Thuyết minh một thể loại văn học.
I. TỪ QUAN SÁT ĐẾN MÔ TẢ, THUYẾT MINH ĐẶC ĐIỂM MỘT THỂ LOẠI VĂN HỌC
Đề bài: “Thuyết minh đặc điểm thể thơ thất ngôn bát cú”.
1. Quan sát.
Đọc kĩ hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn rồi trả lời câu hỏi.
a) Mỗi bài thơ có mấy dòng, mỗi dòng có mấy chữ (tiếng)? Số dòng số chữ ấy có bắt buộc không? Có thể tuỳ ý thêm bớt được không?
b) Tiếng có thanh huyền và thanh ngang gọi là tiếng bằng, kí hiệu là B, các tiếng có thanh hỏi, ngã, sắc, nặng gọi là tiếng trắc, kí hiệu là T. Hãy ghi kí hiệu bằng, trắc cho từng tiếng trong hai bài thơ đó.
c) Nhận xét quan hệ bằng trắc giữa các dòng với nhau, biết rằng nếu dòng trên tiếng bằng ứng với dòng dưới tiếng trắc thì gọi là “đối” nhau, nếu dòng trên tiếng bằng ứng với dòng dưới cũng tiếng bằng thì gọi là “niêm” với nhau (dính nhau). Dựa vào kết quả quan sát, hãy nêu mối quan hệ bằng trắc giữa các dòng.
d) Vần là bộ phận của tiếng không kể dấu thanh và phụ âm đầu (nếu có). Những tiếng có bộ phận vần giống nhau, ví dụ: an, than, can, man,… là những tiếng hiệp vần với nhau. Vần có thanh huyền hoặc thanh ngang gọi là vần bằng, vần có thanh hỏi, ngã, sắc, nặng gọi là vần trắc. Hãy cho biết mỗi bài thơ có những tiếng nào hiệp vần với nhau, nằm ở vị trí nào trong dòng thơ và đó là vần bằng hay trắc.
e) Thơ muốn nhịp nhàng thì phải phải ngắt nhịp, chỗ ngắt nhịp đọc hơi ngừng lại một chút trước khi đọc tiếp đến hết dòng. Chỗ ngắt nhịp cũng đánh dấu một chỗ ngừng có nghĩa. Hãy cho biết câu thơ bảy tiếng trong bài ngắt nhịp như thế nào.
2. Lập dàn bài
a) Mở bài
Nêu một định nghĩa chung về thể thơ thất ngôn bát cú.
b) Thân bài
Nêu các đặc điểm của thể thơ:
– Số câu, số chữ trong mỗi bài;
– Quy luật bằng trắc của thể thơ;
– Cách gieo vần của thể thơ;
– Cách ngắt nhịp phổ biến của mỗi dòng thơ.
c) Kết bài
Cảm nhận của em về vẻ đẹp, nhạc điệu của bài thơ.
Ghi nhớ:
– Muốn thuyết minh đặc điểm một thể loại văn học (thể thơ hay văn bản cụ thể), trước hết phải quan sát, nhận xét, sau đó khái quát thành những đặc điểm.
– Khi nêu các đặc điểm, cần lựa chọn những đặc điểm tiêu biểu, quan trọng và cần có những ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ các đặc điểm ấy.
II. LUYỆN TẬP.
1. Hãy thuyết minh đặc điểm chính của truyện ngắn trên cơ sở các truyện ngắn đã học: Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng.
2. Đọc tài liệu tham khảo sau để tìm thấy những gợi ý cần thiết cho việc lập dàn bài và viết bài.
TRUYỆN NGẮN
Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Do đó truyện ngắn thường ít nhân vật và sự kiện.
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy những khoảnh khắc, những “lát cắt” của cuộc sống để thể hiện. Kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm bật ra chủ đề. Do đó mà truyện ngắn thường là ngắn.
Truyện ngắn tuy ngắn nhưng có thể đề cập tới những vấn đề lớn của cuộc đời. Tác phẩm của nhiều bậc thầy trong thể loại này đã cho ta biết điều đó.
(Theo Từ điển văn học)