Quốc tế ca – Thơ văn Hồ Chí Minh
Điệp khúc:
Trận này là trận cuối cùng
Ầm ầm đoàn lực, đùng đùng đảng cơ,
Lanhtécnaxiônanlơ
Ấy là nhân đạo, ấy là tự do.
Đoạn I:
Hỡi ai nô lệ trên đời,
Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên!
Bất bình này chịu sao yên,
Phá cho tan nát một phen cho rồi!
Bao nhiêu áp bức trên đời,
Sạch sành sanh phá cho rồi mới tha!
Cuộc đời này đã đổi ra,
Xưa kia con ở nay là chủ ông!
Đoạn II:
Công nông ta có đảng to,
Có nhờ ta mới có kho có tài.
Trời sinh đất để cho người,
Những đồ lười biếng thì mời đi đi,
Những đồ ǎn xổi ở thì,
Mình làm chúng hưởng lẽ gì xưa nay.
Nếu đem diệt sạch lũ này,
Mặt trời vẫn cứ ngày ngày xuân dung!
Đoạn III:
Việc ta ta phải gắng lo,
Chẳng nhờ trời phật chẳng nhờ thần linh.
Công nông mình cứu lấy mình,
Sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền.
Muốn cho đánh đổ cường quyền,
Tự do bình đẳng vẹn tuyền cả hai.
Thụt lò ta phải ra tay,
Sắt kia đang nóng đập ngay mà dùng!
Ghi chú:
Bài thơ Quốc tế (L’internationale) được sáng tác năm 1871 bởi nhà cách mạng vô sản Pháp Eugène Pottier (1916-1887). Năm 1888, nhạc sĩ Pierre Degeyter (1948-1932), người phụ trách Đội hợp xướng Tiếng nói Công nhân ở thành phố Lille (Pháp) đã phổ nhạc bài thơ thành bài hát Quốc tế ca, sau đó được lan truyền rất nhanh ở Pháp, qua Bỉ rồi trở thành một bản hành khúc chiến đấu của các chiến sĩ cộng sản và tất cả những người dân lao động trên toàn thế giới. Bài hát tiếp tục được phổ biến khắp châu Âu.
Sức truyền cảm của điệu nhạc và lời ca đã có sức cổ vũ, động viên, kêu gọi mạnh mẽ. Các đại biểu đi dự Quốc tế Cộng sản vào dầu thế kỷ XX đã học thuộc đem về phổ biến ở đất nước mình. Sau Cách mạng XHCN Tháng mười Nga (1917), chính quyền Xô Viết lấy Quốc tế ca làm quốc ca Liên Xô cho đến năm 1944 sau khi chấp nhận bản quốc ca mới của nhạc sĩ Alexandrov, Đảng Cộng sản Liên Xô quyết nghị giữ bài Quốc tế ca làm Đảng ca.
Ở Việt nam, một số đoạn bài thơ Quốc tế được Hồ Chí Minh phỏng dịch năm 1925 và in trên một số báo bí mật của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội là Thanh niên và Công nông vào năm 1927. Các bản dịch khác nhau đã được các đồng chí đảng viên thống nhất, hoàn chỉnh lại như lời ca hiện nay.
Nguồn: Thơ ca cách mạng, 1925-1945, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr.111-112