cai-dep-trong-sang-tac-cua-thach-lam

Cái đẹp trong sáng tác nghệ thuật của Thạch Lam

Cái đẹp trong sáng tác nghệ thuật của Thạch Lam.

Thạch Lam quan niệm nhà văn là người đi tìm cái đẹp. Trong tiểu luận Theo dòng ông viết: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp ở chính chổ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức (…). Với tôi sự đẹp có muôn hình vạn trạng, phong phú và đầy đủ, có những giá trị khác xưa” . Vậy là, Thạch Lam thừa nhận cái đẹp tồn tại trong hiện thực khách quan, biểu hiện phong phú và đa dạng trong cuộc sống con người. Cái đẹp man mác, len lỏi, tiềm tàng, kín đáo và bị che lấp trong sự vật. Bởi vậy, không phải ai cũng có thể nhận thấy mà chỉ có những đôi mắt tinh tường, đủ sự nhạy cảm cần thiết mới có thể nhận ra. Quan niệm của Thạch Lam gợi chúng tôi nhớ đến câu nói của Hoàng Đức Lương trong bài tựa Trích Diễm thi tập: “Đến như văn thơ thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được”.

Quan niệm trên đây của Thạch Lam cũng cho thấy thiên chức cao quý của nhà văn là phát hiện cái đẹp để “cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”, để “làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Cái đẹp trong quan niệm của Thạch lam không phải là một thứ trừu tượng, cái đẹp ấy dù kín đáo, dù bị khuất lấp trong cuộc sống, nhưng dưới ngòi bút của ông thì cái đẹp ấy là sự sống được cảm thấy, được “trông nhìn” “thưởng thức”.

Quan niệm của Thạch Lam đã trở thành máu thịt trong tác phẩm của ông. Đến với truyện ngắn của Thạch Lam trước hết người đọc được đắm mình trong vẻ đẹp trinh nguyên, dịu dàng, gần gũi của thiên nhiên. Này đây “một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”, “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” (Hai đứa trẻ), và này đây “một cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai. Tâm ngẩng đầu nhìn lên, chàng vừa đi vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ” (Trở về); “chàng thấy mát hẳn cả người, trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí (…). Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa (…), bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào” (Dưới bóng hoàng lan); “… mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trông chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét” (Gió lạnh đầu mùa).

Có thể nói, trong tác phẩm của Thạch Lam, thiên nhiên với đủ màu sắc, hương vị, âm thanh,… tất cả đều dịu nhẹ, hài hòa, trở thành “dưỡng chất trần gian” giúp con người tĩnh tâm hơn. Thiên nhiên với đặc điểm ấy một phần cũng góp phần thanh lọc tâm hồn, tình cảm con người.

Vẻ đẹp con người trong văn Thạch Lam là vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách, văn hoá Việt Nam. Đó là vẻ đẹp đạt đến độ thuần khiết, tràn đầy hương thơm và ánh sáng của tâm hồn con người khi trở về với mảnh vườn quê thân thuộc, trở về tắm trong không khí nồng ấm thiết tha của tình quê hương (Dưới bóng Hoàng Lan); vẻ đẹp của người phụ nữ chịu thương chịu khó, tần tảo, luôn hy sinh bản thân mình cho người khác (Mai trong truyện Đói, mẹ Lê trong Nhà Mẹ Lê, Tâm trong Cô Hàng xén, chị Sen trong Đứa con, Dung trong tiểu thuyết Ngày mới,…); vẻ đẹp của những mối tình đầu lãng mạn, trinh nguyên (Tình xưa, Dưới bóng Hoàng Lan, Ngày mới…); vẻ đẹp của sự sám hối để hoàn thiện bản thân (Một cơn giận); vẻ đẹp kín đáo, tế nhị và trẻ trung của người phụ nữ (Cuốn sách bỏ quên).

Thạch Lam thường đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh oái oăm của xã hội rồi phát hiện, giữ lại cho con người những vẻ đẹp thuần phác để ngợi ca, để khẳng định. Thật cảm động khi Liên và Huệ (Tối ba mươi) là hai cô gái giang hồ sống trong vũng bùn dơ bẩn nhưng vẫn giữ được nhất điểm lương tâm, tối ba mươi họ vẫn bày bàn thờ cúng tổ tiên và mơ tưởng đến cuộc sống ấm cúng như mọi nhà. Trong truyện Sợi tóc, Thạch Lam đã giữ lại vẻ đẹp lương thiện cho nhân vật Thành trước sự quyến rũ của đồng tiền. Nhân vật Bà Cả (Đứa con) vốn ác nghiệt, nhưng khi đứng trước đứa con của cô Sen – người hầu hạ mình, bà cũng ao ước “giá đánh đổi tất cả của cải để lấy đứa con”. Đó là vẻ đẹp lắng lại nơi đáy sâu tâm hồn của một người đàn bà cay nghiệt và độc đoán. Khai thác vẻ đẹp con người như vậy Thạch Lam hướng đến một mục đích là thanh lọc tâm hồn, tình cảm con người.

Trong muôn vàn cái đẹp, Thạch Lam đặc biệt quan tâm khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn trong thế giới nội tâm phong phú của con người. Đó là vẻ đẹp của tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ giữa người với người. Thật cảm động khi hai chị em Sơn và Lan (Gió lạnh đầu mùa) lấy trộm áo của nhà để cho bạn khi trời rét. Nhân vật Bình (Người bạn trẻ) thấy lòng thắt lại khi bạn bị ốm. Thanh (Một cơn giận) day dứt, đau khổ và hối hận vì hành vi của mình đã làm gia đình anh phu xe phải gian truân suốt đời. Những đứa trẻ (Tiếng chim kêu) thương cho những người lữ khách trên đường vắng giữa đêm khuya giá rét, ái ngại cho những nhà nghèo.

Thạch Lam đặc biệt chú tâm khai thác vẻ đẹp của thế giới tinh thần con người với đầy đủ những cung bậc tình cảm, những biến thái tinh vi, những cảm xúc cảm giác hết sức tế vi trong tâm hồn con người. Người đọc chắc hẳn sẽ day dứt với cảm giác “buồn man mác”, “mơ hồ không hiểu” của cô bé Liên trong truyện Hai đứa trẻ, hay “cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt” (Nhà mẹ Lê). Trong một bài viết tác giả Nguyễn Việt Thắng từng nhận xét rất chí lí rằng: “Thạch Lam có khả năng tái tạo những rung động tâm hồn con người nhiều khi chỉ khẽ như cánh bướm. Cái khả năng ấy chỉ có thể có ở một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cao độ”

Có thể nói, nếu chữ “đẹp” là cái gốc, là điểm xuất phát trong quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam về con người và cuộc sống, thì đọc văn Thạch Lam người đọc được tắm mình trong vẻ đẹp ở muôn hình vạn trạng, ở những chỗ mà không ai ngờ tới: vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng (Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng Hoàng Lan…), vẻ đẹp của con người mang đậm phong vị Việt Nam (Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén…), vẻ đẹp của cuộc sống vốn luôn sinh thành (Đứa con đầu lòng), vẻ đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc (Hà Nội băm sáu phố phường). Đặc biệt, văn Thạch Lam chinh phục lòng người bởi cái đẹp của đời sống tâm hồn và phẩm chất con người (Gió lạnh đầu mùa, Một cơn giận, Tiếng chim kêu, Sợi tóc, Ngày mới…). Quả đúng là trong văn Thạch Lam cái đẹp có muôn hình vạn trạng như ông từng quan niệm.

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang