»» Nội dung bài viết:
Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội
I – TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG
Quan sát những từ in đậm trong các ví dụ sau và trả lời câu hỏi.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
(Hồ Chí Minh)
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào.
(Tố Hữu)
“Bắp” và “bẹ” ở đây đều có nghĩa là “ngô”. Trong ba từ bắp, bẹ và ngô, từ nào là từ địa phương, từ nào sử dụng phổ biến trong toàn dân?
* Ghi nhớ: Khác với từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định. |
II- BIỆT NGỮ XÃ HỘI
Đọc các ví dụ sau và trả lời câu hỏi.
a) Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.
Tôi cũng cười đáp lại cô tôi:
– Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)
Tại sao trong đoạn văn này, có chỗ tác giả dùng từ mẹ, có chỗ lại dùng từ mợ? Trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong tầng lớp xã hội nào ở nước ta, mẹ được gọi bằng mợ, cha được gọi bằng cậu?
b)
– Chán quá, hôm nay mình phải nhận con ngỗng cho bài tập làm văn.
– Trúng tủ, hắn nghiễm nhiên đạt điểm cao nhất lớp.
Các từ ngữ ngỗng, trúng tủ có nghĩa là gì? Tầng lớp xã hội nào thường dùng các từ ngữ này?
* Ghi nhớ: Khác với từ ngữ toàn dân, biệt ngữ xã hội chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định. |
III – SỬ DỤNG TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG, BIỆT NGỮ XÃ HỘI
1. Khi sử dụng từ ngữ địa phương hoặc biệt ngữ xã hội, cần chú ý điều gì? Tại sao không nên lạm dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội?
2. Tại sao trong các đoạn văn, thơ sau đây, tác giả vẫn dùng một số từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội?
Đồng chí mô nhớ nữa,
Kể chuyện Bình Trị Thiên,
Cho bầy tui nghe ví
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí
– Thưa trong nớ hiện chừ vô cùng gian khổ,
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri (a).
(Theo Hồng Nguyên, Nhớ)
– Cá nó để ở dằm thượng áo ba đờ suy, khó mõi lắm (b)
(Nguyên Hồng, Bỉ vỏ)
* Ghi nhớ: – Việc sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội phải phù hợp với tình huống giao tiếp. Trong thơ văn, tác giả có thể sử dụng một số từ ngữ thuộc hai lớp từ này để tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật. |
Ghi chú:
(a) Các từ ngữ in đậm là từ địa phương Quảng Bình, Quang Trị, Thừa Thiên – Huế (mô: nào, đâu; bầy tui: chúng tôi; ví: với; nớ: ấy, đó, đấy; hiện chừ: bây giờ; ra ri: như thế này).
(b) Các từ ngữ in đậm là biệt ngữ xã hội (cá: ví tiền; dằm thượng: túi áo trên; mõi: lấy cắp).
IV – LUYỆN TẬP
1. Tìm một số từ ngữ địa phương nơi em ở hoặc ở vùng khác mà em biết. Nêu từ ngữ toàn dân tương ứng.
Mẫu:
– Từ ngữ địa phương:
+ má, u, bầm
+ heo
+ bông
– Từ ngữ toàn dân
+ mẹ
+ lợn
+ hoa
2. Tìm một số từ ngữ của tầng lớp học sinh hoặc của tầng lớp xã hội khác mà em biết và giải thích nghĩa của các từ ngữ đó (cho ví dụ minh hoạ).
3. Trong những trường hợp giao tiếp sau đây, trường hợp nào nên dùng từ ngữ địa phương, trường hợp nào không nên dùng từ ngữ địa phương?
a) Người nói chuyện với mình là người ở cùng địa phương.
b) Người nói chuyện với mình là người ở địa phương khác.
c) Khi phát biểu ý kiến ở lớp.
d) Khi làm bài tập làm văn.
e) Khi viết đơn từ, báo cáo gửi thầy giáo, cô giáo.
g) Khi nói chuyện với người nước ngoài biết tiếng Việt.
4*. Sưu tầm một số câu thơ, ca dao, hò, vè của địa phương em (hoặc của địa phương khác) có sử dụng từ ngữ địa phương.
5. Trao đổi trong nhóm các bài tập làm văn. Đọc và sửa giúp nhau các lỗi lạm dụng từ ngữ địa phương trong mỗi bài tập làm văn.
ĐỌC THÊM
CHÚ GIỐNG CON BỌ HUNG
Một đơn vị bộ đội trên đường hành quân, đến Quảng Bình, vào nghỉ tại nhà một ông cụ. Cụ già thăm hỏi từng chiến sĩ và chăm chú nhìn vào một chiến sĩ da ngăm đen, rồi nói một cách rất tự nhiên:
– Chú này giống con bọ hung
Người chiến sĩ là dân Bắc Bộ, không hiểu tiếng địa phương, lấy làm bối rối. sau đó mới hiểu ý nghĩa của câu nói ấy là: “Chú này rất giống con của bố”.
(Nguyễn Văn Tứ, Chuyện vui ngữ nghĩa)
* Soạn bài:
Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội
1. Từ ngữ địa phương
a. Từ ngữ địa phương là gì?
– Căn cứ vào phạm vi sử dụng, người ta chia thành nhiều lớp từ khác nhau, trong đó có từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương. Từ ngữ toàn dân là từ ngữ được toàn dân sử dụng một cách thống nhất.
– Từ ngữ địa phương là những từ ngữ chỉ được dùng trong phạm vi một hoặc một số địa phương nhất định.
Ví dụ:
– Từ địa phương Bắc Bộ: U (mẹ), giời (trời)…
– Từ địa phương Trung Bộ: mô (nào, chỗ nào), tê (kìa),…
– Từ địa phương Nam Bộ: heo (lợn), thơm (dứa), ghe (thuyền),…
b. Các kiểu từ ngữ địa phương
* Từ ngữ địa phương tương ứng nghĩa với từ ngữ toàn dân:
Ví dụ:
– Từ “ngô” là từ sử dụng phổ biến trong toàn dân.
– Các từ “bắp, bẹ” là từ địa phương.
* Từ địa phương chỉ những sự vật, hiện tượng chỉ có ở một hoặc một số địa phương (khi được sử dụng phổ biến sẽ gia nhập vốn từ toàn dân).
Ví dụ:
– Nam Bộ: sầu riêng, mãng vịt, mù u.
– Trung Bộ: nhút, chẻo – nước mắm.
2. Biệt ngữ xã hội.
Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xây dựng nhất định.
a. Đoạn văn trích trong tác phẩm Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng có hai từ: “mẹ, mợ” là tiếng gọi “mẹ” trước Cách mạng tháng Tám ở tầng lớp thượng lưu trong thành phố Hà Nội, Nam Định (kể cả tiếng gọi cha bằng “cậu”).
b. “Ngỗng” là bài tập làm văn chỉ đạt điểm 2 (thai hình dáng con ngỗng), còn “trúng tủ” là bài tập làm văn hay bài tập nào đó (đề văn, câu hỏi) rơi vào đúng phần ôn tập, đã học kĩ, thuộc bài. Các từ này thường được giới học sinh dùng.
c. Lưu ý: Biệt ngữ khác với từ nghề nghiệp: Từ nghề nghiệp là những từ biểu thị công cụ, sản phẩm lao động, quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ này chủ yếu được lưu hành và sử dụng trong những người cùng làm một nghề.
Ví dụ:
– Nghề dệt: xa, ống, suốt, thoi, go, hồ sợi, đánh suốt, sợi mộc, sợi hồ,….
– Nghề làm mòn: móc, lá, vanh, bắt vanh,…
3. Sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội.
– Câu 1: Từ địa phương này gây khó hiểu cho những người ở địa phương khác, cho nên, khi giao tiếp với người địa phương khác nên tránh dùng từ địa phương và thay bằng từ toàn dân. Nhưng trong văn thơ, dùng từ địa phương đúng chỗ và đúng mức có thể tạo cho tác phẩm có những màu sắc riêng thú vị.
– Câu 2: Trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, do ảnh hưởng của ngôn ngữ văn học, một số từ địa phương bị hạn chế phạm vi sử dụng. Ngược lại, một số từ địa phương dần dần trở thành từ toàn dân. Các từ trong đoạn thơ của Hồng Nguyên và Nguyên Hồng thật ra cũng đã dể hiểu như: tui (tôi), ví (với), hiện chừ (bây giờ), ra ri (như thế này).
Các từ “dằm thượng” (túi áo trên), mõi (lấy trộm) là tiếng lóng riêng của một lớp người nào đó. Đó là biệt ngữ xã hội.
II. Rèn luyện kỹ năng
Câu 1: Tìm một số từ ngữ địa phương nơi em ở hoặc vùng khác mà em biết. Nêu từ những địa phương tương ứng (nếu có).
Mẫu: nhút (Nghệ Tĩnh), mãng cầu (Nam Bộ), bánh cáy (Thái Bình). Đây là những từ chỉ tên những sản phẩm duy nhất có ở địa phương, cho nên không có từ toàn dân tương ứng.
Câu 2: Tìm một số biệt ngữ xã hội mà em biết, giải thích nghĩa của những từ đó và đặt câu.
– Giới chọi gà: chầu (hiệp), chêm (đâm cựa), chiến (đá khoẻ), dốt (nhát)…
– Của học sinh: ngỗng (điểm hai), quay (nhìn, sao chép tài liệu), học gạo (học nhiều, không còn chú ý đến việc khác)…
Đặt câu: Con lông trì và con lông cảo bắt đầu vào chầu hai.
Câu 3: Từ toàn dân tương ứng với:
a. Từ địa phương Bắc Bộ: giăng – trăng; thấm chớp – sấm chớp, thâu róm – sâu róm.
b. Từ địa phương Nam Bộ: anh hai – anh cả; bàn ủi – bàn là; cây viết – cây bút; đậu phộng – đậu tương; hột gà – trứng gà…
c. Từ địa phương Trung Bộ: nác – nước, tru – trâu, nỏ – không, thẹn – xấu hổ.
Câu 4: “Khái” là từ địa phương miền Trung Trung Bộ, cọp là từ toàn dân, hổ là từ toàn dân.