cam-nhan-ve-dep-mua-xuan-trong-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-cua-thanh-hai

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

  • Mở bài:

Mùa xuân – mùa của sức sống, mùa của sự sinh sôi nảy nở, mùa của những tia nắng ấm áp lấp ló sau hàng cây cổ thụ, mùa của những giọt sương long lanh đọng trên đám cỏ non sau một đêm ngon giấc. Và mùa xuân còn là mùa của lòng người nghệ sĩ, mùa của những tình yêu, mùa của những niềm hi vọng. Góp một đoá hoa khiêm nhường trong mùa xuân thắm tươi, bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải đã vẽ thêm một màu xuân đặc sắc, vừa rộn rã, tươi vui, vừa đằm thắm, thiết tha, hết sức ngọt ngào.

  • Thân bài:

Với Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải đã bắt đúng cái hồn của mùa xuân xứ Huế. Đó là một mùa xuân với không gian cao rộng, màu sắc biếc xanh, đường nét hài hoà, cân đối, âm thanh rộn rã và thần thái đĩnh đạc của vùng đất cố đô:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.

Cảnh sắc thiên nhiên vào xuân qua vài nét chấm phá đã hiện lên vô cùng độc đáo và cụ thể. Đó là một bức tranh với đầy đủ màu sắc và âm thanh. Cảm xúc reo vui hân hoan của nhà thơ khi chào đón mùa xuân.

Dòng sông quê hương lặng lờ trôi, trên dòng sông ấy là những cánh lục bình xanh, nhưng điều quan trọng hơn, điều đáng chú ý hơn là “bông hoa tím biếc” kia. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại đặt chữ “mọc” lên đầu tiên của bài thơ, bông hoa ấy giữa không gian dòng sông rộng lớn vẫn vươn lên kiên cường, hiên ngang, vẫn nguyên một sắc màu tím biếc, màu tím của bông hoa làm cho không gian nguyên màu xanh trở nên ấm ap hơn. Màu tím là màu của áo dài xứ Huế mộng mơ, màu của lãng mạn, của ước mơ, của văn hóa. Bông hoa ấy phải chăng chính là tác giả đang chơi vơi giữa dòng đời, đang đứng bên bờ vực thẳm nhưng vẫn kiên cường vươn lên và góp những sắc màu cho thiên nhiên, cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, ta còn cảm nhận được màu tím ấy có cảm giác man mác buồn, phải chăng đó là cảm xúc của một người đang nằm trên giường bệnh trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời?

Mùa xuân của Thanh Hải còn có âm thanh của tiếng chim chiền chiện, nữ hoàng của bầu trời:

“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”.

Chim chiền chiện là loài chim thân thuộc với làng quê Việt Nam mỗi dịp xuân về, trên những cánh đồng lúa, tiếng chim hót lảnh lót, vang vọng khắp bầu trời quê hương. Giọt long lanh kia hay là giọt sương mai của mùa xuân, giọt ngọc của đất trời hóa thành hay là tiếng hót của chim chiền chiện. Tiếng hót ấy lanh lảnh khắp vùng trời, qua tâm hồn nhà thơ hóa thành giọt long lanh rơi xuống mặt đất:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác biến những tiếng hót chỉ cảm nhận được bằng thính giác thành những giọt âm thanh long lanh trong trẻo có thể cảm nhận được bằng thị giác, xúc giác. Mùa xuân của Thanh Hải có không gian chiều dài của dòng sông, chiều cao của bầu trời, có màu xanh của nước, của nền trời, màu tím của lục bình, có âm thanh của tiếng chim, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một mùa xuân của xứ Huế, mùa xuân quê hương Việt Nam, mùa xuân của cuộc đời nhà thơ. Phải là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước những biến đổi diệu kì của tạo hóa, thiên nhiên, phải là một người nghệ sĩ luôn rung động trước cái đẹp bình dị của quê hương mới có thể viết ra những vần thơ như thế.

Từ sắc màu rực rỡ và âm thanh sôi nổi của mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ đã có những suy ngẫm về mùa xuân của đất nước:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.

Những giá trị chúng ta nhận được của ngày hôm nay đó là sự chắt chiu trong bốn ngàn năm lịch sử hào hùng của dân tộc. Hình như so sánh đất nước như vì sao là một hình ảnh đẹp và đầy ý nghĩa. Nó thể hiện được niềm tin mãnh liệt của nhà thơ về tương lai của dân tộc sẽ mãi vững mạnh và tiến về phía trước.

Từ sự yêu thương tự hào mãnh liệt đó nhà thơ nghĩ về mùa xuân của cá nhân của đời người:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng có những vần thơ vô cùng thấm đẫm triết lí về làm người:

“Đã là con chim chiếc lá
Con chim phải hót chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Có lẽ một cuộc đời nếu chỉ sinh ra và mất đi thì đâu còn cảm nhận hết được tư vị của nó. Chỉ khi chúng ta sống cống hiến và tận tâm ta mới thấy được trái ngọt của cuộc đời. Và nhà thơ Thanh Hải cũng không trượt ngoài mong muốn đó. Đối với ông tình yêu thương đất nước, yêu thương cuộc đời đã biến thành động lực để ông có thể kháo khát tận hiến cho cuộc đời.

Có thể cuộc đời mỗi người là nhỏ bé giữa xã hội nhưng vẫn muốn cống hiến những mùa xuân tươi đẹp nhất đó vào mùa xuân của đất nước:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Lời thơ thiết tha hòa quyện cùng nhịp thơ toàn bài càng nhấn mạnh thêm sự khao khát của tác giả. Ông muốn đem cả cuộc đời của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước. Từ lúc tuổi đôi mươi trai tráng cho cả đến lúc về già. Ông đã nói nên những lời gan ruột từ tận đày lòng của mình. Và nó càng khiến cho độc giả xúc động khi những lời tha thiết đó được viết trước một tháng khi ông qua đời.

Có thể nói cả bài thơ của tác giả hình ảnh mùa xuân được lặp đi lặp lại và trở thành một tâm điểm chính. Thế nhưng nó không chỉ đơn thuần là mùa xuân thiên nhiên mà nó còn là mùa xuân của đất nước và mùa xuân của cuộc đời. Ẩn sâu trong đó là một thứ tình yêu quê hương đất nước đến mãnh liệt của tác giả.

Viết về mùa xuân có rất nhiều tác giả và rất nhiều bài thơ hay. Thế nhưng có lẽ viết sâu sắc và đáng nhớ nhất chỉ có thể là mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Ông đã truyền tải một thông điệp vô cùng ý nghĩa đến với độc giả “Mỗi cuộc đời chính là một mùa xuân và hãy góp phần làm cho mùa xuân của đất nước mãi mãi tười đẹp”.

Hình ảnh mùa xuân của đất nước được nhà thơ miêu tả trọn vẹn trong khổ thơ tiếp theo:

“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”

Từ mùa xuân của thiên nhiên nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Những năm 1980 đó là một thời kì mà cả đất nước đang hăng say hòa mình vào công cuộc xây dựng tổ quốc. Đâu đâu cũng thấy trào dâng một khí thế lao động khẩn trương. Hòa trong mùa xuân của thiên nhiên thì khắp nơi con người cũng đang sục sôi chiến đấu. Người lính nơi chiến trường mang theo sức sống của mùa xuân vững tay súng để bảo vệ tổ quốc. Người nông dân mang sức lao động, giọt mồ hôi của mình tưới xanh cho đồng ruộng. Mở ra một ý nghĩa vô cùng sâu sa đó chính là máu và mồ hôi của đồng bào nhân dân ta đã góp phần tô điểm cho mùa xuân của thiên nhiên mãi mãi xanh tươi.

“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”

Nhà thơ dùng từ láy “hối hả” và “xôn xao” cùng với cụm từ “tất cả như” được lặp lại 2 lần như làm cho câu thơ sáng bừng khí thế, mạnh mẽ một cách đầy bất ngờ. Đó là thời đại của Hồ Chí Minh thời đại của những con người hòa chung với đất nước.

  • Kết bài:

Colleen McCullough đã nói về con chim trước khi lao vào bụi mận gai cất tiếng hót cuối cùng hay nhất trong đời (Tiếng chim hót trong bụi mận gai): “Tiếng hót làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp cho cuộc đời, cho tâm hồn con người”. Và với Thanh Hải, tiếng chim chiền chiện kia, màu sắc của hoa lục bình kia cũng chính là tiếng chim hay nhất, bông hoa đẹp nhất mà nhà thơ lặng lẽ dâng cho đời, đúng như nhà thơ đã nói:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang