.

Vào Nam thì đến Biên Hoà,
Rồi qua Gia Định cũng là xinh xinh.
Thủ Dầu Một đến Tây Ninh,
Đi xuống Bà Rịa gần quành Tân An.
Mỹ Tho, Gò Công một đàng,
Bến Tre, Sa Đéc đồng hàng Vĩnh Long.
Châu Đốc địa thế nhiều sông,
Hà Tiên gần bể đi gần Long Xuyên.
Cần Thơ, Rạch Giá gần miền,
Sóc Trăng đi xuống gần liền Bạc Liêu.
Cà Mau gần bể, cá nhiều,
Nam Kỳ mấy tỉnh thương yêu một nhà.
Sài Gòn, Chợ Lớn phồn hoa,
Đều là lãnh thổ nước nhà Việt Nam.

1942

Ghi chú: Để bồi dưỡng lòng yêu nước và nâng cao sự hiểu biết về địa dư nước ta cho quần chúng cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã soạn một bài diễn ca dài với nhan đề Địa dư nước ta. Bài diễn ca này có phần mở đầu, tiếp theo là địa dư từng tỉnh, như Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Vĩnh Yên, Thái Bình, Sơn Tây, Hà Nam, Lai Châu, v.v… mỗi tỉnh một bài, cuối cùng là kết luận. Tập hồi ký Được gặp Bác (NXB Dân tộc, Việt Bắc, 1970) còn cho biết thêm Người “đã soạn riêng 28 bài địa dư của 28 tỉnh Bắc Kỳ bằng văn vần để quần chúng cách mạng dễ thuộc, dễ nhớ”. Trong các đoạn diễn ca này, tất cả những số liệu về số tỉnh, diện tích, số người, số lượng và tên các dân tộc, tên các địa phương,… đều của thời kỳ trước năm 1945. Đoạn trích ở đây là đoạn mở đầu của bài, theo tư liệu của Lê Khánh Soa.

Nguồn:

1. Thơ Hồ Chí Minh, NXB Nghệ An, 2005
2. Tổng tập Văn học Việt Nam (tập 38), NXB Khoa học Xã hội, 2000

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang