Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại”
(Nguyễn Khắc Viện)
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả tác phẩm.
+ Nguyễn Khắc Viện là người Hà Tĩnh, học y khoa ở Hà nội và ở Pháp, là bác sĩ nội trú của một bệnh viện tại Pa ri.
+ Ông có nhiều đóng góp cho ngành báo chí, là nhà văn hóa lớn, đóng góp hết mình trong việc làm cho thế giới hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam.
+ Ông là hình mẫu của sự kết hợp hai nền văn hóa Đông – Tây.
- Thân bài:
Bố cục tác phẩm
– Phần 1: Từ đầu đến trưởng thành (nêu những ưu điểm của Nho giáo).
– Phần 2: Còn lại (sự tu dưỡng của bản thân và những bài học rút ra trên con đường phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại).
1. Ưu điểm của Nho giáo.
– Nhắc đến Nho giáo đây là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, đặc biệt tôn giáo này ảnh hưởng đến Việt Nam rất lớn từ đời xa xưa đến nay, đó một phần cũng bị ảnh hưởng và du nhập của văn hóa Trung Quốc thời Bắc thuộc đã mang đạo Nho dẫn vào nước ta.
– Ở đây Nguyễn Khắc Viện đã nói về ưu điểm của Nho giáo như ở Nho giáo thì đặt vấn đề xử thế đầy đủ, rõ ràng hơn những học thuyết khác.
– Tinh thần của Nho giáo có mức độ và ứng xử vừa phải.
– Theo Nho giáo thì vấn đề tu thân và trách nhiệm của con người với xã hội luôn được quan tâm và đề cao.
Theo quan điểm của ông nhìn từ góc độ tu dưỡng đạo đức cá nhân và được trình bày xoay quanh vấn đề đạo lí. Ông là con người có tri thức hiện đại thấm nhuần đọa lý nho giáo, có cốt cách của một nho sĩ chân chính.
– Tính chất nhân bản của đạo Nho “lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc”. Trong chương đầu của cuốn Bàn về đạo Nho, ông viết: “Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại đã tập trung mọi sự chú ý của con người vào những vấn đề thuần tuý của con người. Ông là nhà nhân văn chủ nghĩa đầu tiên theo đúng nghĩa của nó. Đọc lại sách Luận Ngữ, ta thấy hầu hết các câu truyện của ông đều xoay quanh chữ Nhân”.
– Ông không được hiểu nhầm là người sùng đạo Nho, ông chỉ ra đó là “đạo nhà” mà đạo nhà nên noi theo và đi theo để tiến đến thành công. Trong đoạn trích ông cũng đã thanh minh trước tránh dẫn đến sự hiểu lầm rằng: “Tôi không phải là tín đồ của Đạo Nho, cũng không phải là một học giả hiểu thấu Nho học. Tôi thuộc một dân tộc đã mấy trăm năm đã thấm nhuần Đạo Nho, là con một gia đình Nho sĩ, truyền thống ấy nằm trong bản tính, dù có muốn bỏ đi cũng không được. Chỉ cố gắng cần nhận thức ra, cần cố gắng giữ lại những gì, bổ sung những gì”.
– Không thiên quá về đạo Nho nhưng ông cũng đã nhắc đến một số điểm mà ở đạo Nho hơn hẳn hoặc một số đạo có mặt hơn về đạo Nho: “Đạo Nho không giúp gì tôi trong việc chữa bệnh, tôi đã phải học thêm các thuật Yoga của Ấn Độ và khí công nhu quyền của Đạo giáo. Rồi kết hợp với sinh lí hiện đại, thành thuật dưỡng sinh”. Điều này chứng tỏ ông không phải là người sùng đạo Nho mà ông là người tinh tế, nhận biết được những gì tốt, gì sai.
2. Sự tu dưỡng bản thân và con đường phấn đấu trở thành kẻ sĩ hiện đại
Chính kiến và đạo lí trong con người kẻ sĩ.
– Chính kiến được ông đặt ra về quan điểm và thái độ chính trị có thể tháy đổi tùy vào hoàn cảnh xã hội, chứ không bó hẹp vào khuôn khổ nhất định nào đó để đi ngược lại với cái đúng.
+ Theo ông chính trị là cái có tính nhất thời, gắn với những giai đoạn lịch sử cụ thể. Một nền chính trị thay đổi phù hợp với từng trạng thái xã hội, từng thời kì, hoàn cảnh.
+ Việc hoạch định đường lối cho sự phát triển của đất nước luôn được nhận thức, bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Qua đó chính Nguyễn Khắc Viện cũng đã thừa nhận chính bản thân đã có những thay đổi về chính kiến.
– Về đạo lí ông vẫn giữ nguyên và thừa nhận rằng những yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách con người là không thay đổi được.
+ Đã sinh ra làm một con người thì phải sống sao cho đúng là một con người.
+ Đã là một con người thì phải biết khép mình vào lễ nghĩa, có ý thức rèn luyện theo một nề nếp khuôn khổ nhất đinh để biết nắn mình thành một con người chính nghĩa.
+ Về đối nhân xử thế phải gắn bó với người khác, gắn với truyền thống cha ông, không bị đứt hết gốc rể, không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, dũng cảm nhận trách nhiệm, rộng lượng với mọi người (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn, chớ thi hành với người khác).
+ Nặng nợ với đất nước, với làng xóm, với phố phường xung quanh.
Tất cả là tự ý thức của ông biết được và nhận ra làm động lực tu dưỡng bản thân, có tinh thần tự chủ cao độ, hiểu rõ về mình cần làm và nên làm gì.
3. Cốt cách kẻ sĩ của tác giả.
– Nguyễn Khắc Viện như đã thấm nhuần đạo lý truyền thống của đạo Nho gia nhưng lại không quá là mê muội mà ông biết chắt lọc những tinh hoa văn hóa của những học thuyết khác ngoài Nho giáo để lập cho mình một nền tảng bắt đầu vào đi tìm con đường kẻ sĩ hiện đại.
– Ông đã dám bày tỏ những chủ kiến chủ quan cá nhân của mình trên cơ sở phân tích những mặt tích cực, ưu điểm và nhược điểm của từng học thuyết khác nhau.
– Không chỉ vậy mà nhà văn hóa đó đã vẫn giữ được vẹn nguyên thái độ độc lập với thế quyền, không đồng nhất con người chính trị với con người đạo lí và tư tưởng gắn liền với chính trị.
Nguyễn Khắc Viện cho thấy ông là người đã thấm nhuần đạo lý Nho giáo và tiếp thu những tinh túy của những học thuyết khác, kết hợp hài hòa và hiệu quả hai dòng tư tưởng phương Đông và phương Tây hiện đại.
- Kết bài:
– Bài văn với sự lập luận rất chặt chẽ, sâu sắc và sắc bén và có sự kết tinh những trải nghiệm cuộc sống sâu sắc của Nguyễn Khắc Viện đã thuyết phục người đọc một cách hoàn mỹ.
– Bài học rút ra được ra đó là vấn đề hun đúc gốc rễ đạo lý và biết cống hiến cho xã hội, cho dân tộc, cho cộng đồng.
Tham khảo:
Bài Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” được trích từ chương Noi theo đạo nhà trong cuốn sách Bàn về đạo Nho, công trình nguyên văn viết bằng tiếng Pháp đăng trên tạp chí LA PENSÉE (Tư tưởng) số 10 năm 1962 với tiêu đề : Khổng giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Tên bài là do người biên soạn đặt dựa vào chủ đề của đoạn trích và gợi ý từ chính lời tác giả cuối đoạn trích nên đặt cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” vào trong dấu ngoặc kép là đúng thể thức và có dụng ý hay.
Nguyễn Khắc Viện là một trí thức đa tài nên đã từng được gọi bằng nhiều danh hiệu: bác sĩ, nhà văn, nhà sử học, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, dịch giả, nhà báo, nhà hoạt động trính trị…, gọi là gì cũng có lí; nhà báo Trường Giang thích “gọi ông bằng cái chức danh tổng hợp : Nhà văn hoá” (Báo Giáo dục và thời đại, ngày 01 – 03 – 1993); riêng với ông, ông thích nhất tên gọi mà nhiều Việt kiều đã ban tặng: sĩ phu hiện đại hay kẻ sĩ hiện đại.
Như vậy, trước hết cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” là chỉ đích danh một con người cụ thể: Nguyễn Khắc Viện. Song, trong lịch sử hiện đại Việt Nam, không phải chỉ một mình ông được gọi là kẻ sĩ hiện đại. Chẳng hạn, GS Hoàng Xuân Hãn, “người cùng thời với ông, cùng quê hương Hà Tĩnh, cùng sống một cuộc sống tươi đẹp, cùng đi suốt thế kỉ xx, cùng để lại cho đời nhiều trang sách có giá trị…”, cũng từng được nhiều người gọi là “kẻ sĩ hiện đại”, chỉ có điều khác nhau là “nếu Hoàng Xuân Hãn nghiêng về Tĩnh, nhưng Tĩnh trong Động thì Nguyễn Khắc Viện lại nghiêng về Động, nhưng Động trong Tĩnh” (Phong Lê, Nguyễn Khắc Viện – Phần đời tôi được biết trong Nguyễn Khắc Viện – Chân dung và kỉ niệm, NXB Khoa học Xã hội, H..,2007, tr. 277-291). Như vậy, “kẻ sĩ hiện đại” còn một hàm nghĩa rộng lớn hơn, đúng như SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một đã chú thích: “Người trí thức hiện đại thấm nhuần đạo lý nho giáo, có cốt cách của một nho sĩ chân chính”. Ở phần đầu đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện còn giải thích “kẻ sĩ tức tri thức” cho nên, có thể mở rộng cách hiểu cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” là trí thức hiện đại nói chung.
Nguyễn Khắc Viện tự kể và phân tích quá trình tu dưỡng của mình, song, qua lời kết thúc đoạn trích, có thể thấy ông còn muốn gợi ý về hướng phấn đấu cho những người tri thức của một dân tộc có truyền thống đaọ lí ở đầu những năm sáu mươi của thế kỉ trước, “lúc nước nhà đã sang trang lịch sử” và đã mở ra “những con đường mới”. Đó là hướng hiện đại phải gắn với truyền thống, phải xây dựng trên cơ sở truyền thống. Bước vào thế kỉ XXI, nước nhà cũng đã “sang trang sử” với “những con đường mới” đang mở rộng. Làm thế nào vừa đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế, vừa giữ được bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy được tinh hoa của truyền thống dân tộc, đó là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với chúng ta. Có đặt vào bối cảnh lịch sử ấy mới thấy hết nội dung và ý nghĩa của bài học, tính chất nhật dụng của văn bản.
Có thể chia đoạn trích thành hai phần (Phần thứ hai từ câu: Nhân Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng…) vì hai phần đó đã thể hiện được hai nội dung cơ bản của cả chương Noi theo đạo nhà: Phần đầu chủ yếu nói về “đạo nhà” (trong văn cảnh là Đạo Nho) và phần sau chủ yếu bàn về việc “noi theo” đạo nhà ấy. Nói “chủ yếu” vì nội dung của hai phần không tách bạch một cách rõ rệt mà có những chỗ đan cài nhau, đặc biệt là ở phần sau.
Tác giả giới thiệu “đạo nhà” như một đối tượng để “noi theo” nên đương nhiên là cần nhấn mạnh những mặt tích cực và không thể phân tích toàn diện. Không nên vì thế mà nghĩ rằng Nguyễn Khắc Viện là một người sùng bái Nho giáo. Hình như đoán trước có người sẽ hiểu nhầm thế nên ngay trong cuốn sách, phần nào ông đã thanh minh: “Tôi không phải là tín đồ của Đạo Nho, cũng không phải là một học giả hiểu thấu Nho học. Tôi thuộc một dân tộc đã mấy trăm năm đã thấm nhuần Đạo Nho, là con một gia đình Nho sĩ, truyền thống ấy nằm trong bản tính, dù có muốn bỏ đi cũng không được. Chỉ cố gắng cần nhận thức ra, cần cố gắng giữ lại những gì, bổ sung những gì”. Cũng không nên nghĩ rằng Nguyễn Khắc Viện quá táo bạo khi nhận xét về những học thuyết, tôn giáo khác, đặc biệt là khi ông viết: “Mác trong đạo lí không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo”. Vì tên gọi của công trình vốn là Khổng Giáo và Chủ Nghĩa Mác ở Việt Nam nên Nguyễn Khắc Viện không thể không liên hệ Nho giáo với Chủ Nghĩa Mác, tìm ra những gì khác nhau và giống nhau, những chỗ tương đồng giữa hai học thuyết, điều kiện khiến cho những Nho sĩ tiến bộ thời cận – hiện đại có thể tiếp thu được Chủ nghĩa Mác. Mác là người sáng tạo chủ nghĩac duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, xây dựng học thuyết kinh tế và chủ nghĩa xã hội khoa học, vũ khí lý luận và hành động sắc bén của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị tư sản. Còn Nho giáo, chủ trương “tu tề trị bình”, lấy “tu thân” làm gốc, nên bàn đến chuyện “đạo lí”, “đạo đức”, “xử thế” nổi bật, cụ thể và rõ ràng hơn là chuyện dễ hiểu. Không phải ngẫu nhiên, ngay trước luận điểm đó, Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh: “Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì Chủ nghĩa Mác hơn hẳn”. Ở lời Bạt của cuốn sách, ông nhắc lại một lần nữa ý đó: “Tôi đồng ý phải đặt nhiệm vụ chính trị thành một trong những nối quan tâm hàng đầu, nhưng không phải chỉ trên cơ sở đạo đức, mà cả trên cơ sở khách quan, kinh tế, quan hệ các giai cấp, các dân tộc, theo tiến trình lịch sử như Mác đã phân tích”.
Trong đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện có nhắc đến vài khía cạnh của một vài học thuyết, tôn giáo khác mà ông không không tán đồng song cũng trong “Bàn về đạo Nho”, ở một số chỗ khác, ông lại thừa nhận là các học thuyết và tôn giáo ấy có những điểm hơn hẳn Nho giáo mà chính ông đã tiếp thu: “Đạo Nho không giúp gì tôi trong việc chữa bệnh, tôi đã phải học thêm các thuật Yoga của Ấn Độ và khí công nhu quyền của Đạo giáo. Rồi kết hợp với sinh lí hiện đại, thành thuật dưỡng sinh”. Như đoạn trích đã chỉ rõ, dưỡng sinh là một trong ba hướng tu dưỡng rèn luyện chính của ông.
Trên đây là những điểm đặc biệt lưu ý khi tiếp cận văn bản Nguyễn Khắc Viện.
Trong phần đầu của đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện nêu lên khá nhiều điều tâm đắc về Nhi giáo.
Trước hết là cái gốc duy lí của nó. Ai cũng biết Khổng Tử không nói chuyện quỷ thần, đến những vấn đề có tính chất siêu hình của con người sau lúc chết. Chính “cái gốc duy lí” ấy đã làm cho “đạo Nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác”.
Điều thứ hai là tính chất nhân bản “lấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc”. Trong chương đầu của cuốn Bàn về đạo Nho, ông viết: “Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại đã tập trung mọi sự chú ý của con người vào những vấn đề thuần tuý của con người. Ông là nhà nhân văn chủ nghĩa đầu tiên theo đúng nghĩa của nó. Đọc lại sách Luận Ngữ, ta thấy hầu hết các câu truyện của ông đều xoay quanh chữ Nhân”. Song, Nhân là gì? Gần ba mươi thế kỉ đã troi qua, nhưng cho đến nay, vẫn còn tranh luận về khái niêm này. Theo Nguyễn Khắc Viện “định cho nó một nội dung cụ thể rất khó, vì đó là đức tính tối cao, khiến con người trở thành “Con người” nhất”. Song, “nếu cần phải định nghĩa nội dung chủ yếu thì có thể nêu lên bốn luận điểm:
+ Rộng lượng với mọi người (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn, chớ thi hành với người khác).
+ Hiểu biết để có một thái độ đúng trong mọi hoàn cảnh.
+ Dũng cảm nhận trách nhiệm.
+ Giữ mình đúng lễ.
Tóm lại là có tính người, có tình người”.
Như vậy, trong rất nhiều khái niệm của Nho giáo, ông cho Nhân là khái niệm bao trùm, trong đó có bốn thành tố rất quan trọng: thứ (điểm thứ nhất), văn (điểm thứ hai), dũng (điểm thứ ba), lễ (điểm thứ tư).
Nội dung của đoạn này đã được Nguyễn Khắc Viện nhắc lại ở cuối phần đầu của đoạn trích.
Điều tâm đắc thứ ba là vẫn đề xử thế: “Trong mọi tình thế, đối với người này, người khác, với bề trên kẻ dưới, đối xử ra sao. Nhất là đối với ai có quyền lực, vương bá vua quan. Tôn trọng phong tục luật lệ của cộng đồng mà không để mất nhân phẩm của mình. Trung thành mà không ngu trung, không phải vua bảo gì là nhắm mắt tuân theo…Vào đời, kinh bang tế thế, nhưng cũng biết lúc nào cần rút lui, về dạy học, làm thuốc (như thân phụ của ông đã từ quan lúc 52 tuổi. H.H. thêm). “Lên gân” một tí, Mạnh Tử để lại mấy câu bất hủ: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Lời Bạt, Bàn về đạo Nho). Trong đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện tỏ ra thích thú khi nhắc lại câu chuyện về cách ứng xử của một nhà nho đối với vua Tề.
Nhân tiện, xin dịch đoạn đầu truyện Nhan Xúc thuyết Tề Vương quý sĩ (Nhan Xúc khuyên vua Tề quý trọng kẻ sĩ) trong Chiến Quốc sách để cùng tham khảo:
“Tề Tuyên vương tiếp kiến Nhan Xúc, bảo, Xúc, lại đây! Xúc cũng bảo: Vua, lại đây! Tuyên vương không bằng lòng. Các quan tả hữu nói: Vương là vua, Xúc là bề tôi. Vua bảo Xúc lại đây, Xúc cũng bảo vua lại đây, thế có đúng không? Xúc đáp: Nếu Xúc lại là vì ngưỡng mộ quyền thế, nếu vua lại là vì (thực lòng) hướng về kẻ sĩ. Bảo Xúc ngưỡng mộ quyền thế sao bằng khiến vua quý trọng kẻ sĩ?”
Điều tâm đắc thứ tư là tinh thần có mức độ, ứng xử vừa phải của đạo Nho. “Ứng xử vừa phải” có nghĩa là “không cực đoan”. Trong lời Bạt của Bàn về đạo Nho, ông cho đây là điểm mà ông “tâm đắc nhất” và giải thích rõ hơn những điều đã nêu trong đoạn trích: “Đạo này – tức đạo Nho – cũng dạy lòng nhân, nhưng phật thì mở rộng từ bi cho mọi sinh vật, cả con ong cái kiến cũng như con người, Giê-su thì kêu gọi yêu mọi người như bản thân, vì đều là con của Chúa như nhau. Thầy Khổng Tử không cực đoan như vậy, mà bảo yêu mọi người, nhưng tôi yêu bố mẹ tôi, bà con tôi, dân tộc tôi hơn bố mẹ, bà con, dân tộc người khác”.
Các đạo khác dạy lấy ân đáp cả ân và oán, ông Khổng bảo: lấy ân đáp ân, lấy công bằng sáng suốt mà đáp oán. Giê-su bảo: Ai tát anh má phải, cứ đưa má bên trái cho người tát tiếp. Một nhà Nho đối xử khác: bị tát một lần, biét tránh đỡ những cái tát khác, và nếu người ta quá hung hăng, biết tát lại…”
Trong phần sau của đoạn trích, nhiều điểm tích cực nói trên của đạo Nho được nêu lại song luôn được trình bày gắn với những trải nghiệm của bản thân, của gia đình, trước hết là thân phụ của tác giả, của các thế hệ tiền bối từ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu…Tác giả cho rằng có thông tất cả những trải nghiệm ấy mới hiểu được đạo Nho, mới thấy hết tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó.
Vấn đề trung tâm của phần này là tính chất và vai trò của đạo lí. Thế nào là đạo lí theo quan điểm của Nguyễn Khắc Viện? Qua các bài viết về ông, ta thấy có nhiều cách lí giải khác nhau, mặc dù không mâu thuẫn, bài trừ nhau. GS Phong Lê định nghĩa: “Đạo lí ở đây là cốt cách, nhân cách làm người. Trên cái gốc đạo lí ấy mà ứng xử để biết rõ các giới hạn phải dừng và các mục tiêu có thể đạt được” (Tài liệu đã dẫn).
Theo Đỗ Lai Thuý, đạo lí không phải là bản thân cốt cách hay nhân cách mà là “cái căn bản để tạo nên nhân cách”, nó là tổ hợp những nguyên tắc cơ bản, bất biến chi phối mọi hoạt động ứng xử, ngôn hành của con người, “con người có thể ứng biến, tòng quyền, tuỳ nghi…nhưng không được xa rời đạo lí. Có giữ vững bản chất của nước thì mới linh hoạt như nước được” (Hành trình đến với chữ Tâm trong Nguyễn Khắc Viện – Chân dung và kỉ niệm, Sđd).
Có lẽ định nghĩa và khái niệm của Đỗ Lai Thuý là gần hơn cả với quan niệm của Nguyễn Khắc Viện: “Thời thế biến chuyển, tôi có thay đổi chính kiến, nhưng không hề thay đổi đạo lí. Đã gọi là đạo lí, không thể xa rời dù là chốc lát”. Theo dõi những bài viết của Nguyễn Khắc Viện trong nửa thế kỉ, ta thấy trên một số vấn đề và hiện tượng cụ thể như kinh tế thị trường, hợp tác hoá nông nghiệp, Nhân văn – Giai phẩm…ông đã từng thay đổi “chính kiến”- và tất nhiên không chỉ một mình ông- song xuyên qua tất cả những biểu hiện tiêu cực ấy, ta vẫn thấy ở ông có những tố chất không hề thay đổi, đó chính là những tố chất gắn liền với đạo lí.
Xin kể một câu chuyện để làm rõ ý này. Một hôm, tôi vừa đến thăm ông thì ông Mai Chí Thọ, bấy giờ là Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) gọi điện mời ông đến chơi để trao đổi một vài vấn đề, nhân tiện thưởng thức thứ rượu đặc biệt có người vừa tặng. Tôi thấy ông trả lời ngay: “Tôi không biết uống rượu, vả lại, nay đã hưa, chỉ khi nào đụng đến việc công mới làm phiền đến xe cơ quan. Nếu có chuyện cần trao đổi, xin mời anh đến tôi chơi”.
Ông Thọ vui vẻ nhận lời. Ông Viện bảo tôi ở lại cùng tiếp khách, dĩ nhiên tôi chối từ. Sau đó ít lâu, anh Lê Quang Thành, Viện trưởng Viện Khoa học Công an, người cùng đi với ông Thọ, có kể lại cho tôi nghe về buổi gặp gỡ thân tình và thú vị hôm đó. Quả thật khi vừa nghe ông Viện trả lời, tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện về Nhan Xúc. Từ thời Chiến Quốc đến nay đã trên dưới 25 thế kỉ, quan hệ giữa ông Viện và ông Thọ là quan hệ đồng chí, nhưng rõ ràng ở câu trả lời của ông Viện, vẫn có cái gì đó phảng phất giống lời đối đáp của Nhan Xúc. Phải chăng đó là đạo lí, ở đây là đạo lí ứng xử?
Nguyễn Khắc Viện khẳng định rằng “đạo lí nhà Nho đã góp phần không nhỏ, tuy không phải tất cả”, giúp ông “nên người”, rằng ông Khổng vẫn là “một trong những bậc thầy lớn nhất” “đã giúp cho loài người tiến lên thành người” và cho đến thế kỉ XX, “nhiều điều ông dạy vẫn còn rất bổ ích”, rằng “nhờ truyền thống ấy mà, dù có hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân”, ông “vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, với phố phường, thấy mình có gốc, có rễ”, một điều mà không ít bạn thân của ông, người Pháp, nhìn vào “có ý thèm muốn mà không đạt được”.
Chính những điều đó đã tạo nên bản sắc của nền Văn hoá Việt Nam nói riêng và phần nào bản sắc của văn hoá phương Đông nói chung. Cần lưu ý là trong lúc so sánh với con người phương Tây, Nguyễn Khắc Viện đã có một thái độ khách quan, công bằng, nêu nhược điểm đồng thời với những ưu điểm vượt trội của nó: “Ba trăm phát triển tư bản đã làm con người phương Tây đứt hết gốc rễ, trở thành những cá nhân năng động, tự lập, tự chủ, nhưng cũng khá cô đơn”.
Có người đồng nhất đạo lí và cách xử thế. Về mặt này, trong Bàn về đạo Nho, Nguyễn Khắc Viện cũng nêu lên một cách chí lí sự khác biệt với phương Tây: “Ngày nay, một số học giả Mỹ bày ra cái thuật huấn luyện những cái mà họ gọi là kĩ năng xã hội (socialskills) tức là thủ pháp, thủ thuật, cả thủ đoạn ứng xử trong cuộc sống xã hội, phần nào giống như thuật xử thế của đạo Nho. Chỉ có là theo lối Mỹ, thực dụng, không cần nói đến đạo lí, chỉ biết ứng xử cho thuận lợi. Đó là thuyết ứng xử cả kiểu cũ và mới (behaviorism neobehaviorism): họ thành công không ít nhưng nhiều khi lại rất ngây thơ hay tàn nhẫn, thiếu cái chiều sâu và lòng nhân của nhà Nho”.
Tiếp thu tinh thần nhân văn của Nho giáo, song là một nhà văn hoá còn hiểu biết nhiều học thuyết và tôn giáo khác của phương Đông, là một nhà hoạt động chính trị đã nghiên cứu lâu năm về chủ nghĩa Mác, từng là một bác sĩ nội trú ở Paris, sống ở một trung tâm của nền văn minh phương Tây gần 25 năm, dĩ nhiên hướng rèn luyện cho “nên người” của Nguyễn Khắc Viện không chỉ dừng lại ở chuyện đạo lí và xử thế. Hướng rèn luyện ấy đã được ông trình bày ở phần sau của đoạn trích và mô hình hoá như sau ở trang cuối cuốn Bàn về đạo Nho (Hình ảnh)
Cuối cùng xin lưu ý rằng đoạn trích là một văn bản dịch. Có thể phân tích, lập luận chặt chẽ, văn phong sáng gọn…song không nên đi sâu vào lĩnh vực từ ngữ, dẫu rằng bản dịch của Đào Hùng và Trần Văn Quý khá tốt và đã được tác giả xem lại trước lúc cho công bố ở Việt Nam.