Ôn tập phần văn học (học kì I) – SGK Ngữ văn 12, tập 1

Ôn tập phần văn học (học kì I)

I – NỘI DUNG ÔN TẬP

Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập một gồm một số tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX. Nội đung của phần này có mấy điểm cần lưu ý:

1. Về bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Điều quan trọng nhất là phải hiểu được hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước ta từ năm 1945 đến năm 1975 (hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt) để có thể giải thích được các đặc điểm cơ bản của văn học, nắm được tiêu chí đánh giá thành tựu và những hạn chế khó tránh khỏi của giai đoạn văn học này theo quan điểm lịch sử.

Về giai đoạn văn học từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX, cần nắm được hoàn cảnh lịch sử, xã hội và những chuyển biến bước đầu của giai đoạn văn học này về các mặt: quan điểm sáng tác của nhà văn, những đổi mới về thể loại sáng tác và lí luận, phê bình văn học.

2. Về hai bài có tính chất khái quát về tác giả văn học: Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Hai bài này đều gắn với những bài học về tác phẩm cụ thể của các tác giả nói trên. (Hồ Chí Minh gắn với bài học về Tuyên ngôn Độc lập, Tố Hữu gắn với bài học về Việt Bắc).

Đối với nền văn học Việt Nam hiện đại, Hồ Chí Minh là một tác giả xuất hiện khá sớm với những truyện ngắn, kí và văn chính luận viết bằng tiếng Pháp từ đầu những năm hai mươi của thế kỉ XX. Tuyên ngôn Độc lập của Người là áng văn mở nước, đồng thời cũng mở đầu thời kì văn học từ sau Cách mạng tháng Tám. Sáng tác văn học của Người, từ truyện, kí, văn chính luận đến thơ ca, có vị trí quan trọng đối với nền văn học hiện đại Việt Nam. Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất, đồng thời là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Khi ôn tập về tác giả Hồ Chí Minh, cần lưu ý: quan điểm sáng tác nhất quán; sự nghiệp văn học đa dạng, phong phú; phong cách nghệ thuật độc đáo.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng. Ông là nhà thơ trữ tình – chính trị lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam mà mỗi chặng đường thơ đều gắn bó mật thiết với chặng đường cách mạng. Khi ôn tập về tác giả Tố Hữu, cần nắm vững: ông là nhà thơ trữ tình – chính trị lớn của thời đại mới, chủ đề xuyên suốt đời thơ của ông là ca ngợi lí tưởng cộng sản, nét nổi bật của phong cách nghệ thuật là đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống.

3. Các tác phẩm được chọn học chính thức hay đọc thêm thuộc nhiều thể loại khác nhau: thơ, văn chính luận, hồi kí, tuỳ bút, văn nhật dụng.
Ngoài những tác phẩm văn học Việt Nam, sách giáo khoa còn chọn để đọc thêm bài Đô-xtôi-ép-xki (X. Xvai-gơ), Tự đo (P. Ê-luy-a).

Khi ôn tập các tác phẩm này, cần nắm vững đặc trưng của từng thể loại văn học để vận dụng vào việc đọc tác phẩm. Đồng thời, cũng nên so sánh những tác phẩm cùng thể loại để nhận rõ hơn những nét riêng về phong cách của mỗi tác phẩm. Ví dụ: So sánh đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm với bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (thơ); so sánh Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường với Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân (tuỳ bút),…

II – PHUƠNG PHÁP ÔN TẬP

Học sinh có thể vận dụng những hình thức ôn tập sau:
– Làm bài tập tại lớp.
– Thuyết trình.
– Thảo luận ở lớp (có thể theo từng nhóm).
– Viết bào.

Có thể lập đề cương ôn tập theo hệ thống các vấn đề và câu hỏi sau:

1. Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX (những giai đoạn và thành tựu chủ yếu của từng giai đoạn)?
2. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975?
3. Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh? Chứng minh mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.
4. Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn Độc lập (căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn)? Phân tích nội dung và hình thức của tác phẩm để làm rõ Tuyên ngôn Độc lập vừa là một áng văn chính luận mẫu mực vừa là một áng văn chan chứa những tình cảm lớn.
5. Vì sao nói Tố Hữu là nhà thơ trữ tình – chính trị? Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.
6. Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
7. Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đô-xtôi-ép-xki (X. Xvai-gơ).
8. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (so sánh với hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu).
9. Những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước quê hương qua bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)?
10. Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?
11. Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ Dọn về làng (Nông Quốc Chấn), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đò Lèn (Nguyễn Duy) và Bác ơi! (Tố Hữu).
12. So sánh Chữ người tủ tù (Ngữ văn 11, tập một) với Người lái đò Sông Đà, nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
13. Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Lưu ý: Về những tác phẩm khác, học sinh dựa vào Hướng dẫn học bài và Hướng dẫn đọc thêm để ôn tập.


* Soạn bài.

Ôn tập phần văn học (học kì I)

Câu 1:

Xem lại câu 1, câu 2 bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Câu 2:

Xem lại câu 3 bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Câu 3:

– Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh và mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người. Xem lại câu 1 bài soạn về Tuyên ngôn Độc lập: Tác giả Hồ Chí Minh.

Câu 4: Mục đích và đối tượng của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh?

– Mục đích:

+ Khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đồng thời còn là một cuộc đấu tranh nhằm bác bỏ lí lẽ của thực dân Pháp xâm lược, của đế quốc Mĩ,…
+ Tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc VN.

– Đối tượng:

+ Quốc dân đồng bào.
+ Nhân dân thế giới.
+ Các nước thực dân, đế quốc.

Câu 5:

– Vì sao Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị?

+ Tố Hữu là một thi sĩ – chiến sĩ, một kiểu mẫu nhà văn – chiến sĩ thời đại cách mạng, cho những nhiệm vụ chính trị cơ bản của mỗi giai đoạn cách mạng.

+ Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước từ tình cảm chính trị của bản thân nhà thơ. Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng và cuộc sống cách mạng. Những bài thơ hay nhất của ông thường có sự kết hợp cả ba phương diện: lẽ sống cách mạng, niềm vui lớn và ân tình cách mạng.

– Khuynh hướng sử thi & cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. Điều đó thể hiện ở những phương diện sau:

+ Thơ Tố Hữu tập trung thể hiện những vấn đề trọng đại, có ý nghĩa sống còn của cả cộng đồng, của cách mạng và dận tộc. Cảm hứng chủ đạo trong thơ TH là cảm hứng lịch sử – dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự, cảm hứng đời tư.

+ Con người trong thơ Tố Hữu chủ yếu được nhìn nhận từ nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp, cho khí phách của cả cộng đồng, của dân tộc. Nhiều nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu mang tầm vóc của lịch sử và thời đại như hình tượng anh giải phóng quân, mẹ Suốt,…

+ Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu, từ buổi đầu đến với cách mạng là cái tôi chiến sĩ, sau đó là cái tôi – công dân mang hình thức cái tôi trữ tình nhập vai. Từ cuối tập Việt Bắc đến Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa,… cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu chủ yếu là cái tôi nhân danh dân tộc và cách mạng.

– Thơ Tố Hữu cũng rất tiêu biểu cho cảm hứng cách mạng. Đó là cảm hứng lãng mạn cách mạng. Thơ ông tập trung thể hiện vẻ đẹp lí tưởng của con người và cuộc sống mới, thể hiện niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của cách mạng, của đất nước, dẫu hiện tại còn nhiều khó khăn, hi sinh, gian khổ.

Câu 6: Phân tích biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

a. Tính dân tộc trong nội dung của bài thơ Việt Bắc

– Về nội dung biểu hiện, tính dân tộc của tác phẩm văn học bao giờ cũng được bộc lộ trước hết ở việc tác phẩm ấy đề cập tới và thể hiện rõ tính cách của dân tộc, đặc điểm tâm hồn, cốt cách của dân tộc.

+ Đoạn trích đề cập đến một sự kiện lịch sử có tính chất trọng đại của dân tộc.

+ Với bài thơ Việt Bắc, nhất là trong đoạn thơ mở đầu và phần 1, hồn thơ Tố Hữu đã tập trung thể hiện nhiều vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của dân tộc người Việt như: đạo lí uống nước nhớ nguồn, thiết tha gắn bó với nguồn cội, với quá khứ, không bao giờ quên những tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ… Bên cạnh đó còn thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, niềm vui sống, yêu đời, tinh thần đoàn kết đồng lòng chung sức kháng chiến…

– Tính dân tộc còn được thể hiện qua việc Tố Hữu đề cập đến những phương diện đời sống sinh hoạt, đời sống học tập, đời sống công tác, đời sống lao động, cũng như cái dáng tảo tần, lam lũ của một người mẹ miền núi “địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.

– Thể hiện thành công những bức tranh đặc trưng cho thiên nhiên dân tộc: có khi là những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, có khi là kỉ niệm về thiên nhiên hoa với người bên nhau qua 4 mùa độc đáo… Nhưng đặc trưng nhất cho hình ảnh thiên nhiên đất nước Việt Nam vẫn là những địa danh: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre / Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”. Mỗi một hình ảnh thiên nhiên ở đây như đều mang linh hồn thiên nhiên đất Việt, đều gửi gắm một phần linh hồn của dân tộc.

– Hiện thân tiêu biểu nhất, đầy đủ nhất cho tính cách Việt Nam, con người Việt Nam trong kháng chiến chính là hình ảnh Bác Hồ. Chính vì vậy hình ảnh Bác Hồ cũng như chiến khu Việt Bắc đã trở thành những chuẩn mực, những phẩm chất cao quý thiêng liêng nhất để con người ở mọi nơi hướng về noi theo.

b. Tính dân tộc trong nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc

– Thể thơ dân tộc: Thể thơ lục bát được Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn, uyển chuyển và sáng tạo.

– Hình ảnh dân tộc: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; Nhớ người mẹ nắng cháy lưng…

– Lối phô diễn dân tộc: Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu; Mình về mình có nhớ ta…

– Ngôn ngữ dân tộc: Tiêu biểu là cặp đại từ xưng hô ta – mình dùng rất sáng tạo trong bài thơ.

– Nhịp điệu, nhạc điệu dân tộc: khi nhẹ nhàng, thơ mộng, khi đằm thắm, ân tình; khi mạnh mẽ, hùng tráng.

Câu 7.

a, Trong bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” (Phạm Văn Đồng):

Những luận điểm chính của bài viết:

Phần mở đầu: Tác giả nêu luận điểm trung tâm của bài văn: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc phải được tìm hiêu và đề cao hơn nữa.

Phần thân bài: Trình bày những nét đặc sắc về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

– Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước.

– Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

– Luận điểm 3: Giá trị nghệ thuật của tác phẩm Lục Vân Tiên.

Phần kết bài: Tác giả khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng.

Cách sắp xếp các luận điểm như vật là phù hợp với nội dung của bài viết. Cách sắp xếp luận điểm ở trong tác phẩm khác với trật tự thông thường ở chỗ tác giả nói về con người cũng như tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu sau đó mới trình bày những nét đặc sắc trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

b, Trong bài “Mấy ý nghĩ về thơ” (Nguyễn Đình Thi):

Các luận điểm được triển khai:

– Thơ là tiếng nói tâm hồn của con người.

– Hình ảnh, tư tưởng, tính chân thực trong thơ.

– Ngôn ngữ thơ khác các loại hình ngôn ngữ văn học khác như kịch, truyện, kí.

c, Trong bài “Đô-xtôi-ép-xki” (X.Xvai – gơ):

Các luận điểm được triển khai:

– Nỗi khổ vật chất, tinh thần và sự vươn lên của nhà văn.

– Vinh quang và cay đắng trong cuộc đời Đô-xtôi-ép-xki.

– Cái chết của ông và sự yêu mến, khâm phục của nhân dân dành cho Đô-xtôi-ép-xki, tác dụng to lớn tỏa ra từ cuộc đời và văn chương của ông đối với nước Nga.

Câu 8:

a. Nét riêng của hình tượng người lính trong mỗi bài thơ?

– Trong bài thơ Tây Tiến:

+ Người lính Tây Tiến phần lớn là học sinh, sinh viên được khắc hoạ chủ yếu bằng bút pháp lãng mạn: Họ hiện ra trong khung cảnh khác thường, kì vĩ, nổi bật những nét độc đáo phi thường.
+ Hình tượng người lính vừa đẹp lãng mạn, vừa đậm chất bi tráng, phảng phất nét truyền thống của người anh hùng.

– Trong bài thơ Đồng chí:

+ Người lính được khắc hoạ chủ yếu bằng bút pháp hiện thực: hiện ra trong không gian, môi trường quen thuộc, gần gũi, cái chung được làm nổi bật qua những chi tiết chân thực, cụ thể.
+ Người lính xuất thân chủ yếu từ nông dân, gắn bó với nhau bằng tình đồng chí, tình giai cấp. Tình cảm, suy nghĩ, tác phong sống giản dị. Họ vượt qua nhiều khó khăn gain khổ, thực sự là những con người bình thường mà vĩ đại.

b. Nét chung:

– Hình tượng người lính trong hai bài thơ đều là những chiến sĩ sẳn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, xả thân vì Tổ Quốc, xứng đáng là những anh hùng.

– Họ mang những vẻ đẹp của hình tượng người lính trong thơ ca giai đoạn kháng chiến chống pháp và thể hiện cảm hứng ngợi ca của văn học kháng chiến.

Câu 9.

* Khám phá riêng về quê hương, đất nước của Nguyễn Đình Thi.

– Hình ảnh đất nước qua mùa thu của đất nước hai thời điểm lịch sử khác nhau:

+ Mùa thu xưa: đẹp, buồn

+ Mùa thu nay: đẹp, vui

– Đất nước hào hùng trong chiến đấu:

+ Truyền thống bất khuất của ông cha

+ Căm thù giặc, chiến đấu dũng cảm

– Đất nước vinh quang trong chiến thắng

– Cảm xúc thăng hoa trong lý trí

– Hình ảnh thơ chắt lọc từ cuộc sống chiến đấu

* Khám phá riêng về quê hương, đất nước của Nguyễn Khoa Điềm Nguyễn Khoa Điềm tự hào, ngợi ca đất nước và đau thương, bất khuất, anh hùng trong chiến thắng chống Pháp.

– Đất nước bắt đầu từ những gì gần gũi nhất, thân thiết nhất và bình dị nhất trong đời sống vật chất trong đời sống tâm linh của con người.

– Đất nước được cảm nhận từ phương diện địa lý, lịch sử thời gian và không gian.

– Đất nước là nơi thống nhất các yếu tố lịch sử, văn hoá, phong tục.

– Từ sự cảm nhận ấy dẫn đến một thái độ đầy trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Một sự cảm nhận riêng mang tầm thời đại: tư tưởng đất nước của nhân dân.

Nguyễn Khoa Điềm thức tỉnh tuổi trẻ và mỗi người nhận biết về cội rễ và nguồn mạch chính của đất nước, khám phá truyền thống đất nước, của nhân dân.

– Cảm xúc lắng sâu trong nhận thức và trách nhiệm.

– Hình ảnh thơ được khơi nguồn trong ca dao thần thoại

* Kết luận

Nguyễn Khoa Điềm khai thác hình tượng đất nước từ góc nhìn văn hoá dân tộc. Nguyễn Đình Thi lại triển khai góc nhìn từ những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mục đích của Nguyễn Khoa Điềm là để khẳng định tư tưởng: đất nước là của nhân dân, Nguyễn Đình Thi tập trung bút lực để khẳng định tinh thần chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Câu 10.

– Sóng chứa đựng nhiều trạng thái đối lập: “dữ dội”>< “dịu êm”, “ồn ào” >< “lặng lẽ”, sóng “tìm ra tận bể” để tự lý giải → thuộc tính phức tạp và khát khao khám phá trong tình yêu (khổ 1).

– Cũng như sóng, khát vọng tình yêu của tuổi trẻ là muôn đời: “Ngày xưa” – “ngày sau”, “vẫn thế”, “bồi hồi” (khổ 2).

– Sóng song hành và làm nổi bật những băn khoăn của em: “Từ nơi nào sóng lên?”, “Gió bắt đầu từ đâu?”, “Khi nào ta yêu nhau” -> thuộc tính bí ẩn, kì diệu của tình yêu (khổ 3,4).

– “Sóng nhớ bờ”: nỗi nhớ cồn cào bao trùm không gian (“dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”) và thời gian (“ngày đêm”) giống như “em nhớ anh” cả ý thức và vô thức (“cả trong mơ còn thức”), nỗi nhớ là thuộc tính đặc trưng của tình yêu (khổ 5).

– Sóng luôn tới bờ “dù muôn vời cách trở” -> niềm tin vào sức mạnh vượt mọi trở ngại của tình yêu đích thực (khổ 7).

– Khát vọng hòa cái tôi vào cái ta, hòa cá nhân vào cuộc đời chung để bất tử hóa tình yêu gửi gắm trong hình tượng con sóng “Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ” -> khát khao tình yêu sẽ ý nghĩa và còn lại mãi với đời (khổ 9).

⇒ Sóng giúp diễn tả tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, đầy bản lĩnh của người phụ nữ. Đó là một tâm hồn chân thành, đằm thắm, luôn da diết khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc.

Câu 11:

Bài thơ

Nội dung chính

Đặc sắc nghệ thuật

Dọn về làng

Thể hiện nỗi đau của làng bản và tố cáo tội ác của giặc đã chà đạp, giày xéo lên cuộc sống của người dân. Mặt khác, qua đó, nhà thơ thể hiện niềm vui khi đánh đuổi được kẻ thù để người dân quê ông đươc “dọn về làng”.Sử dụng thành công ngôn ngữ và hình ảnh mang đặc trưng phong cách dân tộc miền núi.

Tiếng hát con tàu

Thể hiện sự vận động, phát triển logic của tâm trạng chủ thể trữ tình, đi từ lý tưởng đến khát khao dấn thân, cống hiến; đi từ kỷ niệm, nỗi nhớ đến ước vọng gặp gỡ, trở về. Đối tượng để tác giả bày tỏ những tình cảm thẩm mỹ của mình là đất và người Tây Bắc.Những thủ pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong bài thơ: chất suy tưởng và triết lý, nghệ thuật sáng tạo hình ảnh.

Đò Lèn

Làm sống lại kí ức tuổi thơ và hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng muôn vàn vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi nghịch ngợm; thể hiện tình cảm sâu nặng của tác giả với người bà của mình.

Hình ảnh, nhịp điệu thơ lạ và độc đáo.

Câu 12: Qua truyện ngắn Chữ người tử tù và Người lái đò sông Đà: thống nhất & khác biệt trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân?

– Những điểm thống nhất:
+ Có cảm hứng mãnh liệt trước những cảnh tượng độc đáo, tác động vào giác quan nghệ sĩ.
+ Tiếp cận thế giới thiên về phương diện thẩm mĩ, tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa nghệ sĩ.
+ Ngòi bút tài hoa, uyên bác.

– Những điểm khác biệt: Phong cách nghệ thuật của nhà văn có thể biến đổi khi thế giới quan và tư tưởng của nhà văn thay đổi. Chữ người tử tù và Người lái đò sông Đà thể hiện rất rõ sự biến đổi trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

+ Nếu trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong quá khứ “vang bóng một thời”, thì trong Người lái đò sông Đà, nhà văn đi tìm cái đẹp trong cuộc sống hiện đại.

+ Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đi tìm chất tài hoa nghệ sĩ ở tầng lớp những con người đặc tuyển. Còn trong Người lái đò sông Đà, ông đi tìm chất tài hoa nghệ sĩ trong đại chúng nhân dân. Caí đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông giờ đây là những thành tích của nhân dân trong lao động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang